Óscar Figueroa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Óscar Figueroa
Óscar Figueroa trong nhóm các vận động viên Colombia giành huy chương Olympic London 2012
Thông tin cá nhân
Tên khai sinhÓscar Albeiro Figueroa Mosquera
Quốc tịchColombia Colombia
Sinh27 tháng 4, 1983 (40 tuổi)
Zaragoza, tỉnh Antioquia, Colombia
Cao161 cm (5 ft 3 in)
Nặng66 kg (146 lb)
Thể thao
Quốc giaColombia
Môn thể thaoCử tạ
Nội dungHạng 62 kg
Câu lạc bộĐội tuyển quốc gia Colombia
Đội tuyển Valle del Cauca
Huấn luyện bởiJaiber Manjarres
Oswaldo Pinilla
Thành tích huy chương
Cử tạ nam
Đại diện cho  Colombia
Olympic Games
Huy chương bạc – vị trí thứ hai Thế vận hội Mùa hè 2012 Cử tạ 62 kg
Olympic Games
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất Thế vận hội Mùa hè 2016 Cử tạ 62 kg
Pan America
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất Pan Guadalajara 2011 Cử tạ 62 kg
Pan America
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất Pan Toronto 2015 Cử tạ 62 kg
Cập nhật 19 tháng 7 năm 2020.

Óscar Albeiro Figueroa Mosquera (sinh ngày 27 tháng 04 năm 1983, ODB[Ghi chú 1]), một vận động viên cử tạ người Colombia gốc Phi của Colombia thi đấu ở hạng 62 kg, 67 kg tại các giải vô địch thế giới như Đại hội Thể thao Liên châu Mỹ, Thế vận hội.[1] Anh đã giành được Huy chương Vàng Đại hội Thể thao Liên châu Mỹ Guadalajara 2011, Toronto 2015, Huy chương Bạc Thế vận hội Mùa hè 2012, Huy chương Vàng Thế vận hội Mùa hè 2016.

Óscar Figueroa là vận động viên xuất sắc của Colombia.[2] Anh là một trong sáu vận động viên giành được hai huy chương Olympic của nước này, cùng với Jackeline Rentería (nữ, đấu vật), Caterine Ibargüen (nữ, nhảy cao, nhảy xa), Yuri Alvear (nữ, Judo), Helmut Bellingrodt (nam, bắn súng), Mariana Pajón (nữ, đua xe đạp).[3] Óscar Figueroa đang nắm giữ kỷ lục cử đẩy[Ghi chú 2] hạng 62 kg của Olympic, trọng lượng 177 kg tại Olympic London 2012.[4][5]

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Óscar Figueroa sinh ra tại khu tự quản Zaragoza, tỉnh Antioquia, Colombia.[6] Anh là con trai của Ermelinda Mosquera (mẹ) và Jorge Isaac Figueroa (bố), trong một gia đình bốn anh em, truyền thống ngư dân.[7] Vùng Zaragoza thời đó có nhiều xung đột và bạo lực, khiến cho cuộc sống người dân trở nên khó khăn, do đó, cả nhà cùng chuyển tới sống ở tỉnh Valle del Cauca.[8]

Óscar Figueroa theo học phổ thông, yêu thích thể thao và chơi nhiều môn như bóng đá, bóng rổ, học cả karate. Trong quá trình đó, thể chất của anh được nhận định phù hợp với cử tạ, được chuyển hẳn sang bộ môn này. Anh bắt đầu dành thời gian tập luyện theo đuổi.[9] Sau khi giành được huy chương thi đấu địa phương, anh chuyển tới thành phố Cali, tham gia đội vận động viên Valle del Cauca.[10] Nhờ vào khả năng và nhiệt huyết hiếm có, anh được chú ý, bồi dưỡng, dần dần tham gia vào đội vận động viên quốc gia, thi đấu các giải đấu trong nước, quốc tế rồi toàn cầu.[8]

Sự nghiệp thể thao của Óscar Figuera dài 20 năm. Năm 2000, anh bắt đầu tham gia giải đấu thanh niên thế giới ở Hy Lạp, giành Huy chương Vàng. Sau đó, anh gặp chấn thương đầu gối, phải rời khỏi đổi tuyển quốc gia. Anh tham gia nghĩa vụ quân sự, dành thời gian để tập luyện tại doanh trại, không vì chấn thương mà từ bỏ. Nhờ nỗ lực, Óscar được nhận vào đội tuyển quân đội, đại diện lực lượng vũ trang tiếp tục thi đấu, vượt qua thử thách để vào vòng Olympic.

