Đoàn Văn Cự

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đoàn Văn Cự (1835-1905), là một thủ lĩnh kháng Pháp tại Biên Hòa (Việt Nam). Tuy hoạt động của ông bị đối phương nhanh chóng dập tắt, nhưng đã có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng miền Đông Nam Bộ trong những thập niên đầu thế kỷ 20 [1].

Bối cảnh lịch sử và hoạt động kháng Pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn Văn Cự sinh năm Ất Mùi (1835) tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa (nay là quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)

Cha ông là một nhà nho yêu nước, có tinh thần chống Pháp, bị đối phương theo dõi, ông phải rời bỏ Thủ Đức để tha hương. Nối chí cha, Đoàn Văn Cự đến cư ngụ tại một nơi hẻo lánh ở ấp Vĩnh Cửu thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Biên Hòa xưa (nay thuộc phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sống bằng nghề dạy học và hốt thuốc, nên được gọi là ông thầy Cự. Nhờ vậy, ông che tai mắt thực dân Pháp được một thời gian, để có thể bí mật tuyên truyền và chiêu tập những người dân có cùng chí hướng.

Được tin tưởng, đông đảo người dân ở các vùng Chợ Đồn, Chợ Chiếu, Bình Đa, Cù lao Phố, Núi Nứa (nay thuộc Bà Rịa)...đã tình nguyện đi theo và ủng hộ ông. Để chuẩn bị cho đại cuộc đánh Pháp, ông Cự chọn vùng Bưng Kiệu (thuộc xã Tam Hiệp) làm căn cứ, tổ chức lượng theo theo lối Thiên Địa Hội (còn gọi là Hội kín), đồng thời cho tích lũy lương thực, mua sắm khí giới, lập lò rèn vũ khí, luyện tập nghĩa quân...

Hy sinh[sửa | sửa mã nguồn]

Mọi việc còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, thì thực dân Pháp dò la được. Sáng ngày 12 tháng 4 năm 1905, một số lính mã tà (cảnh sát thời Pháp thuộc) [2] do một viên quan ba (đại úy) chỉ huy kéo vào căn cứ Bưng Kiệu. Thừa lúc nghĩa quân canh phòng sơ ý, quân Pháp liền xông thẳng vào ngôi nhà Đoàn Văn Cự đang ở. Trước bàn thờ Tổ, Đoàn Văn Cự trong bộ trang phục uy nghi, vừa thấy viên quan ba dẫn lính vào liền vung đoản đao chém thẳng. Viên quan ba bị thương nhưng kịp rút súng bắn chết ông (thọ 70 tuổi).

Sau khi giết được thủ lĩnh Đoàn Văn Cự, viên quan ba cho lính đốt phá căn cứ, bắn giết và truy đuổi nghĩa quân cho đến ngày hôm sau. Kết cuộc, ngoài Đoàn Văn Cự, còn có thêm 16 nghĩa quân bị hy sinh tại trận. Sau đó, quân Pháp bắt dân làng chôn Đoàn Văn Cự cùng với 16 nghĩa quân vào một hố lớn.

ông mất vào ngày 8/4/1905

Mộ và đền thờ[sửa | sửa mã nguồn]

Ngôi mộ chung chôn thủ lĩnh Đoàn Văn Cự cùng 16 nghĩa quân, tọa lạc trên khu đất cạnh dòng suối Linh Tuyền (gọi tắt là suối Linh), thuộc phường Long Bình, cách trung tâm thành phố Biên Hòa chừng 8km. Ban đầu, chỉ là một ngôi mộ đơn sơ. Năm 1956, được nhân dân địa phương xây đắp lại nhưng quy mô nhỏ. Trước năm 1975, vì ngôi mộ nằm trong căn cứ quân sự Long Bình, nên người dân không thể đến sửa sang hay thăm viếng, mãi đến 1990 ngôi mộ mới được xây dựng bề thế như hiện nay. Ngôi mộ hiện có hình chữ nhật dài 16,5m, rộng 2m cao 0,75m. Phía sau ngôi mộ là một ngôi miếu nhỏ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh. Khu mộ được bảo vệ bởi hai vòng rào bằng gạch, có cổng ra vào.

Ngôi đình cũng được xây dựng từ năm 1956, cách phần mộ khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng gần 3000m2, thuộc phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) trên Quốc lộ 15.

Ngày 8 tháng 4 (âm lịch) hàng năm, nhân dân địa phương đều làm lễ tế trang trọng để tưởng nhớ thủ lĩnh Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa quân.

Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 722/QĐ-BVHTT ngày 25 tháng 4 năm 1998[3].

Ghi công Đoàn Văn Cự, trước năm 1975, chính quyền tỉnh đã lấy tên ông đặt tên cho một khu cư xá và một con đường nối liền Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 1) và đường liên tỉnh 24. Hiện nay, tên ông cũng được dùng để đặt tên cho một con đường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (đoạn nối từ đường Phạm văn Thuận đến đường Đồng Khởi).

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tài liệu tham khảo chính[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lương Văn Lựu, Biên Hòa sử lược toàn biên (Quyển 2). Ty Thông tin Biên Hòa kiểm duyệt và cho phép xuất bản năm 1973.
  • Bài viết "Di tích mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự" trong Đồng Nai di tích - lịch sử của Nhà Xuất bản Đồng Nai (bản điện tử) [2][liên kết hỏng]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Theo bài viết đăng trên website Thư viện Đồng Nai
  2. ^ Người Mã Lai (Malaysia) gọi lính cảnh sát là "matamata", người Việt gọi trại ra là "mã tà" (theo Vương Hồng Sển, Sàigòn năm xưa, 1968, Xuân Thu xuất bản, tr. 229).
  3. ^ Xem: [1][liên kết hỏng].