Giuse Lê Quý Thanh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Giám mục
 
Giuse Lê Quý Thanh
Giám mục Phó Giáo phận Phát Diệm
(1963–1974)
Giáo hộiCông giáo Rôma
Chức vụ chính yếu
Giám mục Phó Phát Diệm
Giáo tỉnhGiáo tỉnh Hà Nội
Giáo phậnGiáo phận Phát Diệm
TòaHiệu tòa Septimunicia
Bổ nhiệmNgày 13 tháng 2 năm 1964[1]
Tựu nhiệmNgày 13 tháng 2 năm 1964
Hết nhiệmNgày 7 tháng 5 năm 1974
Tiền nhiệmTiên khởi
Kế nhiệmGiuse Nguyễn Thiện Khuyến
Các chức khácGiám mục Hiệu tòa Hiệu tòa Septimunicia (1963–1974)
Truyền chức
Thụ phongNgày 17 tháng 3 năm 1934
Tấn phongNgày 13 tháng 2 năm 1964
Thông tin cá nhân
Tên khai sinhLê Quý Thanh
SinhNgày 19 tháng 3 năm 1900
An Hòa, Duy Tiên, Hà Nam, Việt Nam
MấtNgày 7 tháng 5 năm 1974 (74 tuổi)
Nơi an tángNhà thờ chính tòa Phát Diệm
Khẩu hiệu"Chúc tụng Chúa"
Cách xưng hô với
Giuse Lê Quý Thanh
Danh hiệuĐức Giám mục
Trang trọngĐức Giám mục, Đức Cha
Thân mậtCha
Khẩu hiệuLaus Deo
TòaSeptimunicia

Giuse Lê Quý Thanh (1900–1974) là một giám mục người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma.[2] Ông từng đảm trách vai trò Giám mục phó Giáo phận Phát Diệm trong suốt hơn 10 năm từ năm 1963 đến năm 1974. Khẩu hiệu Giám mục của ông là: Chúc tụng Chúa.[3][4]

Giám mục Thanh quê tại Hà Nam, từ nhỏ theo con đường tu trì. Năm 34 tuổi, ông được truyền chức linh mục của Địa phận Phát Diệm. Thời kỳ làm linh mục, ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng khác nhau tại địa phận: Giáo sư Tiểu chủng viện Phúc Nhạc, giám đốc trường Thầy giảng Phát Diệm và giáo sư trường Thần học Thượng Kiệm sau đó trở thành linh mục Tổng đại diện địa phận năm 1959.

Giáo phận Phát Diệm thành lập nhờ việc thiết lập hàng giáo phẩm Công giáo tại Việt Nam. Mồng 1 Tết Nguyên Đán năm 1964, giám mục chính tòa Bùi Chu Tạo tấn phong tân giám mục phó tại Nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Trong khoảng thời gian làm giám mục, ông không thể rời Phát Diệm do hoàn cảnh.

Giám mục Lê Quý Thanh được ghi nhận có những bài giảng trở thành tư liệu văn học Công giáo quý giá và sống tư cách giám mục nhưng phải thực hiện nhiều vai trò khác nhau do thiếu nhân sự.

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Giám mục Giuse Lê Quý Thanh sinh ngày 19 tháng 3 năm 1900 tại An Hòa, nay thuộc phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.[5][6] Ông là cháu ba đời của bác học Lê Quý Đôn,[7] theo thông tin từ gia đình.[8] Tuy vậy, theo Kỷ yếu Giáo phận Phát Diệm, thông tin này không thể kiểm chứng.[9]

Thuở thiếu thời, cậu Thanh là nghĩa tử của linh mục Đinh, cựu giám đốc Trường Trung Tiểu học “Cụ Đinh” của địa phận.[8]

Thời kỳ linh mục[sửa | sửa mã nguồn]

Theo đuổi con đường tu tập từ nhỏ, ngày 17 tháng 3 năm 1934, Phó tế Giuse Lê Quý Thanh tiến đến việc được thụ phong chức vị linh mục. Tân linh mục trở thành thành viên linh mục đoàn Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm.[6] Sau khi được truyền chức, tân linh mục được bổ nhiệm làm giáo sư lớp 3 Tiểu chủng viện Phúc Nhạc và giữ chức vụ này đến năm 1943. Thời gian ngắn từ năm 1944 đến năm 1945, ông là Giám đốc trường Thầy Giảng.[8]

Năm 1945, linh mục Lê Quý Thanh được chọn làm giám đốc Trường Thử tại Trì Chính. Năm 1947, ông được thuyên chuyển đảm nhận vai trò linh mục chính xứ giáo xứ Hiếu Thuận. Sau khoảng thời gian hơn một thập niên tại giáo xứ này, ông được chọn làm giáo sư chủng sinh chủng viện Phúc Nhạc cũ, đã dời về Thượng Kiệm. Ông chỉ đảm nhận vai trò giáo sư này trong thời gian ngắn từ năm 1958 đến năm 1959.[8]

Ngày 7 tháng 9 năm 1959, linh mục Lê Quý Thanh được bổ nhiệm làm linh mục Tổng quyền (Tổng Đại diện) Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm.[5][8] Do thiếu linh mục, ông được điều chuyển làm linh mục chính xứ Văn Hải và đảm nhận vai trò này trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1964.[8]

Thời kỳ giám mục[sửa | sửa mã nguồn]

Sau đó khi được chọn làm tổng đại diện ít năm, năm 1963, Tòa Thánh loan báo tuyển chọn linh mục Tổng đại diện Lê Quý Thanh làm Giám mục Phó Giáo phận Phát Diệm, với danh hiệu giám mục hiệu tòa Septimunicia.[5]

Ngày 13 tháng 2 năm 1964 đồng thời cũng là ngày Mồng Một tết Nguyên Đán, lễ tấn phong tân giám mục Giuse Lê Quý Thanh được tổ chức, với vị giám mục chủ phong là Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm Phaolô Bùi Chu Tạo.[5][9] Lễ tấn phong cử hành tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm với các nghi lễ được đơn giản hóa.[8] Đồng tế với giám mục Bùi Chu Tạo còn có hai linh mục khác và đông đảo giáo dân tham dự. Sau lễ tấn phong, giám mục Bùi Chu Tạo mới công bố về việc giáo phận có tân giám mục phó cho tất cả giáo dân giáo phận. Tân giám mục có tầm vóc to cao và khỏe mạnh.[9] Lễ tấn phong được tổ chức sau khi bổ nhiệm giám mục được khá lâu, theo trích dẫn từ tờ The Florida Catholic.[10][11]

Trong khoảng thời gian làm giám mục phó, giám mục Lê Quý Thanh chỉ định cư tại Phát Diệm. Vì hoàn cảnh thiếu linh mục, ông phải thực hiện mọi nghĩa vụ của giám mục, đồng thời các công việc của những vai trò khác của linh mục quản xứ, thầy giảng, người quản lý sổ sách. Ông cũng phải thực hiện các công việc nội trợ như tự giặt quần áo, quét dọn nhà cửa,...[8][9] Trong thời gian làm giám mục phó, ông sống tại Tòa giám mục và hỗ trợ giám mục Bùi Chu Tạo do giám mục này đã ốm yếu. Ông từng đến tản cư tại giáo xứ Phát Ngoại trong năm 1972 và sinh sống tại đây hơn một năm, do Nhà thờ chính tòa Phát Diệm bị Mỹ ném bom.[8]

Những bài giảng lễ của giám mục Lê Quý Thanh soạn kỹ lượng và tham khảo sách báo tiếng Việt, tiếng Pháp. Những bài soạn này hiện đang lưu trữ tại Nhà Chung (Tòa giám mục) Phát Diệm và được đánh giá là những tài liệu quý giá trong kho tàng văn học Công giáo Việt Nam.[9] Ông có tài hùng biện, thông thạo tiếng Pháp.[8]

Die Apostolische Nachfolge cho rằng giám mục Lê Quý Thanh được biết đến là vị giám mục được tấn phong bí mật đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam.[12]