Cùng với sự nghiệp thể thao, anh cũng dành thời gian theo học Đại học Santiago de Cali, tốt nghiệp cử nhân nghiên cứu quản lý.[11][12]

Sự nghiệp cử tạ[sửa | sửa mã nguồn]

Olympic Athens 2004[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2004, anh tham gia giải cử tạ Liên châu Mỹ tổ chức tại Cali, chuẩn bị cho Olympic với tổng trọng lượng[Ghi chú 3] cử tạ đạt 262 kg, được chọn tham gia Thế vận hội Mùa hè 2004Athens, Hy Lạp. Tại Athens, anh tham gia hạng 56 kg, đạt tổng trọng lượng 282 kg, xếp hạng năm, không có huy chương.

Olympic Bắc Kinh 2008[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi tham gia Olympic Athens, anh vẫn trong giai đoạn nghĩa vụ quân sự, chuyển lên hạng 62 kg, vô địch giải quốc gia. Năm 2008, anh tới Bắc Kinh, quyết tâm giành huy chương. Ở hạng 62 kg, phần cử giật[Ghi chú 4] anh đã thất bại, không thể giật tạ lên khỏi sàn trong cả ba lần thử, bị loại khỏi vòng thi. Sau cuộc thi, anh được phát hiện gặp phải chấn thương thoát vị đĩa đệm, làm suy yếu bàn tay phải. Thời gian tiếp theo, anh phải dừng sự nghiệp, chữa trị và phẫu thuật vào tháng 02 năm 2009 tại thủ đô Bogotá.[13]

Những năm tiếp theo, anh vừa nỗ lực hồi phục, vừa bền bỉ tập luyện. Vào năm 2011, tại Pan America, Guadalajara, anh giành Huy chương Vàng hạng 62 kg với tổng trọng lượng 312 kg, phá kỷ lục Đại hội Thể thao Liên châu Mỹ.

Óscar Figueroa nâng tạ 177 kg phá kỷ lục cử đẩy Olympic tại Thế vận hội London 2012.

Olympic London 2012[sửa | sửa mã nguồn]

Nhờ Huy chương Vàng Pan America mà anh được đặc cách tham gia Thế vận hội Mùa hè 2012London, dù chất thương nặng từng gặp. Trong hai tháng trước Olympic, anh tham gia luyện tập ở Valencia, Tây Ban Nha. Anh được hy vọng bởi nước nhà Colombia về việc giành huy chương cử tạ.

Trong cuộc thi, ở phần cử giật, các đối thủ rất mạnh. Thành tích cử giật của anh là 140 kg, đứng thứ ba sau đối thủ Eko Yuli Irawan (INA) và Kim Un-guk (PRK). Do đó, ở phần cử đẩy, anh quyết tâm đặc biệt khi chọn trọng lượng 177 kg ngay từ lần đầu tiên. Mục 177 kg là khối lượng không vận động viên nào chọn và cũng chưa ai đạt được trong lịch sử Olympic. Óscar Figuera bắt đầu nâng tạ, thất bại liên tiếp lần đầu và lần thứ hai. Ở lần thứ ba, với nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã thành công, phá kỷ lục cử đẩy Olympic.[14] Tổng trọng lượng đạt 317 kg, bằng Eko Yuli Irawan, nhưng xếp hạng cao hơn vì cân nặng của anh thấp hơn. Anh giành Huy chương Bạc (sau Kim Un-guk về tổng trọng lượng)[Ghi chú 5] trong kỳ Olympic này.[14][15]

Ngay khi giành được Huy chương Bạc, anh đã xúc động trả lời phỏng vấn ESPN:[16]

Chúng tôi đã làm được, Colombia! Tái lập lịch sử một lần nữa, như mọi khi, tôi không hứa huy chương, nhưng luôn hết mình. Mặc dù thất bại trong hai lượt đầu tiên, trong lượt cuối, tôi đã làm những gì mình phải làm. Và kỷ lục Olympic! Mẹ tôi hiểu rõ rằng tôi đã rất nỗ lực chiến đấu vì điều này. Tôi yêu mẹ rất nhiều, người đã sinh ra tôi.[Ghi chú 6]

Olympic Rio de Janeiro 2016[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2015, anh giành Huy chương Vàng Pan America, Toronto với tổng trọng lượng cử tạ đạt 310 kg.

