Ngô Minh Hiếu

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Hide on Rosé (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 15:40, ngày 11 tháng 10 năm 2022 (→‎Các dự án cộng đồng: Theo yêu cầu). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Ngô Minh Hiếu
Sinh8 tháng 10, 1989 (34 tuổi)
Gia Lai, Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam
Tên khácHieuPC/Hiếu PC[1]
Dân tộcKinh
Trường lớpTrường Đại học Khoa học Tự nhiên
Nghề nghiệpChuyên gia an ninh mạng
Tổ chứcTrung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia
Nổi tiếng vìÁn tù 13 năm tại Mỹ vì đánh cắp thông tin người dùng[2]
Quê quánGia Lai

Ngô Minh Hiếu (còn được gọi là Hiếu PC, sinh ngày 8 tháng 10 năm 1989) là một hacker người Việt Nam, từng nhận 13 năm tù vì tội đánh cắp và bán thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người MỹNhật Bản.[2][3] Hiện tại anh là chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC).[4][5]

Tiểu sử

Ngô Minh Hiếu sinh ngày 8 tháng 10 năm 1989 tại Gia Lai, Việt Nam. Năm 19 tuổi, anh đến New Zealand để theo học tại Học viện Công nghệ Unitec ở Auckland nhưng đã về nước chỉ 1 năm sau đó vì liên quan đến các vụ lừa đảo tại nước này. Sau khi về lại Việt Nam vào năm 2009, Hiếu nộp hồ sơ vào hệ tài năng của trường Đại học Khoa học Tự nhiên và theo học tại trường 2 năm trước khi thôi học.[6]

Tội phạm mạng

Quá trình phạm tội

Trong khoảng thời gian ở New Zealand từ 2008 đến 2009, Hiếu từng bị cáo buộc liên quan tới một vụ lừa đảo tín dụng bằng tài khoản TradeMe (một trang đấu giá trên mạng kiểu eBay). Vào thời điểm đó, Hiếu là quản trị viên của một số diễn đàn về hacker trên dark web. Trong quá trình học tập, anh phát hiện lỗ hổng trong mạng của trường làm lộ dữ liệu thẻ thanh toán. Theo lời tường thuật lại, vì không ai để ý đến lời cảnh báo của mình nên anh đã hack toàn bộ hệ thống. Sau đó, anh sử dụng lỗ hổng tương tự để tấn công các trang web khác và đánh cắp dữ liệu thẻ thanh toán của người dùng. Hiếu cho biết, anh đã sử dụng dữ liệu thẻ đánh cắp được để mua vé buổi biểu diễn hòa nhạc, sự kiện,... và bán chúng thông qua TradeMe.

Sau khi trường học phát hiện sự việc và báo cảnh sát, Hiếu đã bị từ chối gia hạn visa sau khi học kỳ đầu tiên kết thúc.[7] Sau đó, Hiếu đã hack trang web của trường Unitec Auckland khiến trang web này bị ngưng hoạt động trong hai ngày và trang web của trường trường Đại học Công Nghệ Auckland (AUT).[8] Anh trở về Việt Nam và theo học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Trong quá trình theo học tại đây, anh tiếp tục hack về hệ thống của trường để lấy thông tin giáo viên, đề thi và gửi cho bạn bè. Không những vậy, với kiến thức tự học từ các diễn đàn ngầm của Nga, anh đã đánh cắp và bán số an sinh xã hội của hơn 3 triệu người cho các bên thứ ba.[6]

Theo cáo trạng của toà án Mỹ, từ năm 2007 đến 2013, Ngô Minh Hiếu đã sử dụng máy tính tại Việt Nam để thâm nhập trái phép vào nhiều hệ thống khác nhau nhằm lấy trộm số thẻ an sinh xã hội, thông tin về các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh,... của hơn 200 triệu người dùng, trong đó có hơn 500 ngàn công dân Mỹ.[9][10] Sau đó, Hiếu cùng đồng bọn bán lại thông tin cho các nhóm tội phạm trực tuyến.[11] Ngoài ra, anh còn lấy dữ liệu từ Court Ventures, một công ty con của Experian,[12][13] bằng cách "đóng giả là một điều tra viên tư nhân hoạt động bên ngoài Singapore".[14] Từ những phi vụ này, Minh Hiếu kiếm được tổng cộng gần 2 triệu USD.[15] Theo sở Thuế vụ xác nhận, đã có 13.673 người Mỹ trở thành nạn nhân của vụ án liên quan hoàn thuế thu nhập cá nhân giả mạo với tổng giá trị lên đến 65 triệu USD.[16]

