Ngũ uẩn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Năm uẩn)

Năm uẩn (zh. wǔyùn 五蘊, sa. pañca-skandha, pi. pañca-khandha, bo. phung po lnga ཕུང་པོ་ལྔ་), cũng gọi là Năm ấm (五陰), là năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài năm uẩn đó ra không có gì gọi là cái "ta".

Năm uẩn là:

  1. Sắc uẩn (zh. 色; sa., pi. rūpa), chỉ sự nhận biết mình có thân và sáu giác quan (hay còn gọi là sáu căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Bốn nguyên tố (sa., pi. mahābhūta) tạo thành, đó là bốn nguyên tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng. Cái biết của sắc uẩn gọi là sắc thức, là sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sắc thức phụ thuộc vào sáu giác quan tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. (Này các vị Bhikkhu, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Bhikkhu, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Bhikkhu, nên gọi là sắc.)
  2. Thọ uẩn (zh. 受, sa., pi. vedanā), tức là toàn bộ các cảm giác, cảm nhận sự thay đổi chung quanh, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. (Này các Bhikkhu, thế nào gọi là thọ? Được cảm thọ, này các Bhikkhu, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ phi khổ phi lạc. Được cảm thọ, này các Bhikkhu, nên gọi là thọ.)
  3. Tưởng uẩn (zh. 想, sa. saṃjñā, pi. saññā) là nhận biết sự khác biệt, như là màu này khác màu kia, mùi này khác mùi kia...[1] (Này các Bhikkhu, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Bhikkhu, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Bhikkhu, nên gọi là tưởng.)
  4. Hành uẩn (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), Hành là ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước 1 quyết định. Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác. (Gồm Thân hành, Khẩu hành, Ý hành) (Này các Bhikkhu, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tính, làm cho hiện hành thọ với thọ tính, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tính, làm cho hiện hành các hành với hành tính, làm cho hiện hành thức với thức tính. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Bhikkhu, nên gọi là các hành.)
  5. Thức uẩn (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa) là sự nhận thức nhờ mặc định, mặc định cái này chua, mặc định cái kia đắng, mặc định cái nọ màu đỏ, mặc định cái kia nóng, cái này lợi, cái kia không lợi... Đây cũng là bước chuyển tiếp của tưởng uẩn và hành uẩn, từ sự cảm nhận sự khác biệt rồi suy tư cân nhắc xem mức độ khác biệt như thế nào, cho đến định nghĩa sự khác biệt bằng những danh từ hay tên gọi cho từng sự vật, sự việc, hiện tượng...[1] (Và này các Bhikkhu, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Bhikkhu, nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay, rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm... rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Bhikkhu, nên gọi là thức.)

Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Bụt hay Araham mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngãKhổ. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của năm uẩn.

Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ lòng ham muốn, không hiểu sự vô thường của năm uẩn, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái "ta" thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của năm uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày như sau về tầm quan trọng đó:

"Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Năm uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng."

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo...[sửa | sửa mã nguồn]

  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Kinh Tương Ưng, Tập III Thiên Uẩn, VII Đáng được ăn, Pg 714. Nhà xuất bản Tôn giáo, Viện nghiên cứu Phật Học. 2017

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán