Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/2

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chiến tranh Xô-Đức là cuộc chiến giữa Liên XôĐức Quốc Xã thời Thế chiến thứ hai. Ở Liên Xô trước đây hoặc nước Nga ngày nay cuộc chiến này còn được gọi là Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tên gọi này lấy theo tên trong lời hiệu triệu của Stalin trên radio gửi đến nhân dân Xô Viết vào ngày 3 tháng 7 năm 1941, hoặc nó còn được gọi là cuộc Chiến tranh thần thánh. Tại Đức hoặc Phương Tây cuộc chiến tranh này thường được gọi là Chiến tranh Xô–Đức hay đơn giản là Mặt trận phía đông vì thực chất đây là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc chiến ở mặt trận phía đông châu Âu trong Thế chiến thứ hai. Đây là cuộc chiến giữa Đức Quốc Xã cùng các đồng minh chính là Romania, Hungary, Ý, Phần Lan chống lại Liên bang Xô Viết, về sau Liên Xô cho thành lập quân đội các nước Ba Lan, Tiệp Khắc bên phía mình để chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia này và làm nòng cốt xây dựng quân đội các quốc gia này sau chiến thắng. Vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, khi quân đội Xô Viết tiến vào Romania, Hungary, các nước này đã quay sang chống lại Đức Quốc Xã và gia nhập Liên minh chống Phát xít.

Cuộc chiến này bắt đầu từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 khi Wehrmacht (Quân đội Đức Quốc Xã) theo lệnh Adolf Hitler xoá bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Liên Xô-Đức, 1939 và tấn công bất ngờ Liên bang Xô Viết, và cuộc chiến này kết thúc ngày 9 tháng 5 năm 1945 khi đại diện Đức Quốc Xã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện Quân đội Xô Viết và các lực lượng của Liên minh chống Phát xít sau khi Quân đội Xô Viết đánh chiếm thủ đô Đức Berlin.

Sau chiến tranh Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường thế giới, toàn bộ Đông Âu rơi vào khu vực kiểm soát của nước này và nước Đức bị phân đôi thành Cộng hoà Dân chủ ĐứcCộng hoà Liên bang Đức.