Trận Nhai Đình

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Nhai Đình
Một phần của Bắc phạt lần 1
Liên nỏ
Thời gian228
Địa điểm
Nhai Đình (ngày nay là Quận Qin'an, Cam Túc, Trung Quốc)
Kết quả Quân Ngụy thắng lợi
Tham chiến
Tào Ngụy Thục Hán
Chỉ huy và lãnh đạo
Tư Mã Ý
Trương Hợp
Mã Tốc
Vương Bình
Lực lượng
50,000 quân hơn 25,000
Trận Nhai Đình
Phồn thể街亭之戰
Giản thể街亭之战

Trận Nhai Đình là một trận chiến giữa quân đội Tào Ngụy và quân đội Thục Hán diễn ra vào năm 228 trong Chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất của Gia Cát Lượng. Trận chiến này kết thúc bằng thắng lợi của quân Tào Ngụy dưới sự chỉ huy của Tư Mã Ý và là trận đánh then chốt dẫn đến sự phá sản của Chiến dịch Bắc phạt lần này của quân Thục. Trong trận này, việc mất Nhai Đình được quy kết là do sự chủ quan của Mã Tốc, người được cho là chỉ giỏi cầm quân trên bàn giấy.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy lần thứ nhất. Ngụy Minh Đế Tào Duệ sai Tư Mã ÝTrương Cáp mang quân ra địch lại. Biết việc hàng tướng Mạnh Đạt định quay về Thục nhưng còn chần chừ, Tư Mã Ý nhanh tay bắt giết ông ta. Rồi Tư Mã Ý tâu Ngụy Minh Đế Tào Duệ lập tức sai tướng Tào Chân đem quân chi viện cho My Thành, nhằm ngăn chặn Triệu Vân, ông ta sai Trương Hợp mang quân ra địch, Trương Hợp dẫn 50.000 kỵ binh và bộ binh tiến nhanh đến Nhai Đình, vòng đường sau đánh tập hậu vào quân Thục, hòng chiếm lại Hữu Lũng. Tào Duệ cũng tự mình đến Trường An để chỉ huy tác chiến.

Đối sách[sửa | sửa mã nguồn]

Theo ý kiến của Tư Mã Ý là tập kích vào Nhai Đình, chẹn con đường huyết mạch của quân Thục. Khi quân Thục tiến đánh Trung Nguyên, vấn đề lương thảo có ý nghĩa then chốt, hầu hết lương thực được vận chuyển từ Tây Xuyên qua Hán Trung để vào Trung Nguyên. Một trong những trọng điểm trên con đường huyết mạch này là Nhai Đình. Nhai Đình nằm ở khoảng giữa sông Vị và núi Mạch Tích Nay là đông bắc huyện Thiên Thủy, Cam Túc, đó là con đường huyết mạch để đi từ Thiểm Tây và Lũng Hữu. Đây là vùng trọng yếu chiến lược.

Lúc này Gia Cát Lượng có ý đánh chiếm hai quận Quảng Ngụy và Lũng Tây nhằm chiếm trọng cả vùng Lũng Hữu, bỗng nghe tin đại quân của Trương Hợp đang đánh vòng từ hướng Tây. Nhằm bảo đảm an toàn hai bên sườn, để phát triển cuộc tấn công, Gia Cát Lượng lập tức hạ lệnh cho tiên phong Mã Tốc đem tiền quân đánh gấp lấy Nhai Đình. Trước đó Để đối địch với danh tướng Trương Hợp, mọi người đều cho rằng nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ban đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng Gia Cát Lượng lại chọn Mã Tốc làm tiên phong. Mã Tốc được lệnh cùng Vương Bình cầm quân khẩn cấp ra trấn thủ Nhai Đình.[1]

Trước khi đi, Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt dặn dò Mã Tốc phải đóng quân giữa đường và giữ lấy nguồn nước như thế mới cố thủ được. Tuy vậy Mã Tốc là con người chỉ biết bày binh bố trận trên sa bàn, Lưu Bị khi còn sống cũng lưu ý đến chuyện này nhưng Gia Cát lại không lưu tâm, nhất là khi Mã Tốc đưa ra kiến nghị đúng đắn trong cuộc Nam tiến vì vậy Gia Cát Lượng lại tin tưởng Mã Tốc hơn. Vì vậy trong cuộc chinh phạt lần này, Gia Cát Lượng giao trọng trách tướng tiên phong cho Mã Tốc. Không ngờ Mã Tốc tự cho mình là thông minh, vi phạm phướng án bố trí của Gia Cát Lượng. Đến Nhai Đình, Mã Tắc làm ngược lại với phương án chỉ huy của Gia Cát Lượng. Mã Tắc không đóng quân ở nơi đường cài, gần sông là chỗ có nước cho quân dùng, mang 2 vạn quân trấn giữ trên núi với phương án "Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre". Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tắc không nghe.[2]

Diễn biến[sửa | sửa mã nguồn]

Mã Tốc người làm mất Nhai Đình dẫn đến thất bại toàn cục cho quân Thục

Mã Tốc và Vương Bình tiến đến Nhai Đình đúng lúc tướng Ngụy là Trương Cáp dẫn quân tới. Mã Tốc bỏ đường sông, trấn giữ trên núi. Vương Bình cuối cùng khuyên can không được, ông đành xin Mã Tốc cho 1000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi. Trương Cáp theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tốc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tốc. Cánh quân Mã Tốc bỏ chạy tán loạn, chỉ còn 1000 người ngựa của Vương Bình vẫn giữ vững được doanh trại.[3] Thấy Mã Tốc đại bại, Vương Bình đốc quân dồn sức chiến đấu, cố thủ không rút. Trương Cáp nghi quân Thục có phục binh nên không dám tiến. Vương Bình nhân có thời gian bèn chỉnh đốn đội ngũ, thu thập những quân sĩ của Mã Tốc bỏ chạy, rồi bình tĩnh rút lui về nước.

Nhai Đình thất thủ. Đại quân Thục không thể tiến nữa, buộc phải lui về Hán Trung.[4] Vì thất thủ Nhai Đình, Gia Cát Lượng phải triệt thoái toàn quân về Thục. Mã Tốc cùng Trương Hưu, Lý Thịnh bị tội chết, Hoàng Tập bị thu binh quyền. Riêng Vương Bình được ban thưởng, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đây là sự thăng tiến đặc biệt vượt cấp đương thời, mọi người đều cho là xứng đáng.[3]

Kết cục[sửa | sửa mã nguồn]

Thất bại ở Nhai Đình khiến cho quân Thục mất quyền chủ động và Gia Cát Lượng buộc phải lui binh, rút quân về Thục. Cụ thể là khi Nhai Đình bị thất thủ, làm cho Gia Cát Lượng bị mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu. Còn ở Kỳ Cốc, do phòng bị sơ hở, quân Thục đã bị quân Tào đánh lui may nhờ tình hình Triệu Vân ngăn chặn phía sau nên tổn thất không lớn. Xét tình hình thực tế, Gia Cát Lượng cho rằng quân Thục không thể tiếp tục giao chiến được nữa, ông quyết định thu quân trở về Hán Trung. Chẳng bao lâu ba quận Thiên Thủy, Nam An, An Định lại trở về tay nước Ngụy.[5]

Về nguyên nhân thất bại, có người trong triều nhà Thục an ủi cho rằng nguyên do xuất quân lần này gặp bất lợi là do binh lực quá ít. Gia Cát Lượng đã nghiêm túc trả lời rằng: Không đúng như vậy vì trong hai trận đánh ở Kỳ Sơn và Tà Cốc, quân Thục nhiều hơn quân Ngụy, nguyên nhân thất bại chính là do bản thân ông không biết dùng người và từ sau này sẽ thưởng phạt nghiêm minh, khắc phục thiếu sót. Bất kỳ ai trung thành với đất nước đều có quyền vạch khuyết điểm của ông ta có như vậy mới tiêu diệt được kẻ thù thống nhất được thiên hạ.[3]

Chém Mã Tốc[sửa | sửa mã nguồn]

Cảnh Khổng Minh xử chém Mã Tốc

Sau đó Gia Cát Lượng đã ra lệnh chém Mã Tốc và tâu với hậu chủ tự mình xin giáng chức. Tuy trong Bắc phạt để mất Nhai Đình, người bị tội là Mã Tốc, nhưng Gia Cát Lượng lại chủ động nhận trách nhiệm về mình rồi xin giáng ba cấp từ Thừa tướng xuống làm Hữu tướng quân.[6] Sử sách chép rằng, sau khi về đến Hán Trung, khi Gia Cát Lượng hạ lệnh chém Mã Tốc, người đã cả gan làm trái quân lệnh. Tưởng Uyển can rằng: Thiên hạ chưa được bình định, mà giết mất tướng tài, nhẽ nào lại không đáng tiếc lắm sao".

Gia Cát Lượng trả lời rằng: "Sở dĩ Tôn Vũ làm chủ được thiên hạ chính là nhờ ông ta biết giữ gìn quân pháp rất nghiêm minh, nay nghiệp lớn thống nhất chưa thành, mới giao tranh với kẻ địch lần lầu mà đã có người phá vỡ quân pháp, như vậy làm sao có thể chiến thắng kẻ địch được?" và để giữ nghiêm quân luật, Gia Cát Lượng gạt nước mắt chém Mã Tốc đồng thời viết tờ tấu lên Lưu Thiện xin hạ tước vị của mình xuống ba bậc đồng thời công bố sai lầm của mình cho cả nước được biết, làm gương cho mọi người tự vạch khuyết điểm của mình.[7]

Để làm nghiêm quân pháp, Gia Cát Lượng hạ lệnh giam Mã Tốc vào ngục đợi ngày xử tử hình. Trước khi bị chém, Mã Tốc viết thư cho Gia Cát Lượng, xin hãy nâng đỡ cho con mình. Tướng sĩ nước Thục đều thương xót ông. Khi bị chém, Mã Tốc mới 39 tuổi. Sau này Gia Cát Lượng vẫn luôn để ý an ủi, trợ cấp cho gia đình Mã Tốc như lúc ông còn sống. Tưởng Uyển từng thắc mắc Gia Cát Lượng, lẽ ra nên để Mã Tốc sống để có ngày lập công chuộc tội. Gia Cát Lượng nói rằng bản thân mình cũng rất thương xót ông nhưng vì giữ nghiêm mệnh lệnh nên phải thực thi.[3]

Về việc Mã Tốc bị xử tử, sử gia Tập Tạc Xỉ không đồng tình với Gia Cát Lượng. Ông dẫn trường hợp vua nước Tấn không giết tướng Tuân Lâm Phủ bại trận nên sau này có ích cho nước, còn Sở Thành vương không biết tài năng của Thành Đắc Thần cũng xử tử vì một trận thua nên sau này thất bại. Sau đó Tập Tạc Xỉ phân tích thêm:[3]

Nước Thục hẻo lánh một phương, nhân tài vốn ít hơn nước khác mà lại giết kẻ tuấn kiệt, coi minh pháp quan trọng hơn nhân tài... muốn thành đại nghiệp há chẳng phải rất khó sao? Huống hồ Lưu Bị vốn đã nói rằng Mã Tốc không nên trọng dụng, Gia Cát Lượng sau đó vẫn dùng ông, bản thân điều này đã cho thấy Mã Tốc là nhân tài không thể xếp xó, không thể khinh sát.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Mưu sự tại nhân, Tạ Ngọc Ái, nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, năm 2010
  • Thuật mưu quyền, Quang Thiệu, Quang Ninh, Nhà xuất bản Lao động và Xã hội, Hà Nội, năm 2006
  • Những nhân vật quân sự nổi tiếng thế giới, Kha Xuân Kiều, Hà Nhân Học, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, năm 2003. (Tài liệu này được dịch từ cuốn sách cùng tên do Nhà xuất bản Thiên Thanh – Bắc Kinh xuất bản năm 2000)
  • 8 tố chất trí tuệ quyết định cuộc đời người đàn ông, Phan Quốc Bảo, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội năm 2011 (Dựa theo cuốn Tám tố chất trí tuệ quyết định cuộc đời người đàn ông của Mã Ngân Văn - Nhà xuất bản Vật Tư Trung Quốc xuất bản năm 2005).
  • Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2006.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nay là đông bắc huyện Thiên Thủy, Cam Túc
  2. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 670
  3. ^ a b c d e Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 671 Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “ReferenceA” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  4. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 642
  5. ^ Kha Xuân Kiều, Hà Nhân Học, Sđd, trang 104-105
  6. ^ Thuật mưu quyền, Quang Thiệu, Quang Ninh, Nhà xuất bản Lao động và Xã hội, Hà Nội, năm 2006, trang 376
  7. ^ Kha Xuân Khiều, Hà Nhân Học, Sđd, trang 105