Viễn Châu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ Nhân dân
Viễn Châu
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Huỳnh Trí Bá
Ngày sinh
21 tháng 10, 1924
Nơi sinh
Trà Cú, Trà Vinh, Đông Dương thuộc Pháp
Mất
Ngày mất
1 tháng 2, 2016(2016-02-01) (91 tuổi)
Nơi mất
Thành phố Hồ Chí Minh
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
  • Nghệ sĩ đàn tranh
  • Soạn giả
Lĩnh vựcCải lương
Khen thưởngHuân chương Lao động Huân chương Lao động hạng Ba
Danh hiệuNghệ sĩ Ưu tú (1988)
Nghệ sĩ Nhân dân (2011)
Sự nghiệp âm nhạc
Nghệ danh
  • Bảy Bá
  • Trương Văn Bảy
  • Viễn Châu
Giai đoạn sáng tác1950 – 2016
Dòng nhạc
Tác phẩmTình anh bán chiếu
Lan và Điệp

Viễn Châu (tên thật Huỳnh Trí Bá, 21 tháng 10 năm 19241 tháng 2 năm 2016) là danh cầm đàn tranh và soạn giả cải lương người Việt Nam. Ông được cho là người đã khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên và đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời. Ông được Nhà nước Việt Nam trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Thân thế và khởi nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh năm 1924, tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ 6 trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ Nam Bộ.

Thuở nhỏ, ông học quốc văn ở trường làng và học Hán văn với những bậc túc nho ở tại nhà. Ngoài ra, khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Ông mày mò những ngón đờn học lỏm qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đờn ca tài tử ở làng quê[1]. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, vĩ cầm, guitar và được nhiều người khen ngợi.

Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Đài phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Tuy nhiên, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của ông là truyện ngắn đầu tay "Chàng trẻ tuổi" được đăng trên báo Dân Mới và bài thơ "Thời mộng" được đăng trên báo Tổng xã mới trong năm đó.

Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. 2 tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Trên bước đường nghệ thuật của mình, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân,... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác.

Tuy nhiên, "chuyến lưu diễn" của ông nhanh chóng kết thúc khi đoàn vừa về tới Sài Gòn thì người anh kế của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa.

Bước gian truân của người nghệ sĩ[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối năm 1945, Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương. Bấy giờ, ông đã viết vở cải lương đầu tay "Hồn chiến sĩ", với nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Vở tuồng đã được Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Trà Cú (lúc bấy giờ là quận Trần Chí Nam) tổ chức biểu diễn bán vé để góp quỹ kháng chiến.

Năm 1946, quân Pháp kiểm soát phần lớn vùng Trà Vinh. Người anh Huỳnh Thanh Tòng của ông bị quân Pháp bắt và bị bức tử ở đồn Long Toàn (Trà Vinh). Để tránh bắt bớ do từng cầm súng chống Pháp, ông bỏ xứ Đôn Châu lên Vĩnh Long tá túc trong nhà một người bạn rồi sau đó phiêu bạt lên Sài Gòn, tìm đến đoàn Năm Châu (lúc này đổi tên là đoàn Con Tằm) để nương nhờ và theo nghiệp nghệ thuật cải lương từ đó.

Tại Sài Gòn, ông bí mật hoạt động cho Ban công tác thành ở Sài Gòn. Không lâu sau, ông bị người Pháp bắt giữ cùng với 4 người khác để khai thác. Mặc dù không đủ bằng chứng kết tội, ông vẫn bị giam giữ mà không xét xử, sau đó bị đày đi an trí ở Cẩm Giang (Tây Ninh).

