Kẻ trộm giấc mơ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Đánh cắp giấc mơ)
Kẻ trộm giấc mơ
Áp phích chiếu rạp của phim tại Việt Nam
Đạo diễnChristopher Nolan
Sản xuấtChristopher Nolan
Emma Thomas
Tác giảChristopher Nolan
Diễn viênLeonardo DiCaprio
Ken Watanabe
Joseph Gordon-Levitt
Elliot Page
Marion Cotillard
Tom Hardy
Cillian Murphy
Tom Berenger
Michael Caine
Âm nhạcHans Zimmer[1]
Quay phimWally Pfister
Dựng phimLee Smith
Hãng sản xuất
Phát hànhWarner Bros. Pictures
Công chiếu
  • 8 tháng 7 năm 2010 (2010-07-08) (Luân Đôn)
  • 16 tháng 7 năm 2010 (2010-07-16) (Mỹ)
  • 6 tháng 8 năm 2010 (2010-08-06) (Việt Nam)
Độ dài
148 phút[2]
Quốc gia
Ngôn ngữTiếng Anh
Kinh phí160 triệu USD[5]
Doanh thu836,8 triệu USD[6]

Kẻ trộm giấc mơ[7] (tựa tiếng Anh: Inception) là một bộ phim điện ảnh Anh – Mỹ thuộc thể loại hành động – khoa học viễn tưởng ra mắt năm 2010 do Christopher Nolan làm đạo diễn, viết kịch bản và đồng sản xuất. Bộ phim có sự góp mặt của dàn diễn viên chính bao gồm Leonardo DiCaprio, Elliot Page, Joseph Gordon-Levitt, Marion Cotillard, Ken Watanabe, Tom Hardy, Dileep Rao, Cillian Murphy, Tom Berenger, và Michael Caine. DiCaprio vào vai Dom Cobb, một kẻ cắp chuyên nghiệp chuyên thực hiện các hoạt động gián điệp kinh tế bằng cách xâm nhập vào tiềm thức mục tiêu của anh ta. Cobb được đề nghị thực hiện một nhiệm vụ để chuộc lại cuộc đời cho mình, một nhiệm vụ bất khả thi: "ý tưởng khởi nguồn" – thông qua việc cấy ghép ý tưởng của một người vào trong tiềm thức của người khác.[8]

Không lâu sau khi hoàn tất bộ phim Insomnia (2002), Nolan bắt tay vào viết kịch bản dài 80 trang cho một bộ phim về những "kẻ đánh cắp giấc mơ", lấy cảm hứng từ giấc mơ sáng suốt và trình bày ý tưởng này cho Warner Bros..[9] Cảm thấy cần có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất phim với quy mô lớn, Nolan tạm gác lại dự án và thay vào đó phát triển các phim Huyền thoại Người Dơi (2005), Ảo thuật gia đấu trí (2006), và Kỵ sĩ bóng đêm (2008)[10]. Quay lại với dự án, ông bỏ ra sáu tháng để rà soát lại kịch bản rồi bán nó lại cho Warner Bros. vào tháng 2 năm 2009[11]. Đoàn làm phim đã quay tại sáu quốc gia và bốn lục địa, bắt đầu vào ngày 19 tháng 6 năm 2009 ở Tokyo và kết thúc tại Canada vào ngày 22 tháng 11 cùng năm[12]. Bộ phim có kinh phí 160 triệu USD; chia đôi giữa Warner Bros. và Legendary Pictures[5]. Danh tiếng của Nolan cùng với thành công trước đó của Kỵ sĩ bóng đêm giúp tiết kiệm 100 triệu đô la chi phí quảng cáo, nhờ hình thức tiếp thị lan truyền.

Ngày 8 tháng 7 năm 2010, buổi công chiếu đầu tiên của Kẻ trộm giấc mơ được tổ chức tại Luân Đôn, sau đó bộ phim được chiếu tại các rạp chiếu phim ở Mỹ từ ngày 16 tháng 7[13][14] và ở Việt Nam từ ngày 6 tháng 8. Bộ phim là một thành công thương mại khi mang về hơn 800 triệu đô la doanh thu trên toàn thế giới, trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 65 trong lịch sử[6]. Thị trường video gia đình cũng thu về 68 triệu đô la từ đĩa DVD và Blu-ray bán được. Sau khi ra mắt, tác phẩm nhận được các đánh giá khen ngợi về dàn diễn viên, âm nhạc, hiệu ứng hình ảnh và sự sáng tạo trong kịch bản[15]. Bộ phim đoạt bốn Giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất, Biên tập âm thanh xuất sắc nhất, Hòa âm hay nhấtHiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất và được đề cử ở bốn hạng mục khác: Phim hay nhất, Nhạc phim hay nhất, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhấtKịch bản gốc xuất sắc nhất.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Dominick "Dom" Cobb (Leonardo DiCaprio) và cộng sự là Arthur (Joseph Gordon-Levitt) là những "người trích xuất", những người sử dụng một công nghệ thử nghiệm của quân đội cho phép xâm nhập vào tiềm thức của đối tượng để đánh cắp thông tin. Đối tượng gần đây nhất của họ là doanh nhân người Nhật, ông Saito (Ken Watanabe). Họ không trích xuất thông tin thành công khi ký ức về Mal (Marion Cotillard) – người vợ đã chết của Cobb, xuất hiện và phá vỡ giấc mơ. Saito cho biết rằng thực ra ông đang thử thách họ trước một nhiệm vụ khó khăn gọi là "ý tưởng khởi nguồn": gieo ý tưởng vào tiềm thức của một người.

Nhằm mục đích phá vỡ tập đoàn năng lượng của đối thủ Maurice Fischer (Pete Postlethwaite), Saito muốn Cobb gieo ý tưởng giải tán công ty vào tâm trí con trai Fischer là Robert Fischer (Cillian Murphy), người thừa kế tập đoàn. Nếu Cobb thành công, bằng ảnh hưởng của mình, Saito sẽ xóa bỏ các cáo buộc Cobb giết người, khi đó Cobb có thể quay trở về nhà với các con của anh. Cobb chấp nhận lời đề nghị của Saito. Cobb tập hợp một nhóm gồm Eames (Tom Hardy), người chuyên giả mạo danh tính và lấy cắp thông tin bằng cách lấy lòng tin đối tượng; Yusuf (Dileep Rao), người bào chế thuốc tạo ra loại thuốc an thần cực mạnh để ổn định "giấc mơ bên trong giấc mơ"; Ariadne (Ellen Page), sinh viên kiến trúc có nhiệm vụ thiết kế mê cung cảnh quan trong giấc mơ; và Arthur. Saito nhất quyết theo cùng để chắc chắn rằng họ thành công.

Khi ông Fischer bố qua đời tại Sydney, Robert Fischer hộ tống thi thể của ông về lại Los Angeles, và nhóm của Cobb nhân cơ hội này tiếp cận Fischer. Cobb gây mê Fischer, đưa anh ta vào giấc mơ chung với những người trích xuất. Sử dụng phương pháp "giấc mơ bên trong giấc mơ", tại một tầng giấc mơ, người mơ giấc mơ ở lại để tạo ra một "cú hích" đánh thức những người khác đang đi vào sâu hơn bên trong giấc mơ đó. Nếu trong trường hợp bình thường, chết trong giấc mơ sẽ khiến người mơ tỉnh giấc, thì loại thuốc an thần dùng để ổn định những giấc mơ này sẽ ngăn chặn điều đó; nghĩa là người nào chết trong khi đang trong nhiệm vụ này sẽ rơi vào limbo, khoảng không tiềm thức nguyên thủy vô hạn định rất khó thoát ra. Limbo không phải là một giấc mơ của riêng ai, mà là không gian chung trong đó một cá nhân có thể gây ra những thay đổi to lớn.

Ở tầng đầu tiên, giấc mơ về trung tâm thành phố trong mưa của Yusuf, cả nhóm bắt cóc được Fischer; tuy nhiên tiềm thức Fischer đã được huấn luyện để đáp trả các cuộc tấn công tiềm thức và khiến Saito bị thương nặng. Eames tạm thời giả dạng người bố đỡ đầu của Fischer, Peter Browning (Tom Berenger), để gợi ý Fischer cân nhắc về di chúc của bố anh. Yusuf ở lại tầng thứ nhất và lái chiếc xe tải, trong đó những người khác được gây mê để tiến vào tầng thứ hai, giấc mơ của Arthur về một khách sạn. Ở tầng này, những người trích xuất tiếp cận Fischer, làm anh ta tin rằng họ là những hình chiếu trong tiềm thức Fischer và chính Browning đã lên kế hoạch bắt cóc anh ta. Tại tầng ba, giấc mơ của Eames về một ngọn núi tuyết, cả nhóm nói với Fischer rằng họ đang ở trong tiềm thức của Browning, trong khi thực ra họ đang đi sâu hơn vào tiềm thức của Fischer. Ở tầng một, Yusuf bị truy đuổi và vô tình lái xe trượt khỏi cây cầu quá sớm, khởi động cú hích làm mất trọng lực trong giấc mơ của Arthur và gây lở tuyết trong giấc mơ của Eames, khiến cả nhóm đều bỏ lỡ cú hích. Arthur ứng biến tạo ra một cú hích mới bằng cách gây ra một vụ rơi thang máy có thể đồng bộ với cú tiếp nước của chiếc xe tải, trong khi cả nhóm trong giấc mơ của Eames khẩn trương hoàn tất công việc trước khi cú hích kế tiếp đến.

