Đông Hải (huyện)

(Đổi hướng từ Đông Hải, Bạc Liêu)
Đông Hải
Huyện
Huyện Đông Hải
Sông Gành Hào, ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhBạc Liêu
Huyện lỵĐiền Hải
Trụ sở UBNDẤp Gò Cát, xã Điền Hải
Phân chia hành chính1 thị trấn, 10 xã
Thành lập1/3/2002
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDTô Minh Đương
Chủ tịch HĐNDTrần Thanh Mến
Chủ tịch UBMTTQNguyễn Xuân Thủy
Chánh án TANDNguyễn Văn Tài
Viện trưởng VKSNDĐoàn Thanh Quang
Bí thư Huyện ủyTrần Thanh Mến
Địa lý
Tọa độ: 9°2′29″B 105°25′35″Đ / 9,04139°B 105,42639°Đ / 9.04139; 105.42639
MapBản đồ huyện Đông Hải
Đông Hải trên bản đồ Việt Nam
Đông Hải
Đông Hải
Vị trí huyện Đông Hải trên bản đồ Việt Nam
Diện tích579,53 km²[1]
Dân số (31/12/2022)
Tổng cộng153.771 người[1]
Thành thị14.114 người (9,18%)
Nông thôn139.657 người (90,82%)
Mật độ265 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính960[2]
Mã bưu chính96xxxx
Mã điện thoại291
Biển số xe94-B1/B2
Websitedonghai.baclieu.gov.vn

Đông Hải là một huyện nằm ở phía tây nam tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đông Hải nằm ở phía tây nam tỉnh Bạc Liêu, có vị trí địa lý:

Sông Gành Hào là địa giới của huyện với tỉnh Cà Mau, đổ ra biển bằng cửa biển Gành Hào tại khu vực thị trấn Gành Hào. Đông Hải là huyện có đường bờ biển dài nhất tỉnh Bạc Liêu (khoảng 23 km), thuận lợi cho việc làm muối và đánh bắt hải sản.

Một góc huyện Đông Hải nhìn từ trên cao

Địa hình[sửa | sửa mã nguồn]

Nhìn chung tương đối bằng phẳng, bề mặt bị chia cắt bởi hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt. Cao độ trung bình từ 0,4m – 1,3m; có xu hướng thấp dần từ bờ biển vào sâu trong nội đồng. Do đó, đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, cũng gây khó khăn cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển giao thông đường bộ và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.[3]

Khí hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của biển Đông với những đặc trưng chủ yếu sau:

  • Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,6°C, thường tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất khoảng 24,8°C, tháng 5 có nhiệt độ cao nhất khoảng 29,4°C.
  • Chế độ mưa: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.730mm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (chiếm trên 90% tổng lượng mưa).
  • Chế độ ẩm: cao và ổn định, ít biến đổi qua các năm, trung bình cả năm khoảng 85%, thấp nhất vào mùa khô, cao nhất vào mùa mưa.
  • Chế độ nắng: số giờ nắng trong năm khá cao, khoảng 2.409 giờ/năm.
  • Chế độ gió: có 2 hướng gió thịnh hành là Đông Bắc và Tây Nam.[3]

Thủy văn[sửa | sửa mã nguồn]

Chế độ thủy văn trên địa bàn huyện chịu tác động bởi chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông, chế độ dòng chảy của các sông, kênh, rạch trên địa bàn. Thủy triều Biển Đông là tác nhân chủ yếu đưa xâm nhập mặn vào nội địa theo các sông, kênh, rạch. Trong đó, độ mặn trong các sông, kênh, rạch có sự khác nhau tùy theo vùng (vùng phía Đông Nam mặn nhiều, vùng phía Tây Bắc mặn ít). Riêng ở vùng phía nam Quốc lộ 1 do chế độ bán nhật triều biển Đông chi phối hoàn toàn với lưu tốc dòng chảy mạnh, biên độ khá lớn tạo thuận lợi cho việc tiêu nước tự chảy và rửa mặn, rửa phèn, lấy nước mặn từ biển để làm muối, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng ngập mặn. Mặt khác, theo kết quảnghiên cứu đất đai ven biển huyện Đông Hải trên 30 năm qua cho thấy vùng ven biển của huyện thường xảy ra vấn đề xói lở và bồi tụ, trong đó, đoạn từ thị trấn Gành Hào đến hợp tác xã Long Hà (xã Long Điền Tây) bị xói lở mạnh từ 0,1–0,5km và đoạn từ hợp tác xã Long Hà đến kênh Cống Cái Cùng (xã Long Điền Đông) được bồi từ 0,4 – 1,5km.[3]

