Thánh thất Đa Phước

Thánh thất Đa Phước
Thánh thất Đa Phước nhìn từ hướng tây bắc
Tôn giáo
Giáo pháiCao Đài Tòa Thánh Tây Ninh
TỉnhLâm Đồng
VùngTây Nguyên Việt Nam
Giáo hội hoặc trạng thái tổ chứcđang hoạt động
Lãnh đạoGiáo sư Thái Sương Thanh
Năm thánh hiến2010 khánh thành
Trạng tháiThánh thất Họ Đạo
Vị trí
Tọa độ địa lý11°56′39″B 108°30′10″Đ / 11,944279°B 108,502704°Đ / 11.944279; 108.502704
Kiến trúc
Khởi công17 tháng 9 2005 (2005)
Hoàn thành30 tháng 7 2010 (2010)
Chi phí xây dựng7 tỷ
Hướng mặt tiềnTây
Cổng tạm được làm bằng gỗ dẫn vào Thánh thất Cao Đài Đà Lạt.
Toàn cảnh của Thánh thất Cao Đài Đà Lạt.

Thánh thất Đa Phước hay Thánh thất Đà Lạt là một Thánh thất Cao Đài thuộc Tòa Thánh Tây Ninh nằm ở phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Thánh thất này trước đây thuộc Tộc đạo Đà Lạt, Châu đạo Lâm Đồng, Trấn đạo Tuyên Đức, nay là Họ Đạo Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Lịch sử hình thành[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Pháp thuộc[sửa | sửa mã nguồn]

Thánh thất Đà Lạt được xây dựng vào năm 1938 khi Lễ Sanh Ngọc Ngọ Thanh (Thế danh Trần Văn Ngọ) một chức sắc Cao Đài được Tòa Thánh Tây Ninh cử đến đây truyền đạo. Cũng trong năm này Lễ Sanh Ngọc Ngọ Thanh được phong Quyền Khâm Châu Đạo Lâm Đồng, phụ trách việc đạo tại tỉnh Lâm Đồng. Tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài trên đất Đà Lạt là ông Nguyễn Văn Chất (1891-1972), còn gọi là Chánh Cao. Sau này, ông được Tòa Thánh Tây Ninh phong phẩm Lễ Sanh Thánh danh là Ngọc Cao Thanh và được cử làm Đầu Tộc Đạo Đà Lạt, cai quản Tộc Đạo Đà Lạt. Năm 1941, tại khu vực phường Đa Phước, tín đồ Cao Đài ở đây đã trùng tu Thánh thất và xây thêm Điện thờ Phật Mẫu. Năm 1942, Toà Thánh Tây Ninh cử Phổ Tế Đặng Phước Hào lên Đà Lạt để đẩy mạnh việc "mở mang nền đạo", tiếp tục phát triển các Hương đạo của tôn giáo Cao Đài ở xung quanh thành phố. Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Toà Thánh Tây Ninh có dự án nâng cấp Thánh thất Đa Phước thành trung tâm của đạo Cao Đài tại khu vực Tây Nguyên. Năm 1952, Hộ pháp Phạm Công Tắc đã lên đây và thực hiện nghi lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công cho việc xây dựng Thánh thất mới. Tuy nhiên, những biến động của thời cuộc sau đó đã làm ngưng trệ việc triển khai dự án đó.

Thời Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Sau Hiệp định Genève 1954, do chính sách thiên vị Kitô giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, các tôn giáo ngoài Kitô nói chung và đạo Cao Đài nói riêng, gặp không ít khó khăn trở ngại. Sau vụ đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, dưới thời Đệ Nhị cộng hoà của việt Nam Cộng hòa, tôn giáo ở miền Nam hoạt động dễ dàng hơn. Năm 1973, Trấn Đạo (đơn vị hành chính tôn giáo của đạo Cao Đài tương đương 5 tỉnh) Tuyên Đức - Ninh Thuận đã đặt trụ sở tại Đà Lạt (số 8 đường Nguyễn Tri Phương) và cử Giáo sư Thượng Tiến Thanh (Thế danh Đặng Nhật Tiến) làm Khâm Trấn Đạo cai quản Trấn Đạo Tuyên Đức - Ninh Thuận. Theo đó, đạo Cao Đài ở Đà Lạt cũng có một sự tăng trưởng nhất định, đến năm 1975 đã có 16 Hương đạo và 6.500 tín đồ.

