Thành viên:Akirady2011

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Làng Miêu Nha[sửa | sửa mã nguồn]

Nằm ven đường 70, đoạn từ Ngã tư Canh Hà Đông, làng Miêu Nha (tên Nôm là làng Ngà) là một thôn của xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ quận Nam Từ Liêm). Xa xưa, làng có tên là Do Nha, đến đầu triều Vua Gia Long (1812 - 1819) mới đổi thành Miêu Nha. Đây vốn là một trại của người họ Trần từ Thanh Hóa ra lập cư từ trước thế kỷ thứ VI, trên một doi đất cao ráo nổi giữa lòng chảo thấp trũng. Sau đó có các họ Lưu ở Thanh Hóa, họ Đỗ ở Tiên Lữ (Hưng Yên) chuyển đến.

Theo lưu truyền trong vùng, vào năm 545, khi trận tuyến chống quân xâm lược nhà Lương ở cửa sông Tô Lịch bị vỡ, Lý Nam Đế đã lui về làng Do Nha và được dân làng giúp đỡ. Sau khi Lý Nam Đế mất, dân làng tôn làm thành hoàng, lập đền thờ. Vì thế, làng phải kiêng tên húy thần (gọi “quả bí” là “quả bầu”  và “lược bí” thành “lược mau”.  

Làng Do Nha (hay Miêu Nha) từ Cách mạng Tháng Tám trở về trước luôn là một xã thuộc tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Canh thành xã Thọ Nam, thuộc huyện Liên Bắc. Hòa bình lập lại, làng thuộc xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh, gồm các làng Kim Hoàng, Hậu ái, An Trai), huyện Hoài Đức tỉnh Hà Đông. Đến năm 1961, làng được chuyển về xã Tây Mỗ, huyện Từ liêm, Hà Nội. 

Làng Miêu Nha từng in đậm dấu tích lịch sử đất nước đầu thế kỷ XVI. Năm 1518, nhân khi Trần Chân làm phản, Mạc Đăng Dung rước Vua Lê Chiêu Tông chạy ra Bảo Châu (vùng phường Tứ Liên, quận Tây Hồ hiện nay) nhằm chuẩn bị cho bước thoán quyền vua Lê. Nhiều vị quan Ngự sử can ngăn đã bị Mạc Đăng Dung giết hại. Trịnh Tuy và một số số quan lại khác trung thành với nhà Lê đã lập một một người tông thất khác là Lê Do lên làm vua, lấy niên hiệu là “Thiên Hiến” (văn hiến nghìn năm), dựng hành điện ở Do Nha, chia đặt quan thuộc để chống lại Mạc Đăng Dung. Sự kiện này được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư.

  Theo lưu truyền dân gian thì những ngày đầu khi mới đăng quang, “Vua Lê Thiên Hiến” đã đóng ở chùa Bà làng Do Nha. Vết tích của hành điện này nay còn xác định được qua các địa danh : cánh đồng Voi, giếng tắm Ngựa… Một thời gian sau (mùa thu năm Kỷ Mão - 1519), Mạc Đăng Dung rước vua trở về kinh đô, rồi đốc suất quân thủy, bộ vây Lê Do ở Do Nha. Nhân mưa to, Đăng Dung cho khơi nước vào trại của Lê Do và bắt được, đem giết đi, kết thúc một triều đình Thiên Hiến ngắn ngủi. Lưu truyền dân gian còn kể rằng, do làng Ngà ở thế thấp, nên khi Đăng Dung tháo nước vào, nước nhanh chóng tràn ngập nên triều đình “Vua Lê Thiên Hiến” không kịp trở tay. 

Chùa Thiên Khánh có từ trước thời Lê,  đầu thế kỷ XVI, một bà vương phi nhà Lê về cầu tự tại đây, sau sinh ra một con trai được lập làm vua, nên bà đã đứng ra hưng công xây dựng lại to đẹp hơn, nên gọi là chùa Bà. Sau sự kiện triều đình Lê Do đóng hành dinh tại đây, chùa được đổi tên là Thiên Khánh. Trong chùa còn nhiều bia niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) nói lên quá trình tu bổ chùa. Tại điện thờ ở nhà hậu của chùa có tượng bốn vị công chúa là Thiên tiên (Thanh Vân), Địa tiên (Liễu Hạnh), Thủy tiên (Mẫu Thoải) và Thượng Ngàn cùng bốn đạo sắc ban cho các vị. Đây là tư liệu hiện vật và Hán Nôm quý giá để tìm hiểu về đạo Mẫu, sự kết hợp giữa đạo Mẫu và Phật giáo ở Việt Nam.

Dân làng Ngà có truyền thống lao động sản xuất. Nghề chính vẫn là làm ruộng trên các cánh đồng trũng. Đầu thời Gia Long (1802 - 1919), làng có đến 618 mẫu ruộng, trong khi số dân chỉ chừng trên 1000 người, nên bình quân ruộng đất của làng trước đây khá cao. Nằm trong vùng Canh - Mỗ, làng có nghề dệt  với sản phẩm là lụa Ngà rất nổi tiếng. Trước đây, làng có chợ để trao đổi sản phẩm, nhưng chợ này đã mất khoảng trên 90 năm nay.