Phêrô Trần Lục

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Trần Lục)
Linh mục Phêrô Trần Lục (Cố Sáu)

Phêrô Trần Lục (1825-1899), còn được biết với biệt danh cụ Sáu, là một linh mục Công giáo người Việt.

Ông nổi tiếng là một giáo sĩ nhiệt thành, là người đã cho khởi công xây dựng Nhà thờ Phát Diệm.

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật Trần Văn Hữu, sinh năm 1825, quê ở làng Mỹ Quan, tổng Cao Vịnh, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Mỹ Quan, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), thuộc giáo xứ Kẻ Rừa, giáo hạt Ngọc Định, giáo phận Thanh Hóa. Ông là con thứ hai trong gia đình 7 người con (gồm 5 trai 2 gái). Cha ông là ông Trần Văn Nhu, người Nam Định, còn mẹ ông không rõ tên, là người gốc Ninh Bình.[1]

Khi rửa tội, ông được đặt tên thánh là Phêrô. Năm 1840, ông rời gia đình theo linh mục Trần Văn Tiếu làm phụ lễ tại giáo xứ Bạch Bát. Năm 1845, ông được nhận vào Tiểu chủng viện Vĩnh Trị, đổi tên thành Trần Văn Triêm để tránh trùng tên với một chủng sinh khác. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1850 và chịu chức Sáu (diacre) tại nhà thờ Tràng Vĩnh Trị, xứ Kẻ Vĩnh, Nam Định[2], ông được gửi đi thực tập truyền giáo trong một số giáo xứ cho đến năm 1855 thì được nhận vào Đại chủng viện Kẻ Non (Hà Nam), bấy giờ do Giám mục Charles Hubert Jeantet (tên Việt là Khiêm) cai quản, để tiếp tục học thêm về Triết lý và Thần học và thụ phong Phó tế.

Mục vụ thời cấm cách[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy nhiên, nhân việc chiến thuyền Pháp Catinat vào cửa Đà Nẵng, cho người đem thư lên trách triều đình Việt Nam về việc giết giáo sĩ đạo Thiên Chúa, tự tiện bắn phá các đồn lũy rồi bỏ đi năm 1856, vua Tự Đức càng ra sức cấm đạo quyết liệt. Trong năm 1857, liên tiếp 4 sắc chỉ cấm đạo được ban hành. Tiểu chủng viện Vĩnh Trị bị san thành bình địa[3]. Các cơ sở Công giáo khác cũng bị đốt phá và tiêu hủy[4]. Ngày 13 tháng 7 năm 1858, ông bị bắt và bị đày lên Lạng Sơn. Em trai của ông là Gioan Trần Văn Pháp (hay Truật), cũng bị đày và chết tại đây.[1]

Tuy nhiên, tháng 1 năm 1860, ông được Giám mục Jeantet Khiêm, bấy giờ là Đại diện Tông tòa Tây Đàng Ngoài, bí mật triệu hồi và phong chức linh mục ở Kẻ Trừ (nay là Giáo xứ Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Do nhiều năm chịu chức Sáu, được các giáo dân thường gọi là Cụ Sáu, ông lấy tên giả là Trần Lục để tránh lộ thân phận. Sau đó, ông trở về Lạng Sơn để cai quản giáo dân bị lưu đày tại đây mãi đến năm 1862, khi vua Tự Đức ban hành lệnh tha cấm đạo, ông mới được trả tự do.

Quản xứ Phát Diệm[sửa | sửa mã nguồn]

Tượng linh mục Phêrô Trần Lục trước Nhà truyền thống tại quần thể Nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Sau khi được trả tự do, ông được Giám mục Jeantet Khiêm phân về quản nhiệm ba xứ Mỹ Diệm, Kẻ Dừa, Tam Tổng. Bấy giờ, cả ba xứ chỉ có một nhà thờ nhỏ lợp tranh tại làng Trung Đồng (nay thuộc xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Sau khi ông về quản nhiệm, đã cho dời nhà thờ xứ về Phát Diệm.[5]

Năm 1865, ông được Giám mục Jeantet Khiêm bổ nhiệm làm Chánh xứ Phát Diệm. Năm 1871, ông đã huy động giáo dân xây dựng một nhà thờ nhỏ lợp ngói.

