Odoacer

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Flavius Odoacer
Vua
Đồng tiền Odoacer, Ravenna, 477, với nét mặt nhìn nghiêng của Odoacer, được vẽ với bộ ria của "Người Rợ".
Vua của Ý
Tại vị476–493
Tiền nhiệmKhông có
Kế nhiệmTheodoric Đại Đế
Thông tin chung
Mất493
Ravenna
Thân phụEdeko

Flavius Odoacer (433[1]493), còn được biết đến với tên gọi Flavius Odovacer hay Odovacar[2] (tiếng Ý: Odoacre, tiếng Latinh: Odoacer, Odoacar, Odovacar, Odovacris[1]) là Vua Ý vào thế kỷ thứ 5, thời kỳ trị vì của ông đánh dấu sự kết thúc của Đế chế La Mã cổ đại ở Tây Âu và mở đầu thời kỳ Trung Cổ. Ông được xem là vị vua không có nguồn gốc xuất thân từ La Mã cai trị toàn bộ nước Ý.

Odoacer là viên tướng chỉ huy lực lượng foederati người Scirii tại Ý đã phát động một cuộc nổi loạn nhằm truất phế vị Hoàng đế Tây La Mã cuối cùng, Romulus Augustus vào ngày 4 tháng 9 năm 476. Mặc dù nắm thực quyền trong tay, ông cai trị trong vai trò là người ủng hộ Julius Nepos trên danh nghĩa, sau khi Nepos mất vào năm 480, thì chuyển sang ủng hộ Hoàng đế Đông La MãConstantinopolis. Odoacer được xem là một vị vua (tiếng Latin: rex) trong nhiều nguồn tài liệu và ông tự mình sử dụng nó ít nhất một lần và ở một thời điểm khác nó đã từng được quan chấp chính tối cao Basilius sử dụng.[3]

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc xuất thân[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc xuất thân của Odoacer không rõ. Ông có thể là con trai của thủ lĩnh người Scirii (một bộ tộc Đức) là Edeko, chư hầu người Hung dưới quyền Attila. Tên của ông mang đậm nét đặc trưng của tiếng Đức, và mẹ Odoacer cũng có thể là người Đức, nhưng tên và dân tộc của bà thì không rõ. John xứ Antioch cho rằng Odoacer là người Sciri, Jordanes thì xem ông là người Rugi. Tuy nhiên Jordanes đồng thời miêu tả ông là vua của người Turcilingi (Torcilingorum rex).[4] Cuốn Consularia Italica thì gọi ông là vua của người Heruli, trong khi Theophanes dường như đoán ra khi ông gọi Odoacer là Goth.[5]

Chống lại Julius Nepos[sửa | sửa mã nguồn]

Romulus Augustus trao lại ngôi vua cho Odoacer.

Năm 470, Odoacer được bổ nhiệm làm người chỉ huy lực lượng foederati. Có khoảng hơn 30,000 foederati cộng thêm gia đình họ, foederati từng sống trên bán đảo Ý trong vài năm. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được những vùng đất khó trồng trọt ở khu vực tương đối cằn cỗi xung quanh dãy Núi Apennine.

Khi Orestes được Hoàng đế Tây La Mã Julius Nepos bổ nhiệm giữ chức Magister militumPatrician vào năm 475, ông trở thành người đứng đầu lực lượng foederati thuộc bộ tộc người Đức ở Ý (foederati của người Scirian - Herulic), để giành được sự hỗ trợ của họ trong nỗ lực của ông nhằm tái kiểm soát Đế chế, Orestes hứa hẹn ban cho họ một phần ba bán đảo Ý nếu họ đã dẫn đầu một cuộc nổi dậy chống lại Hoàng đế Nepos. Lực lượng foederati chấp nhận sự giúp đỡ và lãnh đạo cuộc nổi dậy theo như kế hoạch.