Mãi đến cuối năm 1949, ông mới được trả tự do. Ông mới trốn thoát và trở lại Sài Gòn, lại tìm đến đoàn Con Tằm với cái tên mới Trương Văn Bảy. Năm 1950, ông viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với bút danh Viễn Châu[2], phóng tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu đại ban tại Sài Gòn cũng trong năm 1950, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.[3]

Từ đó, tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Các tác phẩm biểu diễn đàn tranh của ông được nhiều hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Đương thời, ngón đờn tranh Bảy Bá được xem là một trong 3 ngón đờn cổ nhạc đã được giới mộ điệu đánh giá cao và coi như bậc thầy là Năm Cơ (đàn kìm, sến) – Bảy Bá (đàn tranh) – Văn Vỹ (guitar phím lõm).[4] Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn hát: Kim Thanh Út Trà Ôn (1955), Thanh Tao (1958), Thanh Nga (1962), Dạ Lý Hương (1969), Tân Hoa Lan (1969). Đồng thời, ông còn cộng tác với các hãng đĩa Việt Nam (1950), Kim Long (1951), Việt Hải (1953), Thăng Long (1954), Sống Mới (1968), Nhạc ngày xanh (1969), Hồn nước (1973, của Ngọc Chánh sản xuất băng từ),…

Sau năm 1975, ông cộng tác với Đoàn Văn công (1975), hãng băng Sài Gòn Audio (1978) và nhiều đoàn hát ở các tỉnh. Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý.

Cả cuộc đời ông từ năm 1950 trở đi toàn tâm ý dồn hết cho nghệ thuật cải lương. Mặc dù tuổi cao và bệnh trọng, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Ông đang hoàn tất quyển hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của mình. Theo một học trò của ông là nghệ sĩ Phương Quang, ông từng dặn con trai mình là nhạc sĩ Trương Minh Châu[5]: "Ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy, bút để xuống đó ba viết bài vọng cổ".[6]

Ông mất ngày 1 tháng 2 năm 2016 tại nhà riêng, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh[7]. Mộ phần và nhà tưởng niệm của ông đặt tại Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương, xã Chánh Phú Hoà, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Ông được mệnh danh là "vua của các vị vua cải lương", "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài Hòn vọng phu, Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu,... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...

Một sáng tạo của Viễn Châu có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật là việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ mà ông gọi là Tân cổ giao duyên. Bản tân cổ giao duyên đầu tiên của ông có tựa Chàng là ai (Tân nhạc: Nguyễn Hữu Thiết), sáng tác từ năm 1958, do Lệ Thủy ca năm 1964[1]. Dù thể loại mới này đã gây ra nhiều tranh cãi trên báo chí thời bấy giờ, nhưng sức tồn tại của nó cũng như sự hâm mộ của công chúng là bằng chứng cụ thể nhất đối với tân cổ giao duyên.

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1988, Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Năm 2012, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của và cũng là nghệ sĩ lớn tuổi nhất còn sống được phong ở đợt này.

Năm 2014, ông được Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.[10]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và hơn 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền.[11] Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu:

Tuồng cải lương[sửa | sửa mã nguồn]

  • Ai điên ai tỉnh
  • Bông ô môi
  • Chuyện tình Hàn Mặc Tử
  • Chuyện tình Lan và Điệp
  • Cô gái bán sầu riêng
  • Con gái Hoa Mộc Lan
  • Chiêu quân cống hồ (Thể Hà Vân - Viễn Châu)
  • Đức Phật thích ca
  • Đời cô Nga
  • Đồ Lư công chúa (Thể Hà Vân - Viễn Châu)
  • Giọt máu chung tình (Thể Hà Vân - Viễn Châu)
  • Hai nụ cười xuân
  • Hoa Mộc Lan
  • Lá trầu xanh
  • Nát cánh hoa rừng
  • Người đẹp Trữ La Thôn (Thể Hà Vân - Viễn Châu)
  • Nợ tình
  • Qua cơn ác mộng
  • Quân vương và thiếp
  • Sau bức màn nhung
  • Sương khuya lạnh lùng (Hà Triều - Viễn Châu)
  • Tình mẫu tử
  • Tố Hoa Nương
  • Phụng Kiều Lý Đáng

Bản vọng cổ và bài tân cổ[sửa | sửa mã nguồn]

  • Anh đi xa cách quê nghèo
  • Ai ra xứ Huế
  • Áo mới Cà Mau (Thanh Sơn)
  • Áo người trinh nữ (Thu Hồ)
  • Bạch Thu Hà
  • Bông ô môi
  • Bên cầu trường hận
  • Chàng là ai? (Nguyễn Hữu Thiết)
  • Chuyến xe cuối tuần
  • Chiếc nón bài thơ
  • Chuyện ngày xưa (Trúc Phương)
  • Cô gái bán sầu riêng
  • Dương Quý Phi
  • Đà Lạt trăng mờ
  • Đêm khuya trông chồng
  • Đêm lạnh trong tù
  • Đêm tàn bến Ngự
  • Đời
  • Đời vũ nữ
  • Đoạn kết một chuyện lòng (Hoài Linh)
  • Gánh nước đêm trăng
  • Giấc mộng lá sầu riêng
  • Hán Đế biệt Chiêu Quân
  • Hận Kinh Kha
  • Hoa Hồ Điệp
  • Hoa trôi dòng nước bạc
  • Hòn vọng phu (Lê Thương)
  • Kiếp cầm ca
  • Khóc cười
  • Lá trầu xanh
  • Lan và Điệp
  • Lòng dạ đàn bà
  • Mưa lạnh thảo cầm viên
  • Mẹ dạy con
  • Men rượu Sake
  • Mồ em Phượng
  • Nhớ mẹ
  • Ni cô và kiếm sĩ
  • Nỗi buồn mẹ tôi (Minh Vy)
  • Người quên kẻ nhớ (Đài Phương Trang)
  • Người em xứ Thượng
  • Phạm Lãi biệt Tây Thi
  • Phàn Lê Huê
  • Quả tim bất diệt
  • Sầu vương ý nhạc
  • Sương khói rừng khuya
  • Tấm gương lịch sử
  • Tâm sự Mai Đình
  • Tâm sự Mộng Cầm
  • Tần Quỳnh khóc bạn
  • Thương về miền Trung (Duy Khánh)
  • Trường hận
  • Tình anh bán chiếu (1951)
  • Tình nghèo có nhau (Đài Phương Trang)
  • Trống trường thành
  • Tự Đức khóc Bằng Phi
  • Tu là cội phúc
  • Võ Đông Sơ
  • Vợ tôi đẹp ác
  • Vợ tôi tôi sợ
  • Xuân đất khách
  • ...

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Soạn giả Viễn Châu và 50 năm bài tân cổ giao duyên
  2. ^ Nghệ danh Viễn Châu hàm ý chữ đầu của Viễn xứ, cộng với chữ chót trong tên xã Đôn Châu, thành ra Viễn Châu để mãi mãi nhớ về quê hương nguồn cội của ông.
  3. ^ Chân dung của soạn giả Viễn Châu (hay nhạc sĩ đàn tranh Bảy Bá)
  4. ^ Soạn giả Viễn Châu - Hơn nữa thế kỷ tay đờn - tay viết
  5. ^ Ông có bốn người con trai, nhưng đều đi theo con đường tân nhạc.
  6. ^ Chuyện cảm động về soạn giả Viễn Châu
  7. ^ 'Ông vua vọng cổ' Viễn Châu qua đời - VnExpress Giải Trí”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 1 tháng 2 năm 2016.
  8. ^ Chương trình tôn vinh "Soạn giả Viễn Châu - ông vua vọng cổ"
  9. ^ Đến thăm soạn giả Viễn Châu
  10. ^ "Vua vọng cổ" Viễn Châu, tác giả Tình anh bán chiếu, qua đời”.
  11. ^ Nghệ sĩ ưu tú Viễn Châu và những nỗi nhớ

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]