Năm 1873, Francis Garnier đánh Hà Nộichiếm Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, gây nên Biến cố Bắc Kỳ 1873. Vua Tự Đức phái Trần Đình Túc, Trương Gia Hội cùng hai giáo sĩ là Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier (tên Việt là Bình)[6] và linh mục Danzelger (tên Việt là Đăng) ra Hà Nội để điều đình với Garnier. Ông được cho là đã tháp tùng phái đoàn này. Việc điều đình chưa ngã ngũ thì Francis Garnier bị quân Cờ Đen phục kích giết chết tại Cầu Giấy. Vui mừng trước sự việc này, Tự Đức liền triệu hồi phái đoàn điều đình trở về. Riêng ông được vua thưởng cho 1 Kim khánh và 5 Kim tiền.

Với sự ưu ái của triều đình, ông bắt tay vào việc xây dựng một nhà thờ mới từ năm 1875. Mặc dù không phải là một kiến trúc sư, ông đã tiếp nhận và dung hòa rất nhiều trường phái mỹ thuật để xây dựng một nhà thờ đá rất đồ sộ và mỹ thuật, có một phong cách riêng đặc biệt cho đến tận ngày nay. Năm 1901, Nhà thờ Phát Diệm được chọn làm Tòa giám mục của Giáo phận Thanh, sau đổi thành Giáo phận Phát Diệm.

Qua đời[sửa | sửa mã nguồn]

Ông qua đời ngày 6 tháng 7 năm 1899. Trước khi qua đời, ông có trăn trối hãy táng xác ông giữa lối ra vào nhà thờ, "để người ta đi lại, xéo trên mồ"[2]. Tuy nhiên, giáo dân đã dịch qua khỏi lối đi và làm vòng rào bảo vệ.

Trong đám tang của ông, Bố chánh Thanh Hóa thay mặt triều đình Đại Nam và Công sứ Ninh Bình thay mặt chính phủ Bảo hộ Pháp đến dự và đọc điếu văn.

Trợ giúp Pháp và Khởi nghĩa Ba Đình[sửa | sửa mã nguồn]

Ông đã trợ giúp cho Thực dân Pháp trong thời kỳ đầu người Pháp đô hộ Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục chép về việc Trần Lục hỗ trợ quân Pháp như sau:[7]

Năm 1886, hưởng ứng chiếu cần vương của vua Hàm Nghi, tại Thanh Hóa nổ ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Phạm BànhĐinh Công Tráng lãnh đạo. Giữa tháng 12, quân Pháp gồm 500 lính, có đại bác 80 ly yểm hộ đã tổ chức tấn công căn cứ Ba Đình nhưng bị nghĩa quân đánh lui. Đầu tháng 1 năm 1887, khi quân Pháp tổ chức cuộc tấn công lần thứ hai, linh mục Trần Lục đã huy động 5.000 giáo dân Việt Nam tăng viện, góp phần giúp quân Pháp thành công tiêu diệt chiến khu này.[8]

Linh mục Trần Lục đã hướng dẫn và giúp cho chuẩn úy Hautefeuille chiếm thành Ninh Bình. Ngoài ra, ông còn tuyển mộ thêm được 150 lính để giúp Hautefeuille bảo vệ an ninh.[9]

Linh mục Trần Lục được chính quyền Pháp tặng hai Bắc Đẩu Bội Tinh để tưởng thưởng công lao.[cần dẫn nguồn][10]

Giai thoại[sửa | sửa mã nguồn]

Đối đáp với Tam nguyên Vị Xuyên[sửa | sửa mã nguồn]

Có một giai thoại về việc linh mục Trần Lục ra câu đối với Tuần phủ Trần Hi Tăng[11], một người có tiếng là đỗ đạt cao, văn hay chữ tốt trong triều đình nhà Nguyễn. Vế đối của Trần Lục viết bằng chữ Nôm, nội dung như sau:[12]

Vế đối này hiểm hóc ở chỗ chữ "cụ" có rất nhiều nghĩa, đó là "sợ", "đều", "đủ", những nghĩa ấy đều được đề cập trong vế đối cả. Trần Hi Tăng, vốn được người đời mệnh danh là Tam nguyên Vị Xuyên, đã nhanh chóng đáp trả:

Chữ "đạo" trong câu đáp trả cũng có nhiều nghĩa, đó là "đạo lý", "đường đi", "dẫn" và "ăn trộm". Ngoài ra, hai chữ "cụ" và "đạo" ghép lại với nhau thì thành ra "cụ đạo", tức là các linh mục Công giáo.[13]

Phan Đình Phùng đánh đòn[sửa | sửa mã nguồn]

Linh mục Trần Lục hay ỷ thế tôn giáo, hà hiếp lương dân nên đã bị Phan Đình Phùng, khi ấy làm tri phủ Yên Khánh, hỏi tội và cho đánh đòn công khai. Vì việc này mà Phan Đình Phùng đã bị triều đình trị tội năm Tự Đức thứ 31.[14]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, khi được mời đi diễn thuyết nhiều nơi ở châu Âu đã ca tụng linh mục Trần Lục như sau:[15]

Tác giả Đào Trinh Nhất, trong cuốn Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh có nhận xét về linh mục Trần Lục như sau:[16]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Msgr. Trần Ngọc Thụ, "Sự nghiệp của cha Trần Lục"
  2. ^ a b Linh mục John Trần Công Nghị, "Lịch sử Giáo phận Phát Diệm", 2004
  3. ^ Chỉ dụ ngày 1 tháng 12 năm 1857
  4. ^ Chỉ dụ ngày 8 tháng 12 năm 1857.
  5. ^ Theo như tài liệu "Dạo chơi Phát Diệm" có viết rằng: "Theo như người ta nói thì trước kia nhà xứ Phát Diệm ở xã Trung Đồng, huyện Yên Mô, nằm giáp đê Cự Lĩnh; năm 1862 cha Trần Lục về làm chính xứ đã di chuyển nhà xứ xuống giữa làng Phát Diệm". Dẫn theo Linh mục John Trần Công Nghị, "Lịch sử Giáo phận Phát Diệm".
  6. ^ Bấy giờ là Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong
  7. ^ Đại nam thực lục chính biên, (Đệ ngũ kỷ quyển 1) - Tập 36, Viện sử học (dịch), nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976, trang 43.
  8. ^ Dieu et César, trg. 41-42 (bản tiếng Việt: Thập Giá và Lưỡi Gươm), Linh Mục Trần Tam Tĩnh, Giáo sư đại học Laval, Québec, Canada
  9. ^ Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1945,Tập I: Đại Nam mất tự chủ, 1858-1884, trang 225.
  10. ^ “Huân chương Bắc đẩu bội tinh Hạng 5 tặng thưởng cho ông Trần Văn Lục, Chánh xứ Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình), ngày 28-12-1884, trung tâm lưu trữ quốc gia, bộ văn hóa Pháp”.
  11. ^ Nguyên tên là Trần Bích San, từng đỗ Tam nguyên, được vua Tự Đức ban tên là Hi Tăng.
  12. ^ Giai Thoại Văn Chương Việt Nam - Thái Bạch, Sài Gòn 1958, trang 123.
  13. ^ “NĂM VỊ TAM NGUYÊN TRONG LỊCH SỬ KHOA CỬ LỊCH TRIỀU VIỆT NAM”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2014.
  14. ^ Đào Trinh Nhất (ngày 31 tháng 01 năm 1957). “3 - Ra làm quan”. Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến 1886-1895 ở Nghệ Tĩnh. Nam phần Việt Nam: Tân Việt. tr. 19–20. Bởi vậy, khi làm Tri phủ Yên Khánh ở Ninh Bình, thấy một ông cố đạo bản xứ hay ỷ thế tôn giáo, hà hiếp lương dân, cụ Phan không kiêng nể ngần ngại gì, cứ việc hô lính đè cổ giáo sĩ đó xuống hỏi tội và đánh thẳng tay. Giáo sĩ bị trận đòn ấy là cụ Trần Lục, tục gọi là cụ Sáu, mấy năm sau nhờ thế lực Pháp mà được triều đình phong làm Tuyên phủ sứ có oai quyền lừng lẫy một lúc ở vùng Phát Diệm Ninh Bình, ai cũng phải sợ.
  15. ^ “Tọa đàm về cha Trần Lục -Bài 5: LM Phêrô Trần Lục - Danh Nhân Văn Hóa Dân Gian - VietCatholic News”. www.vietcatholic.net. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2021.
  16. ^ Đào Trinh Nhất (1950). Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh. Sài gòn: NXB Tân Việt. tr. 19.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]