Chiến tranh Anh–Miến thứ nhất

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến tranh Anh-Miến thứ nhất
First Anglo-Burmese War
ပထမ အင်္ဂလိပ် မြန်မာ စစ်

Quân Anh đột kích vào một chiến lũy của quân Miến Điện, ngày 8 tháng 7 năm 1824.
Thời gian5 tháng 3 năm 1824–24 tháng 2 năm 1826
Địa điểm
Kết quả Quân Anh thắng, Hòa ước Yandabo
Thay đổi
lãnh thổ
Miến Điện trao cho Anh các vùng Assam, Manipur, ArakanTenasserim; chịu mất ảnh hưởng đối với Cachar và Jaintia; trả 1 triệu bảng Anh bồi thường chiến phí
Tham chiến
Công ty Đông Ấn Anh Triều Konbaung
Chỉ huy và lãnh đạo
Archibald Campbell Maha Bandula 
Maha Ne Myo 
Minkyaw Zeya Thura
Lực lượng
50.000 40.000
Thương vong và tổn thất
15.000 +20.000

Chiến tranh Anh–Miến thứ nhất (tiếng Anh: First Anglo-Burmese War, tiếng Miến Điện: ပထမ အင်္ဂလိပ် မြန်မာ စစ်; [pətʰəma̰ ɪ́ɴɡəleiʔ mjəmà sɪʔ]) diễn ra từ ngày 5 tháng 3 năm 1824 đến ngày 24 tháng 2 năm 1826. Cuộc chiến tranh diễn ra dưới thời Toàn quyền Ấn Độ William Amherst, Bá tước thứ nhất của Amherst, với mục đích nhắm vào quyền soát vùng Đông Bắc Ấn Độ thông qua việc sáp nhập Assam, nhưng sau lan rộng tràn vào lãnh thổ Miến Điện. Cuộc chiến kết thúc với quân Anh toàn thắng; Anh từ đó kiểm soát Assam, Manipur, CacharJaintia cũng như hai xứ ArakanTenasserim của Miến. Triều đình Miến Điện còn phải chịu bồi thường chiến phí 1 triệu bảng Anh và mở cửa thông thương, cho thương nhân người Anh vào buôn bán.[1][2]

Đây là cuộc chiến tranh dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử của xứ Ấn Độ thuộc Anh. Mười lăm nghìn binh sĩ Âu-Ấn tử trận. Đối với Miến Điện thì số thương vong còn lớn hơn, cả thường dân lẫn quân sĩ bị thiệt hại nặng.

Về mặt tài chính, chính phủ Anh phải chi khoảng 5-13 triệu bảng (khoảng 18,5-48 tỷ đô la Mỹ theo thời giá 2006)[3] cho cuộc chiến; đây là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở xứ Ấn Độ vào năm 1833.[4]

Đối với Miến Điện, chiến cuộc đánh dấu bước ngoặt của thời kỳ kéo dài ngót 50 năm bị thực dân chi Anh xâm lấn và cuối cùng mất độc lập về tay người Anh. Triều Konbaung trước đó từng đe dọa thế lực của Anh ở Ấn Độ nhưng kể từ cuộc chiến này trở đi, Miến triều suy yếu dần và bị loại hẳn; Anh bình định được dải biên giới đông bắc.[5] Một hậu quả nghiêm trọng đối với vua quan Miến Điện là áp lực kinh tế để trả khoản bồi thường chiến phí 1 triệu bảng Anh (khoảng 5 triệu dollar Mỹ lúc ấy). Đó là khoản tiền rất lớn đương thời khiến ngay một quốc gia Âu châu cũng phải chật vật lắm mới tài trợ được.[2] Chính phủ Anh sau đó mở hai cuộc chiến tranh nữa đánh Miến Điện (Chiến tranh Anh-Miến thứ nhìthứ ba), đến năm 1885 thì thôn tính hẳn nước Miến.

Nguyên nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nhà Kongbaung theo đuổi chính sách bành trướng đối với các nước láng giềng và cuối cùng khiến họ xung đột với quân Anh ở Ấn Độ.

Miến Điện đã chinh phạt và chiếm đóng Arakan vào năm 1784, khiến cho biên giới Miến Điện sát với Ấn Độ thuộc Anh. Việc quân Miến Điện tàn phá Arakan và bắt người Arakan làm nô lệ lao động tại một số công trình ở Miến Điện đã làm nổ ra các khởi nghĩa và dẫn tới một lượng lớn người tụ nạn tràn qua biên giới sang Ấn Độ. Ví dụ, năm 1798, một người Arakan là Nga Than Dè đã lãnh đạo 1 vạn người Arakan dời bỏ tổ quốc chạy sang Ấn Độ. Phía Miến Điện coi những người tỵ nạn này vừa là phiến loạn vừa là tài sản của mình, nên đã thực hiện các cuộc cướp phá qua biên giới sang lãnh thổ Ấn Độ.