Năm 2016, trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2016, anh trải qua đợt phẫu thuật điều chỉnh đau lưng mãn tính.[17] Dù khó khăn, anh vẫn quyết tâm dự Olympic, mong muốn giành huy chương. Ngày 08 tháng 08 năm 2016, anh thi cử tạ hạng 62 kg, phần cử giật đạt 142 kg, phần cử đẩy đạt 176 kg, tổng trọng lượng đạt 318 kg, Huy chương Vàng Olympic.[18] Đây là một trong ba tấm Huy chương Vàng kỳ Olympic này của Colombia. Đây là kỳ Olympic đặc biệt khi Colombia giành tới ba tấm Huy chương Vàng, trong tổng số năm tấm mà lịch sử thể thao nước này đạt được.

Nghỉ hưu[sửa | sửa mã nguồn]

Ngay sau khi thi xong bộ môn cử tạ tại Olympic Rio de Janeiro 2016, anh đã cởi giày đặt lên bục, báo hiệu nghỉ hưu môn thể thao này.

Sau đó, anh còn đại diện Colombia tham gia một số kỳ cử tạ quốc tế hạng 67 kg rồi quyết định nghỉ hưu ngày 26 tháng 11 năm 2019.[3]

Thống kê[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Kỳ đại hội Hạng Cử giật (kg) Cử đẩy (kg) Tổng Hạng
1 2 3 Hạng 1 2 3 Rank
Đại diện cho  Colombia
Olympic Games
2004 Hy Lạp Athens, Hy Lạp 56 kg 120.0 125.0 127.5 5 145.0 150.0 155.0 5 280.0 5
2008 Trung Quốc Bắc Kinh, Trung Quốc 62 kg 128 128 128
2012 Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland London, UK 62 kg 137 140 142 3 177 177 177 1 317 2
2016 Brasil Rio de Janeiro, Brazil 62 kg 137 142 145 1 172 176 179 1 318 1
World Championships
2006 Cộng hòa Dominica Santo Domingo, Cộng hòa Dominican 62 kg 132 137 141 2 160 164 164 5 297 2
2007 Thái Lan Chiang Mai, Thái Lan 62 kg 135 140 140 6 160 160 165 8 295 4
2009 Hàn Quốc Goyang, Hàn Quốc 62 kg 135 139 141 4 165 165 168 5 307 4
2011 Pháp Paris, Pháp 62 kg 135 138 140 6 170 170 175 4 308 4
2013 Ba Lan Wroclaw, Ba Lan 62 kg 135 139 141 3 175 177 183 1 316 3
2014 Kazakhstan Almaty, Kazakhstan 62 kg 135 135 135
2015 Hoa Kỳ Houston, Hoa Kỳ 62 kg 135 140 140 3 175 180 180 3 315 3
2018 Turkmenistan Ashgabat, Turkmenistan 67 kg 140 145 145 8 176 178 181 3 318 5
2019 Thái Lan Pattaya, Thái Lan 67 kg 137 140 140 17 176 181 181 5 313 10
Pan American Games
2011 México Guadalajara, Mexico 62 kg 132 135 137 1 165 171 175 1 312 1
2015 Canada Toronto, Canada 62 kg 130 130 135 2 170 175 1 310 1