Truy tố, kết án và trả tự do

Năm 2013, Ngô Minh Hiếu bị đặc vụ Mỹ bắt giữ tại Guam, khi bị lừa đến đây để thực hiện một vụ làm ăn với một khách hàng có nhiều thông tin cá nhân muốn bán lại.[17][18] Sau đó, Hiếu đã phải đối mặt với bản án 24 năm tù liên bang với 4 tội danh liên quan đến lừa đào và lạm dụng máy tính. Tuy nhiên, sau đó bản án đã được giảm nhẹ vì anh hợp tác với các nhà điều tra để bắt giữ hơn mười khách hàng của mình tại Mỹ.[19][20]

Cơ quan Mật vụ gặp khó khăn trong việc xác định chính xác mức độ thiệt hại tài chính do các hoạt động lừa đảo của Hiếu gây ra bởi các dịch vụ này chỉ lưu trữ những thông tin khách hàng đã tìm kiếm mà không phải là những hồ sơ mà khách hàng đã mua. Tuy nhiên theo các hồ sơ đã có, chính phủ Mỹ ước lượng Hiếu đã gây ra khoảng 1,1 tỷ đô la gian lận tài khoản mới tại các ngân hàng và nhà bán lẻ trên khắp Hoa Kỳ, và khoảng 65 triệu đô la gian lận hoàn thuế với các tiểu bang và IRS.[21]

Ngày 14 tháng 7 năm 2015, Minh Hiếu lúc đó 25 tuổi bị tòa án Mỹ đưa ra xét xử và lãnh án 13 năm tù giam.[22] Ngày 20 tháng 11 năm 2019, theo trang web của tù liên bang Mỹ Bureau Of Prison,[23] với mã số tù là: 03664-093, Ngô Minh Hiếu được thả tự do, sớm hơn 4 năm so với ngày dự kiến ban đầu là ngày 6 tháng 6 năm 2024. Và Hiếu được chính thức trả tự do về Việt Nam vào ngày 4 tháng 8 năm 2020.[24] Việc trả tự do sớm cho Ngô Minh Hiếu được chính quyền Mỹ nhận xét là "một trong những tên trộm khét tiếng nhất từng được ân xá trong nhà tù liên bang".[25][26]

Chuyên gia an ninh mạng

Sau 3 tháng trở về Việt Nam, Ngô Minh Hiếu đã đăng tải ảnh đơn xin việc vào Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) trên trang cá nhân Facebook vào ngày 3 tháng 12 năm 2020.[27] Ngày 4, đại diện của NCSC chính thức xác nhận về thông tin Ngô Minh Hiếu sẽ làm việc cho cơ quan này với vai trò "Chuyên gia kỹ thuật".[5][28] Chưa đầy nửa tháng sau khi chính thức trở thành nhân viên của NCSC, Hiếu PC là công khai triệt tiêu 2 website giả mạo 2 hãng hàng không lớn là Vietnam AirlinesVietjet Air, được tạo ra nhằm trục lợi khách hàng.[29][30] Đây là hai trang web giả mạo lớn đã tồn tại một thời gian không ngắn, và được xem là 2 trang web giả mạo quy mô lớn. Việc Hiếu PC công khai "xóa sổ" cả hai đã gây chú ý và được cư dân mạng ủng hộ.[31] Bên cạnh đó, anh cũng tự tay đánh sập các tài khoản mạng xã hội mạo danh mình nhằm mục đích trục lợi từ lòng tin của người dùng mạng.[32]

