Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/10

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 10 năm 2007
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Hải quân Đế quốc Nhật Bản

Cờ hiệu Hải quân Đế quốc Nhật Bản
Cờ hiệu Hải quân Đế quốc Nhật Bản

Hải quân Đế quốc Nhật Bản, tên chính thức Hải quân Đại Đế quốc Nhật Bản, là lực lượng hải quân của Đế quốc Nhật Bản từ năm 1869 khi thành lập cho đến năm 1947 khi nó bị giải tán theo điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản từ bỏ việc sử dụng vũ lực như là phương cách để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đây là lực lượng hải quân lớn thứ ba trên thế giới vào năm 1920 sau Hải quân Hoa KỳHải quân Hoàng gia Anh, và có lẽ là lực lượng hải quân hiện đại nhất thời điểm cận kề Chiến tranh Thế giới II. Những chiến hạm trong lực lượng này còn được hỗ trợ bằng máy bay và hoạt động không kích từ Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản có nguồn gốc từ những xung đột ban đầu với các quốc gia trên lục địa châu Á, khởi đầu từ đầu thời kỳ trung cổ và đạt đến đỉnh cao trong các hoạt động vào thế kỷ thứ 16 và 17, lúc diễn ra sự trao đổi văn hóa với các cường quốc Châu Âu trong Kỷ nguyên Khám Phá. Sau hai thế kỷ trì trệ do chính sách bế quan tỏa cảng do các tướng quân (shogun) chủ trương trong thời kỳ Edo, Hải quân Nhật Bản đã bị tụt hậu nhiều mặt cho đến khi đất nước bị buộc phải mở cửa trao đổi thương mại do sự can thiệp của Mỹ vào năm 1854. Điều này dẫn đến công cuộc cải cách Minh Trị khởi điểm năm 1868. Từ sự hồi phục quyền lực về tay Nhật hoàng Meiji là giai đoạn hiện đại hóacông nghiệp hóa rầm rộ. Lịch sử một chuỗi các chiến thắng của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, có lúc chiến đấu với những thế lực mạnh hơn hẳn, như trong Chiến tranh Thanh-Nhật năm 1895 và Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, đã kết thúc và gần như bị tiêu diệt hoàn toàn trong những ngày cuối cùng của Thế Chiến II. Hải quân Đế quốc Nhật Bản chính thức giải tán vào năm 1945.

Chiến tranh Triều Tiên

Lãnh thổ đổi chủ trong chiến tranh
Lãnh thổ đổi chủ trong chiến tranh

Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vì sự chiếm đóng tạm thời của Liên XôHoa Kỳ. Chiến tranh bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) tấn công Đại Hàn Dân quốc (Nam Hàn). Cuộc chiến được mở rộng với qui mô lớn khi lực lượng của Liên Hiệp Quốc được Hoa Kỳ lãnh đạo, và sau đó là quân Chí nguyện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhảy vào cuộc chiến. Cuộc xung đột kết thúc khi một thỏa hiệp ngừng bắn đạt được vào ngày 27 tháng 7 năm 1953.

Lực lượng hỗ trợ chính cho Bắc Hàn là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với sự tiếp ứng hạn chế của Liên Xô trong hình thức các cố vấn quân sự, các phi công quân sự, và vũ khí. Nam Hàn được lực lượng Liên hiệp quốc hỗ trợ, chủ yếu là lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Trước cuộc xung đột, Nam và Bắc Hàn tồn tại như hai chính phủ lâm thời đang tranh giành ảnh hưởng kiểm soát toàn bộ Bán đảo Triều Tiên sau khi Triều Tiên bị Hoa Kỳ và Liên Xô chia cắt.

Phan Bội Châu

Phan Bội Châu
Phan Bội Châu

Phan Bội Châu (26 tháng 12, 1867 – 29 tháng 10, 1940) là một nhà cách mạng Việt Nam trong phong trào chống Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân Hội và khởi xướng phong trào Đông Du.

Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, tự là Hài Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Kinh Tử, Việt Điểu, Hàn Mãn Tử, v.v.… Theo gia phả họ Phan, ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cha là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi ông viết bài Hịch Bình Tây Thu Bắc đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885) ông cùng bạn Trần Văn Lương lập đội nghĩa quân Cần Vương chống Pháp nhưng việc không thành.

Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi, nhưng thi suốt 10 năm không đỗ, lại can tội “hoài hiệp văn tự” (mang văn tự trong áo) án ghi “chung thân bất đắc ứng thí” (suối đời không được dự thi). Năm 1896, ông vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan xin vua Thành Thái xóa án “chung thân bất đắc ứng thí”. Khi được xóa án, ông dự khoa thi hương năm Canh Tý (1900) ở trường Nghệ và đậu Giải nguyên. Có tài liệu cho rằng bài làm của ông quá xuất sắc đến nỗi khi yết bảng, trường thi đã làm 2 bảng, 1 bảng ghi 5 chữ to “Giải nguyên Phan Bội Châu”, bảng kia ghi tên những người thi đỗ còn lại. Câu Bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn từ đó mà ra.

Thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên
Thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được phát hiện từ năm 1985, nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm hecta và trải trên chiều dài khoảng 15 km dọc theo hệ thống sông Đạ Đường–Đồng Nai, bao gồm rất nhiều gò đồi và bãi bồi ven sông được bao bọc bởi dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Toàn bộ khu di tích này thuộc địa phận kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó mật độ di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở khu vực xã Quảng Ngãi thuộc huyện vùng sâu vùng xa Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng, khu vực nam Tây Nguyên.

Các khoa học gia đoán định thánh địa này xuất hiện khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 8, thuộc về nền văn hóa của một vương quốc mà ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong nỗ lực tìm kiếm chủ nhân đích thực của thánh địa, vẫn chưa đạt sự đồng thuận. Các hiện vật, lăng mộ và tháp tại Thánh địa Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào, thuộc phong cách nghệ thuật nào, chủ nhân là ai, nằm trong bối cảnh nào trong tiến trình lịch sử phương Nam, có vai trò gì trong quá trình hình thành quốc gia cổ đại, mối quan hệ của thánh địa với cộng đồng dân cư bản địa đã sinh sống nơi đây từ những thế kỷ trước công nguyên thuộc di chỉ tiền sử Phù Mỹ ra sao, là những câu hỏi gây tranh luận sôi nổi trong giới khảo cổ học, văn hóa học, sử học qua nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, và những thông tin tiếp tục hé lộ từ Cát Tiên vẫn luôn làm sửng sốt dư luận cũng như giới học giả trong và ngoài nước.