Lê Bá Phẩm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lê Bá Phẩm (? - 1820) là đại thần nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ông là người huyện Bình Dương, thuộc Gia Định xưa; nay là huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một trong số học trò giỏi [1] của nhà giáo Võ Trường Toản, ông đã từng theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh khi còn đánh nhau với nhà Tây Sơn.

Sau khi chúa Nguyễn trên lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, ông được cử làm Quốc Giám Thị học ở Huế, rồi đổi sang làm việc ở Viện Hàn Lâm.

Được nhà vua và triều đình tin cậy, ông lần lượt được giữ các chức vụ sau: Ký lục dinh Trấn Định (năm 1808, đổi thành trấn Định Tường), Cai bộ ở Quảng Nam, Tả Tham tri bộ Hình, Hiệp trấn Thanh Hóa (sau khi đi sứ sang nhà Thanh), Tham biện sự vụ ở bộ Hìnhbộ Hộ, Hình tào ở Gia Định, Hiệp trấn Nghệ An.

Năm Minh Mệnh thứ nhất (Canh Thìn, 1820), thăng ông làm Thượng thư bộ Hình [2].

Theo sử nhà Nguyễn, vào năm Giáp Tý (1804), ông được sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sử thần chép:

"Cho Lê Bá Phẩm sung chức Chánh sứ, Trần Minh Nghĩa và Nguyễn Đăng Đệ sung chức Giáp Ất Phó sứ, đem thư và phẩm vật sang tạ vua Tàu (gồm 200 lượng vàng, 1.000 lượng bạc, lụa và the mỗi thứ 100 cây, hai cái sừng tê ngưu, ngà voi quế tốt mỗi thứ 100 cân). Lại dâng 2 lễ cống năm Quý Hợi và năm Ất Sửu luôn" [3].

Đầu đời Minh Mạng (Canh Thìn, 1820), Lê Bá Phẩm mất, được truy tặng Hiệp biện Đại học sĩ, thụy là Cẩn Hậu [4].

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Theo văn bia do Phan Thanh Giản soạn đề ở mộ nhà giáo Võ Trường Toản.
  2. ^ Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Gia Định, mục "Nhân vật".
  3. ^ Quốc triều sử toát yếu (phần "Chính biên", Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr. 86). Tuy sử thần không chép rõ, nhưng tra trong sách này thì thấy Quý Hợi là năm 1803, và Ất Sửu là năm 1805.
  4. ^ Huỳnh Minh, Gia Định xưa, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin tái bản năm 2006, tr. 164.