Thời Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Sau năm 1975, theo Đạo lệnh 01 của Toà Thánh Tây Ninh, hệ thống tổ chức của Cao Đài giáo bị giải thể, các chức sắc, chức việc và tín đồ thực hiện các nghi lễ tại nhà riêng. Ở Đà Lạt, chính quyền địa phương cho phép các tín đồ Cao Đài được lập ban cai quản và duy trì các sinh hoạt. Năm 1997, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài, tín đồ trong Tộc đạo đã vô cùng phấn khởi và tiếp tục duy trì các nghi lễ tôn giáo của mình. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, tính đến tháng 4 năm 2001, Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh ở Đà Lạt đã có 1 họ đạo với quy mô khá lớn: 54 chức sắc, chức việc và hơn 8.000 tín đồ.[1]

Thánh thất Đà Lạt được khởi công xây dựng lại theo mẫu số 2 của Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 2005. Ngày 17 tháng 6 năm 2005, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cấp giấy phép xây dựng Thánh thất Đà Lạt, thuộc Phường 11, Thành phố Đà Lạt. Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh cũng chấp thuận cho xây cất vào ngày 17 tháng 9 năm 2005. Diện tích xây dựng là 1.627 mét vuông, trên tổng diện tích đất là 14.774 mét vuông. Công trình xây dựng trị giá vật tư là trên 7 tỷ đồng, số tiền rất lớn so với giá trị lúc bấy giờ và không kể công quả của hàng vạn công thợ và tín đồ giúp sức. Thánh thất được chính thức khánh thành ngày 30 tháng 7 năm 2010 và trở thành Thánh thất Cao Đài lớn nhất Việt Nam hiện nay.[2]

Kiến trúc tổng thể[sửa | sửa mã nguồn]

Thánh thất Đà Lạt xây dựng trên một ngọn đồi diện tích 10ha, cách trung tâm Thành phố Đà Lạt 7 km về phía đông, xung quanh được che phủ những rặng thông cho nên rất nên thơ lẫn nghiêm trang.

Diện tích Thánh thất là trên 1.627m² trên tổng diện tích là 14.774m². Là Thánh thất Cao Đài lớn nhất Việt Nam hiện nay và là một trong những cơ sở tôn giáo lớn nhất Đà Lạt.

Thánh thất Đà Lạt được xây dựng theo mẫu số 2 của Tòa Thánh Tây Ninh nên về kiến trúc tổng thể giống với Tòa Thánh Tây Ninh nhưng thay đổi một số chi tiết và họa tiết trang trí.

Do Thánh thất xây dựng theo kiểu mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh nên có đầy đủ những phần kiến trúc tổng thể của tôn giáo Cao Đài là: Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài.

Hiệp Thiên Đài[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệp Thiên Đài với 2 lầu chuông trống của Thánh thất Đà Lạt

Hiệp Thiên Đài của Thánh thất Đà Lạt gồm 2 lầu chuông, trống. Mỗi lầu cao 18m, gồm 5 tầng.

Lầu chuông phía dưới có lắp ô thông gió, tạo hình chữ "CAO" bằng chữ Quốc ngữchữ Hán, trên đó có 4 chữ "Bạch Ngọc Chung Đài" bằng chữ Quốc ngữ, nhưng không được phép đắp hình Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt như của Tòa Thánh Tây Ninh mà thay vào đó là hình mặt Trời đang tỏa sáng. Trong lầu có treo một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung. Đỉnh lầu dưới cột thu lôi có tạc hình cái hồ lô, tượng trưng bửu pháp của Lý Thiết Quả, được cho là tiền kiếp của Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt.

Lầu trống phía dưới có lắp ô thông gió, tạo hình chữ "ĐÀI" bằng chữ Quốc ngữchữ Hán, trên đó có 4 chữ "Lôi Âm Cổ Đài" bằng chữ Quốc ngữ, nhưng không được phép đắp tượng Nữ Đầu sư Hương Thanh như của Tòa Thánh Tây Ninh mà thay vào đó là hình Mặt Trăng đang tỏa sáng. Trong lầu có treo một cái trống lớn gọi là Lôi Âm Cổ. Đỉnh lầu dưới cột thu lôi có tạc hình giỏ hoa lam là bửu pháp của Long Nữ, thị giả của Quan Thế Âm, được cho là tiền kiếp của Nữ Đầu sư Hương Thanh.

