Diplodocus

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Seismosaurus)

Diplodocus
Khoảng thời gian tồn tại:
Jura Muộn (Tầng Kimmeridge)
154–152 triệu năm trước đây
Dựng hình khung xương D. carnegii (biệt danh "Dippy") tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie; đây được coi là bộ xương khủng long nổi tiếng nhất thế giới.[1][2]
Phân loại khoa học e
Giới: Animalia
Ngành: Chordata
Lớp: Reptilia
nhánh: Dinosauria
Bộ: Saurischia
Phân bộ: Sauropodomorpha
nhánh: Sauropoda
Họ: Diplodocidae
Phân họ: Diplodocinae
Chi: Diplodocus
Marsh, 1878
Loài điển hình
Diplodocus longus
(nomen dubium)
Marsh, 1878
Loài khác
  • D. carnegii
    Hatcher, 1901
  • D. hallorum
    (Gillette, 1991) (ban đầu là Seismosaurus)
Các đồng nghĩa
  • Seismosaurus
    Gillette, 1991

Diplodocus (/dɪˈplɒdəkəs/,[3][4] /dˈplɒdəkəs/,[4] hay /ˌdɪplˈdkəs/[3]) là một chi khủng long chân thằn lằn diplodocid lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1877 bởi S. W. Williston. Danh pháp chi, đặt bởi Othniel Charles Marsh vào năm 1878, là một thuật ngữ Latinh Mới phái sinh từ tiếng Hy Lạp cổ đại διπλός (diplos) "hai" và δοκός (dokos) "dầm đỡ",[3][5] nhằm chỉ đến cặp xương chữ V giống dầm đỡ ở mặt dưới cái đuôi, khi đó được coi là khá độc đáo.

Diplodocus thuộc hàng những chi khủng long dễ nhận biết nhất, bởi kiểu dáng của chúng giống khủng long chân thằn lằn điển hình, đuôi và cổ dài, cùng hai cặp chân trụ vững vàng. Trong quá khứ, chúng từng được coi là loài khủng long dài nhất được biết.

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

Kích thước Diplodocus carnegii (cam) và D. hallorum (lục) so sánh với người trưởng thành.

Trong số những loài khủng long chân thằn lằn nổi tiếng, Diplodocus là động vật to lớn, có cổ dài, đi đứng bằng bốn chân, với một cái đuôi dài, giống cái roi. Chi trước của chúng thấp hơn chi sau, tạo nên một dáng đứng ngang song song với đất. Cấu trúc xương của những con vật này thường được ví như là những cây cầu treo.[6] Trên thực tế, D. carnegii hiện là loài khủng long dài nhất dựa trên bộ xương hóa thạch khá hoàn chỉnh,[6] với chiều dài đạt khoảng 24–26 mét (79–85 ft).[7][8] Khối lượng của D. carnegii được ước tính nằm trong khoảng 12–14,8 tấn (13,2–16,3 tấn Mỹ).[7][8][9]

D. hallorum, chỉ mới được biết đến thông qua một số mảnh xương, còn khổng lồ hơn, và các ước tính cho rằng loài này to bằng bốn con voi cộng lại.[10] Khi mới được mô tả vào những năm 1991, David Gillette tính toán chiều dài của mẫu vật là 33 m (110 ft) bằng phương pháp chiếu đẳng cự (isometric scaling) lấy D. carnegii làm quy chiếu. Tuy nhiên, ông về sau đính chính lại và cho rằng nó có lẽ dài khoảng 39–45 mét (128–148 ft), qua đây ngụ ý rằng một số cá thể có thể dài tận 52 m (171 ft) và nặng từ 80 tới 100 tấn,[11] biến nó trở thành loài khủng long dài nhất từng được khám phá (tất nhiên là ngoại trừ những mẫu vật sơ sài của Amphicoelias hoặc Maraapunisaurus).