Truất phế vị Hoàng đế cuối cùng[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 28 tháng 8 năm 475, foederati đánh bại quân đội của Nepos, khiến Nepos phải trốn sang Dalmatia lánh nạn. Orestes liền đưa con trai của mình là Romulus lên ngôi lấy danh hiệu Augustus, trở thành Hoàng đế Romulus Augustus. Orestes, là magister militum (thống lĩnh quân đội), cho tổ chức một đội quân riêng nhằm đảm bảo cho việc hủy bỏ lời cam kết với foederati. Odoacer ngay sau đó đã phát giác ra sự bội ước này liền chỉ huy foederati đánh bại và hành quyết Orestes. Sau khi cuộc nổi loạn chấm dứt, lực lượng foederati người Đức, người Sciri và người Heruli, cũng như phần lớn quân đội La Mã người Ý, tất cả đều tuyên bố Odoacer là vua nước Ý.[6] Vào năm 476 Odoacer dẫn quân đội tiến về Ravenna và chiếm giữ thành phố này, thuyết phục vị hoàng đế trẻ tuổi Romulus thoái vị mà không bị tổn hại gì vào ngày 4 tháng 9 năm 476.

Cùng năm đó Odoacer từ bỏ danh hiệu Hoàng đế vô nghĩa để tránh một cuộc xung đột với Constantinopolis. Ông gửi vật biểu hiện Hoàng đế (Imperial insignia) cho Hoàng đế Đông La Mã Zeno và tuyên bố công khai mình là người cai trị tối cao của Đế chế Tây La Mã, vào thời gian này chẳng còn gì ngoại trừ bán đảo Ý, Dalmatia và phần đất tách khỏi Đế chế, miền trung Gaul. Vị Hoàng đế Tây La Mã hợp pháp, Julius Nepos, cai trị một cách bất lực tại Dalmatia cho đến khi bị ám sát vào năm 480. Trong suốt khoảng thời gian bốn năm còn lại, Odoacer vẫn công nhận Nepos là hoàng đế Tây La Mã và thậm chí còn đúc tiền mang tên ông.

Giai đoạn trị vì nước Ý[sửa | sửa mã nguồn]

Bản đồ Vương quốc của Odoacer vào năm 480, sau khi ông sáp nhập thêm Sicilia và Dalmatia.
Đồng solidus Odoacer được đúc vào tên của Hoàng đế Zeno. Đồng tiền này đã chứng nhận cho sự quy phục chính thức của Odoacer với Zeno.

Năm 476, Odoacer chính thức trở thành vị vua người Đức đầu tiên của nước Ý và một kỷ nguyên mới bắt đầu. Odoacer là người Arian Cơ Đốc giáo và thậm chí có tài liệu nói rằng ông là người mù chữ. Các chiến binh và gia đình trong lực lượng foederati của Odoacer nhận được đất ở Ý và trở thành đối tượng của một chính sách thuế đặc biệt. Odoacer giữ nguyên chính quyền La Mã, Viện nguyên lão, hệ thống luật và thuế ở Ý. Đổi lại, ông giành được sự ủng hộ ở mức cao của Viện nguyên lão và nhân dân Rome.

Odoacer cho xây dựng một đội quân bao gồm người Ý và Đức, sử dụng nó để đánh bại người VandalSicilia. Năm 477 Odoacer chinh phục gần như toàn bộ đảo Sicilia. Năm 480, ông và đội quân người Ý-Đức đã sáp nhập toàn bộ xứ Cổ Dalmatia, sau khi Hoàng đế Tây La Mã Julius Nepos bị ám sát chết. Tại Ý, Odoacer nhận được quyền chỉ định một Hội đồng và cho phát hành đồng tiền được đúc riêng cho ông. Tiếp theo ông ký kết hiệp ước với người Visigothngười Frank, gia nhập liên minh của họ trong cuộc chiến chống lại người Burgundi, người Alemanni, và người Saxon.

Cũng như vương quốc được mở rộng, danh tiếng của Odoacer dâng cao trong toàn dân ở Ý, và hiệp ước ký kết với người Frank và người Visigoth làm gia tăng ảnh hưởng của ông lên. Tất cả những việc này khiến cho Hoàng đế Đông La Mã Zeno bắt đầu lo lắng và coi Odoacer là kẻ thù của mình. Năm 487, Odoacer chỉ huy quân đội của mình giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến với người RugiNoricum, nhưng ông đã không sáp nhập thêm lãnh thổ mới này vào vương quốc của mình. Tàn quân của người Rugi bỏ chạy và trốn tránh với người Ostrogoth. Vùng đất của người Rugi bị bỏ trống và được người Lombard tới định cư vào năm 493.

