Quốc lộ 21C

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Quốc lộ 21C
Thông tin tuyến đường
Chiều dài104 km
Các điểm giao cắt chính
Đầu Bắc tại Hoàng Mai, Hà Nội
  Ứng Hòa, Hà Nội

Kim Bảng, Hà Nam
Gia Viễn Ninh Bình

Hoa Lư, Ninh Bình
Đầu Nam tại Yên Mô, Ninh Bình
Vị trí đi qua
Tỉnh / Thành phốTP. Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình
Hệ thống đường
Quốc lộ


Quốc lộ 21C là tuyến giao thông đường bộ nối từ đường vành đai 3, Hà Nội qua Hà Nam, Hòa Bình tới đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại Ninh Bình với tổng chiều dài 104 km[1]. Quốc lộ 21C được xác định là tuyến quốc lộ chính yếu của khu vực miền Bắc với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Đây là tuyến đường kết nối trung tâm Hà Nội tới các điểm du lịch chùa Hương, Tam Chúc, chùa Bái Đính nên nó còn được gọi là đường Mỹ Đình – Tam Chúc – Bái Đính.

Hướng tuyến[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc lộ 21C có hướng tuyến chính Bắc – Nam, điểm đầu tại nút giao với đường vành đai 3 (Hà Nội) tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Tuyến khởi đầu từ đường Phạm Tu tới đường trục Nam Hà Nội (Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức) qua Hà Nam tới Ninh Bình. Điểm cuối gặp đường cao tốc Bắc Nam tại nút giao Mai Sơn, huyện Yên Mô.

Các đoạn tuyến[sửa | sửa mã nguồn]

Đường Nguyễn Xiển – Xa La[sửa | sửa mã nguồn]

Đường Xa La – Nguyễn Xiển được gọi là đường Phạm Tu. Đường Xa La – Nguyễn Xiển kết nối các vùng Phía Tây Nam Thành Phố với thủ đô. Đây là đoạn đầu trong tuyến đường trục Phía Nam Hà Nội nối từ Vành đai 3 đến Ninh Bình.

  • Lộ trình thuộc Hà Nội chạy qua các quận huyện:

Đường Xa La – Tân Ước[sửa | sửa mã nguồn]

Đoạn này thuộc tuyến đường trục phía Nam Hà Nội nối Kiến Hưng – Cầu Giẽ đã được khởi công từ tháng 4/2008 và thời gian hoàn thành theo kế hoạch là sau 60 tháng. Đây là dự án được triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư và doanh nghiệp triển khai là Cienco 5 Land. Dự án có chiều dài khoảng 41,5 km, mặt cắt ngang rộng 40 m, tốc độ thiết kế 60 km/h. Diện tích chiếm đất toàn tuyến khoảng 245,7 héc–ta. Tổng mức đầu tư ban đầu là 5.156 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình thực hiện).

Để hoàn vốn cho dự án, chủ đầu tư Cienco 5 được đối ứng 3 khu đô thị: Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng. Tổng số tiền sử dụng đất để hoàn vốn cho dự án đường trục phía nam tính theo hình thức hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là để hình thành tuyến đường mới, nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía nam Hà Nội và kết nối với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.

  • Lộ trình thuộc Hà Nội chạy qua các quận huyện:
    • Hà Đông: 3 phường: Phúc La, Kiến Hưng và Phú Lương.
    • Thanh Oai: 8 xã: Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn, Tân Ước, Dân Hòa, Liên Châu.
    • Ứng Hòa: 6 xã: Phương Tú, Trung Tú, Hòa Lâm, Trầm Lộng, Đại Hùng, Kim Đường.
    • Một nhánh chuyển hướng Đông ra Phú Xuyên đi qua các xã: Hồng Minh, Tri Trung, Phú Túc, Hoàng Long, Châu Can.

Đường Ứng Hòa – Mỹ Đức[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyến đường nối đường Bái Đính – Ba Sao với đường trục phía Nam, tỷ lệ 1/500 có vị trí điểm đầu tuyến tại nút giao với đường trục phía Nam (thuộc huyện Ứng Hòa); điểm cuối tuyến tại nút giao với đường Bái Đính – Ba Sao (thuộc huyện Mỹ Đức). Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 14 km. Đây là đường cấp II đồng bằng (4 làn xe), là một đoạn của tuyến đường kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía Nam của thành phố Hà Nội, giảm tải cho QL21B, QL.1.