Da thịt[sửa | sửa mã nguồn]

Phát hiện năm 1990 về vết hằn da của một loài diplodocid đã cho thấy rằng một số loài sở hữu các gai keratin mỏng và nhọn, giống gai cự đà. Những gai này có thể dài đến 18 xentimét (7,1 in), hiện diện trên phần đuôi "quật" của chúng, và có lẽ trải dài từ cổ xuống lưng, giống các hadrosaurid.[12][13] Một số phiên bản phục dựng Diplodocus ngày nay cũng bắt đầu biểu diễn các gai nhọn kiểu đó, ví dụ như trong chương trình Walking with Dinosaurs.[14]

Phát hiện và lịch sử nghiên cứu[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến tranh Xương và Diplodocus longus[sửa | sửa mã nguồn]

Dấu ấn đầu tiên của Diplodocus được phát hiện tại mỏ đá của Marshall P. Felch ở Garden Park gần Thành phố Cañon, Colorado, vào năm 1877, sau khi Benjamin MudgeSamuel Wendell Williston thu thập hàng chục hóa thạch tại đó. Bộ mẫu vật đầu tiên (YPM VP 1920) rất sơ sài, chỉ bao gồm hai đốt đuôi hoàn chỉnh, một xương chữ V, và hàng chục mảnh đốt đuôi. Chúng được chuyển tới Bảo tàng Peabody Yale và được đặt danh pháp Diplodocus longus ('hai dầm đỡ dài') bởi nhà cổ sinh vật học Othniel Charles Marsh vào năm 1878.[15] Marsh đề ra cái tên này trong thời kỳ Chiến tranh Xương, một cuộc thi thu thập hóa thạch giữa ông và nhà cổ sinh vật học gốc Philadephia Edward Drinker Cope.[16]

Phân loại và danh mục loài[sửa | sửa mã nguồn]

Phát sinh chủng loại[sửa | sửa mã nguồn]

Diplodocus vừa là chi mẫu, vừa là nguồn gốc cái tên của họ Diplodocidae mà nó trực thuộc.[17] Các thành viên trong họ này, tuy cũng to lớn như các khủng long chân thằn lằn khác, lại sở hữu thể hình thon thả hơn các họ như titanosaurbrachiosaur. Tất cả thành viên Diplodocidae đều có đặc trưng là cổ và đuôi dài, cùng tư thế thân nằm ngang, chi trước thấp hơn chi sau. Diplodocid sinh sôi nảy nở ở Bắc Mỹ và Châu Phi vào thế Jura muộn.[18]

Cận họ Diplodocinae được dựng lên để gộp Diplodocus với các họ hàng thân cận, bao gồm Barosaurus. Một trong những họ hàng xa hơn của DiplodocusApatosaurus, một chi mà vẫn được coi là diplodocid song không phải diplodocine, do nó là thành viên của họ chị em Apatosaurinae.[19][20] Loài Dinheirosaurus ở Bồ Đào Nha và Tornieria ở Châu Phi cũng đã được một số tác giả xác định là có quan hệ mật thiết với Diplodocus.[21][22] Diplodocoidea bao gồm các diplodocid, cũng như các dicraeosaurid, các rebbachisaurid, Suuwassea,[19][20] Amphicoelias[22] có lẽ cả Haplocanthosaurus,[23] và/hoặc các nemegtosaurid.[24] Nhánh này là nhóm chị em với Macronaria (các camarasaurid, các brachiosaurid và các titanosauria).[23][24]

Biểu đồ phân nhánh Diplodocidae theo Tschopp, Mateus, và Benson (2015) được trình bày bên dưới:[25]

Bộ xương Diplodocus sp. mang biệt danh "Misty", Bảo tàng Động vật Copenhagen
Diplodocidae

Amphicoelias altus

Apatosaurinae

Loài chưa có danh pháp

Apatosaurus ajax

Apatosaurus louisae

Brontosaurus excelsus

Brontosaurus yahnahpin

Brontosaurus parvus

Diplodocinae

Loài chưa có danh pháp

Tornieria africana

Supersaurus lourinhanensis

Supersaurus vivianae

Leinkupal laticauda

Galeamopus hayi

Diplodocus carnegii

Diplodocus hallorum

Kaatedocus siberi

Barosaurus lentus

Các loài hợp lệ[sửa | sửa mã nguồn]