Giai đoạn cuối đời, Giám mục Lê Quý Thanh mắc bệnh cao huyết áp, vài lần ngất xỉu giữa nhà thờ. Sau ba tuần bệnh liệt giường, giám mục Thanh qua đời ngày 7 tháng 5 năm 1974 tại Ninh Bình, hưởng thọ 74 tuổi. Thi hài cố giám mục được an táng trong gian cung thánh nhà thờ chính tòa Phát Diệm.[8][9]

Lời kể[sửa | sửa mã nguồn]

Tông truyền[sửa | sửa mã nguồn]

Giám mục Giuse Lê Quý Thanh được tấn phong giám mục năm 1964, dưới thời Giáo hoàng Phaolô VI, bởi:[5]

Tóm tắt chức vụ[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Giám mục Phó Giáo phận Phát Diệm
1963–1974
Kế nhiệm:
Giuse Nguyễn Thiện Khuyến
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Giám mục Hiệu tòa Septimunicia, Tunisia[13]
1963–1974
Kế nhiệm:
Kenneth Anthony Angell

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn dẫn[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Antôn Nguyễn Ngọc Sơn 2016, tr. 249
  2. ^ “Danh sách các Giám mục người Việt Nam”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ Ngày 8 tháng 7 năm 2019. Truy cập Ngày 8 tháng 7 năm 2019.
  3. ^ Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia. “Danh Sách Các Đức Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục Việt Nam”. Vietnamese Missionaries in Asia. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2013.
  4. ^ “Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh Nguyên Giám mục Phó Giáo Phận Phát Diệm”. Taiwan Catholic. Bản gốc lưu trữ Ngày 10 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 10 tháng 2 năm 2019.
  5. ^ a b c d e “Bishop Joseph Lê Quy Thanh † Coadjutor Bishop of Phát Diệm, Viet Nam Titular Bishop of Septimunicia”. Catholic Hierachy. Bản gốc lưu trữ Ngày 10 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2019.
  6. ^ a b “Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh Nguyên Giám mục Phó Giáo phận Phát Diệm”. Taiwan Catholic. Bản gốc lưu trữ Ngày 8 tháng 7 năm 2019. Truy cập Ngày 8 tháng 7 năm 2019.
  7. ^ “GM Phó GIUSE M. LÊ QUÝ THANH”. Truyền Tin. Bản gốc lưu trữ Ngày 8 tháng 7 năm 2019. Truy cập Ngày 8 tháng 7 năm 2019.
  8. ^ a b c d e f g h i j k “Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05”. Giáo phận Phát Diệm. Bản gốc lưu trữ Ngày 8 tháng 5 năm 2020. Truy cập Ngày 8 tháng 5 năm 2020.
  9. ^ a b c d e f “Nhân vật Công giáo Việt Nam (tập 4) - Các Vị Giám mục Một Thời Đã Qua (1933-1995) - Chương BẨY:Giáo phận Phát Diệm”. Dũng Lạc. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2012. Truy cập Ngày 8 tháng 7 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  10. ^ New Bishops for North, The Florida Catholic, ngày 5 tháng 6 năm 1964, trang 6.
  11. ^ “NORTH VIETNAM BISHOP CONSECRATED”. Catholic News Service. Ngày 19 tháng 5 năm 1964. Truy cập Ngày 24 tháng 3 năm 2020.
  12. ^ “Die Apostolische Nachfolge”. Apostolische. Bản gốc lưu trữ Ngày 10 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 10 tháng 2 năm 2019.
  13. ^ “Titular Episcopal See of Septimunicia, Tunisia”. G Catholic. Bản gốc lưu trữ Ngày 21 tháng 7 năm 2019. Truy cập Ngày 21 tháng 7 năm 2019.

Sách[sửa | sửa mã nguồn]

  • Antôn Nguyễn Ngọc Sơn (Chủ biên) (2016), Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016, Nhà xuất bản Tôn giáo
  • Báo Công giáo và Dân tộc.