Saito không chịu nổi vết thương và ngã quỵ, và hình chiếu Mal của Cobb giết chết Fischer, phá hủy toàn bộ kế hoạch và khiến cả hai rơi vào limbo.[16] Cobb và Ariadne đi vào limbo để tìm Fischer và Saito, trong khi Eames ở lại để tạo ra cú hích bằng cách đặt thuốc nổ xung quanh pháo đài. Cobb tiết lộ với Ariadne rằng anh và Mal đã ở trong limbo "50 năm" để tạo ra một thế giới bằng những ký ức chung của hai người. Tỉnh dậy trong thế giới thực, Cobb và Mal nhận ra rằng chưa đến ba giờ đồng hồ trôi qua. Tin rằng mình vẫn còn đang mơ, Mal tự sát và tuyệt vọng thuyết phục Cobb cũng làm như vậy, bằng cách buộc tội Cobb có liên quan đến cái chết của cô. Đối mặt với bản án giết người, Cobb trốn chạy khỏi nước Mỹ, để hai đứa con của anh lại trong sự chăm sóc của mẹ và bố vợ anh, giáo sư Stephen Miles (Michael Caine). Anh thú nhận rằng ngay từ đầu, chính anh đã gieo vào đầu Mal ý tưởng rằng thế giới thực là giả.

Cobb gạt bỏ mặc cảm tội lỗi về cái chết của Mal. Ariadne giết chết hình chiếu của Mal và đánh thức Robert bằng một cú hích. Bị đánh thức ở tầng thứ ba, Robert chấp nhận ý tưởng đã được cấy ghép: hình chiếu bố anh đang hấp hối trên giường bệnh mong muốn anh sẽ là chính mình. Cobb ở lại tiếp tục tìm kiếm Saito trong limbo còn những người khác theo những cú hích đồng bộ để quay về hiện thực. Cobb cuối cùng cũng tìm thấy Saito – lúc này đã già – và hai người nhớ lại thỏa thuận của mình. Cả nhóm cùng Robert Fischer thức giấc trên máy bay.

Khi về đến Los Angeles, Cobb thực hiện các thủ tục Hải quan thành công và gặp bố vợ đang đợi mình, và sau đó về nhà đoàn tụ với các con. Cobb xoay con quay nhằm xác định mình đang ở trong mơ hay đã thức tỉnh, nhưng bỏ qua nó để chào đón những đứa trẻ.

Diễn viên[sửa | sửa mã nguồn]

Dàn diễn viên xuất hiện trong buổi chiếu ra mắt bộ phim, tháng 7 năm 2010: Từ trái sang phải: Cillian Murphy, Marion Cotillard, Joseph Gordon-Levitt, Ellen Page, Ken Watanabe, Michael Caine, và Leonardo DiCaprio
  • Leonardo DiCaprio vai Dom Cobb, một kẻ trộm chuyên nghiệp chuyên đánh cắp bí mật của người khác bằng cách xâm nhập giấc mơ của họ. DiCaprio là nam diễn viên đầu tiên thử diễn cho phim.[17] Nolan đã gặp diễn viên nhiều lần, nhưng chưa thuyết phục được anh tham gia phim nào của mình trước Inception.[18] Theo trang The Hollywood Reporter, cả Brad PittWill Smith cũng được mời diễn vai này.[19]
  • Joseph Gordon-Levitt vai Arthur, đồng nghiệp của Cobb, có vai trò nghiên cứu các nhiệm vụ. Gordon-Levitt xem Arthur là một nhà xuất bản đối với các ý tưởng của Cobb, "anh ta nói rằng, 'Được, anh có ý tưởng rồi, bây giờ tôi sẽ tạo ra những chi tiết nho nhỏ để anh làm nhiệm vụ của mình'".[20] Nam diễn viên tự thực hiện mọi cảnh quay mạo hiểm của anh, trừ một cảnh và cho biết "công đoạn chuẩn bị thực sự là một thử thách và phải có sự chuẩn bị này để cảnh quay trông thật".[21] James Franco từng làm việc với Christopher Nolan về việc diễn vai Arthur, tuy nhiên anh đã không tham gia vì không thể sắp xếp thời gian.
  • Ellen Page vai Ariadne, một sinh viên kiến trúc được tuyển mộ để thiết kế khung cảnh trong giấc mơ, được mô tả như các mê cung. Trong Thần thoại Hy Lạp, Ariadne – công chúa con gái của Vua Minos, đã giúp người anh hùng Theseus vượt qua mê cung giam giữ Minotaur bằng cách trao cho ông một thanh gươm và một cuộn dây. Nolan cho biết ông chọn Page bởi vì cô là "sự kết hợp hoàn hảo giữa sự tươi trẻ, khéo léo, và trưởng thành hơn tuổi".[22] Page nói, nhân vật của cô cũng giống như người đại diện cho khán giả, vì "cô ấy cũng đang học hỏi những khái niệm này và thực chất đang hỗ trợ khán giả tìm hiểu về việc chia sẻ giấc mơ".[23] Christopher Nolan chọn Evan Rachel Wood cho vai diễn này đầu tiên, nhưng nữ diễn viên từ chối. Nolan đã cân nhắc thử vai Emily Blunt, Rachel McAdams, Emma Roberts, Jessy Schram, và Carey Mulligan trước khi Ellen Page được mời và chấp nhận vai diễn.
  • Tom Hardy vai Eames, đồng sự của Cobb, có khả năng ăn nói sắc sảo. Eames có thể ăn cắp danh tính một người để giả dạng người đó trong thế giới giấc mơ, nhằm thao túng Fischer. Hardy mô tả nhân vật của anh là "một nhà ngoại giao đứng tuổi mang phong cách Graham Greene; kiểu như hào nhoáng, biến chất, đáng khinh – một người tình kiểu Shakespeare kết hợp với một người từ Lực lượng đặc biệt Anh quốc", mặc trang phục "tiền cũ rẻ tiền".[24]
  • Ken Watanabe vai Saito, doanh nhân người Nhật thuê Cobb thực hiện nhiệm vụ này. Nolan nghĩ đến Watanabe khi viết nhân vật này, vì ông muốn tiếp tục cộng tác với Watanabe sau Batman Begins.[25] Inception là bộ phim nói tiếng Anh bối cảnh hiện đại đầu tiên của Nolan mà Watanabe tham gia. Watanabe nỗ lực làm nổi bật một nét tính cách của Saito ở mỗi tầng giấc mơ khác nhau – "Lúc đầu trong lâu đài của tôi, tôi thể hiện một vài cảm xúc ẩn giấu cho chu kỳ. Nó huyền diệu, mạnh mẽ và rồi đến giấc mơ thứ nhất. Và đến phần hai, trong khách sạn cũ, tôi thể hiện sắc sảo, thông minh và trấn tĩnh hơn và đó là một quá trình khác nhằm tạo nên nhân vật trong bất kỳ bộ phim nào".[26]
  • Dileep Rao vai Yusuf. Rao mô tả Yusuf là "nhà dược học avant-garde, chuyên cung cấp tài nguyên cho người như Cobb, những người muốn làm việc này mà không bị giám sát trong khi không đăng ký và không được cho phép". Đồng sản xuất Jordan Goldberg nói vai một người bào chế thuốc "đặc biệt khó bởi bì anh không muốn ông ta trông giống như một kẻ buôn bán ma túy", và nói rằng Rao có được vai diễn vì "vui tính, thú vị và thông minh thấy rõ".[27]
  • Cillian Murphy vai Robert Michael Fischer, người thừa kế đế chế kinh doanh và là mục tiêu của cả nhóm.[25] Murphy nói anh đã thể hiện Fischer là "một đứa trẻ nóng nảy rất cần bố mình quan tâm, anh có mọi thứ vật chất mà anh muốn, nhưng lại thiếu được quan tâm về cảm xúc". Nam diễn viên cũng nghiên cứu các con của Rupert Murdoch, và nói thêm rằng "việc sống trong cái bóng của một người quá quyền lực sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn".[28]
  • Tom Berenger vai Peter Browning, bố đỡ đầu của Robert Fischer và là đồng gám đốc điều hành tại công ty của gia đình Fischer.[1] Berenger cho biết, Browning cũng giống như "người bố thay thế" đối với Robert, và nhấn mạnh, "Browning đã ở bên cạnh [Robert] cả cuộc đời anh và có thể đã dành nhiều thời gian chất lượng cho anh hơn cả bố anh".[27]
  • Marion Cotillard vai Mal Cobb, người vợ đã qua đời của Dom. Cô là hiện thân cho tội lỗi của Dom về nguyên do thực sự cái chết của cô. Dom không thể nào điều khiển những hình chiếu của cô theo ý mình, gây khó khăn cho anh trong vai trò người trích xuất.[18] Nolan mô tả Mal giống như "bản chất của femme fatale," và DiCaprio khen ngợi vai diễn của Cotillard: "Cô ấy có thể vừa mạnh mẽ, vừa dễ tổn thương, vừa đầy hứa hẹn, vừa đầy tuyệt vọng cùng một lúc, và điều này thật hoàn hảo cho những mâu thuẫn trong nhân vật của cô".[29]
  • Pete Postlethwaite vai Maurice Fischer, người bố đang hấp hối của Robert Fischer và là người sáng lập ra cả một đế chế kinh doanh. Bộ phim là một trong ba phim cuối cùng mà Postlethwaite tham gia trước khi ông qua đời đầu năm 2011.
  • Michael Caine vai giáo sư Stephen Miles, người hướng dẫn và cũng là bố vợ của Cobb,[27] đồng thời là giáo sư của Adriadne và ông đã gợi ý cả nhóm mời cô tham gia.[30]
  • Lukas Haas vai Nash, một kiến trúc sư được Cobb thuê và đã phản bội nhóm, sau này thay thế bởi Ariadne.[31]
  • Talulah Riley vai người phụ nữ mà Eames giả trang trong giấc mơ. Riley rất thích vai diễn, mặc dù chỉ là một vai nhỏ – "Tôi mặc trang phục đẹp, làm quen với đàn ông ở quầy bar, rồi sau đó xô ông ta ra trong thang máy. Thật tuyệt khi làm điều gì đó người lớn một chút. Thường thì tôi diễn vai nữ sinh Anh 15 tuổi".[32]

Sản xuất[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Emma Thomas và Christopher Nolan trả lời câu hỏi về Inception

