Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2010/Tuần 18

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài viết chọn lọc năm 2010
Tuần 17 Tuần 19

Cận Tinh là một sao lùn đỏ nằm cách Hệ Mặt Trời xấp xỉ 4,2 năm ánh sáng trong chòm sao Bán Nhân Mã. Nó được Robert Innes, giám đốc đài quan sát Union ở Nam Phi, khám phá vào năm 1915. Ngôi sao này là ngôi sao gần nhất với Mặt Trời. Khoảng cách từ nó đến các ngôi sao gần nhất thứ hai và thứ ba so với Mặt Trời, tạo nên hệ sao đôi Alpha Centauri là 0,21 năm ánh sáng.

Do là ngôi sao gần nhất, đường kính góc của nó có thể đo được trực tiếp, với đường kính góc bằng 1/7 của Mặt Trời. Khối lượng của Cận Tinh bằng khoảng 1/8 khối lượng Mặt Trời, và mật độ trung bình bằng 40 lần của Mặt Trời. Mặc dù nó có độ sáng trung bình rất thấp, Cận Tinh là một sao lóe sáng thỉnh thoảng bừng sáng lên do hoạt động từ trường. Từ trường của ngôi sao được tạo ra do sự đối lưu trong ngôi sao, và kết quả là hoạt động lóe sáng tạo ra tổng lượng bức xạ tia X bằng với bức xạ do Mặt Trời tạo ra. Hỗn hợp nhiên liệu tại nhân của Cận Tinh tham gia vào chuyển động đối lưu và tốc độ sản sinh năng lượng thấp có nghĩa là ngôi sao sẽ nằm trong dải chính trong khoảng bốn nghìn tỉ năm, hay bằng 300 lần tuổi của vũ trụ hiện nay.

Việc tìm kiếm các vật thể quay quanh Cận Tinh vẫn chưa thành công, với sự tập trung vào các hành tinh lùn và hành tinh khí khổng lồ. Các phép đo chính xác về vận tốc xuyên tâm cũng giới hạn sự có mặt các hành tinh siêu Trái Đất trong vùng sống được của ngôi sao. Việc xác định các vật thể nhỏ hơn sẽ đòi hỏi những thiết bị mới, như nhiệm vụ giao thoa kế không gian. Do Cận Tinh là một ngôi sao lùn đỏ và lóe sáng, liệu có hành tinh quay quanh nó có thể có sự sống hay không vẫn là câu hỏi đang được tranh luận. Cũng là ngôi sao gần nhất, đã có những đề xuất nó là một trong những đích đến của các chuyến du hành giữa các ngôi sao. [ Đọc tiếp ]