  • D. carnegii (cách viết khác là D. carnegiei), tên riêng đặt theo Andrew Carnegie, là loài Diplodocus được biết đến rộng rãi nhất. Danh tiếng này chủ yếu bắt nguồn từ bộ xương gần hoàn chỉnh với biệt danh Dippy (mẫu vật CM 84) được thu thập bởi Jacob Wortman, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên CarnegiePittsburgh, Pennsylvania, về sau được mô tả và đặt danh pháp bởi John Bell Hatcher vào năm 1901.[26] Đây được coi là loài điển hình của chi Diplodocus.[27]
  • D. hallorum, lần đầu tiên được mô tả vào năm 1991 bởi Gillette với tư cách loài Seismosaurus halli từ các mảnh đốt sống, xương hông và xương sườn (mẫu vật NMMNH P-3690).[28] Vì tên riêng của loài này vinh danh hai nhân vật là Jim và Ruth Hall (của Ghost Ranch[29]), George Olshevsky đã đề xuất đổi danh pháp thành S. hallorum, sử dụng dạng số nhiều sở hữu cách bắt buộc; Gillette theo đó mà tu chỉnh tên loài,[11] khiến cho một số nhà nghiên cứu hậu thân cứ thế noi theo, chẳng hạn như Carpenter (2006).[30] Năm 2004, một bài thuyết trình tại hội nghị hằng năm của Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ biện luận rằng Seismosaurus thực chất là loài đồng nghĩa vị thành niên của Diplodocus.[31] Luận đề này được tiếp nối bởi một nghiên cứu chi tiết hơn vào năm 2006, theo đó các tác giả không chỉ trả lại tên cũ Diplodocus hallorum cho loài, mà còn khơi gợi giả thuyết cho rằng loài này và D. longus thực chất là một.[32] Lập trường cho rằng D. hallorum nên được coi là D. longus cũng nhận được sự ủng hộ của đội ngũ các tác giả tái mô tả loài Supersaurus, bác bỏ giả thuyết trước đó cho rằng SeismosaurusSupersaurus là đồng nghĩa.[33] Một phân tích năm 2015 về các mối quan hệ diplodocid đã bình chú rằng các ý kiến này dựa trên cơ sở các mẫu vật hoàn chỉnh hơn của D. longus. Các tác giả của nghiên cứu này đồng tình rằng những mẫu vật ấy đúng là D. hallorum, còn bản thân danh pháp D. longusnomen dubium.[25]
Phục dựng khung xương của các mẫu vật D. carnegii mang mã hiệu CM 84 và CM 94; các phần bị sót được bổ khuyết phỏng theo các diplodocid khác

Nomina dubia (loài bị nghi ngờ)[sửa | sửa mã nguồn]

USNM 2672, một hộp sọ từng được cho là thuộc về mẫu định danh của D. longus
  • D. longus, loài điển hình của Diplodocus, mới chỉ được biết đến với hai đốt đuôi hoàn chỉnh và hàng tá đốt đuôi vỡ mảnh từ Thành hệ Morrison (Felch Quarry) của Colorado. Tuy rằng một số mẫu vật hoàn chỉnh hơn từng được quy cho D. longus,[34] phân tích chi tiết cho thấy hóa thạch gốc thiếu các đặc trưng cần thiết để cho phép sự so sánh đối chiếu chính xác giữa các mẫu vật. Vì lý do này, nó hiện được coi là nomen dubium, điều mà khiến Tschopp et al. cho rằng đây là trường hợp không lý tưởng cho tư cách loài điển hình của chi Diplodocus nổi tiếng. Một đơn thỉnh cầu trình lên Ủy ban Quốc tế về Danh mục Động vật học (ICZN) đã từng được cân nhắc, trong đó đề xuất chọn D. carnegii làm loài điển hình mới.[25][27] ICZN đã bác đơn và giữ nguyên tư cách loài điển hình của D. longus.[35] Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng, trong các bình luận về đơn thỉnh cầu, một số tác giả coi D. longus vẫn có khả năng hợp lệ.[36][37]
  • D. lacustris là một nomen dubium được Marsh đặt danh pháp vào năm 1884, dựa trên mẫu vật YPM 1922 được tìm thấy bởi Arthur Lakes, trong đó bao gồm một xương mõm và hàm trên của một con vật nhỏ hơn ở Morrison, Colorado.[17] Di cốt này giờ đây được cho là thuộc về một con vật non, hơn là của một loài khác.[38] Vào năm 2013, Mossbrucker et al. phỏng đoán rằng hàm dưới và răng của Diplodocus lacustris thực chất thuộc về loài Apatosaurus ajax.[39] Sau này vào năm 2015, mõm của mẫu vật này được phát hiện là thuộc về chi Camarasaurus.[25]

Các loài từng được chỉ định[sửa | sửa mã nguồn]