Khu vực lối vào chính, phía trước có đúc 4 cột trụ gọi là cột Long Hoa. Mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình rồng đỏ (LONG), một đắp hình hoa sen (HOA), chạm trổ rất tinh vi, màu sắc rực rỡ, tượng trưng Đại hội Long Hoa, một giai đoạn chuyển kiếp tiến hóa của nhân loại. Để vào Thánh thất, người ta phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của đạo Cao Đài: Người, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Phía giữa lối vào là một bức họa, trên đó vẽ một bàn tay từ trong mây đưa ra cầm một cán cân đặt trên quả địa cầu, gọi là hình tượng Cân Công Bình, tượng trưng cho công lý phán xét công tội của con người trước khi được chuyển kiếp tiến hóa. Phía bên phải lối vào là tượng ông Thiện, mình mặc giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện (chánh tâm). Phía bên trái lối vào là tượng ông Ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều Ác (vọng tâm).

Phía trên có một bao lơn xây hình bán nguyệt, một lá đạo kỳ thường được treo ngay giữa bao lơn, gồm 3 phần: phần màu vàng trên cùng, thêu 6 chữ Hán "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ", phần giữa màu xanh thêu hình Thiên Nhãn và Cổ Pháp Tam Giáo (kinh Xuân Thu, cây Phất Chủ, bình Bát Vu), phần dưới màu đỏ để trống.

Trên cùng hết phía ngoài được đắp nổi biểu tượng Thiên Nhãn. Trên cao có tượng Phật Di Lặc ngồi trên lưng cọp và tòa sen. Biểu tượng con cọp tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài.

Qua 5 bậc thềm của lối vào chính của Thánh thất là khu vực Tịnh Tâm Điện. Phía trước là bức tranh Tam Thánh Cao Đài đang ký Thiên Nhơn hòa ước, họa theo hình như của Tòa Thánh Tây Ninh.

Gian trong của Thánh thất gọi là Chánh điện phía sau bức tranh Tam Thánh Cao Đài, đối diện với bàn thờ Thượng đế là bàn thờ Hộ pháp vẽ hình chữ Khí bằng chữ Hán, chứ không đắp tượng Hộ pháp Phạm Công Tắc như ở Tòa Thánh Tây Ninh.

Cửu Trùng Đài[sửa | sửa mã nguồn]

Phần giữa Chánh điện là khu vực Cửu Trùng Đài, nối liền Hiệp Thiên Đài với Bát Quái Đài. Khu vực này có 6 cột trụ phân làm 2 bên, nhưng theo luật lịnh của Tòa Thánh Tây Ninh không được trang trí hình rồng như của Tòa Thánh. Phía dưới mỗi cây cột được một đóa hoa sen lớn màu đỏ đỡ lấy.

Bát Quái Đài[sửa | sửa mã nguồn]

Bát Quái Đài Thánh thất Đa Phước

Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Thánh thất. Gian này có 8 cột trụ rồng xếp thành Bát quái. Nhưng không làm quả Càn Khôn như Tòa Thánh Tây Ninh mà thay vào đó là một bàn thờ lớn có 5 bậc. Bậc thứ nhất là một hình Thiên Nhãn lớn tượng trưng Thượng đế, kế dưới là một ngọn đèn dầu gọi là đèn Thái Cực luôn luôn được thắp sáng không để cho tắt. Bậc thứ hai, là bài vị thờ 3 vị giáo chủ của 3 tôn giáo lớn là Đức Phật Thích Ca giáo chủ Phật giáo, Lão Tử giáo chủ Đạo giáo, Khổng tử giáo chủ Nho giáo. Ba bài vị đều viết bằng chữ Hán. Bậc thứ 3, thờ 3 vị là Quan Thế Âm Bồ tát, Đại tiên Lý Thái Bạch, Quan Thánh Đế Quân, ba vị này đại diện cho Tam trấn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo giáo lý Cao Đài. Bậc thứ 4, thờ bài vị của Chúa Giê-su giáo chủ Kitô giáo tượng trưng Thánh Đạo. Bậc thứ 5, thờ Khương Tử Nha giáo chủ Thần đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo.

Hình ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2011.
  2. ^ caodai.net

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]