Thảo luận:Bảo hiểm

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tôi nghĩ ý nghĩa của Bảo hiểm rộng hơn phạm vi bài viết này. Lê Thy 02:46, ngày 13 tháng 5 năm 2006 (UTC)[trả lời]

Đúng như vậy

Về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm

Bất kể một hợp đồng nào muốn có hiệu lực phải đảm bảo các điều kiện nhất định của pháp luật. Thông thường, người ta quan tâm đến các điều kiện sau: điều kiện về ý chí, chủ thể, nội dung và mục đích giao kết hợp đồng, hình thức hợp đồng. Về mặt lý luận, nội dung của hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng là các điều khoản qua đó xác định phạm vi quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp mà nội dung của hợp đồng này được xác định theo 1 trong 3 điều khoản đó là: điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường và điều khoản tuỳ nghi.

Điều khoản cơ bản là điều khoản ghi nhận nội dung cơ bản chủ yếu của hợp đồng. Vì vậy, về nguyên tắc các bên phải thỏa thuận với nhau về điều khoản này thì hợp đồng mới được coi là đã được giao kết. Cơ sở để xác định điều khoản này là do pháp luật quy định hoặc dựa vào bản chất của hợp đồng.

Điều khoản thông thường là những điều khoản đã được pháp luật quy định trước nên khi giao kết hợp đồng các bên không cần thỏa thuận thì nó vẫn được coi là các bên đã mặc nhiên thỏa thuận và thực hiện nó đúng như pháp luật đã quy định. Khác với điều khoản cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng đến quá trình giao kết hợp đồng.

Điều khoản tùy nghi là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Thông qua điều khoản tuỳ nghi, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng, sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia. .

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là một trong những điều khoản bắt buộc phải có của hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng đã được pháp điển hoá trong Luật kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, theo chúng tôi việc quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (viết tắt là LKDBH) còn một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

* Tại sao điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là điều khoản cơ bản

Sở dĩ LKDBH cũng như Luật bảo hiểm của các nước đều quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là một trong những nội dung không thể thiếu của hợp đồng bảo hiểm bởi vì:

Trước hết, điều khoản loại trừ được đặt ra nhằm mục đích cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm (còn gọi là giải quyết quyền lợi bảo hiểm) trong trường hợp bên mua bảo hiểm có ý định trục lợi bảo hiểm bằng những hành vi cố ý. Nói cách khác là doanh nghiệp bảo hiểm không phải thực hiện nghĩa vụ “bảo hiểm” khi chứng minh được khách hàng đã lừa dối mình để thu lợi bất chính từ việc mua bảo hiểm. Điều này nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm, lợi ích của các khách hàng trung thực đồng thời bảo vệ trật tự của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tham khảo điều khoản bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp bảo hiểm, tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp người được bảo hiểm bị chết do hành vi cố ý của người mua bảo hiểm và/hoặc người thụ hưởng hay do hành động tự tử của người được bảo hiểm trong một giai đoạn nhất định, thường là hai năm kể từ ngày phát hành hợp đồng (đây là thời gian đủ để ngăn chặn trường hợp mua bảo hiểm với mục đích trục lợi bảo hiểm cùng với việc tự tử).

Bên cạnh đó, điều khoản loại trừ còn cho phép doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm trong những trường hợp đi ngược lại với đạo lý xã hội, nhằm đảm bảo các giá trị nhân văn, bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp của con người. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là người được bảo hiểm chết do bị kết án và chịu hình phạt tử hình vì đã có hành vi phạm tội “cố ý giết người”. Trong trường hợp này, không chỉ dư luận xã hội lên án mà pháp luật của nhiều nước đều cho phép doanh nghiệp bảo hiểm quyền từ chối trả tiền bảo hiểm tử vong bởi cái chết của người được bảo hiểm là hậu quả của một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội.

