Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Cô gái đeo hoa tai ngọc trai)
Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai
tiếng Hà Lan: Meisje met de parel
Tác giảJohannes Vermeer
Thời giank. 1665
LoạiTronie
Chất liệuTranh sơn dầu
Kích thước44.5 cm × 39 cm (175 in × 15 in)
Địa điểmMauritshuis, The Hague, Netherlands

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (tiếng Hà Lan: Het Meisje met de Parel) là một bức tranh sơn dầu được danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer hoàn thiện vào khoảng năm 1665. Bức tranh khổ vừa này là chân dung bán thân của một thiếu nữ bí ẩn — có thể là con gái của Vermeer — đeo hoa tai ngọc trai và đội một chiếc khăn xếp trên đầu. Do sở hữu bố cục lẫn chủ đề gần giống kiệt tác La Gioconda của Leonardo da Vinci, Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai còn được mệnh danh là "Nàng Mona Lisa phương Bắc".

Tuy sở hữu những đặc điểm của nghệ thuật vẽ chân dung Ý song tác phẩm của Vermeer lại thuộc thể loại tranh tronie — một thể loại tranh nghiên cứu nhân vật thịnh hành tại Vùng đất Thấp trong thế kỷ 17. Được đánh giá là kiệt tác xuất sắc nhất của Vermeer, Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai là đại diện tiêu biểu cho thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan, một giai đoạn rực rỡ của nền mỹ thuật phương Tây.

Dù ngày nay được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của hội họa Hà Lan nói riêng và phương Tây nói chung song Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai từng rơi vào lãng quên trong hơn 200 năm trước khi được nhà sưu tầm nghệ thuật Arnoldus Andries des Tombe mua lại vào năm 1881. Khi des Tombe qua đời vào năm 1902, ông đã hiến tặng bức tranh cho bảo tàng Mauritshuis, Den Haag, nơi nó vẫn được lưu giữ và trưng bày cho tới tận ngày nay. Bức tranh được đại tu vào năm 1994, giúp hé lộ những kỹ thuật mà Vermeer đã sử dụng.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Người ta không có nhiều thông tin về lịch sử ra đời của bức tranh. Johannes Vermeer ký "IVMeer" dưới tác phẩm của mình nhưng lại không đề thời gian, vì vậy thời điểm ra đời chính xác của bức tranh cho đến nay vẫn chưa được xác định. Lần trùng tu bức tranh gần đây nhất vào năm 1994 đã giúp cải thiện rất nhiều tình trạng bảo tồn của bức họa.[1]

Theo lời khuyên của Victor de Stuers, một công chức trong nhiều năm đã giúp giữ lại các tác phẩm của họa sĩ Hà Lan khỏi bị bán ra nước ngoài, nhà sưu tập nghệ thuật Arnoldus Andries des Tombe đã mua lại bức tranh trong một cuộc đấu giá ở Den Haag năm 1881 với giá 2 guilder và 30 cent. Tình trạng của bức tranh vào thời điểm đó là rất tồi tệ và chưa ai biết đó là tác phẩm của Vermeer. Do không có người thừa kế, des Tombe hiến lại bộ sưu tập tranh (gồm cả bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai) cho bảo tàng Mauritshuis ở Den Haag vào năm 1902.[2] Năm 1937, một bức tranh tương tự với cái tên Cô gái cười được nhà sưu tập Andrew W. Mellon tặng cho bảo tàng National Gallery of ArtWashington, D.C, Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Cô gái cười cũng được coi là một tác phẩm của Vermeer nhưng hiện nay nó bị đánh giá là một tác phẩm giả theo phong cách Vermeer, theo chuyên gia về Vermeer là Arthur Wheelock thì rất có thể nó được vẽ bởi nghệ sĩ và chuyên gia làm giả tranh Theo van Wijngaarden.[2]

Trong văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Lấy cảm hứng từ bức tranh, Tracy Chevalier đã viết một tiểu thuyết lịch sử với tựa đề Girl with a Pearl Earring (1999), trong đó tác giả tiểu thuyết hóa cô gái, nhân vật của bức tranh, cũng như bối cảnh ra đời của bức tranh. Trong tiểu thuyết, Johannes Vermeer có quan hệ tình cảm với một cô gái người hầu tên là Griet, người được ông thuê để làm mẫu với chiếc khuyên tai của vợ Vermeer.[3] Năm 2003, một bộ phim cùng tên đã được thực hiện dựa theo tiểu thuyết của Chevalier[4] với vai cô gái do nữ diễn viên Scarlett Johansson đảm nhận. Năm 2008, một vở kịch cũng lấy tên Girl with a Pearl Earring đã được công diễn tại Anh.[5]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Wadum, Jørgen (1994). Vermeer illuminated. Conservation, Restoration and Research. With contributions by L. Struik van der Loeff and R. Hoppenbrouwers. The Hague.
  2. ^ a b Vrij Nederland (magazine) (ngày 26 tháng 2 năm 1996), p. 35–69.
  3. ^ Winant, Johanna (ngày 26 tháng 1 năm 2000), “Novel paints a picture of a famous painting”, Chicago Tribune, tr. Tempo, pg. 3Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
  4. ^ Ebert, Roger (ngày 26 tháng 12 năm 2003), 'Girl' painted in subtle shades”, Chicago Sun-Times, tr. 43, Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 10 năm 2012, truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2009Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
  5. ^ Billington, Michael (ngày 1 tháng 10 năm 2008), “Pearl's delicate shades get lost in the broad canvas of the stage”, The Guardian, tr. 36Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]