Quỳnh Tam

Quỳnh Tam
Xã Quỳnh Tam
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhNghệ An
HuyệnQuỳnh Lưu
Thành lập1981[1]
Địa lý
Tọa độ: 19°10′54″B 105°30′14″Đ / 19,18167°B 105,50389°Đ / 19.18167; 105.50389
Quỳnh Tam trên bản đồ Việt Nam
Quỳnh Tam
Quỳnh Tam
Vị trí xã Quỳnh Tam trên bản đồ Việt Nam
Diện tích22,32 km²[2]
Dân số (1999)
Tổng cộng8.125 người[2]
Mật độ364 người/km²
Khác
Mã hành chính17149[3]

Quỳnh Tam là một thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.

Xã Quỳnh Tam có diện tích 22,32 km², dân số năm 1999 là 8.125 người,[2] mật độ dân số đạt 364 người/km².

Xã Quỳnh Tam nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu hơn 10 km theo hướng Tây Bắc, là mảnh đất ở tận cùng phía Tây Nam của huyện.

Phía Tây Bắc xã Quỳnh Tam giáp xã Tân Sơn, phía Đông Bắc tiếp giáp xã Quỳnh Châu, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cùng chung một xã lớn gọi là xã Tam Xuân, phần lớn ngăn cách bởi Quốc lộ 48 từ Truông Rếp đến Truông Vên; phía Nam giáp xã Đức Thành[1] (huyện Yên Thành); phía Đông giáp xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu). Chạy qua địa bàn xã, có 4 km quốc lộ 48, 12 km đường chiến lược.

Xã có tổng diện tích tự nhiên 2.224,28 ha, trong đó diện tích đất canh tác là 479 ha. Xã Quỳnh Tam hiện nay là một xã lớn, có chiều dài 12km, chiều rộng 3km. Ngày xưa vùng đất này là núi đồi rừng rậm có nhiều thú dữ gọi là vùng kẻ Sượng, kẻ Cận. Các cụ thường nói về địa phận của mình: "Thượng truông Rếp, hạ truông Vên, đông Lệ, tây Tràng[2]"

Cách mạng tháng Tám năm 1945, các làng Xuân Thọ, Quang Phong và Nghĩa Môn đã nổi lên giành chính quyền theo đơn vị làng. Một tháng sau bầu cử Quốc hội (ngày 6 tháng 1 năm 1946), tiến hành bầu cử đại biểu HĐND ba cấp, ngày 24 tháng 2 năm 1946. Theo chủ trương của huyện Quỳnh Lưu, làng Xuân Thọ cùng với làng Tam Lễ, Đồng Lầy nhập lại đặt tên là xã Tam Xuân. Làng Quang Phong cùng với các làng Long Cơ, Xuân Hòa, Đồng Khóng nhập lại gọi là xã Xuân Phong, thuộc huyện Diễn Châu. Đến năm 1948, xã Xuân Phong nhập với xã Minh Đức gọi là xã Minh Xuân. Làng Nghĩa Môn nhập lại với các làng Yên Định, Phúc Lộc, Phúc Trạch thuộc huyện Yên Thành.

Tháng 2 năm 1954[3], theo chủ trương của huyện, xã Tam Xuân được chia ra thành 3 xã nhỏ: Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tam. Xã Quỳnh Tam lúc bấy giờ ngoài làng Xuân Thọ cũ còn nhập thêm làng Quang Phong của huyện Diễn Châu và làng Nghĩa Môn huyện Yên Thành. Lúc bấy giờ xã Quỳnh Tam gồm 6 chòm: Xuân Thọ, Nghĩa Môn, Đồng Mủng, Đồng Hồ, Đồng Lầy, Quang Tịnh.Xã Quỳnh Tam được mang tên từ ngày đó đến nay, nó là hiện thân của tên gọi xa xưa nhất là Kẻ Sượng, Kẻ Cận cách ngày nay trên dưới 400 năm tuổi.

Dân số hơn 8 nghìn người gồm 1.170 hộ, được chia thành 12 xóm, trong đó có 3 họ đạo Công giáo. Đảng bộ có 230 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ (12 chi bộ nông thôn; 3 chi bộ nhà trường; 1 chi bộ y tế). Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11 – 15% trong đó Nông- lâm - thủy sản 38,89%, Công nghiệp - xây dựng cơ bản 19,31 %, Dịch vụ - thương mại 41,80%. Cơ quan Lữ đoàn xe tăng 215 binh chủng Tăng Thiết Giáp, tiểu đoàn 2 Lữ đoàn 216 Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn.

Với một vùng đất tự nhiên rộng lớn nằm ở miền trung du bán sơn địa, là nơi giáp giới 3 huyện: Nghĩa Đàn, Yên Thành, Diễn Châu. Vùng này còn là nơi chuyển tiếp giữa vùng đồi và đồng bằng tạo nên vùng đồi thấp chỉ trên dưới 200m so với mặt biển. Địa thế Quỳnh Tam thấp dần từ Tây sang Đông, tạo thế cho các nguồn sông suối chạy từ Tây sang Đông. Độ nghiêng đó tạo thuận lợi cho việc thiết lập hệ thống nông giang, đắp đập giữ nước tưới cho đồng ruộng. Địa hình Quỳnh Tam như một thung lũng, hai bên là dãy núi cao: đó là núi Sượng chạy dài từ Tây sang Đông, từ đầu xã đến cuối xã và nhiều núi cao gối nhau ở địa phận huyện Yên Thành.

Mảnh đất, con người và tài nguyên của Quỳnh Tam là tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Muốn những tiềm năng đó biến thành hiện thực, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Tam phải có nghị lực lớn để tìm hướng đi đúng trong đổi mới cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng đa dạng phong phú để vươn lên khai thác, cải tạo làm chủ thiên nhiên, xây dựng cuộc sống. Những năm gần đây, Đảng bộ Quỳnh Tam đã có những bước đi thích hợp, đẩy mạnh sản xuất đúng hướng, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm... ngày càng được cải thiện. Từ đó, một số ngành nghề mới được phát triển: vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm, các dịch vụ vận tải buôn bán phát triển, các dịch vụ chế biến nông sản, các ngành nghề thủ công, cửa hàng, cửa hiệu đã bắt đầu mọc lên trên các tuyến đường liên xã và trung tâm thương mại chợ Quỳnh Tam.

Trong công cuộc đổi mới, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quỳnh Tam đang trăn trở dốc mọi sức lực, tinh thần và trí tuệ, cố gắng vươn lên xây dựng xã ngày một giàu đẹp, đến năm 2020 xã đạt tiêu chí về nông thôn mới.

Với truyền thống cách mạng, nhân dân xã Quỳnh Tam anh hùng trong các cuộc kháng chiến, cần cù chịu khó, năng động sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Đảng bộ, HĐND, UBND xã kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, con em xa quê tiếp tục đầu tư, liên kết đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ thương mại, sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí… Địa phương cam kết, nhanh nhất, hiệu quả nhất, trách nhiệm nhất khi các dự án mới đầu tư trên địa bàn.

Hành Chính[sửa | sửa mã nguồn]

Quỳnh Tam được chia hành chính gồm 11 xóm: Từ xóm 1 đến xóm 11. Xóm 10 và xóm 11 mới được thành lập, đồng thời tách xóm 3 chia thành 2 xóm 3a và 3b.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Quyết định 76/1981/QĐ-NV
  2. ^ a b c “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp)
  3. ^ Tổng cục Thống kê

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]