Ban đầu, Nolan viết bản thảo dài 80 trang nói về những kẻ đánh cắp giấc mơ.[9] Nolan hình dung Inception sẽ là một bộ phim kinh dị,[9] tuy nhiên ông viết nó theo thể loại phim trộm cướp, mặc dù cho rằng các phim trộm cướp "thường hời hợt về mặt cảm xúc".[33] Khi xem lại kịch bản, Nolan thấy đưa phim vào thể loại này là không phù hợp khi bộ phim "dựa rất nhiều vào ý tưởng về những thứ bên trong, ý tưởng về giấc mơ và ký ức. Tôi nhận thấy tôi phải đặt cược nhiều hơn vào cảm xúc".[33] Nolan làm việc với kịch bản trong chín đến mười năm.[17] Khi ông bắt đầu nghĩ đến việc làm phim, Nolan có được cảm hứng từ "thời đại điện ảnh mà bạn có The Matrix (1999), có Dark City (1998), có The Thirteenth Floor (1999) và thậm chí là Memento (2000) nữa. Chúng đều dựa trên mốc khởi điểm là thế giới xung quanh bạn có thể không thật".[33][34]

Năm 2001, Nolan gửi bản thảo đầu tiên cho Warner Bros., nhưng sau đó ông cảm thấy cần nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất phim với quy mô lớn, và chuyển sang thực hiện các phim Batman BeginsThe Dark Knight.[10] Ông sớm nhận ra rằng một bộ phim kiểu Inception cần rất nhiều ngân sách bởi vì "khi bạn nói về giấc mơ, tiềm năng của trí óc con người là vô tận. Và vì vậy bộ phim cũng phải có cảm giác vô tận. Bạn phải có cảm giác là bạn có thể đi bất cứ đâu khi bộ phim kết thúc. Và bộ phim phải được thực hiện với quy mô cực lớn".[10] Sau khi hoàn tất The Dark Knight, Nolan quyết định tiếp tục thực hiện Inception và bỏ ra sáu tháng để hoàn thành kịch bản.[10] Nolan nói rằng chìa khóa để hoàn thiện kịch bản là tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi nhiều người cùng mơ chung một giấc mơ. "Khi bỏ qua yếu tố riêng tư, bạn đã tạo ra vô số những thế giới khác nhau mà mọi người đều có thể tương tác có hiệu lực, có trọng lượng, có ảnh hưởng mạnh mẽ".[35]

Leonardo DiCaprio là nam diễn viên đầu tiên thử diễn cho phim.[17] Nolan đã tìm cách làm việc với anh trong nhiều năm và gặp anh vài lần, nhưng chưa thể thuyết phục anh tham gia phim nào của mình trước Inception. DiCaprio cuối cùng đồng ý vì anh cảm thấy "bị hấp dẫn bởi ý tưởng này—ý tưởng về việc đánh cắp giấc mơ và làm cách nào nhân vật này có thể mở khóa thế giới giấc mơ của anh ta và làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới thực như thế".[36] DiCaprio đọc kịch bản, nói rằng nó "viết rất tốt và toàn diện, nhưng bạn phải gặp Chris ở ngoài mới có thể hiểu hết về những điều quanh quẩn trong đầu ông ấy tám năm trời".[10] DiCaprio và Nolan thảo luận về kịch bản trong nhiều tháng. Nolan dành nhiều thời gian để viết lại kịch bản, "đảm bảo rằng hành trình cảm xúc của Cobb là động lực của cả bộ phim".[17] Ngày 11 tháng 2 năm 2009, Warner Bros. mua lại kịch bản Inception của Nolan.[11]

Địa điểm và cảnh quay[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 19 tháng 6 năm 2009, phim bắt đầu quay tại Tokyo, với cảnh Saito thuê Cobb lần đầu khi bay phía trên thành phố trong một chiếc trực thăng.[9][37]

Sau đó đoàn làm phim đến Anh và thực hiện nhiều cảnh quay trong một nhà để khí cầu ở Cardington, Bedfordshire, phía Bắc London.[38] Ở đó, đoàn phim dựng nên cảnh quầy bar khách sạn nghiêng 30 độ.[39] Cũng tại đây, nhà thiết kế sản xuất Guy Hendrix Dyas, nhà giám sát hiệu ứng đặc biệt Chris Corbould và đạo diễn hình ảnh Wally Pfister đã xây dựng một hành lang khách sạn có thể xoay 360 độ để thể hiện hiệu ứng trọng lực từ nhiều hướng khác nhau cho các cảnh quay tại tầng thứ hai của giấc mơ. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ kỹ thuật trong 2001: A Space Odyssey (1968) của Stanley Kubrick. Nolan nói, "Tôi rất thích thú khi đưa những ý tưởng, kỹ thuật và lý thuyết vào trong cảnh quay hành động".[40] Đoàn làm phim ban đầu chỉ định làm hành lang dài 12 m, nhưng càng hoàn thiện cảnh quay, hành lang càng được kéo dài ra đến 30 m. Hành lang này nằm trong tám vòng tròn đồng tâm, cách đều nhau và được cấp nguồn bởi hai động cơ điện.[38] Joseph Gordon-Levitt, vai Arthur, luyện tập đánh nhau trong hành lang xoay vòng mà anh mô tả là "một cái bánh xe chuột khổng lồ".[33] Nolan nói về thiết bị này, "Nó như một loại máy tra tấn vậy; chúng tôi đè bẹp Joseph trong mấy tuần lễ, nhưng cuối cùng khi nhìn lại cảnh quay, nó không giống như thứ gì chúng tôi từng nhìn thấy trước đây. Nhịp điệu của nó độc đáo, nên dù bạn biết chúng tôi thực hiện như thế nào, khi xem phim bạn vẫn bị bối rối".[33] Gordon-Levitt nhớ lại, "hệt như là bạn về nhà khi bị đánh bầm dập vậy… Những cái bóng đèn trên trần nhà lại ở đâu đó dưới sàn, và bạn phải biết lúc nào bước qua chúng, nếu không, bạn té".[41] Ngày 15 tháng 7 năm 2009, đoàn phim tiếp tục quay tại University College London cho những cảnh có bối cảnh tại trường đại học kiến trúc Paris,[9] gồm có thư viện, Phòng trưng bày Flaxman và Nhà hát Gustav Tuck.[42]

Cảnh quay tiếp theo diễn ra tại Pháp, gồm cảnh Cobb bước vào một trường đại học kiến trúc (cảnh cổng vào quay tại Musée Galliera) và đoạn nói chuyện giữa Ariadne và Cobb ở một bistro (được dựng lên giữa góc Rue César Franck với Rue Bouchut), sau đó tại cầu Bir-Hakeim.[43] Giới chức địa phương không cho phép dùng thuốc nổ thật cho cảnh quay vụ nổ ở bistro, nên đoàn làm phim đã dùng nitơ áp suất cao để tạo ra hiệu ứng nổ dây chuyền. Pfister sử dụng sáu máy quay tốc độ lớn để quay lại cảnh quay từ nhiều góc khác nhau, đảm bảo họ có được cảnh quay. Sau đó, bộ phận hiệu ứng hình ảnh tiếp tục hoàn thiện đoạn phim, thêm vào nhiều mảnh vỡ bay và sự tàn phá cho khung cảnh. Đoàn làm phim dùng phông xanh và CGI cho cảnh "gấp Paris" và khi Ariadne "tạo ra" những cây cầu.[43]

Đoàn làm phim thực hiện cảnh Cobb thuê Eames và Yusuf tại Tangier, Maroc, trong phim cảnh này diễn ra tại Mombasa. Cảnh chạy bộ rượt đuổi được quay trên những đường phố và hẻm nhỏ ở khu medina.[44] Pfister dùng một máy quay cầm tay kết hợp với steadicam để quay cảnh này.[45] Tangier cũng đồng thời là địa điểm quay vụ bạo loạn trong cảnh quay đầu tiên trong trí óc Saito.

Đoàn phim tiếp tục di chuyển đến khu vực Los Angeles. Ở đây, nhiều khung cảnh được dựng lên tại sân khấu âm thanh của Warner Brothers, gồm có nội thất trong lâu đài Nhật của Saito (ngoại cảnh quay tại bãi biển Malibu). Phòng ăn lấy cảm hứng từ Lâu đài Nijo xây dựng khoảng năm 1603. Các cảnh quay này mang phong cách kiến trúc Nhật Bản và cả phương Tây.[45] Họ đồng thời tạo dựng cảnh rượt đuổi trên đường phố Los Angeles, gồm cảnh một đoàn tàu lửa chạy giữa đường.[46] Để làm được điều này, đoàn phim cấu hình động cơ tàu trên khung gầm của một chiếc đầu máy xe kéo. Những bộ phận còn lại được chế tạo bằng mẫu sợi thủy tinh lấy từ các bộ phận thật của tàu lửa và được làm giống hệt về màu sắc và kiểu dáng.[47] Thêm vào đó, cuộc rượt đuổi cũng phải quay giữa cơn mưa tầm tã, tuy nhiên thời tiết L.A. nắng thường xuyên khiến đoàn phim phải sử dụng các hiệu ứng phức tạp như vòi rồng từ mái nhà để khán giả có cảm giác rằng thời tiết vô cùng u ám. L.A. cũng là địa điểm đoàn phim quay cảnh cao trào trong đó chiếc xe tải Ford Econoline lao khỏi cầu Schuyler Heim.[48] Cảnh này được quay đi quay lại hàng tháng trời với chiếc xe được đẩy ra khỏi một khẩu pháo, theo lời diễn viên Dileep Rao. Phần quay những diễn viên rơi trong chiếc xe mất cả ngày. Khi chiếc xe tải chạm mặt nước, các diễn viên phải thể hiện bình tĩnh và không được hoảng hốt. Cillian Murphy nói "Khi họ yêu cầu bạn diễn vậy thì họ yêu cầu hơi khó".[48] Các diễn viên phải ở dưới nước từ bốn đến năm phút và thở bằng không khí từ bình dưỡng khí.[48] Cảnh nhà của Cobb được quay tại Pasadena. Cảnh hành lang khách sạn quay tại tòa nhà CAA ở Century City. Limbo quay tại địa điểm ở Los Angeles và Maroc, trong đó cảnh bãi biển quay tại Palos Verdes với những tòa nhà dựng bằng CGI. Đoàn phim chủ yếu quay cảnh limbo tại đường N Hope ở Los Angeles, với sự kết hợp của phông xanh và CGI cho phong cảnh xung quanh.

