Bù hoãn bán

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đồ thị minh họa giá của một hợp đồng kỳ hạn đơn lẻ sẽ diễn biến như thế nào theo thời gian trong mối quan hệ với giá tương lai dự kiến tại bất kỳ thời điểm nào. Hợp đồng ở trạng thái bù hoãn bán sẽ tăng giá trị cho đến khi nó bằng giá giao ngay của tài sản cơ sở khi đáo hạn. Lưu ý rằng đồ thị này không chỉ ra đường cong kỳ hạn (được vẽ với các kỳ đáo hạn trên trục hoành).

Bù hoãn bán (tiếng Anh: normal backwardation hay đơn giản chỉ là backwardation), là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng kỳ hạn hay một hợp đồng tương lai được giao dịch thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn[1]. Đường cong kỳ hạn hay đường cong tương lai được tạo ra thông thường sẽ dốc xuống phía dưới (nghĩa là "đảo ngược"), do các hợp đồng với kỳ hạn dài hơn thông thường sẽ giao dịch ở mức giá thậm chí thấp hơn[2]. Trên thực tế, giá giao ngay được dự kiến trong tương lai là không thể biết rõ, và thuật ngữ "bù hoãn bán" có thể sử dụng để nói tới "cơ sở dương", xảy ra khi giá giao ngay hiện tại cao hơn giá tương lai[3]:22.

Tình trạng thị trường ngược lại với bù hoãn bán là bù hoãn mua (contango). Tương tự, trong thực tế thuật ngữ contango này có thể sử dụng để nói tới "cơ sở âm" khi giá giao ngay hiện tại thấp hơn giá tương lai[3].

Bù hoãn bán bắt đầu khi chênh lệch giữa giá kỳ hạngiá giao ngay nhỏ hơn chi phí tích trữ, hoặc khi không thể có cơ lợi (acbit) giao hàng do tài sản hiện thời không có sẵn để mua.

Giá hợp đồng tương lai bao gồm bù đắp cho các rủi ro được chuyển từ người nắm giữ tài sản. Điều này làm cho giá thực tế khi đáo hạn sẽ là thấp hơn so với giá của hợp đồng tương lai. Bù hoãn bán rất ít khi sinh ra trong thị trường tiền tệ hay thị trường kim loại quý như vàng/bạc. Đầu thập niên 1980, chỉ có duy nhất một ngày ở tình trạng bù hoãn bán tại thị trường bạc khi một lượng kim loại này được chuyển dịch thật sự từ kho của COMEX sang kho của CBOT. Vàng theo dòng lịch sử gần như luôn luôn không có bù hoãn bán, ngoại trừ bù hoãn bán tạm thời trong vòng vài tiếng, kể từ khi vàng tương lai được giao dịch trên Sàn giao dịch Hàng hóa Winnipeg vào năm 1972[4].

Thuật ngữ này đôi khi được dùng cho giá kỳ hạn chứ không phải giá của các hợp đồng tương lai, khi mẫu hình giá tương tự phát sinh. Chẳng hạn, nếu phải mất nhiều chi phí hơn để cho thuê bạc kỳ hạn 30 ngày so với kỳ hạn 60 ngày, người ta có thể nói rằng suất cho thuê bạc ở tình trạng "bù hoãn bán". Các mức suất cho thuê bạc âm có thể chỉ ra rằng các ngân hàng kim loại quý đòi hỏi một khoản phụ phí rủi ro để bán bạc tương lai vào thị trường.

Điều kiện xảy ra[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là trường hợp khi lợi tức thuận tiện cao hơn tiền lãi không rủi ro và chi phí tích trữ. Một số học giả cho rằng bù hoãn bán là bất thường[ai nói?], và gợi ý về sự thiếu hụt nguồn cung trong thị trường giao ngay (thị trường vật chất) tương ứng. Tuy nhiên, nhiều thị trường hàng hóa thường xuyên ở tình trạng bù hoãn bán, đặc biệt là khi các yếu tố mùa vụ được xem xét, chẳng hạn các loại hàng hóa mau hỏng hay hàng hóa nông nghiệp.

Trong Chuyên khảo về tiền (1930, chương 29), nhà kinh tế John Maynard Keynes cho rằng trong các thị trường hàng hóa, bù hoãn bán không phải là một tình trạng thị trường bất thường, mà sinh ra tự nhiên như là "sự chậm trễ thông thường" từ thực tế là các nhà sản xuất hàng hóa có xu hướng thích phòng hộ rủi ro của họ hơn là những người tiêu dùng hàng hóa đó. Tranh luận học thuật về chủ đề này vẫn còn tiếp diễn tới nay[5].

