Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2012/11

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 11 năm 2012
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

SMS Moltke

Tàu chiến–tuần dương SMS Moltke viếng thăm Hampton Roads, Virginia vào năm 1912

SMS Moltke là chiếc dẫn đầu trong lớp tàu chiến–tuần dương Moltke của Hải quân Đế quốc Đức, tên được đặt theo Thống chế Helmuth von Moltke, Tổng tham mưu trưởng quân đội Phổ vào giai đoạn giữa thế kỷ 19. Được đưa ra hoạt động vào ngày 30 tháng 9 năm 1911, nó là chiếc tàu chiến–tuần dương thứ hai được đưa vào hoạt động của Hải quân Đế quốc Đức. Cùng với con tàu chị em Goeben, Moltke là một phiên bản mở rộng tương tự như thiết kế của chiếc tàu chiến–tuần dương Đức Von der Tann trước đó, nhưng có vỏ giáp được tăng cường và được bổ sung thêm một tháp pháo. So với đối thủ Anh đương thời, lớp tàu chiến–tuần dương Indefatigable, Moltke cùng với con tàu chị em Goeben lớn hơn đáng kể và có vỏ giáp tốt hơn. Con tàu đã tham gia hầu hết các hoạt động hạm đội chính được Hải quân Đức tiến hành trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bao gồm các trận Dogger Bank và trận Jutland tại Bắc Hải cùng trận Riga và Chiến dịch Albion tại biển Baltic. Moltke bị hư hại nhiều lần trong chiến tranh, bị đạn pháo hạng nặng bắn trúng tại Jutland và hai lần trúng ngư lôi của tàu ngầm Anh. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1918, Moltke cùng với phần lớn tàu chiến của Hạm đội Biển khơi bị lưu giữ tại Scapa Flow trong khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra nhằm quyết định số phận của chúng. Moltke đã bị đánh đắm cùng với hầu hết hạm đội vào ngày 21 tháng 6 năm 1919 nhằm ngăn chúng không bị rơi vào tay người Anh. Xác tàu đắm của nó được cho nổi trở lại vào năm 1927 và được tháo dỡ tại Rosyth từ năm 1927 đến năm 1929. [ Đọc tiếp ]

Help!

Ảnh chụp trailer tại Mỹ của phim Help!

Help! là album phòng thu thứ 5 của ban nhạc huyền thoại The Beatles, được thu âm và sản xuất bởi George Martin. Album được phát hành ngày 5 tháng 8 năm 1965 tại Anh, và 1 tuần sau tại Mỹ. Album là đĩa nhạc từ bộ phim cùng tên năm 1965. Ban nhạc đã tiến hành thu âm trong khoảng thời gian xen kẽ giữa các buổi diễn của mình. Với Help!, The Beatles đã quan tâm nhiều hơn tới phòng thu, nhất là kỹ thuật ghi đè. Họ phát hiện ra nhiều nhạc cụ và hiệu ứng âm thanh mới, thứ mà họ sử dụng sau này trong album bước ngoặt của họ, Rubber Soul. Với Help!, The Beatles đã đi sâu vào các khía cạnh của văn hóa nhạc pop. Phần mặt A là bản soundtrack của bộ phim, trong đó có một số ca khúc nổi tiếng như “You’re Going to Lose That Girl”, nhất là “Help!” và “Ticket to Ride” đều đã được phát hành dưới dạng đĩa đơn. Phần mặt A này cũng là phần đĩa kim của album. Phần mặt B bao gồm 7 bài hát thu âm thêm xung quanh quá trình làm phim và ghi âm album, trong đó có một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất lịch sử, “Yesterday”, thu âm bởi Paul McCartney với guitar cùng dàn tứ tấu dây. Help! nhận được rất nhiều đánh giá tích cực. Ngay ở tuần đầu tiên phát hành, album vuơn lên đứng đầu tại UK Albums Chart và còn xuất hiện tại bảng xếp hạng suốt 41 tuần. Ở Mỹ, The Beatles chỉ phát hành album nhạc phim Help!. Trong số 7 bài hát còn lại, 2 bài hát được giới thiệu trong album tiếp theo của The Beatles, Rubber Soul, 2 được xuất hiện trong album Yesterday and Today, và 3 bài còn lại có trong Beatles VI. Tổng hợp lại, các ca khúc của Help! được chia làm 4 đĩa và đều đứng số 1 tại đây. Năm 2012, tạp chí Rolling Stone xếp Help! ở vị trí số 331 trong danh sách 500 album xuất sắc nhất mọi thời đại. [ Đọc tiếp ]

