Nguyễn Quang Quyền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguyễn Quang Quyền (23 tháng 9, 1934 tại Hải Phòng - 15 tháng 11, 1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh) là giáo sư-bác sĩ, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực giải phẫu học, nhân chủng họcnhân trắc học. Ông là người thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên y khoa Việt Nam. Cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ông gắn liền với Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Hình thái học Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm các cương vị là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và kiêm Trưởng bộ môn giải phẫu của trường. Ông có hai người anh em ruột cũng đều là những nhà khoa học tên tuổi từng được trao tặng danh hiệu "Vinh danh nước Việt", hiện đang định cư tại Pháp là nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu và nhà hóa học Nguyễn Quý Đạo.

Thân thế và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Xuất thân[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Quang Quyền cùng hai người anh em ruột của ông đều sinh ra và sống những năm thơ ấu tại Hải Phòng nhưng nguyên quán của dòng họ Nguyễn lại ở làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, tỉnh Sơn Tây cũ. Ông Nguyễn Văn Đính di cư đến lập nghiệp ở Hải Phòng trong những năm 1930. Tại đây ông mở hiệu ảnh Phúc Lai nổi tiếng và kết hôn với một người phụ nữ địa phương là bà Nguyễn Thị Thoa rồi sinh ra ba người con trai sau này đều trở thành những nhà khoa học tên tuổi. Trong đó người con cả là nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu, người con thứ hai là nhà giải phẫu và nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền, còn người con thứ ba là nhà hóa học Nguyễn Quý Đạo.

Nguyễn Quang Quyền sinh trưởng trong một gia đình tư sản dân tộc đi theo cách mạng, ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ những ngày mới thành lập. Cha của ông (Nguyễn Văn Đính) đã từng là Trưởng ban Cứu tế xã hội của Ủy ban hành chính Hải Phòng, Trưởng ban Kinh tế liên tỉnh Hồng Quảng, từng bị phòng Nhì của Pháp bắt giam với lý do "đã tham gia Việt Minh". Mẹ của ông (Nguyễn Thị Thoa) là ứng cử viên Quốc hội khóa đầu tiên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ Hải Phòng.

Công tác chính trị[sửa | sửa mã nguồn]

Cũng giống như cha mẹ mình, Nguyễn Quang Quyền tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1953, lúc 19 tuổi, ông là một trong số rất ít sinh viên y khoa tham gia hoạt động cách mạng trong nội thành Hải Phòng và Hà Nội, làm Trưởng ban liên lạc Hội Sinh viên Việt Nam. Năm 20 tuổi ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 1954-1958. Cuối năm 1954, lúc đang là sinh viên năm thứ tư của Đại học Y Khoa Hà Nội ông được cử làm Trưởng đoàn sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội sinh viên toàn thế giới lần thứ 4 tại Praha, Tiệp Khắc cũ. Trong thời gian làm việc tại trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội từ năm 1959 sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục hăng hái tham gia công tác đoàn thể, là Bí thư chi đoàn phi lâm sàng và Phó thư ký công đoàn bộ phận phi lâm sàng.

Theo đuổi ngành y khoa[sửa | sửa mã nguồn]

Thuở nhỏ ông học tiểu học tại Hải Phòng, sau đó tiếp tục học tại trường Chu Văn An ở Hà Nội. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là sinh viên trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội từ năm 1952. Năm 1959, ông tốt nghiệp ngành y khoa bác sĩ và toán học cao cấp rồi được giữ lại làm giảng viên tại trường.

Có thể chia cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Nguyễn Quang Quyền thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu công tác ở Trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội. (1959 - 1978) là giai đoạn ông vượt qua khó khăn thử thách, tự khẳng định mình, tự nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị về giải phẫu học và nhân chủng học. Sau khi chuyển vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và công tác tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (1979 - 1997), ông tiếp tục đảm nhiệm việc giảng dạy, đào tạo và tổ chức nghiên cứu, tham gia công tác quản lý với những đề xuất chiến lược mới tại trường. Trong giai đoạn này, ông đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm bộ môn giải phẫu tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam. Cũng trong thời gian này ông được mời thỉnh giảng tại một số trường đại học lớn trên thế giới ở Pháp, Đức, Australia, New Zealand...

Thành tựu khoa học[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Quang Quyền được coi là một trong số ít các bác sĩ, giáo sư y khoa xuất sắc chưa từng được đào tạo ở nước ngoài mà chỉ tự nghiên cứu khoa học đã trở thành nhà khoa học, giáo sư đầu ngành tại Việt Nam trên cả ba lĩnh vực giải phẫu học, nhân chủng học, nhân trắc học của y học hiện đại.

