Họ Thủy thảo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Họ Thủy thảo
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Monocots
Bộ (ordo)Alismatales
Họ (familia)Hydrocharitaceae
Engl., 1894
Chi điển hình
Hydrocharis
L., 1753
Các chi

Họ Thủy thảo hay họ Thủy miết hoặc họ Lá sắn (danh pháp khoa học: Hydrocharitaceae) là một họ thực vật hạt kín chứa khoảng 116-130 loài thực vật thủy sinh trong 17-18 chi[1][2][3], nói chung gọi là thủy thảo (cỏ nước), và bao gồm những loài được nhiều người biết đến như rong đuôi chồn (Hydrilla verticillata) hay tóc tiên nước (Vallisneria spp.).

Các sách của tác giả Võ Văn Chi thì gọi họ này là họ Rong đuôi chồn, trong khi tên gọi họ Rong đuôi chồn được một số tài liệu khác dùng cho họ Haloragaceae (Võ Văn Chi gọi họ Haloragaceae là họ Rong xương cá). Có tài liệu (như Từ điển Bách khoa Việt Nam) gọi họ này là họ Tóc tiên nước.

Họ này bao gồm các loài sống trong môi trường nước ngọt lẫn nước mặn. Chúng được tìm thấy rộng khắp trên thế giới trong một loạt các kiểu môi trường nước, nhưng chủ yếu tại khu vực nhiệt đới.

Các loài có thể là thực vật một năm hay lâu năm, với thân rễ đơn trục bò lan, với các lá sắp xếp thành hai hàng theo chiều thẳng đứng, hoặc một thân chính mọc thẳng với các sợi rễ tại gốc và các lá sắp xếp thành vòng hay vòng xoắn. Lá đơn và thường mọc ngầm trong nước, mặc dù chúng có thể nổi trên mặt nước hay một phần nhất định nhô lên khỏi mặt nước. Như nhiều loài thực vật thủy sinh khác, chúng có thể rất đa dạng về hình dáng - từ dạng thẳng tới hình cầu, có hay không có cuống lá, và có hay không có lớp vỏ bọc ngoài tại gốc.

Hoa sắp xếp trong một lá bắc giống như bao mo hình nĩa hay giữa hai lá bắc mọc đối. Chúng thường là không cân xứng, mặc dù trong một vài trường hợp có thể là khá cân xứng, và hoặc là lưỡng tính hoặc là đơn tính. Các phần của bao hoa bao gồm 1 hay 2 dãy gồm (2-)3 đoạn tự do; dãy trong nếu có thường là sặc sỡ và gióng như cánh hoa. Số lượng nhị hoa từ 1 tới nhiều, xếp thành 1 hay vài dãy; các nhị bên trong thường là vô sinh. Phấn hoa hình cầu và tự do, nhưng ở các chi sinh sống ngoài biển (ThalassiaHalophila) thì các hạt phấn thường được tung ra thành chuỗi, giống như chuỗi hạt. Bầu nhụy hạ với 2 - 15 lá noãn hợp sinh, chứa một ngăn với vô số noãn trên các thực giá noãn vách bầu nhụy hoặc là thò ra gần tâm của bầu nhụy hoặc là phát triển không hoàn thiện. Quả từ hình cầu tới thẳng, khô hay nhiều cơm, nứt ra hay thông thường là không nứt mà mở ra nhờ sự thối rữa của vỏ quả. Thông thường quả chứa nhiều hạt với các phôi mầm thẳng và không có nội nhũ.

Kiểu thụ phấn cực kỳ chuyên biệt hóa.

Một vài nhà phân loại học chia họ này ra thành 3 phân họ là Hydrocharitoideae (thụ phấn ở mặt nước và hạt phấn hình cầu), Thalassoideae (Thalassia) và Halophiloideae (Halophila). Hai phân họ sau hụ phấn dưới nước và hạt phấn tung ra thành chuỗi.

Phát sinh chủng loài[sửa | sửa mã nguồn]

Cây phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo APG II, với họ Maundiaceae vẫn nằm trong họ Juncaginaceae còn họ Limnocharitaceae vẫn đứng độc lập.

Alismatales

Araceae

Tofieldiaceae

Hydrocharitaceae

Butomaceae

Alismataceae s.l.

Alismataceae s.s.