  • D. hayi được William Jacob Holland đặt danh pháp vào năm 1924 dựa trên hóa thạch của một hộp sọ và một bộ xương hậu sọ phân mảnh (HMNS 175), bao gồm một chuỗi đốt sống gần hoàn chỉnh, được tìm thấy ở địa tầng thuộc Thành hệ Morrison gần Sheridan, Wyoming.[25][40] D. hayi từng được coi là một loài Diplodocus cho tới khi Emmanuel Tschopp và đồng nghiệp xác định nó thực chất là Galeamopus vào năm 2015. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng hai mẫu vật AMNH 969 và USNM 2673 không phải là Diplodocus, mà hóa ra là cũng thuộc về Galeamopus.[25]

Cổ sinh học[sửa | sửa mã nguồn]

Phục dựng loài D. hallorum trong môi trường tự nhiên

Dựa trên lượng lớn mẫu vật thu được, Diplodocus là một trong những chi khủng long được nghiên cứu rõ nhất. Tuy nhiên nhiều bình diện tập tính của chúng vẫn chỉ là giả thuyết từ bấy lâu nay.[41] So sánh giữa vòng mắt xơ cứng của các diplodocine và các loài chim hiện đại lẫn thằn lằn gợi ý rằng chúng có lẽ là loài hoạt động cả ngày lẫn đêm theo từng đợt nhỏ (cathemeral).[42]

Marsh và sau là Hatcher[43] cho rằng Diplodocus là loài thủy sinh, bởi vì họ quan sát thấy lỗ mũi của chúng nằm trên đỉnh sọ. Điều này cũng được suy rộng cho các loài khủng long chân thằn lằn khác, chẳng hạn như BrachiosaurusApatosaurus. Nghiên cứu của Kenneth A. Kermack (1951) đã chứng minh rằng khủng long chân thằn lằn không thể thở dưới nước ngay cả khi có lỗ mũi trên đỉnh đầu, bởi lẽ áp lực nước lên ngực chúng rất lớn.[44] Kể từ những năm 1970, đồng thuận chung cho rằng khủng long chân thằn lằn là loài chỉ sống trên cạn, ăn lá cây, dương xỉ, và bụi cây.[45]

Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiếp tục suy đoán cách thức hít thở của những con khủng long khổng lồ cổ dài này, đặc điểm mà đáng lẽ là sẽ tạo ra nhiều khoảng chết. Chúng có lẽ sở hữu một hệ hô hấp giống chim, vốn hiệu quả hơn hệ thống của thú và của thằn lằn. Phục dựng cổ và ngực của Diplodocus đã phát lộ nhiều xoang chứa khí bên trong xương, đặc điểm mà có lẽ đã tham gia vào quá trình hô hấp giống ở chim.[46]

Tư thế[sửa | sửa mã nguồn]

Minh họa lỗi thời của Oliver P. Hay (1910), mô tả sai lầm rằng chân của Diplodocus doãi sang hai bên[47]

Minh họa về đáng đi đứng của Diplodocus đã thay đổi rất nhiều kể từ những phát hiện ban đầu. Ví dụ, phục dựng của Oliver P. Hay vào năm 1910 khắc họa hai con Diplodocus có tư thế chân doãi ra hai bên. Hay cho rằng Diplodocus có dáng đi giống thằn lằn với chân doãi ra hai bên,[48] và ý kiến đó được Gustav Tornier ủng hộ. Giả thuyết này bị thách thức bởi William Jacob Holland, người mà đã chỉ ra rằng nếu điều này đúng thì Diplodocus sẽ cần một cái rãnh bên dưới để kéo lê bụng của nó.[49] Những phát hiện dấu chân vào thập niên 1930 rốt cuộc đã làm sụp đổ giả thuyết của Hay.[45]

Tư thế cổ chĩa lên của D. carnegii dựa theo Taylor et al. (2009)