Điều khoản loại trừ cũng có thể bao gồm việc từ chối trả tiền bảo hiểm trong những trường hợp có thảm hoạ, có thể gây tổn thất trên diện rộng và làm mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm. Ví dụ, điển hình là trận sóng thần (Tsunami) xảy ra năm 2004 làm vài chục ngàn người bị chết. Mặc dù pháp luật các nước đều có những quy định rất chặt chẽ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm về việc lập quỹ dự phòng bồi thường, dự phòng tổn thất lớn (dự phòng đảm bảo cân đối) nhưng các quỹ này chỉ là để bồi thường cho những trường hợp tử vong và thương tật trong điều kiện bình thường của cuộc sống vì phí bảo hiểm được tính dựa trên cơ sở một bảng tỷ lệ rủi ro (tử vong, thương tật…) thông thường. Trở lại với ví dụ sóng thần Tsunami, giả sử hơn 40% số người chết đó tham gia bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm và nếu doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả số tiền bảo hiểm cho các trường hợp tử vong này thì rất có thể sẽ đưa đến việc mất khả năng thanh toán do cùng một lúc phải chi trả một khoản tiền quá lớn. Vì vậy, khi tính phí bảo hiểm theo tỷ lệ rủi ro thông thường doanh nghiệp bảo hiểm cần phải quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp này nhằm đảm bảo an toàn kinh doanh, cũng chính là bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng. Trên thực tế, một số doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm cả những thảm hoạ như động đất, núi nửa… Sở dĩ các doanh nghiệp này thể chấp nhận bảo hiểm với các thảm hoạ là vì họ đã tính phí bảo hiểm cho rủi ro thảm hoạ này mặc dù trên thực tế những rủi ro mang tính thảm hoạ rất khó dự đoán và định lượng.

Ngoài những phạm vi loại trừ như trên, các doanh nghiệp bảo hiểm còn có thể áp dụng điều khoản loại trừ đối với các trường hợp như: chiến tranh, nội chiến, bạo động, nổi loạn, các hoạt động thể thao nguy hiểm, ảnh hưởng của rượu, bia, ma tuý, các sở thích nguy hiểm, bệnh tật, tàn tật có sẵn…

Tóm lại, việc quy định điều khoản loại trừ xuất phát từ những lý do sau:

- Bảo vệ các giá trị đạo đức, trật tự xã hội cần được thừa nhận và bảo vệ;

- Bảo vệ doanh nghiệp khỏi việc mất khả năng thanh toán do những rủi ro gây thiệt hại lớn, trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng. Việc bảo vệ doanh nghiệp khỏi trường hợp mất khả năng thanh toán cũng chính là bảo vệ quyền lợi của khách hàng;

- Đảm bảo sự công bằng giữa mức phí đóng và quyền lợi được nhận đồng thời đảm bảo mức phí hợp lý (không quá cao), giúp nhiều người có thể tham gia bảo hiểm.

* Bất cập của pháp luật hiện hành

Theo Điều 16 - LKDBH: “1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện được bảo hiểm; 2. Điều khoản này phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng; Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;

b) Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện được bảo hiểm”.

Đây là quy định chung áp dụng cho mọi loại hình hợp đồng bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để khách hàng có thể biết rõ trước thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để xem xét đồng ý hay từ chối tham gia bảo hiểm, luật pháp cũng có những quy định hạn chế nhất định liên quan đến vấn đề này. Quy định những trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chính là một hạn chế như vậy với mục đích bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm theo đúng thông lệ và đạo lý xã hội.

Tuy nhiên, theo tôi quy định nói trên là chưa phù hợp, bởi nó chỉ giới hạn đối với đối tượng là “người mua bảo hiểm”- điều này chỉ có thể đúng đối với loại hình bảo hiểm tài sản hay bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn đối với bảo hiểm con người thì đối tượng là “người được bảo hiểm” hay “người thụ hưởng” chưa được điều luật này đề cập đến. Vì trong rất nhiều hợp đồng bảo hiểm con người, người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng không trùng là một. Thực tiễn việc áp dụng điều khoản loại trừ trong trường hợp này theo Pháp luật về bảo hiểm các nước cũng như các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai tại Việt Nam và các thị trường khác thì doanh nghiệp bảo hiểm không trả tiền bảo hiểm chỉ đối với “hành vi cố ý vi phạm pháp luật của người được bảo hiểm”. Như vậy, riêng đối với loại hình bảo hiểm con người thì cần phải áp dụng điều khoản loại trừ đối với người được bảo hiểm vi phạm pháp luật do cố ý chứ không phải bên mua bảo hiểm mới là hợp lý.

