Đảng Lập hiến Đông Dương

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đảng Lập hiến Đông Dương
Parti constitutionaliste Indochinois
Lãnh tụBùi Quang Chiêu
Thành lậpTên gọi này xuất hiện lần đầu tiên ngày 17/4/1919.
Báo chíTribune Indigène
L'Echo Annamite
Đuốc Nhà Nam
Tribune Indochinoise
Lục tỉnh Tân văn
Ý thức hệChủ nghĩa lập hiến
Thuộc quốc gia Liên bang Đông Dương

Đảng Lập hiến Đông Dương (tiếng Pháp: Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chính đảng hoạt động ở Nam Kỳ trong thập niên 1910 đến 1930. Đảng này do Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông, có quốc tịch Pháp, cũng là hội trưởng Hội Trí Tri và chủ bút tờ La Tribune Indochinoise thành lập.

Người sáng lập[sửa | sửa mã nguồn]

Bùi Quang Chiêu xuất thân từ gia đình nhà nho nhưng hoàn toàn theo Tây học; năm 21 tuổi (năm 1893) ông đi du học sang Algérie rồi sang Pháp học ở trường kỹ sư canh nông Institut National Agronomique. Trở về nước ông làm công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp với cương vị kỹ sư nông nghiệp.

Năm 1917, Nguyễn Phú Khai cùng Bùi Quang Chiêu tổ chức xuất bản tờ báo Tribune Indigène (Diễn đàn Bản xứ). Ngày 17/4/1919, trên manchette tờ báo xuất hiện dòng chữ “cơ quan ngôn luận của Đảng Lập hiến” (Organe du Parti Constitutionaliste). Đến năm 1925, Bùi Quang Chiêu sang Pháp cùng với Dương Văn Giáo vận động cải cách ở Đông Dương và xin phép thành lập Đảng Lập hiến chính thức theo Đạo luật 1901 của nước Pháp. Đến ngày 20/10/1926, Đảng Lập hiến được cấp phép hoạt động chính thức ở Pháp. Tờ Tribune Indigène (Diễn đàn Bản xứ) đổi thành tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương) có phụ bản ở châu Âu[1].

Tuy gọi là Đảng nhưng những Đảng Lập hiến lại tổ chức giống như một câu lạc bộ chính trị của giới điền chủ, nghiệp chủ, công chức người Việt ở Nam kì.

Lực lượng[sửa | sửa mã nguồn]

Đảng Lập Hiến có lực lượng tham gia chủ yếu là người Việt thuộc thành phần giai cấp tư sản dân tộc, đại địa chủ, tri thức tiểu tư sản, một số là binh lính phục vụ trong hàng ngũ quân đội thực dân Pháp. Đảng này hoạt động chủ yếu ở Nam Kỳ. Một số nhân vật tiêu biểu của Đảng Lập hiến ở Nam kì là Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Dương Văn Giáo, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Khá...

Trong năm 1930 đã diễn ra một trận bút chiến giữa tờ Đuốc nhà Nam của Nguyễn Phan Long và cây bút Phan Khôi của Trung lập báo. Qua cuộc bút chiến này, đặc biệt là trong loạt bài về Đảng Lập hiến đã giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự vận động thành lập và cơ chế hoạt động của đảng này:

“Ông Bùi Quang Chiêu cùng ông Dương Văn Giáo đứng dựng nên đảng Lập hiến tại bên Pháp, có đem điều lệ của đảng trình tại dinh quận Seine. Đến khi trở về bên này, ông Bùi có đem điều lệ ấy đến trình ở chánh phủ Nam kì, Từ lúc đó đến giờ (1930-TG) không thấy chánh phủ trả lời cho ông về sự đó sao hết. Nhơn vì chánh phủ chưa tuyên bố rằng đã nhận được điều lệ của đảng, chưa nhìn nhận đảng nên đảng Lập hiến như là chưa thành lập một cách chính thức. Đó là vì còn thiếu cái điều khoản quan hệ ấy mà đảng Lập hiến không có đủ danh nghĩa đặng họp hội đồng, lựa đảng viên…”[2].

