Sự kiện tàu Ourang Medan

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

SS Ourang Medan hay Urang Medana là một truyền thuyết thành thị từ những năm 1940.[1] Nó được cho là một con tàu chở hàng của Hà Lan được tìm thấy tại eo biển Malacca (thuộc vùng biển Đông Ấn Hà Lan, ngày nay thuộc Indonesia) trong trình trạng không còn bất cứ thủy thủ đoàn nào sống sót và sau đó đột ngột bốc cháy và bị đắm. Sự kiện này được cho là xảy ra vào năm 1948, 1947, hay 1940 tùy theo nguồn tin báo chí.[1] Tuy nhiên, trên thực tế, không có ghi chép đáng tin cậy nào về một con tàu có tên là Ourang Medan và cũng không có tàu đắm nào được phát hiện.[2] Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về câu chuyện được cho là con tàu ma này, nhưng thiếu nguồn xác thực.[3]

Nguồn tin[sửa | sửa mã nguồn]

Một báo cáo tiếng Anh về con tàu và sự kiện đã được xuất bản vào tháng 5 năm 1952 trên tờ Proceedings of the Merchant Marine Council, ban hành bởi Tuần duyên Hoa Kỳ.[4] Một báo cáo trước đó được xuất bản vào ngày 10 tháng 10 năm 1948 trên tờ The Albany Times tại Albany, New York với nguồn tham khảo là Tuần báo Elsevier của Hà Lan.[5] Trong tên con tàu, từ Ourang (còn được viết là Orang) là từ tiếng Mã Lai hoặc tiếng Indonesia nghĩa là "người" hay "đàn ông",[6] còn Medan là thành phố lớn nhất trên đảo Sumatra của Indonesia, như vậy có thể được tạm dịch là "Người đến từ Medan". Tường thuật về tai nạn đắm tàu này đã xuất trên nhiều sách và tạp chí, chủ yếu là về Forteana, và trên internet. Tuy nhiên, tính chính xác thực tế và ngay cả sự tồn tại của bản thân con tàu này không được công nhận, và chi tiết về sự sản xuất và lịch sử hải trình của con tàu nếu có vẫn chưa được biết. Nhiều người đã cố gắng tìm kiếm trong các danh sách đăng kiểm chính thức và hồ sơ điều tra tai nạn hàng hải nhưng đều không thành công.[2]

Câu chuyện về con tàu ma xuất hiện lần đầu trong một loạt gồm ba bài báo trên tờ báo tiếng Hà Lan-Indonesia De locomotief: Samarangsch handels- en advertentie-blad (3 tháng 2 năm 1948 với chỉ hai đoạn văn,[7] 28 tháng 2 năm 1948,[8] và 13 tháng 3 năm 1948).[9] Tên của con tàu phát hiện ra tàu Ourang Medan không bao giờ được nhắc đến, nhưng địa điểm được mô tả là 400 hải lý (740 km; 460 mi) về phía tây nam của quần đảo Marshall. Trong bài báo thứ hai và thứ ba, người sống sót duy nhất của thủy thủ đoàn Ourang Medan được tìm thấy bởi một nhà truyền giáo người Ý và thổ dân trên đảo san hô Taongi của quần đảo Marshall. Anh ta, trước khi chết, thuật lại với nhà truyền giáo rằng con tàu đang chở đầy hàng hóa chất axit sunfuric đặc không được xếp đặt đảm bảo, và do đó hầu hết thủy thủ đoàn đã chết do khói độc thoát ra từ những thùng hàng bị vỡ. Theo câu chuyện này, tàu Ourang Medan đang trên hành trình từ một cảng nhỏ nào đó của Trung Quốc tới Costa Rica, và đang cố vận chuyển lậu tránh chính quyền. Người sống sót duy nhất này, một người Đức chưa biết tên, cuối cùng đã chết sau khi thuật lại câu chuyện của anh ta với nhà truyền giáo, và sau đó nhà truyền giáo đưa câu chuyện tới tác giả, Silvio Scherli đến từ Trieste, Ý. Tờ báo Hà Lan kết thúc câu chuyện với những lời sau:

"Đây là phần cuối của câu chuyện của chúng tôi về bí ẩn của tàu Ourang Medan. Chúng tôi phải nhắc lại rằng chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào khác về 'bí ẩn của đại dương' này. Chúng tôi cũng không thể trả lời nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong câu chuyện. Có vẻ rõ ràng toàn bộ câu chuyện này là một câu chuyện giả tưởng, một câu chuyện lãng mạn đầy ly kỳ của biển cả. Mặt khác, tác giả Silvio Scherli đảm bảo với chúng ta về tính xác thực của câu chuyện."[9]

Silvio Scherli được cho là đã viết một báo cáo trên Trieste "Export Trade" vào ngày 28 tháng 9 năm 1959.[10]

Những bằng chứng mới được tìm thấy bởi The Skittish Library cho thấy đã có những tờ báo năm 1940 đưa tin về vụ việc được lấy từ Associated Press, trên các tờ báo của Anh Daily MirrorYorkshire Evening Post. Ngoài ra, có nhiều sự sai khác trong câu chuyện: địa điểm là ở quần đảo Solomon, và các tín hiệu SOS hoàn toàn khác với những báo cáo sau đó. Câu chuyện vẫn dường như bắt nguồn từ Silvio Scherli ở Trieste.[11]

Diễn biến[sửa | sửa mã nguồn]

Truyền thuyết thành thị về con tàu này rất khác so với những câu chuyện đầu tiên được phát hành.

