Dinh điền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Dinh điền hay doanh điền (chữ Hán: 营田) là một hình thái chiêu tập lưu dân để khai khẩn đất hoang dưới sự quản lý của chính quyền. Bắt nguồn gốc từ Trung Quốc vào thời kỳ nhà Đường, hình thái này ảnh hưởng mạnh mẽ ở Việt Nam, hai lần trở thành quốc sách dưới thời nhà Nguyễn và tại miền Nam Việt Nam dưới thời Đệ nhất Cộng hòa.

Nguồn gốc tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Trung Đường, triều đình hợp một số châu vùng biên giới thành một trấn, đặt chức Tiết độ sứ để cai quản, kiêm các chức Độ chi sứ, Doanh điền sứ và Quan sát sứ, nắm giữ đại quyền quân chính, dân chính, tài chính và giám sát của một vùng.[1] Trong đó, chức Doanh điền sứ phụ trách việc chiêu mộ lưu dân khai khẩn đất hoang, lập ấp tại các vùng biên viễn.

Chính sách doanh điền thời Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]

Sau từ khi chính quyền Đàng Trong được thiết lập, các chúa Nguyễn đã rất chú ý thi hành việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp, khai hoang đất đai, mở rộng cương vực để tăng cường quốc lực nhằm có thể tranh chấp với các chúa Trịnh. Lãnh thổ Việt Nam được mở rộng dưới thời các chúa Nguyễn nhiều hơn các đời trước cộng lại, tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XVIII, chiến tranh liên miên, cư dân xiêu tán, ruộng đất bị bỏ hoang rất nhiều. Khi mới lên ngôi, năm 1802-1803, vùa Gia Long đã lệnh cho các quan lại khuyến khích nhân dân và quân sĩ phục hóa, nhưng đến năm 1806, nhiều nơi ở Bắc Bộ nhân dân bị đói vẫn đi phiêu tán tới hơn 370 xã, tới năm 1826 có 108 xã, ruộng bỏ hoang 12.700 mẫu. Đến cuối những năm 1830 thời Minh Mạng, ruộng đất bỏ hoang lên tới 1.314.927 mẫu.[2]

Trước tình hình này, triều đình nhà Nguyễn đã cho thực hiện nhiều chính sách để tăng cường sản xuất nông nghiệp, thiết lập các hình thức tổ chức khai hoang, chiêu mộ lưu dân và cư dân nghèo thành lập các khu định cư, nhằm tạo cơ sở phát triển kinh tế và thiết lập quản lý hành chính ở các vùng hoang hóa thưa dân rộng lớn.[3] Nhiều quan viên cao cấp được triều đình bổ dụng phụ trách việc này, trong đó có Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tri PhươngNguyễn Công Trứ, đặc biệt Nguyễn Công Trứ nổi bật với tư cách là tác giả của ba chính sách khẩn hoang lớn: đồn điền, doanh điền và khai khẩn ruộng hoang.

Chính sách doanh điền được Nguyễn Công Trứ đề xuất dưới thời Minh Mạng, khi đó ông đang giữ chức Tham tán quân vụ Bắc Thành.[2] Khác với hình thức đồn điền mang nặng tính chất quân sự, vốn phát triển mạnh ở vùng Gia Định,[4] hình thức doanh điền cho phép người dân đã tự do đến khẩn hoang lập ấp với tư cách cá nhân hoặc tập thể dưới sự giúp đỡ của triều đình.[3] Chính sách doanh điền được vua Minh Mạng chuẩn y và bổ dụng Nguyễn Công Trứ vào chức vụ Doanh điền sứ, phục trách thực hiện các chính sách do ông đề xuất từ năm 1828.[5]

Hình thức doanh điền được quy định cụ thể như sau: triều đình sẽ bỏ vốn ban đầu và cử ra một quan chức sẽ dứng ra chiêu mộ và chỉ đạo dân chúng đưa đi khai hoang theo hai trường hợp[6]:

  1. Số dân mộ được là 50 người đủ một lý, người đứng ra mộ sẽ được ban chức lý trưởng.
  2. Số dân mộ được là 30 người đủ một ấp, người đứng ra tuyển một sẽ được ban chức ấp trưởng.

Thời gian sáu tháng ban đầu, triều đình sẽ cấp cho dân chúng đi khai hoang đầy đủ lương thực và phương tiện sản xuất. Từ tháng thứ bảy thì phải tự lo. Triều đình sẽ miễn thuế cho các ấp và lý mới này 3 năm[6].

Được sự chuẩn y của Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ đã tổ chức nhiều đợt khai hoang lập làng lớn, trong đó lớn nhất là việc thành lập 2 huyện mới: huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình với 18.970 mẫu và 2350 đinh, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình với 14.620 mẫu và 1260 đinh[2]. Cũng từ đây xuất hiện hai hình thức tư điền thế nghiệptư điền quân cấp.

Tổng Giao Thủy thuộc Nam Định cũng được thành lập theo hình thức này. Về sau, các quan ở Gia Định gồm Trương Minh Giảng, Cao Hữu Dực, Trần Hoàn, Phạm Hữu Chỉnh và Nguyễn Tri Phương cũng bắt chước thực thi chính sách này trên vùng Gia Định đồng thời với chính sách đồn điền trên một quy mô rất lớn và thu được nhiều thành công và hiệu quả[7], diện tích ruộng đất đã tăng lên rất nhiều. Diện tích ruộng đất thực trưng tăng lên nhiều: năm 1847 là 4.273.013 mẫu[2].

Chính sách đồn điền và doanh điền được triều đình kèm theo một loạt luật lệ thưởng phạt phân minh để khai thác triệt để đất đã vỡ hoang và ngăn tình trạng bỏ đất nhưng cũng không dứt hẳn được hiện tượng ruộng hoang[8].