Các dự án cộng đồng

Tháng 2 năm 2021, anh cho ra mắt dự án phi lợi nhuận "Chống lừa đảo" cùng với website và tiện ích dưới dạng add-on tương ứng.[33][34] Đây là một dự án nhằm cảnh báo cho người dùng những trang web có nội dung xấu, giả mạo hoặc có chứa mã độc.[35] Chỉ sau một ngày ra mắt, tiện ích Chống lừa đảo đã có hơn 3.500 lượt tải, hơn 70 nghìn lượt truy cập, đồng thời thêm vào danh sách đen hơn 1000 trang web lừa đảo từ hơn 1400 báo cáo từ người dùng.[36] Từ khi trở về Việt Nam, anh liên tục tham gia chia sẻ những thông tin về an toàn thông tin trên không gian mạng, giúp người dùng tránh được những trang web độc hại.[37][38] Ngoài ra, anh còn lập một blog mang tên 7onez để giúp nhiều cá nhân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác với sự tấn công từ các hacker.[39] Đây đều là những động thái được cho là mang tính "hoàn lương" của hacker này.[40]

Tháng 5 năm 2021, Ngô Minh Hiếu cùng với Cốc Cốc đã giới thiệu chiến dịch "Chiến dịch Khiên Xanh" với mục tiêu tạo môi trường internet an toàn cho người Việt Nam.[41][42] Đây là một chiến dịch khá gây chú ý cho truyền thông và người dân Việt Nam trong thời gian ra mắt.[43][44][45] Trong vòng chưa đến 4 tuần, đã có hơn 24 ngàn website không an toàn được báo cáo từ người dùng và hơn 12 ngàn trang web có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo đã được gắn cảnh báo.[46] Điều này khiến cho những dự án về an toàn không gian mạng của Hiếu PC càng nhận được nhiều sự chú ý.[47] Cũng trong thời gian này, anh cũng đảm nhiệm vai trò cố vấn chuyên môn cho CyberKid Vietnam – tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trước các mối đe dọa an toàn thông tin trên không gian mạng.[48][49] Đây cũng là một dự án đặc biệt gây sự chú ý khi tập trung vào an toàn cho trẻ em - một trong những nạn nhân dễ bị tấn công nhất trên không gian mạng.[50][51]

Trong bối cảnh bùng nổ của Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo người dùng đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.[52][53] Hiếu PC và những fanpage của anh trên mạng xã hội facebook đang là một trong những kênh về an toàn thông tin được chú ý nhất khi thường xuyên cập nhật cách phòng chống và những cảnh báo liên quan.[54][55]

Ngày 24 tháng 11 năm 2021, Ngô Minh Hiếu công bố thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (gọi tắt là Công ty Chống lừa đảo). Công ty phi lợi nhuận này là bước phát triển tiếp theo của dự án phi lợi nhuận cùng tên đã ra mắt vào cuối năm 2020.[56]