Cảnh quay trong tầng thứ ba của giấc mơ được quay tại Alberta khi đoàn phim phát hiện một khu trượt tuyết đang tạm thời đóng cửa, Fortress Mountain, vào tháng 11 năm 2009.[49] Mất ba tháng để đoàn làm phim dựng nên cảnh quay gần ga chairlift trên của khu trượt tuyết.[50] Để quay cảnh này, họ phải chờ đợi một trận tuyết lở mà cuối cùng cũng đến.[9] Cảnh rượt đuổi trên tuyết do Nolan lấy cảm hứng từ phim James Bond ưa thích của ông, On Her Majesty's Secret Service (1969): "Điều tôi thích ở phim đó mà chúng tôi cố tạo dựng lại trong phim này là sự cân bằng phi thường giữa hành động và quy mô và chủ nghĩa lãng mạn và bi kịch và cảm xúc".[51]

Quay phim[sửa | sửa mã nguồn]

Bộ phim được quay chủ yếu bằng định dạng anamorphic trên phim 35 mm, với những cảnh quan trọng quay trên phim 65 mm, và những cảnh trên không quay trên VistaVision. Nolan không quay cảnh nào bằng máy quay IMAX như ông đã thực hiện với The Dark Knight. "Chúng tôi cảm thấy không thể quay trên IMAX bởi vì kích thước của những chiếc máy quay bởi vì bộ phim này liên quan đến một lĩnh vực siêu thực, về thế giới giấc mơ, tôi muốn nó thực tế hết mức có thể. Không bị ràng buộc bởi kích thước của máy quay IMAX, mặc dù tôi rất thích định dạng đó".[17] Nolan và Pfister cũng thử quay bằng ShowscanSuper Dimension 70 là những công nghệ quay khổ lớn có tỉ lệ khung hình cao, tuy nhiên không sử dụng chúng khi quay chính thức.[39] Những cảnh quay chậm được thực hiện bằng máy quay 35mm Photo-Sonics với tốc độ chụp lên đến 1000 khung hình mỗi giây. Wally Pfister đã thử quay những cảnh này bằng máy quay phim kỹ thuật số, tuy nhiên ông nhận thấy định dạng này không đáng tin cậy vì có nhiều trục trặc kỹ thuật. "Trong số sáu lần chúng tôi quay bằng máy kỹ thuật số, chỉ có một lần chúng tôi thu được kết quả sử dụng được và nó còn không xuất hiện trong phim. Trong số sáu lần chúng tôi quay bằng máy quay Photo-Sonics với phim 35mm, mọi cảnh quay đều xuất hiện trong phim."[52] Nolan quyết định không quay trên định dạng 3D vì ông thích quay lên phim bằng ống kính tiêu cự cố định hơn[17], trong khi máy quay 3D không thể đáp ứng được điều này.[53] Nolan cũng đồng thời chê kiểu hình ảnh mờ mờ khi chiếu ảnh 3D, và tranh luận rằng phim truyền thống không chấp nhận nhận thức chiều sâu thực tế, nói rằng "Tôi nghĩ gọi 3D so với 2D là gọi sai. Điểm mấu chốt của hình ảnh điện ảnh là nó phải mang tính chất ba chiều… 95% trong số các tín hiệu chiều sâu của chúng tôi có từ đổ bóng không gian, độ phân giải, màu sắc và những thứ khác, vì thế gọi một phim 2D là 'phim 2D' có thể hơi gây hiểu lầm".[54] Trong quá trình hậu kỳ, Nolan thử chuyển Inception sang định dạng 3D và tuy có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật, ông quyết định không tiếp tục vì thiếu thời gian hoàn thiện bản chuyển đổi sang một kiểu định dạng vừa ý.[9][54] Tháng 2 năm 2011, Jonathan Liebesman cho biết Warner Bros. đang thử chuyển phim sang định dạng 3D để phát hành trên đĩa Blu-ray.[55]

Wally Pfister cho mỗi tầng giấc mơ một sắc thái khác nhau: ngọn núi tuyết mang vẻ khô khốc và lạnh lẽo, hành lang khách sạn có màu sắc ấm áp, còn những cảnh trong chiếc xe tải lại có sắc thái trung tính.[56] Việc này giúp khán giả nhận ra vị trí của câu chuyện khi bộ phim có nhiều đoạn liên tục chuyển cảnh.[57]

Nolan nói rằng bộ phim "nói về các tầng của thực tế, và nhận thức về thực tế là thứ tôi rất thích thú. Nó là một bộ phim hành động bối cảnh thế giới hiện đại, nhưng có một chút khuynh hướng khoa học viễn tưởng", đồng thời mô tả nó là "một cuộc phiêu lưu hành động trải dài cả địa cầu".[58]

Hiệu ứng hình ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Nolan chủ yếu sử dụng hiệu ứng thực tế cho những cảnh quay trong Inception, chỉ dùng rất ít computer-generated imagery. Ông nói, "Tôi rất coi trọng việc làm được nhiều nhất có thể bằng máy quay, và sau đó, nếu cần, đồ họa vi tính sẽ giúp ích trong việc hoàn thiện những gì bạn đã đạt được".[59] Để thực hiện điều này, nhà giám sát hiệu ứng hình ảnh Paul Franklin xây dựng một mô hình của pháo đài tuyết và cho nổ tung nó. Để thực hiện cảnh đánh nhau trong điều kiện không trọng lực, ông dùng các hiệu ứng mô phỏng hình ảnh trên máy tính để "bẻ cong vật lý, không gian và thời gian một cách tinh tế".[60]

Hiệu ứng hình ảnh khó thực hiện nhất là thành phố "limbo" ở phần cuối bộ phim vì nó cũng được xây dựng và hoàn thiện trong suốt quá trình làm phim. Nolan đưa ra ý tưởng cho Franklin: "Cái gì đó lạnh lẽo ảm đạm, với kiến trúc hiện đại, nhưng bị vỡ thành từng khối và rơi xuống biển như những tảng băng trôi".[60] Franklin và các họa sĩ đưa ra "một nơi giống như phiên bản tảng băng của Thành phố Gotham với nước chảy bên dưới nó".[60] Họ dựng lên mô hình cơ bản của dòng sông băng và rồi các nhà thiết kế thêm vào đó đường phố, giao lộ và khe nước cho đến khi họ có một thành phố phức tạp nhưng trông gọn gàng. Để thực hiện cảnh gấp đôi thành phố Paris, Franklin yêu cầu các họa sĩ vẽ vài bản vẽ ý tưởng và họ tạo ra chuyển động máy tính thô để họ có ý niệm về việc cảnh quay sẽ như thế nào. Sau này, trong quá trình quay chính thức, Nolan chỉ dẫn Leonardo DiCaprio và Ellen Page diễn xuất dựa trên hoạt cảnh thô này. Inception có gần 500 ảnh có hiệu ứng, có thể coi là ít nếu so sánh với các phim hiệu ứng cùng thời – những phim có thể chứa đến 1.500 hay 2.000 ảnh có hiệu ứng đặc biệt.[60]

Âm nhạc[sửa | sửa mã nguồn]

Hans Zimmer đảm nhận vai trò viết nhạc cho Inception.[1] Ông mô tả tác phẩm của mình là "nặng phong cách điện tử,[61] và rất dày",[62] chứa đầy "nỗi nhớ và nỗi buồn" để phù hợp với cảm xúc của Cobb xuyên suốt bộ phim.[63] Zimmer viết nhạc đồng thời với quá trình làm phim,[62] và có bao gồm một đoạn guitar gợi nhớ đến Ennio Morricone, chơi bởi Johnny Marr, cựu guitar của The Smiths. Bài hát "Non, je ne regrette rien" ("Không, tôi không hối hận điều gì") của Édith Piaf xuất hiện nhiều lần trong phim, dùng để tính toán thời gian trong các giấc mơ, và Zimmer chuyển một số đoạn bài hát thành giai điệu trong nhạc phim.[63] Album soundtrack được phát hành vào ngày 11 tháng 7 năm 2010 bởi hãng Reprise Records.[64] Trên đĩa 2 của bộ hai đĩa phim Blu-ray cũng chứa phần lớn nhạc phim với độ phân giải cao, âm thanh vòng 5.1.[65] Với tác phẩm này, Hans Zimmer nhận được đề cử tại Giải Oscar lần thứ 83 năm 2011 cho Nhạc phim hay nhất.[66]

Chủ đề[sửa | sửa mã nguồn]

Giấc mơ và thực tại[sửa | sửa mã nguồn]

Trong phim, cầu thang Penrose là ví dụ cho những cấu trúc không thể có trong thực tế nhưng vẫn tạo ra được trong giấc mơ sáng suốt.