Tài nguyên đất[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay trên địa bàn huyện Đông Hải có 3 nhóm đất chính là đất mặn, đất phèn tiềm tàng – mặn trung bình và đất nhân tác, Trong đó:

  • Nhóm đất mặn, diện tích khoảng 11.592,09 ha, chiếm 20% diện tích tự nhiên (DTTN), phân bố chủ yếu ở phần bãi bồi ven biển và bờ biển. Thành phần cơ giới đất có tỷ lệ cát và bột thấp (22-27%), cấp hạt cát không vượt quá (25%), khả năng sử dụng thích hợp cho trồng rừng phòng hộ, nuôi trồng thủy sản và làm muối.
  • Nhóm đất phèn tiềm tàng – mặn trung bình, diện tích khoảng 36.088 ha, chiếm 62,27% DTTN, phân bố đều trên địa bàn các xã, thị trấn; khả năng sử dụng thích hợp cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
  • Nhóm đất nhân tác, có diện tích khoảng 8.680,07 ha, chiếm 15,29% DTTN; phân bố tập trung dọc theo các kênh, rạch, các trục lộ giao thông lớn, các cụm dân cư tập trung; thành phần lý hóa tính đã bị thay đổi nhiều do quá trình sử dụng. Ngoài ra, đất sông, kênh, rạch có diện tích 1.413,02 ha, chiếm 4,09% DTTN, phân đều trên địa bàn huyện.[3]

Tài nguyên nước[sửa | sửa mã nguồn]

Nước mặt: có 2 nguồn chính là nước ngọt và nước mặn, trong đó:

  • Nước ngọt: được cung cấp từ nước mưa và hệ thống sông, kênh rạch khá dày đặc trên địa bàn. Nguồn nước chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, đồng thời dùng để cải tạo đất, rửa chua, phèn và phục vụ giao thông thủy.
  • Nước mặn: được cung cấp từ Biển Đông nên rất dồi dào, chủ yếu phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, sản xuất muối và giao thông thủy.

Nước dưới đất: trên địa bàn huyện ở độ sâu khoảng từ 80–500m có 4 tầng chứa nước với trữ lượng lớn, chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu khai thác ở độ sâu từ 80 - 150m để phục vụ cho mục đích công nghiệp chế biến và sinh hoạt của nhân dân.[3]

Tài nguyên rừng[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện tại, huyện có khoảng 1.563,87 ha đất rừng, toàn bộ là rừng phòng hộ, được phân bố trên địa bàn các xã ven biển như: Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây và thị trấn Gành Hào với một số cây chiếm ưu thế như: đước, mắm, vẹt,... chủ yếu đóng vai trò hạn chế xói mòn, giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan đẹp cho phát triển du lịch sinh thái ven biển.[3]

Tài nguyên biển[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đông Hải có chiều dài bờ biển khoảng 23km, với các cửa sông lớn như Gành Hào, Cái Cùng nên rất thuận lợi trong khai thác, chế biến và dịch vụ thủy sản. Đặc biệt, khu vực biển của huyện có nhiều loại hải sản với trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao như: tôm biển các loại, cá Hồng, cá Gộc, cá Sao, cá Thu, cá Chim,... nên huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm cung cấp các dịch vụ cho đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Nước biển có độ mặn cao, thuận lợi cho phát triển sản xuất, chế biến muối và các sản phẩm sau muối.[3]

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đông Hải có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Gành Hào và 10 xã: An Phúc, An Trạch, An Trạch A, Điền Hải (huyện lỵ), Định Thành, Định Thành A, Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Đông A, Long Điền Tây với 84 ấp.