HMS Lion

Tàu chiến–tuần dương HMS Lion

HMS Lion là một tàu chiến–tuần dương của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó, vốn được đặt tên lóng là những “Con mèo Tráng lệ” (Splendid Cats). Chúng được cải tiến đáng kể so với những chiếc trong lớp Indefatigable dẫn trước về tốc độ, vỏ giáp và vũ khí. Lớp Lion nhanh hơn 2 hải lý trên giờ (3,7 km/h; 2,3 mph), thay đổi cỡ nòng dàn pháo chính từ 12 inch (305 mm) lên 13,5 inch (343 mm) với cùng số khẩu pháo, và có đai giáp chính dày đến 9 inch (229 mm) thay vì 6 inch (152 mm) như của lớp Indefatigable. Nó là nhằm đối phó với những tàu chiến–tuần dương đầu tiên của Hải quân Đức, lớp Moltke, vốn lớn hơn nhiều và mạnh mẽ hơn những tàu chiến–tuần dương đầu tiên của Anh, lớp Invincible. Lion đã phục vụ như là soái hạm của lực lượng tàu chiến–tuần dương thuộc Hạm đội Grand Anh Quốc trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trừ những giai đoạn nó được sửa chữa hay tái trang bị. Nó đã đánh chìm tàu tuần dương hạng nhẹ Đức Köln trong trận Heligoland Bight, và đã hoạt động như là soái hạm của Phó Đô đốc David Beatty trong các trận Dogger Bank và Jutland. [ Đọc tiếp ]

Sao Hỏa

Sao Hỏa chụp bởi tàu quỹ đạo Viking 1 năm 1980

Sao Hỏahành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong hệ Mặt Trời. Đôi khi hành tinh này còn được gọi tên là Hỏa Tinh. Nó thường được gọi với tên khác là "Hành tinh Đỏ", do sắt ôxít có mặt rất nhiều trên bề mặt hành tinh làm cho bề mặt nó hiện lên với màu đỏ đặc trưng. Sao Hỏa là một hành tinh đất đá với một khí quyển mỏng, với những đặc điểm trên bề mặt có nét giống với cả các hố va chạm trên Mặt Trăng và các núi lửa, thung lũng, sa mạc và chỏm băng ở cực trên Trái Đất. Chu kỳ tự quay và sự tuần hoàn của các mùa trên Hỏa Tinh khá giống với của Trái Đất do sự nghiêng của trục quay tạo ra. Trên Sao Hỏa có ngọn núi Olympus Mons, ngọn núi cao nhất trong Hệ Mặt Trời, và hẻm núi Valles Marineris, hẻm núi dài và rộng nhất trong Thái Dương Hệ. Lòng chảo Borealis bằng phẳng trên bán cầu bắc bao phủ tới 40% diện tích bề mặt hành tinh đỏ và có thể là một hố va chạm khổng lồ trong quá khứ. Cho đến khi tàu Mariner 4 lần đầu tiên bay ngang qua Sao Hỏa vào năm 1965, đã có nhiều suy đoán về sự có mặt của nước lỏng trên bề mặt hành tinh này. [ Đọc tiếp ]

SMS Oldenburg

SMS Oldenburg là một thiết giáp hạm dreadnought của Hải quân Đế quốc Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, là chiếc cuối cùng trong lớp thiết giáp hạm Helgoland bao gồm bốn chiếc. Oldenburg được đặt lườn vào ngày 1 tháng 3 năm 1909 tại xưởng tàu Schichau ở Danzig; nó được hạ thủy vào ngày 30 tháng 6 năm 1910 và đưa ra hoạt động cùng hạm đội vào ngày 1 tháng 5 năm 1912. Con tàu được trang bị mười hai khẩu pháo 30,5 xentimét (12,0 in) trên sáu tháp pháo nòng đôi, và đạt được vận tốc tối đa 21,2 hải lý trên giờ (39,3 km/h; 24,4 mph). Oldenburg được phân về Hải đội Chiến trận 1 thuộc Hạm đội Biển khơi Đức trong hầu hết quãng đời hoạt động của nó, kể cả trong Thế Chiến I. Cùng với ba chiếc tàu chị em cùng lớp Helgoland, OstfrieslandThüringen, Oldenburg tham gia mọi hoạt động hạm đội chủ yếu tại Bắc Hải trong Thế Chiến I chống lại Hạm đội Grand Anh Quốc, bao gồm Trận Jutland vào ngày 31 tháng 5-1 tháng 6 năm 1916, trận hải chiến lớn nhất của cuộc chiến tranh này. Con tàu cũng hoạt động tại biển Baltic chống lại Hải quân Nga. Nó đã có mặt trong Trận chiến vịnh Riga không thành công vào tháng 8 năm 1915, cho dù nó không có hoạt động tác chiến nào. [ Đọc tiếp ]