Tên chữ (địa danh)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Địa danh tiêu biểu
Tên Nôm Tên chữ
Làng Gióng Phù Đổng (扶董)
Làng Nành Phù Ninh (富寧)
Làng Sét Thịnh Liệt (盛烈)
Làng Báng Đình Bảng (亭榜)
Làng Trèm Từ Liêm (慈廉)
Huế Thuận Hoá (順化)
Sài Gòn Gia Định Thành (嘉定城)
Sông Cái (Miền Bắc) Hồng Hà (紅河)
Sông Cả Lam Giang (藍江)
Sông Luộc Phú Nông Giang (富農江)
Sông Đuống Thiên Đức Giang (霑德江)
Sông Gianh Linh Giang (𤅷江)
Đèo Ba Dội Tam Điệp Quan (三疊關)
Núi Ba Vì Tản Viên Sơn (傘園山)
Chùa Đậu Thành Đạo tự (成道寺)

Tên chữ là tên văn vẻ trong tiếng Việt của một thực thể địa lý ở Việt Nam, thường là làng, xóm, chùa, đền nhưng cũng có khi là thực thể thiên nhiên như sông, núi, đèo.

miền Bắc Việt Nam nhiều làng ở trung châu ngoài tên Nôm còn có tên chữ dùng song hành. Tên Nôm thường chỉ là một chữ trong khi tên chữ thường là hai chữ trở lên. Một số làng chỉ có tên Nôm mà không có tên chữ. Tên Nôm có lẽ có trước lấy cảnh quan hay sự kiện địa phương mà đặt.[1] Tên chữ có lẽ xuất hiện sau do ảnh hưởng Hán Việt cùng ý hướng cầu tiến, niềm tự hào.[2]

Nguồn gốc lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Bắt đầu từ thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, văn hóa Hán xâm nhập và chi phối sinh hoạt xã hội người Việt khá sâu đậm. Về mặt ngôn ngữ tuy người Việt vẫn nói tiếng Việt nhưng tiếng Hán với lợi thế văn tự đã du nhập rộng rãi trong phạm vi học thuật, tín ngưỡng và giao dịch với chính quyền.

Khi giành được độc lập rồi thì tiếng Hán bị cách ly với cái gốc và chuyển theo cách phát âm của người Việt khai sinh ra âm Hán Việt. Giới quan lại và trí thức tiếp tục sử dụng Văn ngôn trong các hoạt động hành chính, thơ văn, cúng tế... Trong văn Hán Việt thì các tên riêng phần lớn được dịch theo nghĩa từ âm Nôm, ví dụ địa danh ở Hà Nội "ba kẻ Gừng" đã trở thành "Tam Khương" (Khương Thượng, Trung, Hạ), "kẻ Nhổn" thành "Cổ Nhuế"...[3].

Khi chữ Quốc ngữ (chữ Latinh) dần phổ biến ở thế kỷ 20 và chữ Hánchữ Nôm mất địa vị, các thế hệ người Việt sau đó bị mù chữ Hánchữ Nôm nên không còn phân biệt rõ ràng gốc Hán Việt của từ ngữ nữa, vì chữ Quốc ngữ là chữ biểu âm và không có khả năng biểu nghĩa rõ ràng như chữ Hán và chữ Nôm. Song phong cách "thích nói chữ" vẫn thịnh hành ở phía bắc, và giảm dần theo đường Nam tiến của người Việt.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Tên và cách đặt tên làng (xã) ở Phủ Lý Nhân xưa”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2013.
  2. ^ “Vấn đề làng xã”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2013.
  3. ^ Phần "Thời kỳ chữ Nôm ra đời", trong sách Giáo trình Hán Nôm, tập 2 (tập chữ Nôm), Bộ môn Hán Nôm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biên soạn, in tại Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990. Trang 8-9.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]