Ví dụ[sửa | sửa mã nguồn]

Các ví dụ đáng chú ý của bù hoãn bán bao gồm:

  • Đồng trong thập niên 1990, dường như phát sinh từ sự thao túng thị trường của vua đồng Yasuo Hamanaka thuộc tập đoàn Sumitomo mà ngày nay người ta gọi là "phi vụ đồng Sumitomo".
  • Ví dụ gần đây về thị trường bù hoãn bán – Năm 2013, thị trường gas thương mại bán buôn rơi vào tình trạng bù hoãn bán trong tháng 3. Các mức giá giao dịch cho hợp đồng kỳ hạn 2 năm thấp hơn giá giao dịch hợp đồng kỳ hạn 1 năm[6].

Nguồn gốc thuật ngữ[sửa | sửa mã nguồn]

Giống như bù hoãn mua, thuật ngữ này có nguồn gốc từ nước Anh vào khoảng giữa thế kỷ 19, bắt nguồn từ "backward" (muộn, chậm trễ).

Trong kỷ nguyên đó trên Sàn Giao dịch Chứng khoán London, bù hoãn bán hay bù hoãn giao là khoản phí do bên bán trả với mong muốn lùi việc giao cổ phiếu mà họ đã bán. Khoản phí này hoặc là trả cho người mua hoặc là cho bên thứ ba là người đã cho bên bán vay cổ phiếu.

Mục đích thuần túy là đầu cơ, cho phép bán khống. Các ngày thanh quyết toán là theo lịch trình cố định (chẳng hạn hai tuần một lần) và người bán khống đã không phải giao cổ phiếu cho tới ngày thanh quyết toán kế tiếp, và trong ngày đó có thể "chuyển dịch" vị thế của họ sang vị thế kế tiếp bằng cách trả một khoản phí bù hoãn bán. Thực tiễn này là phổ biến trước năm 1930, nhưng ngày càng ít được sử dụng, cụ thể là sau khi quyền chọn được áp dụng vào năm 1958.

Khoản phí ở đây không chỉ ra rằng có sự thiếu hụt cổ phiếu ngắn hạn như cách thức mà bù hoãn bán ngày nay thể hiện, nó đơn giản chỉ là giống như "suất vay lãi", tức là chi phí vay mượn cổ phiếu hay hàng hóa trong một khoảng thời gian.

Trong những năm gần đây, bù hoãn bán các cổ phiếu niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán London biểu thị sự xảy ra bất thường của một cổ phiếu riêng lẻ nào đó mà giá chào mua dường như lại cao hơn giá chào bán. Điều này tất nhiên không xảy ra đối với các cổ phiếu giao dịch điện tử thông qua nền tảng SETS (Stock Exchange Electronic Trading Service) hay SETS MM (Stock Exchange Electronic Trading Service Market Makers) mà chỉ xảy ra với các cổ phiếu chế ngự bằng giá (như nền tảng SEAQ = Stock Exchange Automated Quotation).

Normal backwardation và backwardation[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tiếng Anh, thuật ngữ backwardation khi sử dụng không kèm theo tính ngữ "normal" có thể là hơi mơ hồ. Mặc dù đôi khi nó được sử dụng như là từ đồng nghĩa của normal backwardation (khi giá hợp đồng tương lai thấp hơn giá giao ngay dự kiến khi hợp đồng đáo hạn), nhưng nó cũng có thể chỉ tới tình huống khi giá hợp đồng tương lai chỉ thuần túy là thấp hơn giá giao ngay hiện tại.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Contango Vs. Normal Backwardation, Investopedia
  2. ^ Đường cong được xem xét vẽ giá thị trường cho các hợp đồng với kỳ hạn khác nhau—xem cấu trúc thời hạn của lãi suất.
  3. ^ a b Gorton G, Rouwenhorst KG. Facts and Fantasies about Commodity Futures. NBER.
  4. ^ Antal E. Fekete (ngày 2 tháng 12 năm 2008). “RED ALERT: GOLD BACKWARDATION!!!(trang 3)” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2008.
  5. ^ Zvi Bodie & Victor Rosansky, "Risk and Return in Commodity Futures", FINANCIAL ANALYSTS' JOURNAL (05/06-1980)
  6. ^ “Wholesale gas market”. Truy cập 25 tháng 11 năm 2015.