Limnocharitaceae

Scheuchzeriaceae

Aponogetonaceae

Juncaginaceae

Posidoniaceae

Ruppiaceae

Cymodoceaceae

Zosteraceae

Potamogetonaceae

Phân loại[sửa | sửa mã nguồn]

Các phân họ:

  • Hydrocharitoideae Eaton: 2 chi, 5 loài. Ôn đới và cận nhiệt đới.
    • Hydrocharis: Lá sắn, thủy miết
    • Limnobium (bao gồm cả Hydromystria): Lá sắn Mỹ, chiểu bình
  • Stratiotoideae Luersson: 1 chi, 1 loài
  • Anacharidoideae Thomé: 7 chi, ~ 38-48 loài. Nhiệt đới tới ôn đới, đặc biệt là châu Mỹ.
    • Apalanthe
    • Appertiella
    • Blyxa (bao gồm cả Enhydrias): chân thủy lá sen, lá hẹ, chân thủy hạt có gai; lá hẹ hạt có gai, chân thủy, chân thủy lá mác, chân thủy tám nhị; lá hẹ tám nhị, chân thủy việt, thủy si.
    • Egeria: Rong đuôi chồn Nam Mỹ, thủy uẩn thảo
    • Elodea (bao gồm cả Anacharis, Udora): Rong đuôi chồn Bắc Mỹ, y lạc thảo
    • Lagarosiphon: Nhuyễn cốt thảo
    • Ottelia (bao gồm cả Benedictaea, Beneditaea, Bootia, Oligolobos, Xystrolobus): mã đề nước, rau bát, cải đồng, thủy xa tiền
  • Hydrilloideae Luersson: 8 chi, 61-76 loài, sinh sống trong môi trường biển thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt tại Cựu thế giới. Riêng chi Najas phân bố gần như rộng khắp thế giới, trong môi trường nước ngọt.
    • Enhalus: Chân diêm hay hải xương bồ (Enhalus acoroides). Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương.
    • Halophila: Ái diêm hay hỉ diêm thảo. Vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và tới vùng ôn đới.
    • Hydrilla: Rong đuôi chồn, rong đen, rong gai, hắc tảo (Hydrilla verticillata). Tại các vùng nước ngọt ấm và mát ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Australia.
    • Najas[4][5][6]: Khoảng 40[3]-50 loài[2] tì tảo, trước đây thường đặt trong họ riêng có danh pháp Najadaceae[2]. Tại Việt Nam có 3 loài là N. indica, N. malesiana, N. minor. Sống trong môi trường nước ngọt.
    • Maidenia. Có thể gộp trong chi Vallisneria.
    • Nechamandra: Lưu hùng, rong chân thỏ, hà tử thảo
    • Thalassia (bao gồm cả Schizotheca): Hải dương thảo, cỏ biển, thái lai tảo.
    • Vallisneria (có thể bao gồm cả Maidenia): Rong mái chèo; tóc tiên nước, khổ thảo.

Sử dụng[sửa | sửa mã nguồn]

Một vài loài được nuôi trồng trong các bể cảnh hay làm cây cảnh và sau đó đã trở thành cỏ dại nguy hiểm trong tự nhiên (như chi Elodea).

Thư viện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Hydrocharitaceae Lưu trữ 2016-03-03 tại Wayback Machine trong Watson L. và Dallwitz M.J. (1992 trở đi). The families of flowering plants: descriptions, illustrations, identification, and information retrieval. Phiên bản: ngày 20 tháng 5 năm 2010. http://delta-intkey.com Lưu trữ 2007-01-03 tại Wayback Machine
  2. ^ a b c Najadaceae Lưu trữ 2016-03-03 tại Wayback Machine trong Watson L. và Dallwitz M.J. (1992 trở đi). The families of flowering plants: descriptions, illustrations, identification, and information retrieval. Phiên bản: ngày 20 tháng 5 năm 2010. http://delta-intkey.com Lưu trữ 2007-01-03 tại Wayback Machine
  3. ^ a b Hydrocharitaceae trên website của APG. Tra cứu ngày 3 tháng 1 năm 2011.
  4. ^ Tanaka, Norio; Setoguchi, Hiroaki; Murata, Jin (1997), “Phylogeny of the family hydrocharitaceae inferred fromrbcL andmatK gene sequence data”, Journal of Plant Research, 110: 329, doi:10.1007/BF02524931
  5. ^ Genera of Hydrocharitaceae Lưu trữ 2000-07-12 tại Wayback Machine, GRIN Taxonomy for Plants
  6. ^ Angiosperm Phylogeny Group (2003). "An update of the Angiosperm Phylogeny Group classification for the orders and families of flowering plants: APG II". Botanical Journal of the Linnean Society 141(4): 399-436. (Available online: Abstract Lưu trữ 2012-09-19 tại Archive.today | Full text (HTML) Lưu trữ 2012-12-05 tại Archive.today | Full text (PDF) Lưu trữ 2022-10-16 tại Wayback Machine)