Âu Việt

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Âu Việt (chữ Hán: ) hay Tây Âu (西; bính âm: Xī Ōu) là một tập hợp các bộ lạc miền núi sinh sống tại khu vực mà ngày nay là đông bắc Việt Nam, phía tây tỉnh Quảng Đông và phía bắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chí ít là từ thế kỷ 3 TCN.[1][2][3]

Âu Việt còn ám chỉ Vương quốc Đông Âu, hậu duệ của Vương quốc Việt đã di dời đến Phúc Kiến sau khi thất thủ.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Người Tây Âu là một trong số các bộ tộc Bách Việt. Họ có tục để tóc ngắn, xăm mình, nhuộm răng đen.[1][4][5]

Người Âu Việt có quan hệ thương mại với người Lạc Việt, cư dân nước Văn Lang cư trú tại vùng đồng bằng đất thấp ở phía nam Âu Việt, ngày nay là đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam cho tới năm 258 hoặc 257 TCN khi Thục Phán, thủ lĩnh của một liên minh các bộ lạc Âu Việt, tấn công Văn Lang và đánh bại Hùng Vương cuối cùng. Hai vùng đất của người Tây Âu và Lạc Việt được hợp nhất thành một quốc gia. Thục Phán đặt tên quốc gia mới là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương,[1] đóng đô tại Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội)

Nhà Tần chinh phục nước Sở vào năm 223 TCN. Vài năm sau, Tần Thủy Hoàng cho hàng chục vạn quân tiến xuống chinh phục phương nam. Quân Tần kéo xuống chinh phục Tây Âu, khai mào chiến tranh du kích trong ba năm và giết chết thủ lĩnh Tây Âu.[6] Trước thời Hán, Đông và Tây Âu đã giành lại được độc lập. Người Đông Âu bị người Mân Việt tấn công, Hán Vũ Đế đã chiếu cố cho họ di dời tới vùng sông Dương Tửsông Hoài.[7] Tây Âu thì tiến cống cho nước Nam Việt cho tới khi bị Hán Vũ Đế chinh phục và bắt quy hàng.[8] Sau đó, hậu duệ của các vị thủ lĩnh vùng này bị tước mất địa vị. Âu (區), Âu (歐) và Âu Dương (歐陽) đến nay vẫn duy trì trong các tên họ.


Trong truyền thuyết[sửa | sửa mã nguồn]

Trong truyền thuyết Thần cung Bảo kiếm của người Choang, Âu Việt chính là nước Tây Âu, láng giềng của nước Lạc Việt.[9][10] Truyện kể về Triệu Đà và ba nước Nam Việt, Tây Âu, Lạc Việt, nội dung rất giống với truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu của người Kinh. Tuy nhiên, truyền thuyết của người Choang không kể về Trọng Thủy mà là hoàng tử Tây Âu ở rể bên nước Lạc Việt. Đặc biệt, truyện kể dân gian này cũng xác nhận biên giới giữa Tây Âu và Lạc Việt là sông Mãn Giang nằm trong hệ thống sông Tây Giang,[cần dẫn nguồn] một con sông rất nhỏ cách thành phố Nam Ninh khoảng 143km về phía bắc, cách thành phố Ngô Châu (xưa là huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô nhà Hán) khoảng 367km về phía tây, và cách thành phố Cao Bằng – Việt Nam khoảng 200km về phía đông bắc. Thần cung Bảo kiếm là sự kết hợp các nét văn hóa dân gian bản địa với nhân vật lịch sử Triệu Đà. Nhiều khả năng nó là bản gốc của truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy ở Việt Nam. Ở góc độ nào đó, nó phản ánh thực tế xã hội Lạc Việt thời sơ sử: kính sợ yêu ma quỷ thần, tôn trọng thầy cúng đồng cốt, tục ở rể, ăn trầu cau, các xung đột nội tại thường diễn ra trong cộng đồng…[cần dẫn nguồn]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Chapuis, Oscar (1995). A History of Vietnam: From Hong Bang to Tu Duc. Greenwood Publishing Group. tr. 13–14. ISBN 0-313-29622-7.
  2. ^ Nguyễn Vinh Phúc, Historical and cultural sites around Hanoi Nhà xuất bản Thế giới, năm 2000, tr.24, 25 "became the king both of the Âu Việt and Âu Lạc"
  3. ^ Hoàng Anh Tuấn, Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700 Trang 12, năm 2007 "people of Lạc Việt."
  4. ^ Sterling, Eleanor J.; Hurley, Martha Maud; Minh, Le Duc; Le, Minh Duc; Powzyk, Joyce A. (2006). Vietnam: a natural history. Yale University Press. tr. 28. ISBN 0-300-10608-4.
  5. ^ Stevenson, John; Guy, John; Cort, Louise Allison (1997). Vietnamese ceramics: a separate tradition. Art Media Resources with Avery Press. tr. 109.
  6. ^ Hoài Nam Tử 卷18, 人間訓
  7. ^ zh:s:史記/卷114
  8. ^ zh:s:史記/卷113
  9. ^ Lam Hồng Ấn 蓝鸿恩; dchph biên tập (1984). Soạn tại Thượng Hải. Tráng tộc Dân gian Cố sự Tuyển [Tuyển tập truyện kể dân gian của người Choang]. Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải. tr. 131–138.
  10. ^ Lam Hồng Ân 蓝鸿恩; Trương Thái Du biên tập (1985). Soạn tại Bắc Kinh. 神弓宝剑 (Thần cung Bảo kiếm). Nhà xuất bản Văn nghệ Dân gian Trung Quốc. tr. 65–73.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]