Phan Đình Diệu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phan Đình Diệu
Sinh12 tháng 6 năm 1936
huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
Mất13 tháng 5, 2018(2018-05-13) (81 tuổi)
Hà Nội
Tư cách công dân Việt Nam
Học vịTiến sĩ khoa học
Trường lớpĐại học quốc gia Moskva
Nổi tiếng vìViện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam)
Phối ngẫuVăn Thị Xuân Hương
Con cái
Sự nghiệp khoa học
NgànhLogic toán, Khoa học máy tính, Giải tích hàm
Luận án
Cố vấn nghiên cứuAndrei Andreevich Markov

Phan Đình Diệu (1936-2018) là giáo sư, nhà toán học, nhà khoa học máy tính của Việt Nam. Ông là một trong những người được ghi nhận là có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học tại Việt Nam. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực: toán học kiến thiết, lôgíc toán, lý thuyết thuật toán, ôtômatngôn ngữ hình thức, lý thuyết mật mãan toàn thông tin.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 12 tháng 6 năm 1936, lớn lên tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.[1]

Năm 1954, ông tốt nghiệp trung học tại trường kháng chiến Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh, ra Hà Nội thi vào trường Đại học Khoa học.

Hết năm thứ nhất, ông chọn trường Đại học Sư phạm Khoa học. Cũng chính tại đây, Phan Đình Diệu đã tìm thấy sự say mê đối với ngành toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.

Năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán học tính toánĐiều khiển học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov.

Năm 1965, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông được đề nghị ở lại làm tiếp luận án tiến sĩ khoa học và đến năm 1967, ông về nước với học vị Tiến sĩ Khoa học.

Năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Toán học tính toán của Uỷ ban Khoa học Nhà nước vào thời điểm cả nước chỉ mới có một dàn máy tính được đặt tại đây, đòi hỏi phải được nghiên cứu để sử dụng và đào tạo cán bộ. Ông đã tìm hiểu và học tập để xây dựng những tập thể cán bộ không những biết sử dụng máy tính, mà còn có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính và tin học.[2]

Năm 1975, trong một chuyến thực tập tại Pháp, ông đã được tiếp xúc với nhiều thành tựu hiện đại của ngành tin học trên thế giới. Từ đó, ông đã say mê tìm hiểu hai hướng phát triển mà ông cho là có triển vọng nhất và có thể ứng dụng và phát triển ở Việt Nam là vi tin học (trên cơ sở kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính) và viễn tin học (trên cơ sở công nghệ viễn thông và mạng máy tính).

Năm 1977, Viện Khoa học tính toán và điều khiển được chính thức thành lập, và ông được phân công làm viện trưởng. Ông là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam). Là người dự thảo kế hoạch và cũng là người quản lý, từ năm 1977 đến 1985, ông đã đưa viện vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại của buổi đầu hoạt động, xây dựng được một số hướng nghiên cứu chính về tin học.

Sau đó, ông làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin khóa I (1993-1997), Thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (từ năm 1992).

Ông còn là người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên Hội Tin học Việt nam.

Ông giảng dạy các môn học: độ phức tạp tính toán, lý thuyết mật mãan toàn thông tin, lập luận logic trong các hệ tri thức cho sinh viên và học viên sau đại học tại Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thập niên 90, ông được Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan bảo lãnh, giới thiệu trở thành một Ủy viên của Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khoá III, IV, V, VI, VII[3], nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa V, Quốc hội Việt Nam khóa VI.[4][5]

Ông hoạt động phong trào dân chủ, đòi đổi mới chính trị (đa nguyên, đa đảng) để phát triển đất nước, do đó bị gạt bỏ khỏi danh sách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên tiếng nói của ông có tính khoa học cao, nên có sức thuyết phục lớn, đặc biệt là đối với giới khoa học tại Hà Nội.

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Vợ ông là Nhà giáo Văn Thị Xuân Hương, em gái Giáo sư Văn Như Cương [6].

Các con ông đều thành đạt trong khoa học: Con gái ông, phó giáo sư tiến sĩ Phan Thị Hà Dương, từng giành được Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế năm 1990, được Đại học Paris 7 trao " Maître de conférence" khi mới 26 tuổi - một học vị cao hơn tiến sĩ tại Pháp[cần dẫn nguồn] hiện đang công tác tại Viện Toán học (Việt Nam)[7]. Con trai ông, Giáo sư Phan Dương Hiệu tốt nghiệp tiến sĩ về bảo mật của trường Ecole Normale Supérieure Paris, hiện đang giảng dạy tại Cao đẳng Viễn thông Quốc gia Paris (Télécom ParisTech). Con gái thứ 2 của ông - Phan Thị Quỳnh Dương hiện đang định cư tại Pháp.

Ông mất tại nhà riêng ngày 13 tháng 5 năm 2018.[8] sau hơn một năm điều trị sau khi bị đột quỵ

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

  • “Nghĩ suy cùng đất nước” - Tuyển tập các bài viết của Phan Đình Diệu.
  • Phan Đình Diệu. Lý thuyết ôtômát và thuật toán. Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1977, 407tr
  • Phan Đình Diệu. Tổng quan về công nghệ thông tin, Hà Nội, 1998.
  • Phan Đình Diệu. Some questions in constructive functional analysis. Proceedings of the Steklov Institute of Mathematics, No. 114 (1970). Translated from the Russian by J. M. Danskin.American Mathematical Society, Providence, R.I., 1974. iv+228 pp.

Ông cũng là tác giả của khoảng 30 bài báo được thống kê (chưa đầy đủ) bởi MathSciNet của Hội Toán học Hoa Kỳ[9].

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Vĩnh biệt GS Phan Đình Diệu kính mến!”.
  2. ^ “GS Phan Đình Diệu, một trí thức lớn của Việt Nam đã qua đời”.
  3. ^ “Ngậm ngùi tiễn đưa một nhân cách lớn”.
  4. ^ http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=1578
  5. ^ “Giáo sư Phan Đình Diệu, người đi trước thời đại”.
  6. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2016.
  7. ^ “GS.TS khoa học Phan Đình Diệu qua đời ở tuổi 82”.
  8. ^ “GS Phan Đình Diệu, một trí thức lớn của Việt Nam đã qua đời”. VietNamNet. Truy cập 14 tháng 5 năm 2018.
  9. ^ “Hồ sở của Phan Đình Diệu trên MathSciNet”.[liên kết hỏng]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]