Đại lộ Đinh Tiên Hoàng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hầm vượt quảng trường trên đại lộ Đinh Tiên Hoàng

Đại lộ Đinh Tiên Hoàng là tuyến đường trục giao thông nằm ở phía đông bắc trung tâm thành phố Ninh Bình. Tuyến có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Hồng Phong, nơi đặt trụ sở UBND Tỉnh, đi qua Nhà thi đấu Ninh Bình, Tỉnh Ủy Ninh Bình, Quảng trường 2, điểm cuối nút giao ngã tư đầu cầu Gián Khẩu thuộc thành phố Ninh Bìnhhuyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.[1] Sau khi dự án hoàn thành cùng với phần đường Đinh Tiên Hoàng cũ cải tạo thì tuyến Đại lộ Đinh Tiên Hoàng sẽ có chiều dài 9 km, từ Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình đến cầu Gián Khẩu.[2] Đồ án quy hoạch đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đại lộ Đinh Tiên Hoàng sẽ là trục kiến trúc cảnh quan chính của thành phố Ninh Bình.[3]

Thông số kỹ thuật[sửa | sửa mã nguồn]

  • Mặt cắt ngang mặt đường 86,5 m; Trong đó: mặt đường 40.5 m, giải phân cách + vỉa hè + hành lang 46,0 m.
  • Các tuyến giao cắt và các trục dọc, ngang thuộc đại lộ 27,8 km
  • Nhu cầu sử dụng đất: Tổng diện tích khoảng 50 – 80 ha
  • Tải trọng H30 và XH80
  • Đường trục chính đô thị, thiết kế cho xe chạy với tốc dộ 40 km/h
  • Đảm bảo thông xe tốt 2 mùa
  • Lưu lượng thông xe từ 500 – 1.000 xe/ngày đêm

Đặc điểm[sửa | sửa mã nguồn]

Đường Đinh Tiên Hoàng nguyên là một tuyến đường lớn hai chiều có dải phân cách vườn hoa ở trung tâm thành phố Ninh Bình. Đường mang tên hiệu của vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh là người con của quê hương Ninh Bình. Đường nằm song song với Quốc lộ 1, có điểm khởi đầu nằm trên quốc lộ 10, gần UBND tỉnh Ninh Bình, đi qua tỉnh ủy Ninh Bình, Cục Thuế, Hải quan Ninh Bình, Cục hải quan Hà Nam Ninh, công an Ninh Bình, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, khu đô thị sinh thái du lịch mới và nhiều trung tâm giải trí du lịch của thành phố này như: Nhà thi đấu Ninh Bình, New Life Ninh Bình, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí khác... Tuyến Đinh Tiên Hoàng cũng nối với một số đường trục chính khác như: Đại lộ Tràng An, đường Lê Hồng Phong, đường Lương Văn Thăng, đường Vạn Hạnh. Dự án Đại lộ Đinh Tiên Hoàng đi qua địa bàn các phường Đông Thành, Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) và các xã Ninh Khang, Ninh Mỹ, Ninh Giang của huyện Hoa Lư.

Đại lộ Đinh Tiên Hoàng đoạn xây mới sẽ nằm trong khu vực xây dựng mới hệ thống công trình dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng cấp tỉnh chất lượng cao, kiến trúc hiện đại; xây dựng hồ điều hòa tại Ninh Khang kết hợp công viên vui chơi giải trí cấp đô thị.[4]

Một số công trình bên đại lộ[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình

Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế[sửa | sửa mã nguồn]

Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế là công trình kiến trúc lớn nằm ở trung tâm thành phố Ninh Bình. Đây là công trình văn hóa được coi là điểm nhấn của thành phố này. Quảng trường là nơi tôn vinh người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã có công thống nhất đất nước, lập nên Triều đại nhà Đinh, kinh đô Hoa Lư trong lịch sử Việt Nam. Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế nằm ở nội đô thành phố Ninh Bình, có dạng hình chữ nhật nằm theo hướng tây - đông, kẹp giữa 2 đường Đinh Điền và Nguyễn Bặc, tựa lưng vào Quốc lộ 1. Con đường trục chính của thành phố Ninh Bình là đại lộ Đinh Tiên Hoàng cũng có hầm ngầm xuyên qua khu quảng trường này. Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế là công trình để phục vụ khu trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng quy mô lớn, đáp ứng các hoạt động văn hoá của tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử của Ninh Bình nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Nhà thi đấu Ninh Bình[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà thi đấu Ninh Bình là nơi diễn ra nhiều giải đấu lớn như Bóng chuyền, vật, võ,... là sân nhà của câu lạc bộ bóng chuyền Tràng An Ninh Bình, tại đây hàng năm diễn ra giải bóng chuyền cúp Hoa Lư của các đội bóng chuyền mạnh Việt Nam.

Hầm vượt[sửa | sửa mã nguồn]

Đường hầm trên tuyến đại lộ Đinh Tiên Hoàng, Thành phố Ninh Bình có tổng chiều dài 783m trong đó hầm kín là 320m, tĩnh không 4,75m, quy mô mặt đường 4 làn xe chạy qua. Đây là đường hầm đầu tiên và cũng là hiện đại nhất ở Ninh Bình hiện nay với kết cấu hầm kín bê tông cốt thép. Được khởi công vào tháng 8/2013, sau hơn 10 tháng thi công đường hầm trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng hoàn thành trước kế hoạch đề ra, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng.[5]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Xây dựng Đại lộ Đinh Tiên Hoàng”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2015.
  2. ^ “UBND tỉnh cho ý kiến vào Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2015.
  3. ^ Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 mở rộng
  4. ^ “QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2015.
  5. ^ Thông xe kỹ thuật đường hầm Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]