Bên cạnh đó, từ quy định của điều 16 - LKDBH, nếu theo tinh thần “được làm những gì mà pháp luật không cấm” thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đưa vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra do người được bảo hiểm hay người thụ hưởng vi phạm pháp luật do vô ý và chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm hay không? Và như vậy, lợi ích chính đáng của người mua bảo hiểm, người thụ hưởng, người được bảo hiểm có được bảo vệ hay không? Rõ ràng đây là một điểm khuyết thiếu cần thiết phải xem xét bổ sung.

Riêng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khoản 1 Điều 39 - LKDBH quy định về các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không trả tiền bảo hiểm như sau:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 2 (hai) năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng tiếp tục có hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;

c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.”

Rõ ràng, những quy định này đều nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp bảo hiểm, chống lại các trường hợp trục lợi bảo hiểm; đồng thời duy trì và bảo vệ đạo lý nói chung, không chấp nhận thanh toán tiền bảo hiểm cho những trường hợp đi ngược lại đạo đức như giết hoặc làm người được bảo hiểm bị thương tật để thu lợi từ doanh nghiệp bảo hiểm hay phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng bị xã hội lên án. Tuy nhiên, theo tôi điều luật này có một số bất cập, đó là:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 39 Luật này chỉ dừng lại ở việc quy định trường hợp “người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng” tại điểm b khoản 1. Quy định này là chưa phù hợp bởi lẽ trên thực tế các sản phẩm bảo hiểm con người đang được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai hiện nay đều có phạm vi bảo hiểm rất rộng bao gồm các rủi ro: chết, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thương tật bộ phận vĩnh viễn, ốm đau, bệnh tật… Do vậy, quy định trên là chưa đủ vì đã bỏ qua các trường hợp “người được bảo hiểm bị thương tật bộ phận vĩnh viễn, ốm đau, bệnh tật...do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng”. Theo tôi để bao quát được mọi trường hợp nên sửa đổi điểm b khoản 1 Điều này như sau: “rủi ro được bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng”.

Thứ hai, theo điểm c khoản 1 Điều 39 thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể từ chối trả tiền bảo hiểm trong trường hợp “người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình”. Điều này có nghĩa là nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra do người được bảo hiểm có hành vi cố ý vi phạm pháp luật (ngoại trừ trường hợp họ bị thi hành án tử hình) thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Theo tôi, quy định này là quá “hẹp” vì chưa thể hiện được mục đích thứ hai của điều khoản loại trừ đã đề cập ở trên, không phù hợp với thông lệ quốc tế và các sản phẩm bảo hiểm con người đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã và đang được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai. Chẳng hạn, điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam hiện nay quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp: “người được bảo hiểm tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp, chống cự khi bị bắt giữ hay vượt ngục”, “người được bảo hiểm có hành động phạm tội”, “hành vi cố ý vi phạm pháp luật của người được bảo hiểm”... Rõ ràng các quy định này xét trên khía cạnh pháp luật thì chưa tương thích với quy định tại Điều 39 - LKDBH. Tuy nhiên, xét trên phương diện lý luận về bảo hiểm nhân thọ và pháp luật cũng như thông lệ của các nước trên thế giới thì hoàn toàn phù hợp. Do vậy, trong xu thế hội nhập như hiện nay theo tôi LKDBH cần thiết phải có sự thay đổi với thực tế khách quan và sự phát triển chung của toàn cầu.