Bắt đầu từ năm 1817, Miến Điện xâm lược Assam ở Đông Bắc Ấn Độ. Vào năm 1822, quân Miến Điện thực tế đã kiểm soát Assam và cũng giống như ở Arakan, người dân và các lực lượng khởi nghĩa ở Assam đã bỏ bản quán đi tỵ nạn.

Năm 1819, Miến Điện tiến hành một chiến dịch cướp phá Manipur với cái cớ là vua Manipur không chịu xin Vua Bagyidaw (1819–1837) phong vương cho mình. Manipur bị cướp phá toàn diện và người dân bị bắt về Miến Điện làm nô lệ. Không chỉ dừng ở Manipur, quân Miến Điện còn tràn sang Cachar, khiến vua xứ này phải tháo chạy và cầu viện người Anh. Năm 1823, các bang biên giới của Ấn Độ bị quân Miến Điện đe dọa.

Ngày 22 tháng 9 năm 1823, một toán vũ trang Miến Điện đã tấn công người Anh ở Shapura (phía Miến Điện gọi đây là Shinmabyu kyun), một hòn đảo sát Chittagong, giết và làm bị thương 6 lính gác. Hai cánh quân Miến Điện, một từ Manipur và một từ Assam, cũng tiến vào Cachar, lúc này đang được Anh bảo hộ, vào tháng 1 năm 1824. Cachar một lần nữa bị quân Miến Điện đe dọa. Điều đặc biệt là quân Miến Điện đã kiểm soát được vị trí quan trọng để có thể tấn công Bengal.

Ngày 5 tháng 3 năm 1824, Anh tuyên chiến với Miến Điện.

Hậu quả[sửa | sửa mã nguồn]

Đế chế Anh[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù là một chiến thắng, quân Anh hứng chịu tổn thất tới hơn 15.000 quân, chủ yếu là binh lính Ấn Độ thuộc Anh, và gây ra phí tổn nghiêm trọng, lên tới 13 triệu Bảng sterling. Vì kết cục đó, mà ngân hàng Bengal và một số cục kinh tế lớn của Anh tại Ấn Độ đã gần như rơi vào phá sản năm 1833, gây ra tổn thất lớn về thương mại với nhà Thanh Trung Quốc bấy giờ. Đó là cơ sở để Anh sau này tiến hành Chiến tranh nha phiến để giải quyết chiến phí nặng nề của nước này.

Về sau, Anh tiến hành hai cuộc chiến nữa với phí tổn ít ỏi hơn hẳn so với cuộc chiến ban đầu.

Miến Điện[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc chiến có tác động cực kỳ tai hại cho Miến Điện về sau. Đây chính là một thảm họa quân sự chưa từng thấy của vương triều khi nó bào mòn dần ngân quỹ và kinh tế, tài chính Miến Điện. Cả một thế hệ trai tráng nổi tiếng là hùng dũng trong một đội quân xây dựng từ 75 năm chiến tranh chinh phạt thành công, đã hoàn toàn bị xóa sổ. Đã vậy, Miến Điện lại còn phải trả cho Anh khoản chi phí lên tới 1 triệu Bảng sterling, vốn là khoản tiền cực lớn ở châu Âu đương thời. Trong khi đó, việc phải chấp nhận phái đoàn Anh ở Ava còn bị xem là quốc nhục của nước này.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Lt. Gen. Sir Arthur P. Phayre (1967). History of Burma (ấn bản 2). Sunil Gupta. tr. 237. Đã bỏ qua tham số không rõ |locatio= (trợ giúp)
  2. ^ a b Maung Htin Aung (1967). A History of Burma. New York and London: Cambridge University Press. tr. 214–215.
  3. ^ Thant Myint-U (2006). The River of Lost Footsteps--Histories of Burma. Farrar, Straus and Giroux. tr. 113. ISBN 978-0-374-16342-6, 0-374-16342-1 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
  4. ^ Anthony Webster (1998). Gentlemen Capitalists: British Imperialism in South East Asia, 1770-1890. I.B.Tauris. tr. 142–145. ISBN 1860641717, 9781860641718 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
  5. ^ Thant Myint-U (2006). The River of Lost Footsteps--Histories of Burma. Farrar, Straus and Giroux. tr. 125–127. ISBN 978-0-374-16342-6, 0-374-16342-1 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).