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc huyện Đông Hải
Tên Diện tích (km²) Dân số (người) Mật độ (người/km²) Hành chính Năm thành lập Loại đô thị Năm công nhận
Thị trấn (1)
Gành Hào 13,40 14.114[1] 1.053 5 ấp 1979 Loại V 2021
Xã (10)
An Phúc 57,68 11.639 201 7 ấp 1987
An Trạch 49,22 13.460 273 9 ấp 2008
An Trạch A 51,01 11.511 225 8 ấp 2008
Điền Hải 38,57 10.327 267 6 ấp 2008
Định Thành 31,60 12.229 386 5 ấp 1991
Định Thành A 27,92 10.268 367 5 ấp 2003
Long Điền 87,70 23.444 267 15 ấp 1979
Long Điền Đông 101,65 19.100 187 8 ấp 1991
Long Điền Đông A 47,76 14.822 310 8 ấp 1999
Long Điền Tây 72,66 11.862 163 8 ấp 1979
Nguồn: Công bố kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2019[4]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Trước năm 2001, địa bàn huyện Đông Hải ngày nay là một phần huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai).

Ngày 24 tháng 12 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2001/NĐ-CP[5] về việc thành lập huyện Đông Hải trên cơ sở 52.786,36 ha diện tích tự nhiên và 123.440 nhân khẩu của huyện Giá Rai.

Huyện Đông Hải trên cơ sở 52.786,36 ha diện tích tự nhiên và 123.440 nhân khẩu, gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: An Trạch, An Phúc, Định Thành, Long Điền, Long Điền Tây, Long Điền Đông, Long Điền Đông A và thị trấn Gành Hào. Huyện lỵ của huyện đặt tại thị trấn Gành Hào.

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP[6] về việc thành lập xã Định Thành A trên cơ sở 2.986,50 ha diện tích tự nhiên và 9.410 nhân khẩu của xã Định Thành.

Ngày 01 tháng 8 năm 2008, Nghị định 85/2008/NĐ-CP[7] về việc:

  • Thành lập xã An Trạch A trên cơ sở điều chỉnh 4.807,48 ha diện tích tự nhiên và 11.238 nhân khẩu của xã An Trạch
  • Thành lập xã Điền Hải trên cơ sở điều chỉnh 3.400,04 ha diện tích tự nhiên và 9.408 nhân khẩu của xã Long Điền Tây.

Huyện Đông Hải có 56.160,17 ha diện tích tự nhiên và 138.983 nhân khẩu, có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Gành Hào và 10 xã: Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Đông A, Long Điền Tây, Điền Hải, An Phúc, An Trạch, An Trạch A, Định Thành và Định Thành A.

Kinh tế - xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Kinh tế[sửa | sửa mã nguồn]

Sông Gành Hào, ranh giới tự nhiên
giữa tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau

Huyện Đông Hải phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tạo nên những bước đột phá mới cho phát triển kinh tế biển, Ban Chấp hành Tỉnh ủy (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã. Đây là điều kiện để huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện trở thành trọng điểm về kinh tế biển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện giai đoạn 2016-2020 đạt 7,16%. Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành): khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 40,63%; khu vực công nghiệp – xây dựng 20,34%; khu vực thương mại – dịch vụ 34,11%.[3]

Nông nghiệp – thủy sản[sửa | sửa mã nguồn]

Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính của huyện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 bình quân 14,5%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 11.283 tỷ đồng tăng 8.367 tỷ đồng so với năm 2010 (2.916 tỷ đồng). Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo diện tích vườn kém hiệu quả để phát triển các mô hình trồng rau, màu; phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, tăng cường công tác tập huấn khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện đánh bắt trên biển, từng bước phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá,.. Do đó, kinh tế nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.[3]

Công nghiệp – xây dựng[sửa | sửa mã nguồn]

Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong những năm qua đã phát huy được các tiềm năng lợi thế về nguồn nguyên liệu nên đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của huyện, góp phần tạo ra sự thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, tác động tích cực đối với các ngành nông nghiệp và dịch vụ.... Giai đoạn 2011-2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 11,6%/năm, đạt 2.101 tỷ đồng năm 2020 và tăng 1.400 tỷ đồng so với năm 2010 (701 tỷ đồng).[3]

Dịch vụ[sửa | sửa mã nguồn]

Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì và phát triển ổn định; hệ thống chợ từng bước đầu tư và mở rộng; chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế đã tạo cho lượng hàng hóa dồi dào, nhiều chủng loại và đa dạng. Giai đoạn 2011-2020, tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tăng bình quân 15,4%/năm, đạt 5.876 tỷ đồng năm 2020 và tăng 4.472 tỷ đồng so với năm 2010 (1.404 tỷ đồng).[3]

Xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2018, toàn huyện có 51 trường học với hơn 630 phòng học. Đến nay, huyện có 100% phòng học được xây dựng cơ bản và bán cơ bản, 11/51 trường đạt chuẩn quốc gia, 55% giáo viên đạt chuẩn và gần 42% giáo viên đạt trên chuẩn. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,95%, THCS đạt 99,28%, tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Y tế[sửa | sửa mã nguồn]

Cơ sở vật chất khám và điều trị bệnh ở Bệnh viện đa khoa huyện và Trạm y tế xã, thị trấn được tăng cường. Hiện nay huyện có trên 70% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Dân số[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử phát triển dân số của huyện Đông Hải qua các năm
NămSố dân±%
2001 123.440—    
2010 145.434+17.8%
2014 148.428+2.1%
2015 148.823+0.3%
2016 149.056+0.2%
2017 149.412+0.2%
NămSố dân±%
2018 149.814+0.3%
2019 152.788+2.0%
2020 153.771+0.6%
1/11/2021 154.607+0.5%
2022 153.771−0.5%
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bạc Liêu

Huyện Đông Hải có diện tích tự nhiên là 579,63 km², dân số năm 2016, dân số toàn huyện là 149.056 người, trong đó: dân tộc Kinh 145.158 người; dân tộc Hoa 237 người; dân tộc Khmer 3.818 người; dân tộc khác 20 người. Dân số 2018 là 149.814 người, mật độ dân số của huyện là 259 người/km². Trong đó, dân số sống ở thành thị là 17.893 người chiếm tỉ lệ 11,94% và dân số sống ở nông thôn là 131.975 người chiếm tỉ lệ 88,06%.

Theo thống kê năm 2019, huyện Đông Hải có diện tích 579,63 km², dân số là 152.788 người, mật độ dân số đạt 264 người/km².[8]

Năm 2019, dân số toàn huyện Đông Hải là 153.771 người, trong đó, dân số thành thị là 14.114 người chiếm 9,18%, dân số nông thôn là 139.657 người chiếm 90,82%.[9]

Theo thống kê ngày 1 tháng 11 năm 2021, dân số huyện Đông Hải là 154.607 người, trong đó: dân số thành thị là 14.327 (9,27%), dân số nông thôn là 140.280 người (90,73%).[10]

Huyện Đông Hải có diện tích 579,53 km², dân số năm 2022 là 153.771 người, trong đó khu vực thành thị 14.114 người, chiếm 9,18%; khu vực nông thôn 139.657 người, chiếm 90,82%.[1]

Văn hóa - Du lịch[sửa | sửa mã nguồn]

Trên địa bàn huyện, có 3 dân tộc cùng sinh sống là Kinh (chiếm 97,28%), Khmer (chiếm 2,55%), Hoa (chiếm 0,15%) nên luôn có các Lễ hội gắn liền với đời sống tâm linh của các dân tộc, tôn giáo như Lễ hội Kỳ yên ở Đình thần Long Điền, xã Long Điền và Đình Nguyễn Trung Trực, xã An Trạch A. Đặc biệt, do là huyện vùng ven biển nên hằng năm tại cửa biển Gành Hào, cư dân biển đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông với nhiều hoạt động sôi nổi như: tổ chức cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản đồng loạt diễu hành ra biển; lễ thỉnh Ông Nam Hải; thả tôm giống ra biển; Hội chợ thương mại.... cùng nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian, giao lưu ẩm thực. Ngoài các hoạt động truyền thống của ngư dân, đây còn là dịp để Đông Hải quảng bá hình ảnh, giới thiệu phong tục, tập quán đến người dân trong và ngoài nước, cũng như khách du lịch nên góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện.[3]

Đến nay 100% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn. Trên 95% hộ gia đình và trên 90% ấp đạt chuẩn văn hóa, 2 xã đạt chuẩn văn hóa.

Huyện đã hỗ trợ và xây dựng gần 1.000 căn nhà tình nghĩa. Vận động quỹ Vì người nghèo, quỹ An sinh xã hội 12 tỷ đồng, triển khai xây dựng trên 6800 căn nhà tình thương và nhà 167 cho người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22.46%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 năm qua trên 370 tỷ đồng, riêng năm 2011 là 57 tỷ đồng, tăng 6,4 lần so với năm 2002.