Thứ ba, hiện nay trên thực tế ngoài các trường hợp quy định tại các điều luật nói trên các doanh nghiệp bảo hiểm đều mở rộng phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bằng việc đưa vào điều khoản bảo hiểm mẫu các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường hay chi trả quyền lợi bảo hiểm đối với sự kiện bảo hiểm xảy ra có nguyên nhân từ các sự kiện sau: chiến tranh (có tuyên bố hay không tuyên bố), các hành động thù địch hoặc mang tính chiến tranh, nội chiến, nổi loạn, bạo động hay bạo loạn dân sự; sóng thần, núi lửa, nhiễm phóng xạ, tham gia các cuộc đua, hoạt động thể thao chuyên nghiệp hoặc hoạt động dưới nước có sử dụng mặt nạ thở…Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm, các nhà làm luật của Việt Nam nên nghiên cứu và pháp điển hóa các trường hợp này trong LKDBH theo đó quy định rõ các thảm họa hay sự kiện nào, với mức độ như thế nào có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần có quy định để ngăn ngừa trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm một cách không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng (vì hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng gia nhập và khách hàng không có quyền thương thảo về bất cứ nội dung điều khoản nào của hợp đồng).

* Hướng sửa đổi

Đề nghị thống nhất quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong BHNT tại một điều luật và quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm trong trường hợp rủi ro xảy ra đối với người được bảo hiểm do một trong các nguyên nhân sau:

- Hành vi phạm tội và/hoặc hành vi cố ý vi phạm pháp luật khác của Người được bảo hiểm;

- Hành vi cố ý của người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và hoặc/người thụ hưởng;

- Hành vi tự tử của người được bảo hiểm khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực dưới 24 tháng;

- Do các hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột (sóng thần, động đất, núi lửa, lũ, lụt, bão), chiến tranh, nội chiến, nổi loạn và các hiện tượng khách quan khác có tính chất thảm họa.

Ngoài các điểm cần hoàn thiện nêu trên, để điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm có thể áp dụng đúng đắn và xác thực trên thực tế thiết nghĩ cần phải có một cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức có thẩm quyền đưa ra định nghĩa cụ thể về từng trường hợp loại trừ cũng như đưa ra tuyên bố chính thức khi các trường hợp loại trừ nói trên xảy ra, việc doanh nghiệp bảo hiểm có được áp dụng điều khoản loại trừ hay không trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng. Theo như chúng tôi được biết, hiện tại một số nước, các cơ quan, tổ chức nói trên đã được thành lập và làm rất tốt công việc này./.

Phí Thị Quỳnh Nga (Nguồn: Bảo Việt)

Cách Phân loại[sửa mã nguồn]

  • Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm:
    1. Bảo hiểm Tài sản;
    2. Bảo hiểm Con người;
    3. Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự.
  • Có hai loại hình công ty bảo hiểm:
    • Công ty bảo hiểm Nhân Thọ
    • Công ty bảo hiểm Phi Nhân Thọ

Có nhiều các phân loại bảo hiểm:

1. Theo mục đích hoạt động, bảo hiểm được chia thành 2 loại:

- Bảo hiểm có mục đích kinh doanh( bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhân thọ,...)

- Bảo hiểm không vì mục đích kinh doanh: (các quỹ dự trữ quốc gia, bảo hiểm xã hội,...)

2. Theo hình thức xây dựng quỹ bảo hiểm, bảo hiểm gồm 3 loại:

- Quỹ dự trữ bảo hiểm không tập trung: Được thành lập trong các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế tập thể, các hộ gia đình nhằm bù đắp những tổn thất do rủi ro xảy ra trong từng đơn vị, từng gia đình. Nguồn hình thành của quỹ bảo hiểm được trích từ thu nhập của các đơn vị, gia đình,…

- Quỹ dự trữ bảo hiểm tập trung: Do Nhà nước xây dựng, quản lý và sử dụng. Nguồn hình thành của quỹ này lấy từ nguồn vốn của NSNN.

- Quỹ dự trữ bảo hiểm của các tổ chức bảo hiểm: Là hình thức dự trữ tập trung bằng tiền do các tổ chức bảo hiểm đảm nhận các dịch vụ bảo hiểm. Nguồn hình thành quỹ do các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm đóng góp.

3. Căn cứ vào phương thức hoạt động:

- Bảo hiểm thương mại

- Bảo hiểm xã hội

Chỉnh sửa bài[sửa mã nguồn]

Đã chỉnh sửa xong bài Bảo hiểm.--Да или Нет (thảo luận) 04:05, ngày 28 tháng 7 năm 2010 (UTC)[trả lời]