HMS Atherstone (L05)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tàu khu trục HMS Atherstone (L05) vào năm 1942
Lịch sử
Anh Quốc
Đặt hàng 21 tháng 3 năm 1939
Kinh phí Cammell Laird, Birkenhead
Đặt lườn 8 tháng 6 năm 1939
Hạ thủy 12 tháng 12 năm 1939
Nhập biên chế 23 tháng 3 năm 1940
Số phận Bán để tháo dỡ 1957
Đặc điểm khái quát[1]
Lớp tàu Lớp Hunt Kiểu I
Trọng tải choán nước
  • 1.000 tấn Anh (1.020 t) (tiêu chuẩn)
  • 1.340 tấn Anh (1.360 t) (đầy tải)
Chiều dài 85 m (278 ft 10 in) (chung)
Sườn ngang 8,8 m (28 ft 10 in)
Mớn nước 3,27 m (10 ft 9 in)
Động cơ đẩy
  • 2 × turbine hơi nước hộp số Parsons;
  • 2 × nồi hơi ống nước 3 nồi Admiralty;
  • 2 × trục;
  • công suất 19.000 shp (14.170 kW)
Tốc độ 27,5 hải lý trên giờ (50,9 km/h)
Tầm xa 2.500 nmi (4.600 km) ở tốc độ 20 kn (37 km/h)
Thủy thủ đoàn tối đa 146
Vũ khí

HMS Atherstone (L05) là một tàu khu trục hộ tống lớp Hunt của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc. Nó được hạ thủy vào năm 1939 như là chiếc đầu tiên trong lớp của nó, nhưng bị phát hiện là không ổn định, và phải được cải biến đáng kể trước khi đưa ra phục vụ vào tháng 3 năm 1940. Atherstone đã hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, sống sót qua cuộc xung đột, ngừng hoạt động và bị tháo dỡ vào năm 1957. Nó là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoàng gia mang cái tên này.

Thiết kế và chế tạo[sửa | sửa mã nguồn]

Atherstone được đặt hàng cho hãng Cammell Laird tại Birkenhead vào ngày 21 tháng 3 năm 1939 như một trong mười chiếc tàu khu trục lớp Hunt lô đầu tiên.[2] Lớp tàu này được dự định bù đắp sự thiếu hụt tàu khu trục, đặc biệt là cho vai trò hộ tống. Chúng kết hợp dàn vũ khi phòng không mạnh của lớp tàu xà lúp Bittern: sáu khẩu QF 4 in (100 mm) Mark XVI đa dụng (chống hạm và phòng không) trên ba bệ nòng đôi, với tốc độ 29 hải lý trên giờ (54 km/h; 33 mph) (so với 18,75 hải lý trên giờ (35 km/h; 22 mph) của Bittern) cho phép chúng hoạt động cùng hạm đội khi cần thiết.[3][4] Chúng cũng được bổ sung vũ khi phòng không tầm gần là một khẩu đội QF 2 pounder Mk. VIII bốn nòng; và vũ khí chống tàu ngầm gồm 30 quả mìn sâu; ống phóng ngư lôi không được trang bị.[5]

Atherstone được đặt lườn vào ngày 8 tháng 6 năm 1939 và hạ thủy vào ngày 12 tháng 12 năm 1939.[2] Một thử nghiệm nghiêng khi con tàu đang được trang bị cho thấy nó, cũng như toàn những chiếc lớp Hunt, bị mất ổn định nguy hiểm do một lỗi thiết kế.[note 1] Để phục hồi độ ổn định đến mức có thể chấp nhận được, một bệ pháo 4 inch nòng đôi phải được tháo dỡ, cấu trúc thượng tầng con tàu và ống khói được cắt ngắn, và trang bị bổ sung những đồ dằn dưới đáy lườn tàu.[7] Sau khi được cải biến, Atherstone được hoàn tất và nhập biên chế với ký hiệu lườn L05[8] vào ngày 23 tháng 3 năm 1940.[2]

Lịch sử hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi hoàn tất chạy thử máy và đi vào hoạt động, Atherstone gia nhập Chi hạm đội Khu trục 1 đặt căn cứ tại Portsmouth, và làm nhiệm vụ hộ tống vận tải tại khu vực eo biển Manche.[9] Trong tháng 6tháng 7 năm 1940, nó được điều động sang Hạm đội Nhà, rồi quay trở Portsmouth về vào tháng 8.[10] Vào ngày 11 tháng 9, đang khi hộ tống Đoàn tàu CW11 trong eo biển Manche, nó bị ném trúng hai quả bom và suýt trúng một quả thứ ba, bị hư hại đáng kể và khiến năm người thiệt mạng.[9][10][11] Sau khi được sửa chữa tại Xưởng tàu Chatham, con tàu gia nhập trở lại Chi hạm đội Khu trục 1 vào tháng 1 năm 1941, tiếp nối nhiệm vụ hộ tống tại vùng eo biển. Vào tháng 12 năm 1941, sau một đợt tái trang bị tại Southampton, nó được điều sang Chi hạm đội Khu trục 15 đặt căn cứ tại Devonport.[9][10]

Atherstone khởi hành từ Falmouth vào ngày 26 tháng 3 năm 1942 trong thành phần lực lượng tham gia Chiến dịch Chariot, cuộc Đột kích St Nazaire. Đây là hoạt động đổ bộ đột kích cảng St Nazaire tại Pháp với mục tiêu phá hoại cửa ụ tàu Normandie bằng cách húc chiếc tàu khu trục Campbeltown (I42) chứa đầy chất nổ vào ụ tàu, ngăn cản nó được sử dụng để bảo trì thiết giáp hạm Tirpitz. Atherstone cùng tàu chị em Tynedale (L96) đã hộ tống Campbeltown và phần còn lại của lực lượng tấn công, kéo theo chiếc tàu pháo MGB 314 trên đường đi đến St Nazaire.[12] Sáng sớm ngày 27 tháng 3, Tynedale trông thấy tàu ngầm U-593, và hai chiếc tàu khu trục hộ tống đã tấn công chiếc U-boat. Cho dù U-593 sống sót qua cuộc tấn công, các tàu khu trục đã buộc nó phải lặn xuống trong nhiều giờ, ngăn trở nó can thiệp vào cuộc tấn công.[13]

Atherstone được điều sang Chi hạm đội Khu trục 16 vào tháng 5 năm 1942, hộ tống các đoàn tàu vận tải ở bờ biển phía Đông nước Anh.[9] Đến tháng 3 năm 1943, nó được thuyên chuyển sang khu vực Địa Trung Hải và gia nhập Chi hạm đội Khu trục 18.[10] Vào tháng 7 năm 1943, nó tham gia Chiến dịch Husky, cuộc đổ bộ của lực lượng Đồng Minh lên Sicily, Ý, tham gia thành phần bảo vệ cho cuộc đổ bộ của Quân đoàn 30 về phía Tây Nam Syracuse.[10][14] Vào ngày 26 tháng 11, nó cứu vớt khoảng 70 người sống sót từ chiếc tàu chở quân HMT Rohna, vốn bị một quả bom lượn Henschel Hs 293 đánh chìm ngoài khơi bờ biển Algérie.[15]

Vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, Atherstone rời Địa Trung Hải để quay trở về Portsmouth, nơi nó ngừng hoạt động và đưa về thành phần dự bị. Nó bị loại bỏ tại Cardiff năm 1953, và bị bán để tháo dỡ tại Glasgow vào ngày 23 tháng 11 năm 1957.[16]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Công việc quá tải của những nhà thiết kế đưa đến một sai sót trong tính toán trọng tâm con tàu không được phát hiện. Vấn đề càng thêm trầm trọng do các con tàu nặng hơn ước lượng, dẫn đến hậu quả chung làm giảm chiều cao khuynh tâm của con tàu khoảng 1 foot (0,30 m).[6]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Lenton 1970, tr. 87
  2. ^ a b c English 1987, tr. 17
  3. ^ English 1987, tr. 7–9
  4. ^ Lenton 1970, tr. 83
  5. ^ Whitley 2000, tr. 143–144
  6. ^ English 1987, tr. 10–11
  7. ^ English 1987, tr. 11
  8. ^ English 1987, tr. 106
  9. ^ a b c d English 1987, tr. 29
  10. ^ a b c d e Mason, Geoffrey B. (2004). “HMS ATHERSTONE (L 05) - Type I, Hunt-class Escort Destroyer including Convoy Escort Movements”. Service Histories Of Royal Navy Warships In World War 2. Naval-History.net. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2014.
  11. ^ Kindall, Don (2009). “Casualty Lists of the Royal Navy and Dominion Navies, World War 2: 1st - 30th SEPTEMBER 1940 - in date, ship/unit & name order”. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2014.
  12. ^ “No. 38086”. The London Gazette (invalid |supp= (trợ giúp)). ngày 30 tháng 9 năm 1947.
  13. ^ Blair, 2000 & pp. 559–560
  14. ^ Rohwer & Hümmelchen 1992, tr. 222
  15. ^ Wills, J.E.; Frolich, Alexander. “Rohna, (British India Steam Navigation Co Ltd), 1926–1943”. merchantnavyofficers.com. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2010.
  16. ^ Critchley, Mike, "British Warships Since 1945: Part 3: Destroyers", Maritime Books: Liskeard, UK, 1982. ISBN 0-9506323-9-2, page 24

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]