Chú thích

  1. ^ “Confessions of an ID Theft Kingpin, Part I”. Krebs on Security. ngày 26 tháng 8 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2021.
  2. ^ a b “Hacker Việt trộm dữ liệu của 200 triệu người Mỹ lĩnh 13 năm tù”. VnExpress. ngày 15 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2021.
  3. ^ Thông cáo báo chí (14 tháng 7 năm 2015). “Vietnamese National Sentenced to 13 Years in Prison for Operating a Massive International Hacking and Identity Theft Scheme”. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2021.
  4. ^ Luu Quy, Phan Anh (ngày 5 tháng 12 năm 2020). “Vietnam's National Cybersecurity Center hires former cybercriminal”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2020.
  5. ^ a b Thanh Hà (4 tháng 12 năm 2020). “Hacker Hieupc đầu quân cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia”. Tuổi Trẻ Online. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2020. Truy cập 25 tháng 4 năm 2021.
  6. ^ a b Xuân Tiến (12 tháng 9 năm 2020). “HiếuPC: 'Tôi từng nói chuyện với Anonymous, họ không giống trên phim'. Zing News. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
  7. ^ Châu An (10 tháng 9 năm 2020). “Lời tự thú của hacker Việt sau 7 năm ngồi tù ở Mỹ”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 12 năm 2020. Truy cập 25 tháng 4 năm 2021.
  8. ^ “Ex-Unitec Student Hacks Unitec Website”. Stacey Knott - Journalist. 3 tháng 8 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2020.
  9. ^ James Eng (15 tháng 7 năm 2015). “Hacker Gets 13 Years in Prison for Massive International ID Theft”. NBC News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2022.
  10. ^ Anh Nguyễn (28 tháng 10 năm 2013). “Hacker Việt giả điều tra viên Mỹ lấy trộm thông tin”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  11. ^ Alyssa Bereznak (ngày 14 tháng 7 năm 2015). “This 25-Year-Old Vietnamese Man Stole the Identities of Nearly 200 Million Americans”. Yahoo.com. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
  12. ^ Poeter, Damon (ngày 22 tháng 10 năm 2013). “Experian Confirms Subsidiary's Data Sold to ID Theft Operation”. PCMag.com. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2015.
  13. ^ Osborne, Charlie (ngày 14 tháng 4 năm 2014). “200M consumer records exposed in Experian security lapse”. CNET. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2015.
  14. ^ “Experian Lapse Allowed ID Theft Service Access to 200 Million Consumer Records”. Krebs on Security. ngày 10 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2015.
  15. ^ Minh Minh (15 tháng 7 năm 2015). “Hacker Việt trộm dữ liệu của 200 triệu người Mỹ lĩnh 13 năm tù”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2021. Truy cập 25 tháng 4 năm 2021.
  16. ^ “Vietnamese National Sentenced to 13 Years in Prison for Operating a Massive International Hacking and Identity Theft Scheme”. FBI. ngày 14 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
  17. ^ “Experian Lapse Allowed ID Theft Service Access to 200 Million Consumer Records”. KrebsOnSecurity. 10 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2015.
  18. ^ Tô My (16 tháng 4 năm 2015). "Vết đen" của những hacker Việt liên quan "tiền bẩn". Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  19. ^ “ID Theft Service Proprietor Gets 13 Years”. ngày 15 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
  20. ^ “Convicted Tax Fraudster & Fugitive Caught”. ngày 19 tháng 3 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
  21. ^ “Confessions of an ID Theft Kingpin, Part II”. Krebs on Security. ngày 27 tháng 8 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
  22. ^ “Vietnamese hacker sentenced to 13 years in prison for stealing identities of 200 million Americans in mass hacking theft scheme”. Daily Mail Online. ngày 14 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2015.
  23. ^ “Bureau of Prison”. ngày 12 tháng 8 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2020.
  24. ^ “Southeast Asian Organizations Denounce Deportation of 30 Vietnamese Americans”. lawprofessors blog. ngày 4 tháng 8 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2020.
  25. ^ Bảo Lâm (22 tháng 5 năm 2021). “Ngô Minh Hiếu - từ 'hacker mũ đen' thành chuyên gia an ninh mạng”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  26. ^ Lien Hoang (18 tháng 5 năm 2021). “One of the world's most prolific hackers wants to say sorry”. Nikkei Asia (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  27. ^ Lưu Quý (4 tháng 12 năm 2020). “Hacker nổi tiếng thế giới làm chuyên gia bảo mật tại Việt Nam”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  28. ^ Viết Thịnh (5 tháng 12 năm 2020). “Hacker Việt từng ngồi tù ở Mỹ được tuyển dụng vào NCSC”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  29. ^ Nguyên Anh (16 tháng 12 năm 2020). “Hiếu PC gây sốt khi "đánh sập" hai trang web mạo danh hãng hàng không”. Yan News. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2021.
