Lâm Thao (xã)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Lâm Thao, Lương Tài)
Lâm Thao
Xã Lâm Thao
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
TỉnhBắc Ninh
HuyệnLương Tài
Khác
Mã hành chính09535[1]

Lâm Thao là một xã nằm ở phía nam huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Xã Lâm Thao được thành lập năm 1948 trên cơ sở các làng của tổng Lâm Thao, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Địa giới hành chính của xã: nằm ở phía Nam của huyện Lương Tài và của tỉnh (điểm cực Nam của tỉnh Bắc Ninh thuộc về thôn Ngọc Quan); cách trung tâm huyện  Lương Tài 6 km, cách trung tâm tỉnh Bắc Ninh 30 km. Xã Lâm Thao phía Bắc giáp với xã Bình Định (cùng huyện), phía Nam giáp với xã Thạch Lỗi, Ngọc Liên (huyện Cẩm GiàngHải Dương), Phía Đông giáp xã Phú Lương (cùng huyện), phía Tây giáp với xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng – Hải Dương). Theo quy hoạch, xã Lâm Thao sẽ trở thành đô thị loại V[2], là đô thị công nghiệp, dịch vụ, thương mại, cửa ngõ phía Tây Nam của huyện Lương Tài.

Xã Lâm Thao có diện tích tự nhiên là 628,22 ha, trong đó có 344,01 ha đất canh tác; còn lại là đất thổ cư, sông ngòi và các công trình phúc lợi khác. Dân số hiện nay 6.885 người.

Đây vốn là vùng đất trũng có nhiều đầm lầy, ao hồ, rừng rậm. Do vậy mà xa xưa vùng đất này được gọi là "Lâm Thao" (rừng và nước). Cũng chính ở vùng sông nước ấy từ lâu đã thu hút dân cư các vùng về sinh cơ lập nghiệp bằng nhiều nghề như: trồng lúa, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, buôn bán, làm thợ… tạo nên các làng xóm trong vùng Lâm Thao trù phú với nền văn hiến lâu đời. Vào thời vua Gia Long, vùng đất Lâm Thao được chọn là lỵ sở của huyện Lang Tài và đã được sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Lỵ sở huyện Lang Tài ở xã Kim Thao (thuộc tổng Lâm Thao), luỹ tre, chu vi 92 trượng".

Đến thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII), Lâm Thao đã nổi tiếng là một vùng trù phú và văn hiến với các làng cổ như: Xuân Lan (tên nôm là Sen, tên hiện nay là Ngọc Quan[3]), Bảo Tháp (tên nôm là Tháp, tên hiện nay là Kim Thao), Bảo Thao (tên hiện nay là Lâm Thao), Bảo Khám (tên nôm làng Khám, tên hiện nay là Ngọc Khám), Thái Trì (tên nôm làng Đìa). Ở huyện Lang Tài, các xã đều có phường hát, duy có phường hát ở làng Xuân Lan, các vở hát chèo được Lan Trì tiên sinh Vũ Trinh biên soạn nên có những lời lẽ và điệu hát đẹp, nhã, có tính chất khuyên răn không có những lời lẽ quê mùa, đáng được truyền tụng (Công chúa Lạc Xương, Lưu Bình-Dương Lễ, Chu Mãi Thần, Hán-Sở…)”[4].

Sách Đồng Khánh dư địa chí cho biết tổng Lâm Thao là tiêu biểu về học hành ở huyện Lương Tài[5].

Hiện nay xã Lâm Thao  gồm 6 thôn: Kim Thao, Ngọc Khám, Lâm Thao, Nhiêu Đậu, Thái Trì, Ngọc Quan.

Danh nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Truyền thống họ Vũ ở Xuân Lan[sửa | sửa mã nguồn]

nghĩa là: Nghìn năm sự đậu đạt vẫn còn mãi; Một dải sông ở Xuân Lan sóng dạt dào

Từ thế hệ của ông nội danh nhân Vũ Miên là Vũ Xuân (được ban Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử, tước Triệu Phái bá) cho đến nay thế hệ nào cũng có những người thành danh. Thời khoa cử Nho học, con cháu họ Vũ từ đời ông Vũ Xuân đều có người đỗ đạt làm quan, số người đậu khoa bảng của tổng Lâm Thao chủ yếu thuộc về hậu duệ ông Vũ Xuân ở Xuân Lan (nay là thôn Ngọc Quan); trong đó có nhiều người giữ những cương vị quan trọng trong Triều đình phong kiến. Sách Bắc Ninh dư địa chí gọi dòng họ ông Vũ Xuân là Vọng tộc đất Lương Tài.

Di tích[sửa | sửa mã nguồn]

  • Đình Ngọc Quan: được xây dựng vào thế kỉ 18, thời Lê-Trịnh, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình làng thờ thành hoàngHuệ thông linh ứng dực vận khai bình đại vương (thiên thần). Từ thời Lê Trịnh, phối thờ Lại bộ tả Thị lang Vũ Miên và Tri phủ Thiên Trường Vũ Tể là người làng. Đình được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 15/2003/QĐ-BVHTT ngày 14 tháng 4 năm 2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin
  • Đình làng Kim Thao: được xây dựng từ thời nhà Lê (khoảng thế kỉ 17), được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. {Làng Kim Thao (tên Nôm là làng Tháp): từ năm 1886 trở về trước có tên là Bảo Thao; từ năm 1886 đến nay có tên là Kim Thao}
  • Khu Văn Chỉ của làng Sen và Nhà thờ họ Vũ ở làng Sen, nơi ghi danh những vị khoa bảng dòng họ Vũ, từng nổi danh về làng khoa cử Nho học.
  • Sùng Quang Tự, ở làng Ngọc Quan, là chùa cổ do sa môn Như Lý xây dựng, để đón Chân Nguyên thiền sư (chức Tăng thống đời Lê Dụ Tông, là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời TrầnĐàng Ngoài) về[7][8], đã từng là danh thắng đất Bắc