Trong Inception, Nolan muốn khám phá "ý tưởng mọi người chia sẻ một không gian mơ với nhau… Nó cho bạn khả năng đi vào trong tiềm thức của người khác. Điều đó sẽ được dùng làm gì và sẽ bị lạm dụng như thế nào?"[17] Phần lớn nội dung phim diễn ra trong thế giới giấc mơ liên kết với nhau. Kiểu kiến trúc này tạo ra một nơi mà mọi hoạt động trong mơ và trong đời thực đan xen vào nhau. Giấc mơ luôn luôn được xây dựng, và nó thay đổi khi những nhân vật di chuyển trong đó.[67] Ngược lại, thế giới của The Matrix (1999) là một thế giới độc đoán được điều khiển bằng máy tính, ám chỉ đến lý thuyết kiểm soát xã hội được phát triển bởi Michel FoucaultJean Baudrillard. Thế giới của Nolan có nhiều điểm chung hơn với tác phẩm của Gilles DeleuzeFélix Guattari.[67]

David Denby của The New Yorker so sánh cách Nolan xử lý những giấc mơ với cách của Luis Buñuel trong Belle de Jour (1967) và The Discreet Charm of the Bourgeoisie (1972).[68] Theo Denby, Nolan "có đầu óc trực nghĩa" ("a literal-minded man") không như Buñuel, người "âm thầm đẩy chúng ta vào trong mơ mộng ảo tưởng và để tự chúng ta tận hưởng trong kinh ngạc, nhưng Nolan lại đang biểu diễn nhiều mức độ trong cùng một lúc đến nỗi anh ta phải đưa vào hàng trang đối thoại chỉ để giải thích điều gì đang xảy ra". Buñuel bắt được "cường độ ác tính đặc thù của những giấc mơ thật."[68]

Deirdre Barrett, nhà nghiên cứu giấc mơ của Đại học Harvard, nói rằng không phải mọi chi tiết về giấc mơ mà Nolan đưa vào phim đều chính xác, tuy nhiên tính chất vô lý, lan man và nội dung rời rạc của nó cũng không khiến nó là một bộ phim ly kì hấp dẫn. Tuy nhiên "ông ấy cũng đúng về nhiều mặt," bà nói, trích dẫn cảnh Cobb bị xô vào bồn tắm trong khi đang ngủ, và trong giấc mơ nước ập vào ngôi nhà thông qua lối cửa sổ, đánh thức anh ta dậy. "Đó chính xác là cách các kích thích hoạt động, và bạn thường là thức giấc ngay sau tác động đó".[69]

Nolan nói, "Tôi cố gắng làm rõ rằng việc xâm nhập và điều khiển giấc mơ là một kỹ năng mà những người này có được. Thực sự là kịch bản được dựa trên những khái niệm chung và rất cơ bản, và chúng có thể đưa bạn tới đâu? Thực sự thì, ý tưởng lạ lùng duy nhất trong bộ phim này là sự tồn tại của một công nghệ cho phép bạn đi vào và chia sẻ giấc mơ với một người khác."[33]

Giấc mơ và màn ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều người khác tranh luận rằng chính bộ phim là một phép ẩn ý ám chỉ việc làm phim, hay chính trải nghiệm xem phim, những hình ảnh nhấp nháy trước mắt một người bên trong một căn phòng tối, cũng giống như một giấc mơ. Viết trên Wired, Jonah Lehrer ủng hộ cách giải thích này và đưa ra các bằng chứng rằng các hoạt động não trong quá trình xem phim và khi ngủ là rất giống nhau. Trong cả hai trường hợp, vỏ não thị giác hoạt động mạnh và vỏ não trước trán, vùng có chức năng luận lý, phân tích và tự ý thức, lại yên tĩnh.[70] Paul tranh luận rằng chính việc đi đến rạp chiếu phim cũng là một hình thức luyện tập chia sẻ giấc mơ, đặc biệt là khi xem Inception: những cảnh phim cắt nhanh khiến người xem phải nỗ lực hơn để ghép các mảnh câu chuyện lại với nhau. Quá trình tiêu thụ hình ảnh diễn ra song song với việc tạo ra chúng. Giống như trong phim, trong rạp chiếu, một người đi vào không gian giấc mơ của người khác, trường hợp này là của Nolan, và như với bao tác phẩm nghệ thuật khác, cách người xem đọc nó bị tác động bởi tiềm thức và mong muốn chủ quan của người khác.[67] Ở cầu Bir-Hakeim tại Paris, Ariadne tạo ra ảo ảnh vô tận bằng cách đặt hai tấm gương song song nhau bên dưới gầm cầu, Stephanie Dreyfus trong la Croix hỏi rằng "Đây không phải là một phép ẩn dụ đẹp đẽ, mạnh mẽ của điện ảnh và sức mạnh ảo giác của nó hay sao?"[71]

Kỹ thuật điện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Thể loại[sửa | sửa mã nguồn]

Nolan đưa vào phim nhiều yếu tố của các thể loại phim khác nhau, chủ yếu là khoa học viễn tưởng, trộm cướp (tiếng Anh: heist film) và film noir.

Marion Cotillard vai "Mal" Cobb, hình chiếu của tội lỗi của Dom Cobb về cái chết của vợ anh. Là nhân vật phản diện chính của bộ phim, Mal thường xuyên ác ý xuất hiện trong những giấc mơ của anh. Dom không có khả năng điều khiển những hình chiếu này, và chúng gây khó khăn cho anh trong vai trò người trích xuất.[18] Nolan mô tả Mal như "bản chất của femme fatale",[72] yếu tố noir được ám chỉ trong phim. Như kiểu "femme fatale cổ điển", mối quan hệ giữa cô với Cobb diễn ra trong đầu anh, là biểu hiện của chứng loạn thần kinh và nỗi sợ rằng anh hiểu quá ít về người phụ nữ mà anh yêu.[73] DiCaprio khen ngợi vai diễn của Cotillard: "Cô ấy có thể vừa mạnh mẽ, vừa dễ tổn thương, vừa đầy hứa hẹn, vừa đầy tuyệt vọng cùng một lúc, và điều này thật hoàn hảo cho những mâu thuẫn trong nhân vật của cô".[25]

Nolan bắt đầu Inception với cấu trúc của một bộ phim trộm cướp, bởi vì phần mở đầu hay phần trình bày (tiếng Anh: exposition) – quá trình đưa ra các thông tin cơ bản về bối cảnh và sự kiện diễn ra trước nội dung chính – là quá trình đóng vai trò đặc biệt trong các phim thể loại này, sau đó điều chỉnh nó để có mức độ thể hiện cảm xúc phù hợp hơn cho thế giới giấc mơ và tiềm thức.[73] Denby phỏng đoán, "lớp vỏ bên ngoài của câu chuyện cũng là một câu chuyện caper phức tạp".[68] Kristin Thompson tranh luận rằng phần mở đầu là một phần rất quan trọng trong phim. Trong khi bộ phim trộm cướp truyền thống đưa ra hàng loạt những thông tin ban đầu trong phần mở đầu của phim và một đội nhóm được lập ra và người chỉ đạo đưa ra kế hoạch, thì trong Inception việc này diễn ra gần như liên tục khi nhóm người bước sang các tầng khác nhau của giấc mơ.[74] Ba phần tư bộ phim, từ đầu phim đến khi chiếc xe tải bắt đầu rơi khỏi cây cầu, là dành cho việc giải thích câu chuyện. Theo cách này, quá trình trình bày được ưu tiên hơn quá trình xây dựng tính cách nhân vật. Các nhân vật liên hệ với nhau bằng vai trò và kỹ năng của họ. Ariadne tạo ra mê cung và hướng dẫn những người khác đi qua nó, và giúp Cobb điều chỉnh tiềm thức của chính anh, và với vai trò là người duy nhất đang tìm hiểu về việc chia sẻ giấc mơ, cô đồng thời giúp khán giả có được khái niệm về cốt truyện.[75]

Nolan lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Jorge Luis Borges,[9][76] cảm hứng nhân vật "Ariadne" từ bộ phim anime Paprika (2006) của Satoshi Kon, và Blade Runner (1982) của Ridley Scott.[77]

Kết thúc[sửa | sửa mã nguồn]

Bộ phim kết thúc với cảnh con quay bắt đầu loạng choạng (nhưng không ngã), gợi lên suy nghĩ về việc cảnh cuối cùng diễn ra trong thực tại hay là trong một giấc mơ khác. Nolan khẳng định rằng ông đã chủ ý để cho có sự mơ hồ này: "Người ta hỏi tôi câu này nhiều lần hơn về bất cứ bộ phim nào tôi từng làm… Điều khiến tôi thấy thú vị là họ thực sự mong đợi tôi trả lời".[78] Kịch bản phim kết thúc với câu "Phía sau anh ta, trên bàn, con quay VẪN ĐANG QUAY. Còn chúng ta – MỜ DẦN".[79] Tuy nhiên, Christopher Nolan cũng nói thêm, "Tôi cho cắt cảnh ở đoạn đó, áp đặt sự mơ hồ lên phim. Tôi luôn cảm thấy đó là cái kết đúng – tôi luôn cảm thấy nó là một 'cú hích' thích hợp… Điểm cốt yếu nằm ở chỗ—và đây là cái mà tôi trả lời mọi người—là Cobb không hề nhìn vào con quay. Anh ấy nhìn những đứa trẻ. Anh ấy bỏ nó lại phía sau. Đó chính là ý nghĩa cảm xúc của nó."[78]

Một số chuyên gia[80][81] chỉ ra rằng thực sự con quay không phải là tổ vật của Cobb, cho rằng cuộc tranh luận là không liên quan. Họ chỉ ra rằng con quay là tổ vật của Mal; còn của Cobb là chiếc nhẫn cưới của anh, bởi vì bất cứ lúc nào Cobb ở trong một giấc mơ thì anh đeo chiếc nhẫn đó, còn ngoài thực tại thì không. Khi anh đưa hộ chiếu cho viên sĩ quan, tay anh không đeo nhẫn; vì thế anh đã ở trong thực tại khi gặp con mình. Thêm nữa, những đứa trẻ được thể hiện bởi các diễn viên khác,[82] cho biết chúng đã lớn hơn.