Qua đó thể thấy Đảng Lập hiến dù gọi là Đảng nhưng thật chất chỉ là một nhóm chính trị gồm các điền chủ, nghiệp chủ, trí thức… có địa vị trong xã hội Nam kì dưới sự cổ động của các tờ báo do nhóm này lập ra như La Tribune Indegènè, L’Écho Annamite, Đuốc nhà Nam,...

Chủ trương[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ trương của Lập hiến Đảng là đấu tranh ôn hòa, thỏa hiệp với thực dân Pháp vào đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 20 nhằm giành quyền lợi về kinh tế cho người Việt, chủ trương dành độc lập dân tộc thông qua việc duy tân, thu nhập và phát triển văn hóa mới theo phương Tây.

Khi Alexandre Varenne qua Đông Dương chấp nhiệm làm toàn quyền năm 1925 thì đảng Lập hiến soạn "Le cahier des vœux" 50 trang đưa ra một số nguyện vọng về cải cách thủ tục nhập tịch công dân Pháp, phép cai trị, nền giáo dục, lệ quân dịch, và tự do báo chí, đại để đều nằm trong khuôn khổ hạn chế chứ không thách thức gì chính quyền. Varenne hứa hẹn sẽ xét cải tổ một số điểm về ngạch công chức cho người Việt và mở thêm trường sở nhưng giữ nguyên lập trường hạn chế đám đông tập họp và kiểm duyệt với báo chí tiếng Việt.[3]

Cơ quan ngôn luận[sửa | sửa mã nguồn]

Tribune Indigène là tờ báo tiếng Pháp đầu tiên của người Việt, ra đời tháng 8 năm 1917 ở Nam Kỳ nguyên do Nguyễn Phú Khai thành lập nhưng kinh phí do chính phủ Liên bang Đông Dương đài thọ. Ông có lập trường bài Hoa, thường dùng báo cổ động đấu tranh kinh tế với Hoa kiều.[4] Ông cũng là người Việt đầu tiên mở nhà máy gạo năm 1915 cạnh tranh với người Hoa ở Mỹ Tho.

Sau khi Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu ra đời thì báo Tribune Indigène được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đảng. Hai tờ L'Echo AnnamiteĐuốc Nhà Nam cũng thuộc Đảng cùng phát động rầm rộ chiến dịch tẩy chay hàng hóa người Hoa năm 1919 và ủng hộ việc tham gia các hoạt động tài chính, ngân hàng trong nền kinh tế của người Việt vào giữa thập niên 1920.[5]

Các báo này sau dùng để chuyển đạt đòi hỏi bình quyền giữa người Việt và người Pháp nên tháng 2 năm 1925 tờ Tribune Indigène bị chính phủ Thuộc địa ép phải đình bản. Sang năm sau, 1926 tờ Tribune Indochinoise mới ra đời (F H Schneider đứng tên) phục hoạt làm tiếng nói của Đảng.[6] Báo này hoạt động đến năm 1942 thì chấm dứt.[7] Tờ Lục tỉnh Tân văn của Nguyễn Văn Của và Lê Quang Liêm cũng được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đảng Lập hiến.

Uy tín và hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới sự phát động và kiên trì đấu tranh của Đảng Lập hiến, các phong trào tẩy chay khách trú (1919), chống độc quyền cảng Sài Gòn (1923) đã mang lại những chuyển biến tích cực và tạo dấu ấn trong đời sống chính trị - xã hội thuộc địa. Từ những thành công này, Đảng Lập hiến đã đấu tranh để mở rộng số lượng thành viên người Việt trong Hội đồng quản hạt và cử tri đoàn người Việt vào năm 1922. Nguyễn Phan Long đại diện cho Đảng Lập hiến đã giành được ghế Phó Chủ tịch Hội đồng quản hạt. Vào năm 1926, trong số 10 ghế dành cho người bản xứ trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ thì đảng viên Đảng Lập Hiến đắc cử cả 10. Toàn quyền Alexandre Varenne cũng tỏ ra muốn lắng nghe nguyện vọng của Đảng Lập Hiến nhưng ngoài việc cách chức viên thống đốc Nam Kỳ bảo thủ là Maurice Cognacq, Varenne chỉ hứa hẹn cứu xét chứ không đáp ứng được mấy nguyện vọng tự do xã hội của người Việt.[3] Cao điểm của Đảng là vào thập niên 1930 khi Bùi Quang Chiêu làm đại diện Nam Kỳ tại Thượng Hội đồng Thuộc địa ở thủ đô chính quốc Paris trong khi Nguyễn Phan Long và những đảng viên khác đắc cử trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và Hội đồng thành phố Sài Gòn.

