Hồ Hảo Hớn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hồ Hảo Hớn (1926-1967) là một nhà hoạt động chính trị Việt Nam, từng là Khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Thành Đoàn đầu tiên của Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam[1]. Ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.[2]

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 15 tháng 10 năm 1926 tại ấp Thạnh Tây, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, nhưng nguyên quán lại ở ấp Hòa, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Theo gia phả họ Hồ ở ấp Hòa, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre Gia thế nội ngoại của ông đều khá giả, có điền sản, cha lại quan tâm đến tri thức, dành phần lớn tiền của lo cho các con ăn học.

Năm 1939, ông được gia đình cho đi học ở Collège Mỹ Tho. Năm 1943, ông lên Sài Gòn học Lycee Petrus Ký. Tốt nghiệp tú tài năm 1945, tháng 5 năm đó, ông trở về quê nhà ở Hương Mỹ, gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền phong và tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8.

Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, hầu hết tổ chức của Thanh niên Tiền phong sáp nhập vào tổ chức Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Bấy giờ, ông tham gia công tác cho chính quyền Việt Minh tại Bến Tre. Tại đây, ông nhiều lần làm việc với một thủ lĩnh Thanh niên Cứu quốc ở Nam Bộ là Trần Bạch Đằng.

Năm 1947, ông thoát ly gia đình hoạt động với bí danh Hai Nghị. Ông tham gia làm việc Ban thông tin tuyên truyền khu 8, rồi Viện Văn hóa Kháng chiến Nam Bộ có trụ sở đóng tại Đồng Tháp Mười. Năm 1948, Viện được sáp nhập vào Sở Giáo dục Nam Bộ, lúc ấy Giáo sư Nguyễn Văn Hanh giữ chức vụ Trưởng phòng Sưu tầm tài liệu. Ông được phân công làm Phó phòng Sưu tầm tài liệu, với nhiệm vụ xây dựng, thiết kế lại một chương trình giáo dục kháng chiến, tìm lại và sưu tầm lại những tư liệu về giáo dục - văn hóa, giáo dục lại truyền thống lịch sử dân tộc. Ngoài ra, ông có thời gian còn tham gia công tác giảng dạy tại trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố.[2]

Sau khi Hiệp định Genève, 1954 được ký kết, ông được phân công ở lại miền Nam và tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn làm công tác vận động trí thức với bí danh Nguyễn Văn Chiêu. Hoạt động bán công khai, ông đi dạy ở các trường tư thục như Việt Nam học đường, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Huệ,… ở Sài Gòn, Bình Dương, Mỹ Tho, Gò Công,… gây ảnh hưởng trong giới học sinh bấy giờ.

Trong giai đoạn 1957 - 1961, với bí danh Ba Lực, ông tham gia chỉ đạo phong trào sinh viên học sinh, tổ chức nhiều cuộc biểu tình, xuống đường chống Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm, làm Ủy viên Ban Thanh vận Khu Sài Gòn - Gia Định. Từ tháng 8 năm 1962 - 1967, ông được phân công làm Bí thư cán sự sinh viên học sinh thay ông Trần Quang Cơ (trùng tên với Thứ trưởng ngoại giao), trực tiếp phụ trách phong trào sinh viên học sinh Khu Sài Gòn - Gia Định, tổ chức xuất bản các tờ báo Suối Thép, Lửa Thiêng, Cờ giải phóng,... Đến quý 3 năm 1967, ông được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Gia Định kiêm Bí thư Khu Đoàn.

Tháng 9 năm 1967, ông được điều ra căn cứ để dự họp Ban chấp hành Khu ủy, chuẩn bị nhiệm vụ năm 1968 với Nghị quyết Quang Trung. Tháng 10 năm 1967, trên đường trở vào Sài Gòn, do bị một hồi chánh viên chỉ điểm, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ[1]. Sau khi bị đưa về giam tại bót Bà Hòa (quận 5), ông qua đời trong một hoàn cảnh không rõ ràng.

Thời điểm mất của ông không được biết chính xác. Theo gia đình, ông có hẹn sẽ gặp vợ ngày 11 tháng 11 năm 1967 nhưng không thấy đến nơi hẹn. Vì vậy gia đình quyết định chọn ngày 11 tháng 11 hằng năm để làm giỗ cho ông.[1] Ngày 15 tháng 4 năm 1996, di hài của ông được cải táng về Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 22 tháng 11 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 2164/QĐ-CTN truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hồ Hảo Hớn.

Tên ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có một giải thưởng được đặt theo tên ông dành cho những công trình khoa học, và cán bộ đoàn xuất sắc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Cha ông là ông Hồ Văn Mẹo và mẹ là bà Nguyễn Thị Dự. Ông là con thứ 3 trong gia đình 9 anh chị em, tuy nhiên người thứ 2, thứ 5 và 6 chết lúc còn nhỏ, nên còn lại 6 người.

  1. Thứ hai: Hồ Thị Huy
  2. Thứ tư: Hồ Hảo Hớn
  3. Thứ bảy: Hồ Nguyệt Thu
  4. Thứ tám: Hồ Hảo Nghĩa
  5. Thứ chín: Hồ Nguyệt Tâm
  6. Thứ mười: Hồ Hảo Hiệp

Do ảnh hưởng cha trọng tri thức, dành phần lớn tiền của lo cho các con ăn học, nhiều người con trong gia đình làm nghề dạy học như Hồ Thị Huy, Hồ Hảo Hớn, Hồ Nguyệt Thu, Hồ Hảo Nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Dự được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có ba con ruột (Hồ Hảo Hớn, Hồ Hảo Nghĩa và Hồ Hảo Hiệp) và một người con rể (Phạm Hoàng Hổ, chồng bà Hồ Thị Huy) là liệt sĩ.

Ông lập gia đình với bà Lê Thị Kim Hoàn. Con gái lớn của 2 người tên Hồ (Thị) Mỹ Chi.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Người bí thư Thành đoàn đầu tiên[liên kết hỏng]
  2. ^ a b “Người bảo vệ Nghị quyết Quang Trung”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2012.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]