Về sau, các diplodocid thường được mô tả với cái cổ chĩa lên trời, cho phép chúng ăn lá cây trên cao. Các nghiên cứu tập trung vào dáng cổ của khủng long chân thằn lằn đã chứng minh rằng cổ của Diplodocus nằm gần như song song với đất, hơn là chĩa thằng đứng lên, và các nhà khoa học như Kent Stevens đã dựa vào luận cứ này để chỉ ra rằng các loài khủng long chân thằn lằn như Diplodocus hiếm khi nâng cổ hơn mức bả vai.[50][51] Một dây chằng gáy có lẽ đã đảm nhiệm chức năng đó.[50] Một nghiên cứu năm 2009 chỉ ra rằng các loài động vật bốn chân giữ phần đáy cổ theo chiều dãn đứng cực đại nhất có thể khi chúng đang trong tư thế cảnh giác, bình tĩnh, và biện luận rằng điều tương tự có thể được áp dụng cho các khủng long chân thằn lằn (tất nhiên là nếu không tính đến các đặc điểm mô mềm độc nhất mà ta chưa biết). Nghiên cứu này tìm ra một số sai lầm trong ngộ nhận của Stevens khi đề cập đến khoảng chuyển động cổ của khủng long chân thằn lằn; và dựa trên đối chiếu với cổ của các loài vật sống, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mô mềm sẽ gia tăng đáng kể tính dẻo dai của cổ mà bình thường chỉ mỗi xương không có khả năng đó. Vì vậy, Diplodocus có lẽ giữ cổ của chúng ở một góc nghiêng nhất định, thay vì nằm ngang hoàn toàn như ở trong các nghiên cứu trước.[52]

Cũng như các chi thân cận như Barosaurus, cái cổ siêu dài của Diplodocus đã và đang là đề tài gây nhiều tranh cãi trong giới cổ sinh vật học. Một nghiên cứu năm 1992 của Đại học Columbia về cấu trúc cổ của diplodocid chỉ ra rằng một cái cổ dài như vậy sẽ cần một trái tim nặng 1,6 tấn – tương đương một phần mười khối lượng của con vật. Nghiên cứu đề xuất rằng chúng sẽ cần "những quả tim" phụ trợ ở cổ, mục đích nhằm bơm máu lên các trạm tim liên tiếp cho đến khi tới được não.[6] Một số cho rằng tư thế cổ ngang bằng đất sẽ triệt tiêu vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu.[53]

Chế độ ăn[sửa | sửa mã nguồn]

Bản cast một hộp sọ diplodocid mà có lẽ thuộc về chi Diplodocus (CM 11161)

Diplodocine sở hữu kiểu răng khá khác thường khi so với các khủng long chân thằn lằn khác. Thân răng của chúng dài và mỏng, có hình ê-líp khi cắt ngang, trong khi cuống răng có hình mũi tam giác cùn. Bề mặt bị hao mòn nhiều nhất là cuống răng, song không giống kiểu mẫu hao mòn ở răng của các khủng long chân thằn lằn khác; ở diplodocine, vết hao mòn thường xuất hiện ở cạnh răng gần má, cả răng trên và dưới.[54]

Cổ sinh thái học[sửa | sửa mã nguồn]