Tháng 9 năm 2010, Michael Caine giải thích phần kết theo ông, "Nếu tôi có mặt ở đó thì nó là thật, bởi vì tôi chưa bao giờ ở trong giấc mơ. Tôi là người phát minh ra giấc mơ".[83] Nolan nói "bộ phim không nói rõ ràng rằng thế này hay thế kia".[73] Ông nói thêm rằng con quay không phải là yếu tố quan trọng nhất của đoạn kết: "Tôi đọc được rất nhiều cách hiểu sai… Thứ quan trọng nhất liên quan đến con quay ở phần cuối phim là việc Cobb không hề nhìn nó. Anh không quan tâm."[73]

Phát hành[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếp thị[sửa | sửa mã nguồn]

Warner Bros. đã chi 100 triệu đô la để quảng bá cho bộ phim. Mặc dù Inception không phải là phần tiếp nối của phim nào trước đó, nhưng Sue Kroll, giám đốc quảng bá toàn cầu của Warner, nói rằng công ty tin bộ phim vẫn sẽ được biết đến vì sức mạnh của "thương hiệu Christopher Nolan". Kroll nói "Chúng tôi không có cái tên thương hiệu có thể mang đến một đợt mở màn mùa hè doanh thu cao, nhưng chúng tôi có dàn diễn viên rất tuyệt và ý tưởng tươi mới từ một nhà làm phim có lịch sử làm ra những bộ phim tuyệt vời. Nếu có những yếu tố này mà còn không thành công thì đúng thật là một ngày buồn".[84] Studio cũng cố thực hiện một chiến dịch quảng cáo bí mật—theo báo cáo của phó giám đốc tiếp thị tương tác, Michael Tritter, "Bạn có một bộ phim mà lượng người hâm mộ tiềm năng là rất nhiều… nhưng bạn cũng có một bộ phim mà bạn muốn giữ nó hết sức bí mật. Chris [Nolan] rất thích việc mọi người đến xem phim của ông trong rạp chứ không phải xem ở đâu đó bên ngoài, nên mọi thứ bạn làm để quảng bá nó là để mồi sự hứng thú cho khán giả".[85]

Một chiến dịch tiếp thị lan truyền được áp dụng cho bộ phim. Sau khi trailer đầu tiên được hé lộ, vào tháng 8 năm 2009, trên trang web chính thức của phim xuất hiện đoạn phim về con quay của Cobb. Tháng 12, con quay ngã đổ và trang web đưa ra một trò chơi trực tuyến tên là Mind Crime, khi hoàn thành sẽ hé mở áp phích quảng cáo của Inception.[86] Chiến dịch quảng bá tiếp tục diễn ra tại WonderCon vào tháng 4 năm 2010, tại đây Warner tặng miễn phí nhiều áo phông quảng cáo có in hình chiếc cặp PASIV dùng để tạo ra không gian giấc mơ, và mã QR đến hướng dẫn trực tuyến của thiết bị này.[87] Trò chơi Mind Crime tiếp tục có màn 2, cung cấp nhiều tài nguyên hơn, gồm cả một trailer ẩn của phim.[88] Các hoạt động khác trong chiến dịch quảng bá tiếp tục diễn ra trước ngày phát hành Inception, bao gồm quyển hướng dẫn chứa nhiều hình ảnh và thông điệp kì lạ được gửi đến tạp chí Wired,[89] và các trang xuất bản phần mềm ứng dụng, áp phích, quảng cáo trực tuyến có liên quan đến bộ phim.[90][91] Warner đồng thời ra mắt truyện tranh trục tuyến Inception: The Cobol Job, lấy bối cảnh trước khi bộ phim diễn ra.[92]

Trailer chính thức được phát hành thông qua trò chơi Mind Game vào ngày 10 tháng 5 năm 2010 được đón nhận rất tốt.[88] Trong trailer là đoạn nhạc phim "Mind Heist" sáng tác bởi nhạc sĩ Zack Hemsey,[93] thay vì nhạc phim gốc.[94] Bản trailer nhanh chóng được lan truyền với nhiều kiểu mashup sao chép phong cách của nó, không chỉ bởi những người nghiệp dư trên các trang mạng như YouTube[95] mà cả bởi dân chuyên nghiệp từ các trang như CollegeHumor.[96][97] Ngày 7 tháng 10 năm 2010, một video phía sau màn ảnh được phát hành với định dạng HD trên Yahoo! Movies.[98]

Thị trường gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Inception được phát hành trên DVD và Blu-ray vào ngày 3 tháng 12 năm 2010 tại Pháp,[99] và trong tuần sau đó tại Anh và Mỹ (7 tháng 12 năm 2010).[100][101] Warner Bros. đồng thời phát hành tại Hoa Kỳ một phiên bản đĩa Blu-ray gói trong một chiếc cặp giống như cặp PASIV, và bao gồm những chi tiết bổ sung như con quay tổ vật. Với số lượng sản xuất dưới 2000, sản phẩm này nhanh chóng hết hàng trong vòng hai ngày cuối tuần.[102]

Trò chơi điện tử dự kiến[sửa | sửa mã nguồn]

Nolan nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm 2010 rằng ông có ý định sản xuất một trò chơi điện tử lấy bối cảnh thế giới của Inception, cùng một nhóm cộng tác. Ông mô tả nó là "một đề xuất dài hạn", nói về ý tưởng trò chơi điện tử là "điều mà tôi muốn khám phá".[103]

Hậu bản[sửa | sửa mã nguồn]

Khi được hỏi rằng liệu bộ phim có thể có phần sau, Nolan trả lời "Tôi không muốn nói là không, nhưng tôi cũng sẽ không suy nghĩ nhiều về nó".[104] Tom Hardy nói anh và các diễn viên khác đã ký thỏa thuận tham gia các phần sau nếu có, nhưng cũng không chắc là sẽ có phần sau hay không.[105]

Đón nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Doanh thu phòng vé[sửa | sửa mã nguồn]

Phim Công chiếu Doanh thu Xếp hạng doanh thu (từ trước đến nay) Chi phí sản xuất Tham khảo
Hoa Kỳ Bắc Mỹ Quốc tế Toàn thế giới Hoa Kỳ Toàn thế giới
Inception Tháng 7 năm 2010 $292.576.195 $532.956.569 $825.532.764 52 39 $160.000.000 [106]

Ngày 8 tháng 7 năm 2010, buổi công chiếu đầu tiên của Inception diễn ra tại Quảng trường Leicester ở London, Vương quốc Anh.[107] Sau đó, bộ phim được khởi chiếu tại các rạp truyền thống và rạp IMAX từ ngày 16 tháng 7 năm 2010.[13] Tại Hoa Kỳ và Canada, Inception được chiếu tại 3.792 rạp chiếu phim truyền thống và 195 rạp IMAX.[13] Chỉ trong ngày đầu công chiếu, phim đã mang về 21,8 triệu đô la Mỹ, với các suất chiếu lúc nửa đêm tại hơn 1.500 địa điểm.[108] Trong cuối tuần đầu ra mắt, bộ phim thu về 62,7 triệu đô la Mỹ và lập tức dẫn đầu các bảng xếp hạng.[109] Với doanh thu này, Inception đạt danh hiệu là bộ phim có doanh thu cao thứ hai trong cuối tuần đầu công chiếu, chỉ sau Avatar ở tiêu chí phim độc lập, không phải là hậu bản, bản làm lại hay bản chuyển thể.[109] Bộ phim vẫn giữ vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng trong cuối tuần thứ hai và ba sau ngày ra mắt, giảm 32% (42,7 triệu) và 36% (27,5 triệu đô la Mỹ) theo thứ tự,[110][111] trước khi rơi xuống vị trí thứ hai vào cuối tuần thứ tư, sau The Other Guys.[112]

Inception mang về doanh thu 292 triệu đô la Mỹ tại Hoa Kỳ và Canada, 56 triệu đô la Mỹ tại Vương quốc Anh, Ireland và Malta và 475 triệu đô la Mỹ tại các nước khác; tổng doanh thu là 823 triệu đô la Mỹ.[6] Năm thị trường có doanh thu phòng vé cao nhất sau Mỹ và Canada (292 triệu) là Trung Quốc (68 triệu), Vương quốc Anh, Ireland và Malta (56 triệu), Pháp và vùng Maghreb (43 triệu), Nhật Bản (40 triệu) và Hàn Quốc (38 triệu đô la Mỹ).[113] Bộ phim xếp thứ sáu về doanh thu trong năm 2010 tại thị trường Bắc Mỹ,[114] xếp thứ tư ở các thị trường khác, sau Toy Story 3, Alice in WonderlandHarry Potter and the Deathly Hallows - Part 1.[115] Hiện tại, phim đang xếp thứ 38 trong số các phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử.[116] Inception là bộ phim có lợi nhuận cao thứ ba trong sự nghiệp Christopher Nolan, sau The Dark KnightThe Dark Knight Rises[117]— đồng thời là phim mang về lợi nhuận cao thứ nhì cho Leonardo DiCaprio— sau Titanic.[118]

Đánh giá chuyên môn[sửa | sửa mã nguồn]

Rotten Tomatoes cho Inception số điểm 87% dựa trên các đánh giá từ 351 nhà phê bình, với điểm trung bình là 8,11/10. Theo trang web, các đánh giá chủ yếu mô tả bộ phim "thông minh, sáng tạo và hấp dẫn, Inception là bộ phim bom tấn hiếm hoi trong mùa hè này đã thành công cả về bản năng lẫn trí tuệ".[119] Metacritic, một trang tổng hợp đánh giá khác, cho bộ phim 74 trên 100 điểm dựa trên 42 đánh giá từ nhiều nhà phê bình, chủ yếu đều là các phản hồi tích cực.[120] Trong cuộc bình chọn tổ chức bởi CinemaScore trong thời gian cuối tuần đầu công chiếu, khán giả cho bộ phim điểm trung bình là "B+".[121]

Trong khi một số nhà bình luận cho rằng bộ phim hoàn toàn không có tính chất phức tạp, thậm chí phê bình chủ đề của phim là "chất liệu tầm thường vô vị", thì những cuộc thảo luận trực tuyến tỏ ra tích cực hơn.[122] Các cuộc tranh luận chủ yếu tập trung vào tính mơ hồ của đoạn kết phim, với nhiều nhà phê bình trong đó có Devin Faraci đặt giả thuyết bộ phim là một sự tự tham chiếu chính nó, một bộ phim về việc sản xuất phim và một giấc mơ về giấc mơ.[123] Một số nhà bình luận khác xem Inception như một cách nói bóng gió đến đạo Cơ đốc và tập trung vào việc bộ phim sử dụng các biểu tượng của nước và tôn giáo.[124] Một vài người khác, như Kristin Thompson, không thấy nhiều giá trị trong đoạn kết mơ hồ của phim, mà tìm thấy giá trị trong cấu trúc và phương pháp kể chuyện hơn, làm nổi bật Inception với phong cách dẫn chuyện liên tục đưa ra tình tiết.[125]