Năm 488, Hoàng đế Zeno bắt đầu một chiến dịch chủ yếu bằng lời nói nhằm chống lại Odoacer, cáo buộc ông đóng một phần quan trọng trong cuộc nổi dậy của Illus vào năm 484.Với những tuyên bố này, Zeno thuyết phục chư hầu người Ostrogoth của ông rằng Odoacer là một kẻ thù và cần được loại bỏ. Zeno hứa hẹn với Theodoric Đại đế và người Ostrogoth của ông được phép chiếm đóng và cai trị bán đảo Ý nếu họ đánh bại và loại bỏ Odoacer. Cùng năm đó, Theodoric dẫn người Ostrogoths vượt qua dãy núi Julian Alps xâm nhập vào nước Ý. Với sự phản bội này, Byzantine bằng một mũi tên giết hai con chim. Họ loại bỏ người Ostrogoth từ vùng Balkan và đảm bảo an toàn cho biên giới của họ, đồng thời thuận tiện mượn tay quân người Rợ tiêu diệt Odoacer.

Người Ostrogoth xâm lược[sửa | sửa mã nguồn]

Theodoric và đội quân người Ostrogoth của ông đánh bại Odoacer trong một loạt trận chiến dữ dội tại Aquileia năm 488, ở Verona năm 489, và tại Sông Adda năm 490. Cùng năm đó, Theodoric bao vây Odoacer tại Ravenna. Cuộc vây hãm kéo dài ba năm và được đánh dấu bằng hàng chục cuộc tấn công ở cả hai phe. Cuối cùng, không bên nào có thể chiếm ưu thế đánh bại đối phương một cách chắc chắn, và do đó vào ngày 2 tháng 2 năm 493, Theodoric và Odoacer ký kết một hiệp ước nhằm đảm bảo việc chia đôi khu vực cai trị ở Ý. Một bữa tiệc được hai bên tổ chức để kỷ niệm hiệp ước này. Tại bữa tiệc này, Theodoric, sau khi nếm món bánh mì nướng, đã tự tay mình giết chết Odoacer.

Theodoric trở thành vị vua mới của Ý và thành lập Vương quốc Ostrogoth đặt thủ đô cai trị ở Ravenna. Tàn quân còn lại của lực lượng foederati trực thuộc quyền chỉ huy của Odoacer gia nhập người Ostrogoth và họ được phép ở lại Ý. Nhiều chiến binh và binh lính đã chiến đấu cùng với người Ostrogoth trong Trận Nedao vào năm 454.

Những sự kiện xung quanh Trận Ravenna được sử dụng trong những câu chuyện anh hùng (saga) của Đức, Dietrich von Bern (Theodoric của Verona). Các sự kiện như Theodoric tự tay giết chết Odoacer được phản chiếu trong từng tập phim của câu chuyện, như sự kiện Dietrich giết Vua người Lùn Laurin trong chuyện.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Prosopography of the Later Roman Empire, Vol. 2, s.v. Odovacer, pp. 791 - 793
  2. ^ Campbell, Mike. “Meaning, origin and history of the name Odovacar”. Behind the Name. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2017.
  3. ^ Marcellinus, Cassiodorus, and some Papal documents, which come the closest to implying officiality of the title, all refer to him as rex (or one of its declensions). Jordanes at one point refers to him as Gothorum Romanorumque regnator: ruler of the Goths and the Romans. He is called an autokrator (autocrat) and a tyrannos (usurper, tyrant) in Procopius' Bellum Gothicum. The only reference to Odoacer as "King of Italy" is in Victor Vitensis: Odouacro Italiae regi.
  4. ^ Jordanes (1908). The origin and deeds of the Goths, in English version. Princeton University. tr. 75.
  5. ^ McGeorge, Penny (2002). Late Roman warlords. Oxford University Press. tr. 284. ISBN 9780199252442.
  6. ^ Edward Gibbon, The Decline and Fall of the Roman Empire, Volume I, Chap. XXXVI (Chicago: Encyclopaedia Britannica, Inc., 1952), p. 590.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Thompson, E. A. Romans and Barbarians: The Decline of the Western Empire. Madison: University of Wisconsin Press, 1982. ISBN 0-299-08700-X.
Tiền nhiệm
Romulus Augustus
Hoàng đế Tây La Mã
Vua Ý
476–493
Kế nhiệm
Theodoric Đại đế