Tái dựng hai cá thể D. longus

Thành hệ Morrison là một chuỗi các bồi tích đất sét và cát biển nông, mà theo phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ, có niên đại từ 156,3 triệu năm trước (Ma) ở lớp đáy[55] tới 146,8 triệu năm trước ở lớp đỉnh,[56] tức là nằm trong kỳ Oxford, Kimmeridge, và Tithon Sớm của thế Jura Muộn. Thành hệ này trước kia có khí hậu nửa khô hạn với mùa mưamùa khô phân biệt rõ rệt. Bồn địa Morrison trải dài từ New Mexico tới Alberta và Saskatchewan, thuở xưa là nơi sinh sống của nhiều loài khủng long đa dạng, đã được khai sinh khi Dãy Front thuộc Mạch núi Rocky đùn lên phía tây. Các lớp lắng đọng từ các lưu vực hướng đông của chúng sau được các mạch sông và suối thải vào các vùng đất lầy, ao hồ, kênh sông, và bãi bồi.[57] Thành hệ này có niên đại gần như Thành hệ LourinhaBồ Đào NhaThành hệ TendaguruTanzania.[58]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Ulrich Merkl (25 tháng 11 năm 2015). Dinomania: The Lost Art of Winsor McCay, The Secret Origins of King Kong, and the Urge to Destroy New York. Fantagraphics Books. ISBN 978-1-60699-840-3. Although it narrowly failed to win the race with the New York Museum of Natural History in 1905, the Diplodocus carnegii is the most famous dinosaur skeleton today, due to the large number of casts in museums around the world
  2. ^ Breithaupt, Brent H, The discovery and loss of the “colossal” Brontosaurus giganteus from the fossil fields of Wyoming (USA) and the events that led to the discovery of Diplodocus carnegii: the first mounted dinosaur on the Iberian Peninsula, VI Jornadas Internacionales sobre Paleontología de Dinosaurios y su Entorno, September 5–7, 2013, p.49: ""Dippy" was and still is the most widely seen and best-known dinosaur ever found."
  3. ^ a b c Simpson, John; Edmund Weiner biên tập (1989). The Oxford English Dictionary (ấn bản 2). Oxford: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-861186-8.
  4. ^ a b Pickett, Joseph P. biên tập (2000). The American Heritage Dictionary of the English Language (ấn bản 4). Boston: Houghton Mifflin Company. ISBN 978-0-395-82517-4.
  5. ^ “diplodocus”. Online Etymology Dictionary.
  6. ^ a b c Lambert D. (1993). The Ultimate Dinosaur Book. DK Publishing. ISBN 978-0-86438-417-1.
  7. ^ a b Paul, Gregory S. (2016). Princeton Field Guide to Dinosaurs: 2nd Edition. Princeton University Press. ISBN 978-0-691-16766-4.
  8. ^ a b Molina-Perez & Larramendi (2020). Dinosaur Facts and Figures: The Sauropods and Other Sauropodomorphs. New Jersey: Princeton University Press. tr. 257. Bibcode:2020dffs.book.....M.
  9. ^ Foster, J.R. (2003). Paleoecological Analysis of the Vertebrate Fauna of the Morrison Formation (Upper Jurassic), Rocky Mountain Region, U.S.A. New Mexico Museum of Natural History and Science:Albuquerque, New Mexico. Bulletin 23.
  10. ^ Holtz, Thomas R. Jr.; Rey, Luis V. (2011). Dinosaurs: the most complete, up-to-date encyclopedia for dinosaur lovers of all ages (Winter 2011 appendix). New York: Random House. ISBN 978-0-375-82419-7.
  11. ^ a b Gillette, D.D., 1994, Seismosaurus: The Earth Shaker. New York, Columbia University Press, 205 pp
  12. ^ Czerkas, S. A. (1993). “Discovery of dermal spines reveals a new look for sauropod dinosaurs”. Geology. 20 (12): 1068–1070. Bibcode:1992Geo....20.1068C. doi:10.1130/0091-7613(1992)020<1068:dodsra>2.3.co;2.
  13. ^ Czerkas, S. A. (1994). "The history and interpretation of sauropod skin impressions." In Aspects of Sauropod Paleobiology (M. G. Lockley, V. F. dos Santos, C. A. Meyer, and A. P. Hunt, Eds.), Gaia No. 10. (Lisbon, Portugal).
  14. ^ Haines, T., James, J. Time of the Titans Lưu trữ tháng 10 31, 2013 tại Wayback Machine. ABC Online.
  15. ^ Marsh OC (1878). “Principal characters of American Jurassic dinosaurs. Part I”. American Journal of Science. 3 (95): 411–416. doi:10.2475/ajs.s3-16.95.411. hdl:2027/hvd.32044107172876. S2CID 219245525.
  16. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :2