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ OBD (Oder of Boyacá) tức Huân chương Boyacá. Đây là huân chương cao quý nhất thời bình của Colombia, lấy nguồn gốc từ trận Boyacá, tiền đề nền độc lập của Colombia.
  2. ^ Cử đẩy (Clean & Jerk), một phần trong cử tạ. Kỹ thuật hai phân đoạn gồm đưa tạ vào ngực rồi mới đẩy lên qua đầu.
  3. ^ Tổng trọng lượng: tổng mức cân nặng cử đẩy và cử giật.
  4. ^ Cử giật (Snatch), một phần trong cử tạ. Kỹ thuật nâng tạ và đưa tạ qua đầu.
  5. ^ Trong bộ môn cử tạ, xếp hạng dựa trên tổng trọng lượng đạt được của hai phần: cử đẩy và cử giật. Óscar Figueroa đạt vị trí cao nhất ở cử đẩy nhưng thua về tổng trọng lượng cả hai phần.
  6. ^ Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: “Lo logramos, Colombia. Hicimos historia nuevamente, y como siempre, yo no prometo las medallas, pero siempre doy lo mejor de mí. Aunque boté los dos primeros movimientos, con el último hice lo que tenía que hacer. Además, con récord olímpico. Mi mamá sabe que luché mucho por esto. Sabe que la amo mucho y gracias por haberme dado la vida.”

Nguồn trực tuyến[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Óscar Figueroa ganó medalla de plata y con récord olímpico (Kỷ lục cử tạ Olympic của Óscar Figueroa)” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  2. ^ “Óscar Figueroa ganó medalla de plata y con récord olímpico (Óscar Figueroa giành Huy chương Bạc và phá kỷ lục Olympic)”. Elcolombiano (bằng tiếng Tây Ban Nha). ngày 30 tháng 7 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  3. ^ a b “El campeón olímpico Óscar Figueroa anuncia su retiro (Nhà vô địch Olympic Óscar Figueroa tuyên bố nghỉ hưu)”. Liga de Portiva (bằng tiếng Tây Ban Nha). ngày 27 tháng 11 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  4. ^ “Colombian Weightlifter Wins Gold, Bids Emotional Farewell to Olympics”. NBC Philadelphia. ngày 9 tháng 8 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  5. ^ “Men's Olympic Records”. IWF. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  6. ^ “OSCAR ALBEYRO FIGUEROA MOSQUERA” (PDF) (bằng tiếng Tây Ban Nha). Ủy ban Olympic Colombia. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  7. ^ “Óscar Figueroa, premio a la vehemencia (Phần thưởng cho Óscar Figueroa)”. Elespectador (bằng tiếng Tây Ban Nha). ngày 31 tháng 7 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  8. ^ a b Escobar, Pacho (ngày 3 tháng 8 năm 2012). “Medalla de plata para un hombre con corazón de oro (Huy chương Bạc của người đàn ông trái tim vàng)”. Kien Y Ke (bằng tiếng Tây Ban Nha). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  9. ^ “Figueroa supo sostener el peso de la vida (Figueroa biết cách đỡ sức nặng cuộc đời)”. Elheraldo (bằng tiếng Tây Ban Nha). ngày 30 tháng 7 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  10. ^ Hernández, Fernando (ngày 18 tháng 7 năm 2002). “UN HOTEL PARA CAMPEONES”. Eltiempo (bằng tiếng Tây Ban Nha). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  11. ^ “La Santiago rendirá reconocimiento a Oscar Figueroa”. Đại học La Santiago (bằng tiếng Tây Ban Nha). ngày 22 tháng 8 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  12. ^ “Óscar Figueroa levantará el oro olímpico (Óscar Figueroa sẽ đạt huy chương Olympic)”. Lanacion (bằng tiếng Tây Ban Nha). ngày 18 tháng 7 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  13. ^ “The Oscar Figueroa story (extended version)”. Olympic Channel. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  14. ^ a b “Weightlifting at the 2012 London Summer Games: Men's Featherweight”. Olympics at Sports-Reference.com. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  15. ^ “62kg men results - Weightlifting - London 2012 Olympics”. www.olympic.org. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  16. ^ A, Conprensa (ngày 30 tháng 7 năm 2012). "No prometo medallas, pero doy lo mejor de mi", dice Óscar Figueroa, el nuevo héroe de Colombia en Londres ("Tôi không hứa huy chương, nhưng tôi luôn làm hết mình". Người hùng Colombia ở Olympic London.)”. El Páis (bằng tiếng Tây Ban Nha). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2020.
  17. ^ Hutchison, Peter (ngày 9 tháng 8 năm 2016). “Colombian weightlifter Figueroa strikes Olympic gold, retires”. Yaho (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.
  18. ^ “Rio Olympic weightlifting hero Oscar Figueroa banned from Pan American Championships in 'whereabouts' crackdown”. Inside the games. ngày 13 tháng 4 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2020.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]