Một sự kiện khá đặc biệt đối với Bùi Quang Chiêu và những người Lập hiến ở Nam kì là chuyến đi đến Calcutta dự Đại hội lần thứ 43 của Đảng Quốc đại Ấn Độ (1929) của Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo. Chuyến đi có rất có ý nghĩa với Bùi Quang Chiêu vì đây là đầu tiên Bùi Quang Chiêu được đi sang một xứ thuộc địa phương Tây khác ngoài Pháp và dự đại hội của một đảng theo đường lối đấu tranh ôn hòa của Ấn Độ, cùng một khuynh hướng mà Chiêu và Đảng Lập hiến đang theo đuổi. Bùi Quang Chiêu xem sự kiện này là hành động đầu tiên trong đời sống quốc tế của người Annam ở Viễn Đông[8]. Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo đã gặp các lãnh đạo chủ chốt của Đảng Quốc đại Ấn Độ trong suốt thời gian ở Calcutta. Và cũng nhân chuyến đi, Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo đã mời nhà thơ Rabindranath Tagore đến Việt Nam trong năm 1929.

Đường lối của Diệp Văn Kì đưa ra vẫn được những người lãnh đạo Đảng Lập hiến kiên trì thực hiện. Trong phiên nhóm họp Hội đồng quản hạt Nam kì ngày 11/9/1935, Bùi Quang Chiêu đã đưa một đề nghị người Việt được ứng cử chức Nghị trưởng Hội đồng quản hạt:

“Người Nam chúng tôi ngày nay đã tấn hóa nhiều, đến nỗi giữa các hội nghị ở đây hoặc ở chỗ khác người Nam đã từng chung lưng đấu cật đề huề làm việc với người Pháp ngang hàng đồng tài đồng sức, chúng tôi lấy làm vui mừng ngày nay được nhập tịch vào cái gia đình người Pháp bởi cái tình luyến ái mà nước Pháp đã đối đãi với chúng ta nhiền lần vậy. Theo sự tấn hóa ấy thiết tưởng cái đạo luật 1922 ngày nay không hợp thời hợp lẽ nữa. Vậy chúng tôi định xin chính phủ hủy bỏ cái đạo luật bất công bằng ấy đi.” [9]

Đề nghị của Bùi Quang Chiêu đã làm dư luận ở Pháp cũng như Việt Nam sôi nổi [10]. Trước yêu sách này của Bùi Quang Chiêu, năm 1936, Tổng Thống Pháp Albert Leburn đã ra nghị định cho phép người Annam cũng được cử làm Nghị trưởng Hội đồng quản hạt. Nhóm nghị viên Pháp và Việt trong Hội đồng quản hạt Nam kì đã thỏa thuận sẽ luân phiên chức nghị trưởng giữa người Pháp và người Việt theo từng năm [11] . Sau hai năm liên tiếp người Pháp làm nghị trưởng, trong phiên khai mạc kì họp Hội đồng quản hạt ngày 01/9/1938, Bùi Quang Chiêu được đa số thành viên hội đồng bầu làm nghị trưởng Hội đồng quản hạt. Đến tháng 6/1939, Thượng Công Thuận cũng được bầu giữ chức ấy[[12]].  Dù vậy Đảng Lập Hiến không mấy chú tâm vào việc vận động quần chúng lao động mà chỉ trông vào giới trung lưu người Việt. Ưu tiên của Đảng là thỏa hiệp với chính quyền thuộc địa để đạt được tiến bộ xã hội và bình đẳng với người Pháp rồi tiến đến tự trị. Trong khi đó chính quyền thực dân địa phương thì giữ mãi thái độ trì hoãn và không thực tâm cải cách để duy trì quyền lực nên Đảng Lập Hiến bị chính quyền chi phối. Chính trường bên chính quốc Pháp cũng trở về với đường lối bảo thủ khiến Đảng Lập Hiến không đạt được cải cách gì dù là biện pháp khiêm tốn.[3] Ngoài ra các đảng viên phần đông vì là công chức lệ thuộc vào nhà cầm quyền nên không dám thoát ly hẳn với chính sách thuộc địa. Do vậy sự đấu tranh chính trị của họ bị hạn chế, không phát triển rộng khắp nơi để đi sâu vào tầng lớp bị trị.

