Người Đông Hương

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Người Đông Hương
Tổng dân số
513.805
Khu vực có số dân đáng kể
513.805 (ĐTDS Trung Quốc 2000) tại Cam Túc, Ninh Hạ, Thanh Hải, Tân Cương
Ngôn ngữ
Tiếng Đông Hương
Tôn giáo
Chủ yếu là Hồi giáo dòng Sunni, một ít theo Phật giáo
Sắc tộc có liên quan
Mông Cổ, Bảo An, Hồi

Người Đông Hương (giản thể: 东乡族; phồn thể: 東鄉族; Hán-Việt: Đông Hương tộc; bính âm: Dōngxiāngzú; tự gọi: Sarta hay Santa (giản thể: 撒尔塔; phồn thể: 撒爾塔; Hán-Việt: Tát Nhĩ Tháp; bính âm: Sā ěr tǎ)) là một trong số 56 dân tộc được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận. Phần lớn người Đông Hương sinh sống tại Châu tự trị dân tộc Hồi Lâm Hạ và các khu vực xung quanh trong tỉnh Cam Túc ở tây bắc Trung Quốc, trong khi các nhóm còn lại sinh sống tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, tỉnh Thanh HảiKhu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Theo đều tra dân số Trung Quốc năm 2000, dân số của dân tộc này là 513.805 người. Người Đông Hương có lẽ là các hậu duệ của người Mông Cổ theo Hồi giáo tại Trung Quốc pha trộn huyết thống với các nhóm sắc tộc khác nhau trong khu vực.

Nguồn gốc và phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Người Đông Hương là các họ hàng gần của các sắc tộc Mông Cổ. Một số học giả cho rằng nét nhận dạng của họ như là một nhóm sắc tộc độc lập đã phát sinh thông qua tiếp xúc với người Trung Á, do đó mà người Đông Hương đã cải đạo sang Hồi giáo dòng Sunni trong thế kỷ 13[1].

Một giả thuyết có thể về nguồn gốc người Đông Hương cho rằng họ là hậu duệ của các binh sĩ Mông Cổ đóng quân tại khu vực Hà Châu (河州, tên gọi cũ của Lâm Hạ) theo lệnh của Thành Cát Tư Hãn trong cuộc viễn chinh về phía tây của ông, trong khi các giả thuyết khác cho rằng họ có thể là hỗn hợp của nhiều dân tộc, bao gồm người Mông Cổ, Hán và Tạng[2].

Tên tự gọi của họ, santa, cũng có thể cung cấp một đầu mối mâu thuẫn về nguồn gốc của họ: từ tương tự Sart trước kia từng được dùng tại Trung Á để chỉ các thương nhân Trung Á theo Hồi giáo[3]. Tên gọi chính thức hiện nay của họ là Đông Hương, có từ năm 1954[1], nghĩa là "làng miền đông" phát sinh từ thực tế là các khu định cư của họ trong khu vực nằm ở phía đông Hà Châu[3], nơi có các khu định cư chính của người Hán.

Kinh tế[sửa | sửa mã nguồn]

Nền tảng kinh tế của người Đông Hương là nông nghiệp. Các sản phẩm chính là khoai tây, ngô và lúa mì. Họ cũng có ngành nghề thủ công, sản xuất ra các loại thảm truyền thống.

Ngôn ngữ và giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Y phục và lối sống truyền thống của người Đông Hương (ở giữa, với các con cừu) được miêu tả trên áp phích, cùng với các dân tộc Trung Quốc khác (Người Đồng và người Kirghiz ở bên phải, người Tajik ở bên trái)

Người Đông Hương nói tiếng Đông Hương, một ngôn ngữ trong ngữ tộc Mông Cổ của ngữ hệ Altai[4]. Văn học dân gian truyền khẩu của người Đông Hương phong phú, dân ca Đông Hương gọi là "Đông Hương hoa nhân", nhưng họ không có hệ thống chữ viết riêng. Các thống kê của chính quyền chỉ ra rằng người Đông Hương là nhóm người thuộc hàng nghèo khó nhất và ít học nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Trung Hoa, với phần lớn dân cư Đông Hương chỉ hoàn thành khoảng 1,1 năm[5] tới 1,98 năm [6] học hành, một vấn đề bị làm trầm trọng thêm bởi không có chữ viết. Theo dữ liệu tại Đông Hương tộc tự trị huyện chí thì vào năm 1996 tỷ lệ mù chữ và bán mù chữ của người Đông Hương (74,35 %) là cao hơn rất nhiều so với toàn tỉnh Cam Túc (34,89 %)[7]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b MSD China, The Dongxiang Ethnic Group Lưu trữ 2014-07-14 tại Wayback Machine
  2. ^ The Dongxiang ethnic minority (website của Trung tâm thông tin Internet Trung Quốc)
  3. ^ a b Mikko Suutarinen, Nhóm nghiên cứu Đông Á, Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi, Đại học Helsinki, The Dongxiang People of Gansu - Ethnic, Religious and Local Identities Lưu trữ 2011-07-14 tại Wayback Machine
  4. ^ Oliver Corff: The Dongxiang Mongols and Their Language
  5. ^ Deep in China, a Poor and Pious Muslim Enclave
  6. ^ Tần Trăn (秦臻), Mã Quốc Trung (马国忠) (chủ biên), 东乡族——甘肃东乡县韩则岭村调查 ("Đông Hương tộc - Cam Túc Đông Hương huyện Hàn Tắc Lĩnh thôn điều tra"), 253 trang, 2004, Nhà xuất bản Đại học Vân Nam
  7. ^ 东乡族自治县志 ("Đông Hương tộc tự trì huyện chí"), 96 trang, năm 1996, nhà xuất bản văn hóa Cam Túc.