Lễ hội[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lễ hội làng Ngọc Quan: tôn vinh 2 vị hậu thần là danh nhân Vũ Miên (đỗ đầu xứ[9], Hương giải, Hội nguyên) và Tri phủ Vũ Tể (đỗ đầu xứ, Hương giải, Tam trường thi Hội) là những người có công xây dựng đối với quê hương.
  • Lễ hội Đình làng Kim Thao: tôn vinh ba vị Thành hoàng Vĩnh Dụ, Phù Linh, Thiên Minh là con trai bảng nhãn - nhà sử học Lê Văn Hưu, đã có công đánh giặc giữ cho vận nước yên bình. Đình có quy mô bề thế nằm ngay đúng vị trí ngày nay. Hiện tại di tích còn bảo tồn khá nguyên vẹn các công trình kiến trúc với kết cấu gỗ, những mảng trạm khắc trang trí của kiến trúc Lê - Nguyễn, trên hệ thống các bức cốn, dây triện, đòn bẩy…Đình làng Kim Thao được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình mà còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ “news - Huyện Lương Tài - Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh”. Huyện Lương Tài. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
  3. ^ Xuân Lan vào thời Nguyễn đổi thành Xuân Quan, rồi đổi thành Ngọc Quan vì tránh tên húy Nguyễn Phúc Lan
  4. ^ Ca trù: nhìn từ nhiều phía-Nhà xuất bản Văn hóa - thông tin, 2003. Nguyễn Đức Mậu, Trang 496
  5. ^ Đồng Khánh dư địa chí, Nhà xuất bản Ecole Pratique des Hautes Etudes, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ecole française d'Extrême-Orient, 2003. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, trang 504
  6. ^ Thời Gia Long, vì quan lại triều Lê Trịnh cũ được bổ dụng, cùng với quan Đàng Trong vốn đã nhiều nên chỉ tổ chức thi cấp cao nhất là khoa thi Hương và không có thi Hội, thi Đình; và chỉ có 3 khoa thi Hương vào các năm 1807, 1813 và 1819. Vũ Trinh trước khi bị oan năm 1816 đều làm Giám thí của cả hai khoa thi 1807, 1813
  7. ^ Hiển an Sùng Quang tự thiền tháp ký 顯安崇光寺禪塔記, làng Sen, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Bài ký xây dựng tháp chùa Sùng Quang, nơi chôn cất xá lị của Như Lý thiền sư. Sa môn Như Lý, họ Lê người xã Thanh Bồ huyện Hoài An, lúc nhỏ theo đuổi nghiệp Nho, lớn lên học đạo ở Như Tòa Thiền sư ở chùa Vĩnh Long, từng tới ở chùa Dương Đường huyện Cẩm Giàng rồi về trụ trì tại chùa Sùng Quang. Tại đây, nhà sư đã chủ trì việc xây dựng mở mang chùa, cho in kinh, dựng tượng, đúc chuông, sửa cầu. Sau tìm vào chùa Long Động ở núi Yên Tử đón Hòa thượng Chân Nguyên thiền sư, dặn dò, việc xây dựng tháp Liên Hoa cửu phẩm. Từ đó chùa trở thành một thắng cảnh lớn ở miền Đông Bắc. Sau khi nhà sư viên tịch, học trò là sư Tích Nhượng kế thừa y bát. Năm Tân Tỵ cho dựng tháp này để thờ phụng ngài tại chùa. Có danh sách những người đóng góp xây dựng tháp.
  8. ^ “Tổ Như Trừng Lân Giác trong bối cảnh thế kỷ XVII, XVIII với sự xuất hiện của các bậc "tùng lâm thạch trụ" ở Bắc Ninh”. tapchinghiencuuphathoc.vn. 14 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
  9. ^ Xứ là đơn vị hành chính, thời Lê Thánh Tông chia đất nước thành 13 Xứ. Muốn dự thi Hương, thí sinh phải đậu qua phần thi khảo hạch (sơ tuyển) học lực: Đây là kỳ thi ám tả cổ văn (chép một đoạn trong Tứ thư. Ngũ kinh, không được mở sách; không có người đọc cho chép), ai đỗ thì mới được vào thi Hương. Sau này, thấy chỉ kiểm tra bằng ám tả không đủ người ta cho kiểm tra nhiều nội dung hơn, cuối cùng kiểm tra toàn bộ văn thể 4 kỳ như thi Hương. Đây là kỳ sát hạch, chưa phải kỳ thi chính. Đỗ kỳ này chưa có học vị gì. Người đỗ đầu cả Xứ (từ cuối thế kỷ 18 trở đi gọi là Trấn) được tặng danh hiệu đầu xứ (về sau đỗ đầu tỉnh cũng gọi là đầu xứ), gọi tắt là ông Xứ.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Đại Việt lịch triều đăng khoa lục
  • Lê triều-Vũ Liên Khê Công-Bắc sứ tự thuật kí
  • Đại Việt sử ký tục biên
  • Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
  • Hoàng Lê nhất thống chí
  • Đại Nam liệt truyện
  • Đại Nam thực lục
  • Quốc sử di biên
  • Hoàng Việt long hưng chí
  • Bắc Ninh dư địa chí, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 1997
  • Từ điển tác gia văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 1999
  • Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học 2000
  • Làng xã tỉnh Bắc Ninh, Tập 1, Nhà xuất bản Thanh niên 2011
  • Sứ thần Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 1996