Lễ hội[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện có 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, hằng năm có các lễ hội như Lễ hội nghinh Ông của ngư dân Gành Hào, Lễ Kỳ yên và các lễ hội khác của người Khmer.

Với những nỗ lực trên, ngày 1/3/2012 Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hải vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III trong ngày kỷ niệm 10 năm thành lập huyện.

Du lịch[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc biệt, tại ấp Rạch Rắn xã Long Điền hiện có khu di tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.

Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển theo tuyến đê biển Đông, vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây), Lăng Ông Gành Hào.

Giao thông[sửa | sửa mã nguồn]

Sông Gành Hào, ranh giới giữa tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, đoạn chảy qua huyện Đông Hải

Giao thông đường bộ[sửa | sửa mã nguồn]

Trên địa bàn huyện, mạng lưới giao thông bộ phát triển khá nhanh, đến nay có 10/10 xã thuộc huyện đã có đường nhựa cho xe ô tô lưu thông đến trung tâm xã theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Nhìn chung, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt cao, nhất là các tuyến quan trọng. Cụ thể, như sau:

  • Đường tỉnh: có 5 tuyến với tổng chiều dài khoảng 97,4 km, mặt đường được láng nhựa, cấp phối hoặc đất đen. Gồm các tuyến như ĐT.977 dài 10,6 km; ĐT.979B dài 13,5 km; ĐT.980 dài 26,6 km; ĐT.982 dài 31 km; ĐT.981B dài 15,7 km.
  • Đường huyện: có 14 tuyến với tổng chiều dài 212,6 km. Các tuyến đường đạt cấp V hoặc cấp VI đồng bằng, mặt đường được láng nhựa, bêtông xi măng hoặc đường đất. Do đó, khả năng khai thác còn hạn chế, không ổn định và bị giới hạn về tải trọng vận chuyển.
  • Đường giao thông nông thôn: có tổng chiều dài khoảng 525 km; mặt đường đá cấp phối, bê tông xi măng, đất, rộng từ 2-3 m, đồng thời vào mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập nước và sói lở nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trên địa bàn.[3]

Đường thủy[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đông Hải có bờ biển dài khoảng 23km, với hai cửa sông lớn thông ra biển là Gành Hào và Cái Cùng, trên địa bàn còn có các tuyến kênh lớn như kênh Hộ Phòng – Gành Hào; kênh xáng Tắc Vân; kênh Cái Cùng – Xóm Lung, cùng nhiều tuyến vừa và nhỏ khác được phân bố tương đối đều trên địa bàn nên đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt rất thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sông và đường biển.[3]

Kết nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.[11][12]

Hình ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d UBND huyện Đông Hải (4 tháng 8 năm 2023). “Báo cáo thuyết minh kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu” (PDF). Cổng thông tin điện tử huyện Đông Hải. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2023.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ a b c d e f g h i j k l m n “Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Đông Hải – tỉnh Bạc Liêu” (PDF). CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐÔNG HẢI. 11 tháng 10 năm 2021. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2022.
  4. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương (7 tháng 12 năm 2020). “Dân số cấp xã đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Bạc Liêu”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2020.
  5. ^ “Nghị định 98/2001/NĐ-CP về việc chia huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thành hai huyện Đông Hải và Giá Rai”. Thư viện pháp luật. 24 tháng 12 năm 2001. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 12 năm 2021. Truy cập 24 tháng 12 năm 2001.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  6. ^ “Nghị định số 166/2003/NĐ-CP về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu”. Thư viện pháp luật. 24 tháng 12 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 12 năm 2021. Truy cập 24 tháng 12 năm 2003.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  7. ^ “Nghị định 85/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Đông Hải, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu”. Thư viện pháp luật. 1 tháng 8 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2021. Truy cập 18 tháng 12 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  8. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Bạc Liêu” (PDF). Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2020.
  9. ^ “Niên giám Thống kê năm 2020 tỉnh Bạc Liêu” (PDF). Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu. 30 tháng 6 năm 2021.
  10. ^ “Báo cáo kết quả sơ bộ tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022-2025 (Họp với các Sở, ngành có liên quan để nghe báo cáo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo)”. VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU. 22 tháng 11 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
  11. ^ Ký kết hợp tác phát triển giữa huyện Kim Sơn và huyện Đông Hải
  12. ^ “Triển khai kế hoạch giao lưu kết nghĩa với huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2021.