Thảo luận Thể loại:Người tự sát

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tự sát và tự tử có giống nhau hay không? Cũng là làm cho mình chết cả nhưng từ sát là giết bằng đâm như giáo, dao, kiếm, sau này từ sát dùng như là giết chết bất kể hình thức gì nhưng uống thuốc độc tự tử nghe quen tai hơn uống thuốc độc tự sát, nhảy xuống sông tự vẫn, tự tử chứ ít ai nói nhảy xuống sông tự sát. Như vậy người tự sát là người tự tử nhưng người tự tử chưa chắc đã là người tự sát. Nbq 02:23, ngày 23 tháng 4 năm 2007 (UTC)[trả lời]

Những cấu trúc kết hợp có chung một thành tố như vậy trong tiếng Việt không phải là ít, rất nhiều nữa là khác (thí dụ: tổ hợp bắt đầu bằng ăn: ăn chia, ăn chơi, ăn học, ăn mặc, ăn nằm, ăn nói, ăn ở.... với những nét nghĩa khác nhau).

Các từ tự tử, tự vẫn, xử giảo, xử trảm vừa xuất hiện ở trên cũng là những kết hợp theo cấu trúc ghép nghĩa hai thành tố (đẳng lập cấu trúc và hoà kết ngữ nghĩa).

Tuy nhiên, khác với các nhóm từ như ăn mặc, cây cối, nhà cửa, bát đĩa, cơm nước... là các từ thuần Việt (mà từ đây chúng ta dễ có căn cứ từ nguyên đã tường minh để giải nghĩa mà không gặp trở ngại gì lớn), tiếng Việt còn có một số lượng từ Hán Việt không nhỏ (theo thống kê của nhà ngữ học người Pháp H. Maspéro là trên 60%).

Vì vậy, lượng từ ngữ này "chuyển di" vào vốn từ tiếng Việt trong tiến trình lịch sử đã làm cho việc sử dụng hoặc có sự chuyển đổi, hoặc nhiều khi thiếu chuẩn xác.

Trở lại với vấn đề một số bạn vừa đặt ra trong thắc mắc ở trên, ta thấy có một loạt từ liên quan tới "tự sát" cùng trường nghĩa: tự sát, tự tận, tự thiêu, tự tử, tự vẫn...

Cũng cần nói rằng, theo nghĩa gốc Hán, thành tố "tự" có tới 7 nghĩa (1. chính mình, 2. chữ viết, 3. giống như, 4. thờ, 5. nối dõi, 6. thuật lại, 7. khởi đầu) nhưng nghĩa 1 (chính mình, do mình) mới là nghĩa chính đem vào ghép trong tổ hợp này.

Tự sát có nghĩa là "tự giết mình một cách cố ý"; tự tận (tận: hết) cũng có nghĩa "tự tử"; tự vẫn (vẫn: cắt cổ) có nghĩa là "tự cắt cổ chết", tự thiêu là "tự đốt cháy để chết" và tự trầm là "trầm mình xuống nước để chết"...

Như vậy, cũng là hiện tượng "cố ý giết chết mình" nhưng có tới ba từ đồng nghĩa (tự sát, tự tử, tự tận), còn tự thiêu và tự vẫn lại dùng để nói về cách chọn hình thức tự sát: một cách chọn lửa, một cách chọn "vũ khí lạnh" như gươm, kiếm, dao...

Lịch sử thời xa xưa từng chứng kiến các vị anh hùng hảo hán tuẫn tiết vì nghĩa khí bằng cách rút gươm tự đâm cổ mình. Như vậy, việc báo chí đôi lần viết "Nghĩ ngợi thế nào, ông lẳng lặng vào buồng treo cổ tự vẫn" hay "Bị giặc đuổi, anh đã nhảy xuống sông Châu Giang tự vẫn" là không đúng nếu chiết tự thật chính xác.

Nó chỉ đúng trong trường hợp khi nói, chẳng hạn: "Không can được vua, vị quan nọ bèn rút gươm tự vẫn". Song, thực tế không thiếu những trường hợp khá nhiều người cố tìm đến cái chết mà vẫn không chết. Vậy nhiều khi người ta phải viết thêm chữ chết vào nữa (tự sát chết, tự vẫn chết). Nghe như có vẻ thừa, vì đã "sát" sao lại còn thêm "chết"? Nhưng, trong trường hợp này chúng ta phải chấp nhận một "độ dư cần thiết" nhằm khẳng định kết quả cuối cùng hành động tự giết mình là đã "hoàn tất".

Còn xử tử là từ dùng để chỉ hành động "thi hành án tử hình đối với kẻ phạm tội" (do vua chúa, tướng lĩnh hay người đứng đầu một tổ chức có quyền lực quyết định). Nhưng thi hành án tử này ngày xưa người ta có nhiều cách: cho voi giày, buộc chân ngựa phanh thây, bỏ vạc dầu, bắt uống thuốc độc, tùng xẻo (cắt từng miếng thịt theo nhịp trống), treo cổ, chém đầu...

Trong các từ vừa thống kê, thì xử giảo chính là hình phạt xử bằng cách treo cổ (giảo: treo cổ, giảo hình: hình phạt treo cổ) còn xử trảm là xử tội chết bằng cách chém đầu (trảm: chém, tiền trảm hậu tấu: chém trước báo cáo sau)...

Gần đây, báo chí hay nói, chẳng hạn: "Đội hành quyết đã thực thi xong án tử hình". Tôi không rõ là người viết có hiểu đúng từ hành quyết kia không mà viết thừa như vậy. Bởi "hành quyết (hành: làm, thi hành, quyết: phán xử) chính là "thi hành án tử hình" chứ còn gì nữa? Sao không nói là "đội thi hành án" cho đúng với chức năng và nội dung ngữ nghĩa?

Bây giờ người ta thường thực thi các án tử hình đa dạng, văn minh hơn, kết hợp cả truyền thống (ném đá, treo cổ) và hiện đại (máy chém, ngồi ghế điện, bắn (bằng súng), tiêm thuốc độc...). Thiết tưởng, đây là một vấn đề hệ trọng của cuộc sống, chúng ta rất cần phải tìm hiểu nghiêm túc để nói và viết cho đúng ngữ nghĩa.

bàn luận không ký tên vừa rồi là của 203.160.1.49 (thảo luận • đóng góp)