Do tổ chức lỏng lẻo và phụ thuộc vào một vài cá nhân tiêu biểu, nội bộ Đảng Lập hiến thường diễn ra mâu thuẫn. Nguyễn Phan Long dần ngả hoạt động với giáo phái Cao Đài, làm giảm lực lượng của nhóm Lập hiến. Năm 1937 thì Nguyễn Văn Thinh lập ra Đảng Dân chủ Đông Dương, thu hút một số không nhỏ giới chuyên môn người Việt khiến ảnh hưởng của Đảng Lập hiến càng suy giảm. Trong cuộc bầu cử năm 1939, cả ba ứng cử viên của Đảng Lập hiến đều thất cử, đánh dấu thời kỳ suy thoái và mất bóng trên chính trường.[13]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Võ Phúc Toàn (2020), Về việc người Việt giữ chức Nghị trưởng Hội đồng Quản hạt Nam kì qua một vài tư liệu báo chí, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160),2020, tr.111-112.
  2. ^ Lại Nguyên Ân sưu tầm (2006), Tác phẩm đăng báo 1930 của Phan Khôi, Nxb. Hội Nhà văn.  tr.320.
  3. ^ a b c Carter, Jay. "A Subject Elite: The First Decade of the Contitutionalist Party in Cochinchina, 1917-1927". The Việt Nam Forum No 14, 1994. tr 212-22
  4. ^ Goscha, Christopher E. "Widening the Colonial Encounter: Asian Connections Inside French Indochina During the Interwar Period". Modern Asian Studies. Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2008. tr 13-4
  5. ^ Lessard, Micheline. "Organisons-nous! Racial Antagonism and Vietnamese Economic Nationalism in the Early Twentieth Century". French Colonial History - Vol 8. Ann Abor, MI: Michigan University Press, 2007. tr 171-201
  6. ^ Goscha, Christopher E. "Annam and Vietnam in the New Indochinese Space, 1887-1945". Asian Forms of the Nation. Richmond, UK: Curzon Press, 1996. tr 107
  7. ^ Smith, R B. "Bui Quang Chieu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina, 1917-30". Modern Asian Studies. Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1969. tr 131-50
  8. ^ Agathe Larcher-Goscha and Kareem James Abu-Zeid (2014), “Bùi Quang Chiêu in Calcutta (1928): The Broken Mirror of Vietnamese and Indian Nationalism”, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 9, No. 4 (Fall 2014), p. 92.
  9. ^ Hoàng Sơn (1935), “Về buổi Hội đồng quản hạt Nam kì”, báo Ánh sáng, số 44, 26/9/ 1935, tr.1 & 4.
  10. ^ Xem thêm Hoàng Sơn (1935), “Về buổi Hội đồng quản hạt Nam kì”, báo Ánh sáng, số 44, 26/9/ 1935, tr.1 & 4 và C.L, “Người Annam có quyền làm nghị trưởng hội đồng quản hạt không?”, Hà Thành ngọ báo, số 2434, ngày 09/10/1935, tr.1 & 6.
  11. ^ Công luận báo, số 7793, 01/9/1938.
  12. ^ Sài Gòn, số 14142, 7/6/1939
  13. ^ Vũ Ngự Chiêu. Các vua cuối nhà Nguyễn 1884-1945 Tập 3. Houston, TX: Văn hóa, 2000. tr 825-6