Đường Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính đoạn qua 2 huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức có chiều dài 13,2 km, đi qua các xã Trầm Lộng, Hoà Lâm, Đội Bình, Lưu Hoàng, Hồng Quang (Ứng Hoà) và xã Hương Sơn (Mỹ Đức). Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với tuyến đường trục phía nam; điểm cuối giao với đường Hương Sơn – Tam Chúc.[2]

Đường Ba Sao – Bái Đính[sửa | sửa mã nguồn]

Phần lớn đường trục phía nam Hà Nội và tuyến kéo dài của nó qua Hà Nam, Ninh Bình thuộc tuyến đường Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính. Đây là tuyến đường sau khi xây dựng sẽ trở thành một tuyến quốc lộ nằm song song với Quốc lộ 1 hướng Hà Nội – Ninh Bình với quy mô đường cấp II, 4 làn xe, với tổng chiều dài 78 km.[3][4]

Dự án tuyến đường Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính là một dự án giao thông phục vụ du lịch, dự án này nối liền các điểm du lịch từ Hà Nội tới Ninh Bình như trung tâm Hà Nội, chùa Hương, Tam Chúc – Ba Sao, Vân Long, chùa Bái Đính, Ninh Bình. Đây là tuyến đường nằm gần như song song với Quốc lộ 1, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bìnhquốc lộ 21B.

Dự án đầu tư tuyến đường Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính bắt đầu nút giao giữa trục kinh tế phía Nam với đường Vành đai 4 và kết thúc tại cầu Trường Yên thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, tổng chiều dài 78 km, đi qua địa phận 4 tỉnh thành là Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình.

Đường Bái Đính – Mai Sơn[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyến đường Bái Đính – Mai Sơn sẽ đi về phía đông quần thể di sản thế giới Tràng An và kết thúc tại đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đoạn này hiện chưa được đầu tư xây dựng và đang tạm đi theo hướng đại lộ Tràng AnTam Cốc – Mai Sơn.

Quá trình hình thành[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2007, khi tỉnh Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được thủ tướng chính phủ Việt Nam chấp thuận.[5] Mục tiêu của dự án là xây dựng để hình thành tuyến đường mới nối từ trung tâm tỉnh lỵ Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía Nam Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên của tỉnh Hà Tây phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 21B.

Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thì tuyến đường trục này cần kết nối với trung tâm thủ đô, cụ thể là hướng tuyến Ga Hà Nội – Kiến Hưng với việc đầu tư mới đường Tôn Thất Tùng kéo dài và nâng cấp các tuyến đường sẵn có trong nội đô. Tuyến đường trở thành tên gọi Dự án đường trục phát triển kinh tế, xã hội phía Nam Hà Nội và có thêm đoạn từ Ga Hà Nội đến Kiến Hưng.

Năm 2011, Tại các văn bản số 566/UBND–VP4 ngày 30/11/2011 của UBND tỉnh Ninh Bình và Tờ trình số 1687/TTr–UBND ngày 30/11/2011 của UBND tỉnh Hà Nam, hai tỉnh này đề nghị Thành phố Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam và Thành phố Hà Nội đầu tư tuyến đường từ Bái Đính đi Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội (Hà Nội làm đoạn nối tiếp từ chùa Hương đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia) bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng hoặc kinh phí thực hiện lấy từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch.[6]

Năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất xây đường cao tốc từ Hà Nội đi Bái Đính. Dự án có tổng chiều dài khoảng 91,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp II với 4 làn xe, tốc độ tối đa 100 km/h.[7]

Năm 2021, tại Quyết định 1454/QĐ–TTg Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 21C trở thành tuyến quốc lộ chính yếu của khu vực phía Bắc với quy mô 4 – 6 làn xe.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ 2. Các tuyến quốc lộ chính yếu khu vực phía Bắc
  2. ^ Hà Nội sắp chi hơn 2.500 tỷ hoàn thành trục hướng tâm kết nối 7 quận huyện phía Nam
  3. ^ Xây dựng và nâng một số tuyến lên quốc lộ: Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính
  4. ^ Mở tuyến đường mới Mỹ Đình- Ba Sao -Bái Đính
  5. ^ Công văn số 1740/TTgCP-CN ngày 15/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường trục phía Nam, đường Đỗ Xá - Quan Sơn, tỉnh Hà Tây theo hình thức Hợp đồng BT và một số Dự án phụ trợ để thu hồi vốn đầu tư
  6. ^ Hà Nội chưa muốn xây đường nối Bái Đính - Mỹ Đình
  7. ^ Đề xuất xây đường cao tốc từ Hà Nội đi Bái Đính