Nhìn chung, nhiều tạp chí dành cho Inception những nhận xét tích cực. Peter Travers của tạp chí Rolling Stone gọi Inception là một "ván cờ vua khéo léo đến cực kỳ" và kết luận rằng "kết quả là một cú hạ đo ván".[126] Jim Vejvoda của IGN đánh giá bộ phim là hoàn hảo, nói rằng nó là một "thành tựu phi thường của một nhà làm phim đang thể hiện tốt hơn qua từng bộ phim".[127] David Roark của Relevant Magazine gọi bộ phim là thành tựu lớn nhất của Nolan, nói rằng "Về cả mặt hình thức, trí tuệ và cảm xúc, Inception là một kiệt tác".[128]

Tạp chí Empire cho bộ phim năm sao trong ấn bản tháng 8 năm 2010, viết: "Cảm giác giống như Stanley Kubrick chuyển thể tác phẩm của tác giả khoa học viễn tưởng vĩ đại William Gibson… Nolan mang đến một tác phẩm khởi nguồn: chào mừng đến một nơi chưa ai khám phá".[129] Entertainment Weekly cho bộ phim điểm B+ và Lisa Schwarzbaum viết, "Nó là một chuỗi các hình ảnh bùng nổ đầy góc cạnh và mê hoặc như bất kỳ hình ảnh nào trong các bức tranh của M.C. Escher; thậm chí phép nối ngược trong Memento còn trông thô sơ nếu so sánh với nó".[130] New York Post cho bộ phim 4 sao, và Lou Lumenick viết, "DiCaprio, vai nhân vật nam chính bị dày vò, lôi kéo bạn vào một câu chuyện tình mà thậm chí những người không hâm mộ thể các phim khoa học viễn tưởng cũng sẽ bị hấp dẫn".[131] Roger Ebert của Chicago Sun-Times cho bộ phim 4 trên 4 sao và nhận nét rằng "điểm mấu chốt là ở sự tiến triển, ở việc đấu tranh vượt qua các lớp thực tại và giấc mơ, thực tại trong giấc mơ, giấc mơ mà không có thực tại. Nó là kiểu tung hứng đầy nghẹt thở".[132] Richard Roeper, cũng của báo Sun-Times, cho Inception điểm hoàn hảo "A+" và gọi bộ phim là "một trong những phim hay nhất của thế kỷ [21]".[133]

Mark Kermode từ BBC Radio 5 Live gọi Inception là bộ phim hay nhất của năm 2010, nói rằng "Inception là bằng chứng cho thấy con người không ngốc nghếch, điện ảnh không phải là đồ bỏ, và một tác phẩm bom tấn và một tác phẩm nghệ thuật có thể là cùng một thứ".[134]

Trong bài bình luận của mình trên Chicago Tribune, Michael Phillips đánh giá bộ phim 3 trên 4 sao và viết, "Tôi ước giá như Inception lạ hơn nữa, xa xăm hơn nữa… bộ phim hoàn toàn là một mê cung của Nolan, và thật hài lòng khi được xem một bộ phim mùa hè có tham vọng lớn".[135] Richard Corliss của tạp chí Time viết "ý tưởng tráng lệ về việc ghép tầm nhìn của một người vào trong tâm trí của rất nhiều khán giả… Ý tưởng đi xem phim và cùng mơ chung một giấc mơ đã có từ hàng thế kỷ. Với Inception, người xem có cơ hội được thấy khái niệm đó đã biến chuyển hiện đại ra sao".[136] Trên Los Angeles Times, Kenneth Turan cảm thấy rằng Nolan có khả năng hòa quyện "yếu tố truyền thống và hiện đại trong làm phim. Nếu bạn đang tìm kiếm cách tiêu khiển thông minh và mạnh mẽ, nó sẽ trông giống thế này".[137]

USA Today cho phim ba sao rưỡi trên thang bốn sao, và nhà báo Claudia Puig cảm thấy Nolan "coi khán giả của ông thông minh hơn bản thân họ–hay ít nhất là có khả năng với được đến tầm sáng tạo của ông. Một yêu cầu cao. Nhưng thật thoải mái khi tìm thấy một người đạo diễn làm chúng ta phải rướn người, đôi khi theo cách khó khăn, để bắt kịp".[138]

Tuy nhiên, không phải mọi đánh giá về bộ phim đều là đánh giá tích cực. David Edelstein của tạp chí New York nói trong bài viết của ông rằng ông "không biết vì sao nhiều người say mê nó như thế. Cứ như là có ai đi vào trong đầu họ khi họ đang ngủ và gieo vào đó ý tưởng rằng Inception là một kiệt tác và—đợi đã... Ô! Tôi biết rồi. Bộ phim là cách nói ẩn ý về sức mạnh của quảng cáo thổi phồng ảo tưởng—một sự ẩn ý của chính nó".[139] Rex Reed từ The New York Observer nói bộ phim "đúng là thứ chúng tôi mong đợi từ các phim mùa hè nói chung và phim của Christopher Nolan nói riêng… tôi không coi nó là một thành tựu".[140] A. O. Scott của The New York Times bình luận "có nhiều thứ để xem trong Inception, không có cái gì gọi là tầm nhìn nguyên bản. Ý tưởng của ông Nolan về tâm trí là quá trực nghĩa, quá phù hợp lý luận, và quá theo khuôn khổ để đo lường mức độ điên rồ".[141]

Một vài nguồn cho rằng nhiều phần nội dung của phim có nét tương đồng với truyện tranh năm 2002 tên The Dream of a Lifetime của Uncle Scrooge.[142][143][144]

Tháng 4 năm 2014, The Daily Telegraph đưa bộ phim vào danh sách 10 phim được đánh giá cao quá mức. Tim Robey của tờ Telegraph nói rằng "Bộ phim thất bại về mặt hình sự khi nó ngụ ý giấc mơ con người có thể bị xâm nhập, nhưng không mô tả đặc điểm nào để xác định cảm giác về giấc mơ, và không có cách nào để nhận ra ngay rằng mình đang ở trong một giấc mơ".[145] Inception nhận được giải cao nhất trong một cuộc bình chọn không chính thức của Los Angeles Times cho bộ phim được đánh giá cao quá mức của năm 2010.[146]

Tháng 3 năm 2011, thính giả của BBC Radio 1BBC Radio 1Xtra đã bình chọn bộ phim là phim ưa thích thứ chín của họ.[147] Năm 2012, Inception xếp hạng thứ 35 cho Phim được biên tập hay nhất từ trước đến nay bởi Hiệp hội Biên tập viên Điện ảnh.[148] Cùng năm đó, Total Film gọi bộ phim là phim có khả năng được xem lại nhiều nhất của mọi thời.[149] Năm 2014, Empire xếp hạng Inception ở vị trí thứ 10 trong số các phim hay nhất trong lịch sử, theo kết quả bình chọn bởi độc giả.[150]

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Inception xuất hiện trong 273 danh sách mười phim hay nhất của năm 2010, và đứng đầu trong 55 trong số các danh sách đó. Bộ phim cũng là một trong các phim được đánh giá cao nhất trong năm 2010, cùng với các phim The King's SpeechBlack Swan.[151]

Trong lĩnh vực kỹ thuật, bộ phim giành được nhiều giải thưởng như Giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất, Biên tập âm thanh xuất sắc nhất, Hòa âm hay nhất, và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất,[66]Giải thưởng của Hiệp hội Điện ảnh Anh cho Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, Hiệu ứng hình ảnh đặc biệt xuất sắc nhấtHòa âm hay nhất.[152] Trong số những đề cử trong lĩnh vực nghệ thuật như Phim, Đạo diễn và Kịch bản tại Giải Oscar, BAFTA và Giải Quả cầu vàng, bộ phim bị đánh bại bởi The Social NetworkThe King's Speech.[66][153] Tuy nhiên, bộ phim giành hai giải danh dự cho phim giả tưởng hay khoa học viễn tưởng: Giải Bradbury năm 2011 cho sản phẩm chính kịch hay nhất[154]Giải Hugo năm 2011 cho trình diễn chính kịch xuất sắc nhất, dạng dài.[155]