Năm 1977, Nguyễn Quang Quyền xuất bản hai cuốn sách Tổ tiên của người hiện đạiCác chủng tộc loài người. Ông còn là tác giả cuốn từ điển giải phẫu học với 4 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và La-tinh. Giáo sư Nguyễn Quang Quyền để lại một sự nghiệp khoa học với hơn 100 công trình nghiên cứu do ông là tác giả và đồng tác giả, trong đó có 20 bài được đăng trên các tạp chí tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và được giới khoa học trong nước cũng như trên thế giới đánh giá cao. Ông từng được Viện phân tích nhân chủng học Schvidesky của Cộng hòa Liên bang Đức đưa vào danh sách các nhà nhân chủng học hàng đầu thế giới.

Giải phẫu họcnhân trắc học là những lĩnh vực ông có nhiều đóng góp quan trọng cho nền y học của đất nước. Ông làm giải phẫu học để dạy các bác sĩ tương lai và để ứng dụng lâm sàng. Ông làm nhân trắc để nghiên cứu tầm vóc và thể lực người Việt Nam, để đưa tiếng nói khoa học vào các cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất năm 1988 do Báo Tiền Phong tổ chức, ban giám khảo chấm thi hầu như chỉ dựa vào cảm tính mà chưa hề có những chỉ số về nhân trắc học. Nhưng từ năm 1992 trở đi, Giáo sư Nguyễn Quang Quyền đã được mời làm cố vấn khoa học cho cuộc thi với tư cách là nhà nhân trắc học hàng đầu Việt Nam bởi ông không những có uy tín trong nước mà còn có uy tín trên thế giới về lĩnh vực này.

Tại hội thảo quốc tế về giáo dục y học tại New Zealand năm 1984, Nguyễn Quang Quyền được bình chọn là người giảng lý thuyết giải phẫu học xuất sắc và chuyên nghiệp nhất. Nguyễn Quang Quyền nổi tiếng với phong trào "hiến xác cho khoa học" tại Việt Nam do ông phát động, bản thân ông cũng tình nguyện hiến xác cho y học nhưng rồi đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1997 nên ý nguyện của ông không thành. Ông cũng là người khôi phục "Lễ tri ân những người đã hiến thân xác cho khoa học" (Lễ Macchabeés), là chủ nhân của bộ sưu tập sọ người Việt Nam đang được lưu giữ tại Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là người đề xuất và chỉ đạo việc xây dựng bảo tàng sọ người của những nạn nhân bị sát hại dưới thời Pol PotCampuchia, như một chứng cứ về tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.

Đánh giá về bản thân[sửa | sửa mã nguồn]

Dù đạt được không ít thành tựu trong sự nghiệp y học của mình nhưng Giáo sư Nguyễn Quang Quyền từng đánh giá một cách khiêm tốn về bản thân: "Tôi chỉ là một thầy thuốc bình thường, một nhà giáo bình thường… Có rất nhiều thầy thuốc, rất nhiều nhà giáo tài năng đã đóng góp rất lớn cho ngành y mà tôi không sao bì kịp".

Bị tai nạn và đột ngột qua đời.

Giáo sư Quyền bị tai nạn giao thông tại đường Nguyễn Tri Phương, TP HCM và qua đời. Để lại biết bao thương tiếc trong y giới. Nhiều học trò của giáo sư xem giáo sư là người Thầy đáng kính nhất đời của họ. Ngày tiễn đưa giáo sư về nơi yên nghĩ cuối cùng rất đông người đến đưa tiễn, các Bác sĩ từ các tỉnh xa cũng về dự. Với nhiều thế hệ sinh viên trường Y sự ra đi của Gs Quyền là mất mát lớn cho ngành Giải phẫu học Việt Nam. Các thế hệ sinh viên Kính trọng Giáo sư vì tài năng và đạo đức của Giáo sư

Tri ân[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Giáo sư Nguyễn Quang Quyền và đại hội lần thứ X của Hội Hình thái học Việt Nam, ban chấp hành Hội Hình thái học Việt Nam và ban giám hiệu trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho sưu tầm, biên soạn và xuất bản tập sách "Nguyễn Quang Quyền - Cuộc đời và Sự nghiệp" (Nhà xuất bản Y học) với lời giới thiệu của GS.TS. Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và GS.TS. Trương Đình Kiệt, nguyên Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]