  17. ^ a b Marsh, O.C. (1884). “Principal characters of American Jurassic dinosaurs. Part VII. On the Diplodocidae, a new family of the Sauropoda”. American Journal of Science. 3 (158): 160–168. Bibcode:1884AmJS...27..161M. doi:10.2475/ajs.s3-27.158.161. S2CID 130293109.
  18. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Rogers05
  19. ^ a b Taylor, M.P.; Naish, D. (2005). “The phylogenetic taxonomy of Diplodocoidea (Dinosauria: Sauropoda)”. PaleoBios. 25 (2): 1–7. ISSN 0031-0298.
  20. ^ a b Harris, J.D. (2006). “The significance of Suuwassea emiliae (Dinosauria: Sauropoda) for flagellicaudatan intrarelationships and evolution”. Journal of Systematic Palaeontology. 4 (2): 185–198. doi:10.1017/S1477201906001805. S2CID 9646734.
  21. ^ Bonaparte, J.F.; Mateus, O. (1999). “A new diplodocid, Dinheirosaurus lourinhanensis gen. et sp. nov., from the Late Jurassic beds of Portugal”. Revista del Museo Argentino de Ciencias Naturales. 5 (2): 13–29. Bản gốc lưu trữ 19 Tháng hai năm 2012. Truy cập 13 Tháng sáu năm 2013.
  22. ^ a b Rauhut, O.W.M.; Remes, K.; Fechner, R.; Cladera, G.; Puerta, P. (2005). “Discovery of a short-necked sauropod dinosaur from the Late Jurassic period of Patagonia”. Nature. 435 (7042): 670–672. Bibcode:2005Natur.435..670R. doi:10.1038/nature03623. PMID 15931221. S2CID 4385136.
  23. ^ a b Wilson, J. A. (2002). “Sauropod dinosaur phylogeny: critique and cladistica analysis”. Zoological Journal of the Linnean Society. 136 (2): 217–276. doi:10.1046/j.1096-3642.2002.00029.x.
  24. ^ a b Upchurch P, Barrett PM, Dodson P (2004). “Sauropoda”. Trong Weishampel DB, Dodson P, Osmólska H (biên tập). The Dinosauria (ấn bản 2). University of California Press. tr. 316. ISBN 978-0-520-24209-8.
  25. ^ a b c d e f Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên TMB2015
  26. ^ Brezinski, D. K.; Kollar, A. D. (2008). “Geology of the Carnegie Museum Dinosaur Quarry Site of Diplodocus carnegii, Sheep Creek, Wyoming”. Annals of Carnegie Museum. 77 (2): 243–252. doi:10.2992/0097-4463-77.2.243. S2CID 129474414.
  27. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Tschopp, E. 2016
  28. ^ Gillette, D.D. (1991). “Seismosaurus halli, gen. et sp. nov., a new sauropod dinosaur from the Morrison Formation (Upper Jurassic/Lower Cretaceous) of New Mexico, USA”. Journal of Vertebrate Paleontology. 11 (4): 417–433. Bibcode:1991JVPal..11..417G. doi:10.1080/02724634.1991.10011413.
  29. ^ “Hall, Jim & Ruth”. sflivingtreasures.org.
  30. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên carpenter2006
  31. ^ Lucas S, Herne M, Heckert A, Hunt A, and Sullivan R. Reappraisal of Seismosaurus, A Late Jurassic Sauropod Dinosaur from New Mexico. Lưu trữ tháng 10 8, 2019 tại Wayback Machine The Geological Society of America, 2004 Denver Annual Meeting (November 7–10, 2004). Retrieved on May 24, 2007.
  32. ^ Lucas, S.G.; Spielman, J.A.; Rinehart, L.A.; Heckert, A.B.; Herne, M.C.; Hunt, A.P.; Foster, J.R.; Sullivan, R.M. (2006). “Taxonomic status of Seismosaurus hallorum, a Late Jurassic sauropod dinosaur from New Mexico”. Trong Foster, J.R.; Lucas, S.G. (biên tập). Paleontology and Geology of the Upper Morrison Formation. Bulletin of the New Mexico Museum of Natural History and Science. New Mexico Museum of Natural History and Science (bulletin 36). tr. 149–161. ISSN 1524-4156.
  33. ^ Lovelace, David M.; Hartman, Scott A.; Wahl, William R. (2007). “Morphology of a specimen of Supersaurus (Dinosauria, Sauropoda) from the Morrison Formation of Wyoming, and a re-evaluation of diplodocid phylogeny”. Arquivos do Museu Nacional. 65 (4): 527–544.
  34. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên dinosauria04b
  35. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên ICZN2018
  36. ^ Mortimer, Mickey (tháng 3 năm 2017). “Comment (Case 3700) — A statement against the proposed designation of Diplodocus carnegii Hatcher, 1901 as the type species of Diplodocus Marsh, 1878 (Dinosauria, Sauropoda)”. The Bulletin of Zoological Nomenclature. 73 (2–4): 129–131. doi:10.21805/bzn.v73i2.a14. eISSN 2057-0570. ISSN 0007-5167. S2CID 89861495.