Theo lưu truyền phổ biến, vào khoảng tháng 6-1947[12][13] (Gaddis và một số tác giả khác ghi chú ngày gần đúng tới đầu tháng 2-1948[2]) hai tàu Mỹ - chiếc City of BaltimoreSilver Star (của hãng Grace Lines, New York) đang chạy trong eo biển Malacca đã tiếp nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu Ourang Medan[2][14] của Hà Lan, với nội dung: "SOS từ tàu Ourang Medan * * * tàu chúng tôi vẫn còn nổi... Tất cả chỉ huy kể cả thuyền trưởng đều đã chết trong phòng hải đồ và trên buồng lái. Có lẽ toàn bộ thủy thủ đoàn đã chết * * *." tiếp sau đó là hàng loạt các ký tự lộn xộn và các dấu chấm. Một lát sau tín hiệu được nối lại, nhưng chỉ có hai từ duy nhất rõ ràng và rừng rợn là "Tôi chết.", rồi kết thúc bằng một sự im lặng.[4]

Các thủy thủ tàu Silver Star đã định vị và phát hiện con tàu SS Ourang Medan trong tình trạng không bị hư hại. Khi họ đổ bộ lên con tàu Hà Lan để tiến hành cứu hộ, họ phát hiện ra con tàu đầy những xác chết của thủy thủ đoàn nằm ngổn ngang khắp tàu. Những xác chết được tìm thấy nằm ngửa dài ra, các khuôn mặt đông cứng (và được cho là vô cùng sợ hãi) của những người đã chết hướng lên trên phía mặt trời, miệng há hốc và mắt nhìn thẳng về phía trước, giống như những bức tranh biếm họa khủng khiếp, đoàn cứu hộ còn phát hiện thấy một con chó cũng đã chết trong trạng thái nhe răng.[4] Không một người sống sót nào được phát hiện và những xác chết không có dấu hiệu tổn thương nào trông thấy được.[12][13] Ngay khi con tàu đang chuẩn bị để được kéo vào một cảng gần đó bởi tàu Silver Star, một đám cháy đột nhiên bùng phát trong khoang chứa hàng số 4, buộc thủy thủ cứu hộ phải rút lui khỏi tàu chở hàng Hà Lan gặp nạn và do đó không thể thực hiện bất kỳ cuộc điều tra sâu hơn nào. Sau đó, tàu SS Ourang Medan nổ tung, bốc cháy rồi chìm rất nhanh. Sức nổ mạnh đến nỗi con tàu "bị nhấc lên khỏi mặt biển", theo tường thuật của thủy thủ tàu Mỹ.[12][15]

Những sự đồn đoán[sửa | sửa mã nguồn]

Hàng hóa vật liệu nguy hiểm[sửa | sửa mã nguồn]

Con tàu này gặp nạn tại eo biển Malacca, một eo biển nổi tiếng về cướp biển, nhưng con tàu Ourang Medan không nằm trong trường hợp này, đoàn cứu nạn cho biết trên tàu lúc họ đổ bộ lên dường như nguyên hiện trạng, không có mất mát gì. Bainton và những tác giả khác đặt ra giả thuyết rằng tàu Ourang Medan có thể đã tham gia vào hoạt động vận chuyển lậu các chất hóa học, chẳng hạn hỗn hợp kali cyanidenitroglycerine và thậm chí là các mặt "hàng tử thần" chứa chất độc thần kinh thừa thãi sau Chiến tranh thế giới II. Theo những đồn đoán này, nước biển có thể đã thâm nhập vào kho hàng hóa của con tàu, phản ứng với hàng và làm tỏa ra các khí độc, sau đó khiến cho thủy thủ đoàn bị chết ngạt và/hoặc ngộ độc. Sau đó, nước biển có thể cũng đã phản ứng với nitroglycerin, và gây ra đám cháy và vụ nổ được báo cáo.[2]

Một giả thuyết khác đó là con tàu đang vận chuyển khí độc thần kinh mà quân đội Nhật Bản đã cất giữ ở Trung Quốc trong chiến tranh, và đang được giao lại cho quân đội Mỹ vào cuối cuộc chiến. Các tàu Mỹ không thể vận chuyển mặt hàng này bởi phải tránh để lại bằng chứng giấy tờ, do đó nó đã được giao cho một con tàu không có đăng kiểm để vận chuyển tới Mỹ hoặc một đảo nào đó ở Thái Bình Dương.