  30. ^ Bí Ngô (16 tháng 12 năm 2020). “Hiếu PC "đánh sập" 2 website mạo danh hãng hàng không, nhận về cú "phản dame" cực gắt”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  31. ^ Hạ Phong (15 tháng 12 năm 2020). “Hiếu PC - hacker Việt khét tiếng từng khiến giới an ninh mạng Mỹ "rúng động" vừa tuyên bố đánh sập 2 trang web lừa đảo vé máy bay lâu nay "chưa ai động vào". Chuyên trang Trí thức trẻ - Báo điện tử Tổ Quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  32. ^ Trọng Khánh (13 tháng 12 năm 2020). “HiếuPC tự tay đánh sập các trang mạo danh mình lừa đảo”. ZingNews. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  33. ^ Mỹ Quyên (8 tháng 2 năm 2021). “Cách chuyên gia bảo mật giúp người dùng thoát khỏi web lừa đảo”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  34. ^ Minh Anh (9 tháng 2 năm 2021). “Hieupc trình làng trang web chống lừa đảo”. Báo Công lý. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  35. ^ Thế Lâm (22 tháng 2 năm 2021). “Cựu hacker Hiếu PC ra mắt website chống lừa đảo: Có gì đáng chú ý?”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  36. ^ Lưu Quý (17 tháng 2 năm 2021). “Hacker HieuPC quyết chiến với lừa đảo mạng”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  37. ^ Đình Trường (23 tháng 5 năm 2021). “Lừa đảo qua mạng tràn lan: Dấu hiệu nhận biết website không an toàn”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  38. ^ Triệu Mẫn (12 tháng 4 năm 2021). 'Cựu hacker' HiếuPC: Thế giới hacker cũng có 'đa cấp'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  39. ^ Sơn Nhung; Nguyên Lâm (17 tháng 2 năm 2021). “[eMagazine] Khi hacker Hiếu PC bị nhiều hacker ẩn danh tấn công”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  40. ^ Báo Tin tức (8 tháng 12 năm 2020). “Hiếu PC - Con đường hoàn lương từ Hacker mũ đen”. Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  41. ^ V.P (20 tháng 5 năm 2021). “Cốc Cốc ra mắt "Chiến dịch Khiên Xanh" nhằm tạo môi trường internet an toàn”. Lao Động Trẻ – Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  42. ^ Văn Giang (20 tháng 5 năm 2021). 'Cựu hacker' Hiếu PC tham gia chiến dịch 'Khiên Xanh'. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  43. ^ Cốc Cốc (24 tháng 5 năm 2021). “Quyết tâm 'diệt tận gốc' fake web, Cốc Cốc chính thức ra mắt Chiến dịch Khiên Xanh”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  44. ^ Trường Thịnh (20 tháng 5 năm 2021). “Cốc Cốc bắt tay Hiếu PC và NCSC: Vì một Internet an toàn cho người Việt”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  45. ^ P.V (28 tháng 5 năm 2021). 'Diệt tận gốc' fake web tràn lan trên mạng với Chiến dịch Khiên Xanh”. Báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập 20 tháng 8 năm 2021.
  46. ^ Hoàng Bách (15 tháng 6 năm 2021). “Phát hiện hơn 12.000 website có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo”. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  47. ^ Vân Hằng (21 tháng 5 năm 2021). “Kỹ sư an ninh mạng Ngô Minh Hiếu tham gia chiến dịch "Khiên Xanh" bảo vệ người dùng Internet”. Báo Điện tử An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  48. ^ Thành Trung (24 tháng 5 năm 2021). “Hacker nổi tiếng thế giới trở thành chuyên gia an ninh mạng Việt Nam”. Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2021.
  49. ^ Mỹ Quyên (5 tháng 6 năm 2021). “7 mối nguy hại trên không gian mạng mà trẻ em phải đối mặt là gì?”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  50. ^ Trọng Đạt (8 tháng 8 năm 2021). “CyberKid Vietnam bắt tay "người khổng lồ" để bảo vệ trẻ em trên mạng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  51. ^ Trọng Đạt (19 tháng 12 năm 2020). “CyberKid Việt Nam sẽ trở thành "vaccine" cho trẻ trên không gian mạng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  52. ^ Phạm An (24 tháng 4 năm 2021). “Dữ liệu cá nhân không còn là chuyện cá nhân”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  53. ^ Doãn Phong (29 tháng 5 năm 2021). “Chuyên gia mách nước cách đánh bay tin tặc thời Covid”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  54. ^ Thế Lâm (22 tháng 7 năm 2021). “Hacker Việt khét tiếng một thời tại Mỹ cảnh báo gì về lừa đảo trực tuyến”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  55. ^ Thế Anh (19 tháng 8 năm 2021). “Hiếu PC cảnh báo có thể mất thông tin cá nhân với dịch vụ mở khóa Facebook”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2021.
  56. ^ Trọng Đạt (24 tháng 11 năm 2021). “Cựu hacker Hieupc thành lập công ty Chống lừa đảo”. VietnamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.

Liên kết ngoài