Tuy nói trên toàn diện, ruộng công chiếm không quá 1/5 diện tích canh tác, nhưng phần đất còn lại được phân phối giữa nông dân mà đa số chỉ làm chủ tới 5 mẫu, những người có 100 mẫu trở lên rất ít, mỗi tỉnh chỉ nhiều nhất là dăm ba người[9].

Hình thức các trại doanh điền của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Dù vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn dành sự quan tâm nhất định đến chính sách doanh điền, như là một phần của chính sách Cải cách ruộng đất. Từ năm 1948, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho thành lập các vùng doanh điền ở các vùng công thổ quốc gia, đặt dưới sự quản lý của Nha Khẩn hoang Di dân thuộc Bộ Canh nông, cho phép các cá nhân, đoàn thể hay cơ quan chính phủ tổ chức khai khẩn.[10] Trong năm 1949, đã có 7 trại doanh điền được chọn thí điểm chuẩn bị lập trại doanh điền quốc gia.

Năm 1950, Nha Khẩn hoang Di dân được cải tổ thành Sở Doanh điền, trực tiếp quản lý các trại doanh điền quốc gia tại các địa phương.[11][12] Bấy giờ, các trại doanh điền quốc gia được tổ chức là một đơn vị kinh doanh về sản xuất nông nghiệp, có tính chất doanh nghiệp quốc gia hoàn toàn, nhằm mục đích sản xuất những nông sản cần thiết cho nền kinh tế quốc gia, góp phần xây dựng khu vực kinh doanh nhà nước. Hoạt động chính của các trại doanh điền quốc gia hướng đến các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và khai thác các nguồn lợi phụ thuộc vào các hoạt động chính. Mỗi trại doanh điền quốc gia do một Quản đốc điều hành và một Phó quản đốc giúp việc. Cả Quản đốc và Phó quản đốc đều do Bộ trưởng Canh nông bổ nhiệm.[13] Việc giám sát tài chính và hoạt động của các trại doanh điền quốc gia sẽ do Ban Giám định và Kiểm soát do Bộ Canh nông bổ nhiệm thực hiện. Thành phần của Ban Giám định và Kiểm soát sẽ gồm có Trưởng Ban là Giám đốc Sở Doanh điền và một ủy viên là Chủ tịch Hành chính Kháng chiến tỉnh (hoặc đại diện).[14]

Trên thực tế, do hoàn cảnh chiến tranh, nên hoạt động của các trại doanh điền quốc gia chủ yếu nhắm mục đích tổ chức định cư sản xuất cho các lưu dân tản cư, cấp đất cho nông dân sản xuất. Sau khi kiểm soát hoàn toàn miền Bắc, các trại doanh điền quốc gia được chuyển thành hình thức nông trường quốc doanh do Bộ Nông trường quản lý. Nhiều khu định cư của các nông trường quốc doanh này đã hình thành các thị trấn nông trường sau này.

Kế hoạch dinh điền thời Đệ nhất Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Kế hoạch Dinh điền được công bố ngày 23 tháng 4 năm 1957, là một phần trong chương trình cải cách địa điền lần thứ nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Theo đó, dân cư ở vùng đông dân được đưa đến những vùng thưa dân để mở rộng canh tác. Chính phủ sẽ ra xây dựng trường học, trạm xá và các công trình hạ tầng cơ sở.[15]

Tính đến tháng 7 năm 1960 có 189.545 dân cư thuộc 126 dinh điền trên 16 tỉnh tại miền Nam Việt Nam.[15]

Kế hoạch Dinh điền thuộc Tổng ủy Dinh điền điều khiển, phụ thuộc Phủ Tổng thống.

Một số khu doanh điền \ dinh điền nổi tiếng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Kim Sơn
  • Tiền Hải
  • Quỳ Châu
  • Hữu Viện
  • Bình Hưng: thành lập năm 1957, sau là cơ sở thành lập Biệt khu Hải Yến
  • Cái Cám:
  • Cái Sắn: thành lập ngày 21 tháng 12 năm 1955 theo chương trình định cư thí điểm, trước khi Kế hoạch Dinh điền được công bố chính thức.
  • Phú Mỹ

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Vương Lực (王力), Cổ đại Hán ngữ (古代漢語), tập 3. Trung Hoa thư cục 1998. Huỳnh Chương Hưng dịch
  2. ^ a b c d Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 445
  3. ^ a b Nguyễn Thế Anh, sách đã dẫn, tr 92
  4. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 307
  5. ^ Tầm nhìn chiến lược của vị Doanh điền sứ
  6. ^ a b Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 308
  7. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 308-309
  8. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 309
  9. ^ Nguyễn Thế Anh, sách đã dẫn, tr 88
  10. ^ Sắc lệnh 236-SL ngày 20 tháng 8 năm 1948
  11. ^ Sắc lệnh 164-SL ngày 17 tháng 11 năm 1950
  12. ^ Nghị định 64-QT-CN-ND ngày 22 tháng 11 năm 1950
  13. ^ Nghị định 65-QT-CN-ND ngày 22 tháng 11 năm 1950
  14. ^ Nghị định 66-QT-CN-ND ngày 22 tháng 11 năm 1950
  15. ^ a b Lâm Thanh Liêm, sách đã dẫn, chương thứ nhì.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lâm Thanh Liêm (1995), Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995). Nhà sách và xuất bản Nam Á, Paris
  • Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
  • Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
  • Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế & Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nhà xuất bản Văn Học
  • Nguyễn Kỳ Phong (2009). Từ điển Chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Garden Grove, CA: Tự Lực.