  37. ^ Carpenter, Kenneth (15 tháng 5 năm 2017). “Comment (Case 3700) — Opposition against the proposed designation of Diplodocus carnegii Hatcher, 1901 as the type species of Diplodocus Marsh, 1878 (Dinosauria, Sauropoda)”. The Bulletin of Zoological Nomenclature. 74 (1): 47–49. doi:10.21805/bzn.v74.a014. eISSN 2057-0570. ISSN 0007-5167. S2CID 89682495.
  38. ^ Upchurch, P.; Barrett, P.M.; Dodson, P. (2004). “Sauropoda”. Trong D. B. Weishampel; P. Dodson; H. Osmólska (biên tập). The Dinosauria (ấn bản 2). University of California Press. tr. 259–322. ISBN 978-0-520-25408-4.
  39. ^ Mossbrucker, M. T., & Bakker, R. T. (October 2013). Missing muzzle found: new skull material referrable to Apatosaurus ajax (Marsh 1877) from the Morrison Formation of Morrison, Colorado. In Geological Society of America Abstracts with Programs (Vol. 45, p. 111).
  40. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :1
  41. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên benton12
  42. ^ Schmitz, L.; Motani, R. (2011). “Nocturnality in Dinosaurs Inferred from Scleral Ring and Orbit Morphology”. Science. 332 (6030): 705–8. Bibcode:2011Sci...332..705S. doi:10.1126/science.1200043. PMID 21493820. S2CID 33253407.
  43. ^ Hatcher, J. B. (1901). Diplodocus (Marsh): its osteology, taxonomy, and probable habits, with a restoration of the skeleton (Vol. 1, No. 1-4). Carnegie institute.
  44. ^ Kermack, Kenneth A. (1951). “A note on the habits of sauropods”. Annals and Magazine of Natural History. 12 (4): 830–832. doi:10.1080/00222935108654213.
  45. ^ a b Gangewere, J.R. (1999). "Diplodocus carnegii Lưu trữ 12 tháng 1 2012 tại Wayback Machine". Carnegie Magazine.
  46. ^ Pierson, D. J. (2009). “The Physiology of Dinosaurs: Circulatory and Respiratory Function in the Largest Animals Ever to Walk the Earth”. Respiratory Care. 54 (7): 887–911. doi:10.4187/002013209793800286. PMID 19558740.
  47. ^ Hay, O. P., 1910, Proceedings of the Washington Academy of Sciences, vol. 12,, pp. 1–25
  48. ^ Hay, Dr. Oliver P., "On the Habits and Pose of the Sauropod Dinosaurs, especially of Diplodocus." The American Naturalist, Vol. XLII, October 1908
  49. ^ Holland, Dr. W. J. (1910). “A Review of Some Recent Criticisms of the Restorations of Sauropod Dinosaurs Existing in the Museums of the United States, with Special Reference to that of Diplodocus carnegii in the Carnegie Museum”. The American Naturalist. 44 (521): 259–283. doi:10.1086/279138. S2CID 84424110.
  50. ^ a b Stevens KA, Parrish JM (2005). “Neck Posture, Dentition and Feeding Strategies in Jurassic Sauropod Dinosaurs”. Trong Carpenter, Kenneth, Tidswell, Virginia (biên tập). Thunder Lizards: The Sauropodomorph Dinosaurs. Indiana University Press. tr. 212–232. ISBN 978-0-253-34542-4.
  51. ^ Upchurch, P; và đồng nghiệp (2000). “Neck Posture of Sauropod Dinosaurs” (PDF). Science. 287 (5453): 547b. doi:10.1126/science.287.5453.547b. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2006.
  52. ^ Taylor, M.P.; Wedel, M.J.; Naish, D. (2009). “Head and neck posture in sauropod dinosaurs inferred from extant animals” (PDF). Acta Palaeontologica Polonica. 54 (2): 213–220. doi:10.4202/app.2009.0007. S2CID 7582320.
  53. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Stevens
  54. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Upchurch
  55. ^ Trujillo, K.C.; Chamberlain, K.R.; Strickland, A. (2006). “Oxfordian U/Pb ages from SHRIMP analysis for the Upper Jurassic Morrison Formation of southeastern Wyoming with implications for biostratigraphic correlations”. Geological Society of America Abstracts with Programs. 38 (6): 7.
  56. ^ Bilbey, S.A. (1998). “Cleveland-Lloyd Dinosaur Quarry – age, stratigraphy and depositional environments”. Trong Carpenter, K.; Chure, D.; Kirkland, J.I. (biên tập). The Morrison Formation: An Interdisciplinary Study. Modern Geology 22. Taylor and Francis Group. tr. 87–120. ISSN 0026-7775.
  57. ^ Russell, Dale A. (1989). An Odyssey in Time: Dinosaurs of North America. Minocqua, Wisconsin: NorthWord Press. tr. 64–70. ISBN 978-1-55971-038-1.
  58. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên OM06

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]