Ngộ độc khí cacbon monoxit (CO)[sửa | sửa mã nguồn]

Gaddis đưa ra giả thuyết rằng một đám cháy âm ỉ không được phát hiện hay hệ thống máy đun hơi nước của con tàu gặp trục trặc có thể là nguyên nhân khiến cho con tàu bị đắm. Khí cacbon monoxit thoát ra có thể đã gây ra cái chết của toàn bộ thủy thủ đoàn, trong khi ngọn lửa dần bùng cháy ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến sự phá hủy của con tàu.[12]

Sự hoài nghi[sửa | sửa mã nguồn]

Một số tác giả ghi chú rằng không tìm thấy vụ việc được nhắc đến trong hồ sơ hàng hải Lloyd's Shipping Register.[2][14][15] Ngoài ra, không có dữ liệu đăng kiểm nào cho con tàu với tên gọi Ourang Medan có thể được tìm thấy ở những quốc gia khác nhau, kể cả Hà Lan. Trong khi tác giả Roy Bainton khẳng định rằng sự tồn tại của tàu Silver Star mà theo báo cáo đã tham gia vào nỗ lực cứu hộ thất bại, đã được xác định với khả năng cao, sự thiếu thông tin hoàn toàn về chính con tàu bị chìm đã dẫn đến những sự hoài nghi về nguồn gốc và tính xác thực của lời tường thuật. Nhật trình của tàu Silver Star không cho thấy một ghi chép nào về một nỗ lực cứu hộ nào như vậy. Bainton và những tác giả khác đã đưa ra khả năng rằng các chi tiết trong đó có ngày tháng, địa điểm, tên của các con tàu có liên quan, và diễn biến của vụ tai nạn có thể không chính xác hoặc đã bị thổi phồng, hay rằng chính câu chuyện này có thể hoàn toàn là bịa đặt hư cấu.[2]

Một nhà nghiên cứu người Anh đã tìm thấy câu chuyện tương tự về tàu Ourang Medan, xảy ra tại quần đảo Solomon, nhưng cũng có liên hệ tới Trieste, trong hai tờ báo của Anh năm 1940 (tờ The Yorkshire Evening Post vào ngày 21 tháng 11 năm 1940[16] và tờ The Daily Mirror vào ngày 22 tháng 11 năm 1940[17]), cả hai đều trích dẫn cơ quan báo chí AP (The Associated Press).[1]

Trong văn hóa đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Con tàu đã được nhắc tới sơ qua trong bộ phim Ghostbusters năm 2016.
  • Cốt truyện của trò chơi video năm 2019 The Dark Pictures Anthology: Man of Medan được lấy cảm hứng từ câu chuyện về con tàu.
  • Thảm kịch đắm tàu bí ẩn này được kể lại trong phần mở đầu của bộ phim Jailangkung 2 năm 2018.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Estelle (29 tháng 12 năm 2015). “The Myth of the Ourang Medan Ghost Ship, 1940”. The Skittish Library. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2019.
  2. ^ a b c d e f g Bainton, Roy (tháng 9 năm 1999). “A Cargo of Death”. Fortean Times: 28. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2007.
  3. ^ Florian Welle (9 tháng 11 năm 2019). “Das Geisterschiff”. Süddeutsche Zeitung. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2020.
  4. ^ a b c “We Sail together”. Proceedings of the Merchant Marine Council. U.S. Coast Guard. 9 (5): 107. tháng 5 năm 1952.
  5. ^ “Secrets of the Sea” (PDF). 10 tháng 10 năm 1948. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. and page 25
  6. ^ “alphaDictionary: orangutan”. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2007.
  7. ^ “Een Mysterie van de Zee”. De locomotief : Samarangsch handels- en advertentie-blad. 3 tháng 2 năm 1948.
  8. ^ “Ondergang der "Ourang Medan". De locomotief : Samarangsch handels- en advertentie-blad. 28 tháng 2 năm 1948. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
  9. ^ a b “Mysterie der "Ourang Medan". De locomotief : Samarangsch handels- en advertentie-blad. 13 tháng 3 năm 1948.
  10. ^ Readings in policy and practice for international business, Edwin F. Wigglesworth, T. Ashwell, 1959
  11. ^ Estelle (29 tháng 12 năm 2015). “The Myth of the Ourang Medan Ghost Ship, 1940”. The Skittish Library. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2017.
  12. ^ a b c d Gaddis, Vincent (1965). Invisible Horizons. Ace Books, Inc., New York. tr. 125–126. ISBN 0-441-37177-9.
  13. ^ a b Edwards, Frank (tháng 6 năm 1953). “Strangest of All”. Fate Magazine.
  14. ^ a b Raybin Emert, Phyllis (1990). Mysteries of Ships and Planes. Tom Doherty Associates, Inc., New York. ISBN 0-8125-9427-4.
  15. ^ a b Winer, Richard (2000). Ghost Ships. Berkley. ISBN 0-425-17548-0.
  16. ^ “MYSTERY S O S FROM DEATH SHIP”. Yorkshire Evening Post (15634). 21 tháng 11 năm 1940. tr. 5. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021 – qua British Newspaper Archive.
  17. ^ “CREW DIES IN SOS MYSTERY”. Daily Mirror (11531). 22 tháng 11 năm 1940. tr. 11. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021 – qua British Newspaper Archive.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]