Đọc thêm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Johnson, David Kyle (Biên tập) (2011). Inception and Philosophy: Because It's Never Just a Dream. Irwin, William (Biên tập sêri). John Wiley & Sons. ISBN 1-118-07263-4.
  • Nolan, Christopher (Tác giả) (2010). Inception: The Shooting Script. Nolan, Jonathan (Lời nói đầu). Insight Editions. ISBN 1-60887-015-4.
  • Crawford, Kevin Ray (Tác giả) (2012). “The Rhetorics of the Time-Image: Deleuzian Metadiscourse on the Role of Nooshock Temporality (viz. "Inception") in Christopher Nolan's Cinema of the Brain”. ProQuest LLC. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c George (ngày 23 tháng 7 năm 2009). “Inception Cast and Crew Updates”. Cinema Rewind. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2009.
  2. ^ “Inception”. BBFC. ngày 29 tháng 6 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2010.
  3. ^ Chang, Justin (ngày 5 tháng 7 năm 2010). Inception. Variety. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2010.
  4. ^ “Inception”. LUMIERE: Dữ liệu dựa trên sự cho phép các phim phát hành tại châu Âu. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2018. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.
  5. ^ a b Fritz, Ben (ngày 15 tháng 7 năm 2010). “Movie projector: 'Inception' headed for No. 1, 'Sorcerer's Apprentice' to open in third”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2010. It's also one of the most expensive, at $160 million, a cost that was split by Warner and Legendary Pictures.
  6. ^ a b c “Inception”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2011.
  7. ^ “INCEPTION Movie POSTER 27x40 Vietnamese D Leonardo DiCaprio Ken Watanabe Joseph 883313474764”. eBay (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2023.
  8. ^ Eisenberg, Mike (ngày 5 tháng 5 năm 2010). “Updated 'Inception' Synopsis Reveals More”. Screen Rant. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010. One last job could give him his life back but only if he can accomplish the impossible—inception.
  9. ^ a b c d e f g h Hiscock, John (ngày 1 tháng 7 năm 2010). Inception: Christopher Nolan interview”. Daily Telegraph. UK. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2010.
  10. ^ a b c d e Itzkoff, Dave (ngày 30 tháng 6 năm 2010). “A Man and His Dream: Christopher Nolan and Inception. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2010. This is a film I first pitched to the studio probably nine years ago, and I wasn't really ready to finish it. I needed more experience in making a big movie.
  11. ^ a b Fleming, Michael (ngày 11 tháng 2 năm 2009). “Nolan tackles Inception for WB”. Variety. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2009.
  12. ^ “Filming Locations – NolanFans”. ngày 6 tháng 12 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2012.
  13. ^ a b c Subers, Ray (ngày 16 tháng 7 năm 2010). “Weekend Briefing: 'Inception' Breaks In, 'Apprentice' Lacks Magic”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
  14. ^ Peters, Jenny (ngày 14 tháng 7 năm 2010). “Partying for a Cause at the "Inception" Premiere”. Fashion Wire Daily. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2010.
  15. ^ Zeitchik, Steven (ngày 19 tháng 7 năm 2010). 'Inception' rides out critical backlash”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2012.
  16. ^ Anders, Charlie Jane (ngày 30 tháng 8 năm 2010). “Want to understand Inception? Read the screenplay!”. io9. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2010.
  17. ^ a b c d e f g Weintraub, Steve (ngày 25 tháng 3 năm 2010). “Christopher Nolan and Emma Thomas Interview”. Collider.com. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2010.
  18. ^ a b c Kit, Borys (ngày 1 tháng 4 năm 2009). “Three circle Nolan's 'Inception'. The Hollywood Reporter. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2009. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  19. ^ Masters, Kim (ngày 10 tháng 11 năm 2010). “The A-List Directors”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2014.
  20. ^ Ghi chép sản xuất (Production Notes), 2010, tr. 7.
  21. ^ Weintraub, Steve (ngày 13 tháng 7 năm 2010). “Joseph Gordon-Levitt Video Interview INCEPTION”. Collider. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2011.
  22. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 8.
  23. ^ Lennon, Christine (ngày 12 tháng 7 năm 2010). “Inception: Ellen Page interview”. The Daily Telegraph. UK. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2011.
  24. ^ Patches, Matt (ngày 12 tháng 7 năm 2010). “Inception's Tom Hardy Is The Forger, Darling”. UGO. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  25. ^ a b c Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 10.
  26. ^ Billington, Alex (ngày 20 tháng 7 năm 2010). “Interview: Japanese Actor Ken Watanabe – Saito in Inception”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2011.
  27. ^ a b c Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 11.
  28. ^ O'Doherty, Cahir (ngày 15 tháng 7 năm 2010). “Hollywood golden boy Cillian Murphy talks about 'Inception'. Irish Voice Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2011.
  29. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 9 và 10.
  30. ^ Tapley, Kristopher (ngày 24 tháng 4 năm 2009). “Caine confirmed in small role in Inception, Gordon-Levitt also joins the cast”. InContention. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2009.
  31. ^ Boursaw, Jane (ngày 26 tháng 8 năm 2009). “Ellen Page on the set of Inception in Paris”. EveryJoe. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2009.
  32. ^ Martin, Michael (ngày 10 tháng 5 năm 2010). “Talulah Riley”. Interview Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2011.
  33. ^ a b c d e f Boucher, Geoff (ngày 4 tháng 4 năm 2010). Inception breaks into dreams”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2010.
  34. ^ Marikar, Sheila (ngày 16 tháng 7 năm 2010). “Inside 'Inception': Could Christopher Nolan's Dream World Exist in Real Life? Dream Experts Say 'Inception's' Conception of the Subconscious Isn't Far From Science”. ABC News. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  35. ^ Itzkoff, Dave (ngày 30 tháng 6 năm 2010). “The Man Behind the Dreamscape”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2010.
  36. ^ Jolin, Dan (tháng 7 năm 2010). “Crime of the Century”. Empire. tr. 93–94.
  37. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 13.
  38. ^ a b Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 14.
  39. ^ a b Heuring, David (tháng 7 năm 2010). “Dream Thieves”. American Cinematographer. tr. 29. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2010.
  40. ^ Heuring, tháng 7 năm 2010, tr. 32.
  41. ^ Gordinier, Jeff (tháng 8 năm 2010). “Joseph Gordon-Levitt Comes of Age”. Details. tr. 4. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2010.
  42. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2014.
  43. ^ a b Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 17.
  44. ^ Khu medina nằm ở tây nam "Grand Souk", không còn là khu chợ, mà giờ là điểm giao cắt giao thông, Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 18.
  45. ^ a b Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 19.
  46. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 20.
  47. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 21.
  48. ^ a b c Ditzian, Eric (ngày 14 tháng 7 năm 2010). Inception Stars Reveal Secrets Behind Epic Van Scene”. MTV. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2010.
  49. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 22.
  50. ^ Jolin, tháng 7 năm 2010, tr. 93.
  51. ^ Jolin, tháng 7 năm 2010, tr. 91.
  52. ^ “From The Dark Knight to Inception, Wally Pfister, ASC refuses to compromise”. kodak. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2013.
  53. ^ “Christopher Nolan Tested 3D Conversion For 'Inception,' Might Use Process For 'Batman 3'. The Playlist. ngày 14 tháng 6 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  54. ^ a b “Christopher Nolan's dim view of a Hollywood craze: 'I'm not a huge fan of 3-D'. Los Angeles Times. ngày 13 tháng 6 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2011.
  55. ^ Gallagher, Brian (ngày 24 tháng 2 năm 2011). Inception being converted to 3D Blu-ray?”. movieweb.com. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2011.
  56. ^ Heuring, tháng 7 năm 2010, tr. 35.
  57. ^ Heuring, tháng 7 năm 2010, tr. 36.
  58. ^ Inception”. Empire. tháng 4 năm 2010.
  59. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 12.
  60. ^ a b c d Russell, Terrence (ngày 20 tháng 7 năm 2010). “How Inception's Astonishing Visuals Came to Life”. Wired. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  61. ^ “Hans Zimmer's 'Inception' Score Will Release On July 13th”. ScreenRant.com. ngày 18 tháng 6 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2010.
  62. ^ a b Cassidy, Kevin (ngày 13 tháng 7 năm 2010). “Q&A: Composer Hans Zimmer”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2010.
  63. ^ a b Martens, Todd (ngày 20 tháng 7 năm 2010). “Hans Zimmer and Johnny Marr talk about the sad romance of 'Inception'. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2010.
  64. ^ “Inception: Music from the Motion Picture official website”. Warner Bros. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2011.
  65. ^ “Inception Blu-ray review from Blu-ray.com”. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2012.
  66. ^ a b c “Nominees for the 83rd Academy Awards”. Academy of Motion Picture Arts and Sciences. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2011.
  67. ^ a b c Paul, I. A. Desiring-Machines in American Cinema: What Inception tells us about our experience of reality and film Lưu trữ 2011-08-24 tại Wayback Machine Senses of Cinema, Issue 56. Truy cập 4 tháng 10 năm 2011
  68. ^ a b c Denby, David (ngày 26 tháng 7 năm 2010). “Dream Factory”. The New Yorker. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2011.
  69. ^ Breznican, Anthony (ngày 15 tháng 7 năm 2010). 15 tháng 7 năm 2010-inception15_CV_N.htm “With Inception, Chris Nolan's head games continue” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). USA Today. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2010.[liên kết hỏng]
  70. ^ Lehrer, J. The Neuroscience of Inception Lưu trữ 2014-03-16 tại Wayback Machine, Wired, 26 tháng 7 năm 2010. Truy cập 8 tháng 10 năm 2011.
  71. ^ Dreyfus, Stéphanie 20 tháng 7 năm 2010-554535 "Inception", allégorie onirique sur l'illusion cinématographique[liên kết hỏng] La Croix, 20 tháng 7 năm 2010. Truy cập 3 tháng 1 năm 2012
  72. ^ Ghi chép sản xuất, 2010, tr. 9
  73. ^ a b c d Capps, Robers (ngày 8 tháng 12 năm 2010). “Inception's director discusses the film's ending and creation”. Wired. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.
  74. ^ Revisiting INCEPTION Lưu trữ 2018-09-29 tại Wayback Machine www.davidbordwell.net, 12 tháng 8 năm 2010. Truy cập 6 tháng 10 năm 2011.
  75. ^ INCEPTION; or, Dream a Little Dream within a Dream with Me Lưu trữ 2011-10-07 tại Wayback Machine www.davidbordwell.net. 6 tháng 8 năm 2010. Truy cập 6 tháng 10 năm 2011
  76. ^ Howell, Peter (ngày 15 tháng 7 năm 2010). “Howell: Relax and enjoy the ride, Inception director says”. Toronto Star. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  77. ^ “Inception par Christopher Nolan: Interview, références, indices.”. Excessif.com. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2010. (Translation Lưu trữ 2012-06-05 tại Wayback Machine) (tiếng Pháp)
  78. ^ a b Jensen, Jeff (ngày 30 tháng 11 năm 2010). “Christopher Nolan on his 'last' Batman movie, an 'Inception' videogame, and that spinning top”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2011.
  79. ^ Christopher Nolan (2010). Inception – The Shooting Script. Insight Editions. tr. 218. ISBN 978-1-60887-015-8.
  80. ^ "RevolvingDoorProject – INCEPTION: Wait.. What Happened?" Inception Ending RSS. N.p., n.d. Web. 12 tháng 7 năm 2014.
  81. ^ De Benedetti, Luca. "Inception: The Theory of the Ring." Felix Online. N.p., 12 tháng 1 năm 2013. Web. 12 tháng 7 năm 2014.
  82. ^ “Inception: Full Cast & Crew”. IMDb. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  83. ^ Moore, Ben (ngày 10 tháng 9 năm 2010). “Michael Caine Says 'Inception' Ending Was No Dream”. ScreenRant.com. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2011.
  84. ^ Fritz, Ben (ngày 7 tháng 7 năm 2010). “Warner gambles on an unproven commodity”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010.
  85. ^ “Finding 'Salt;' Marketing 'Inception'. KCRW. ngày 18 tháng 6 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2011.
  86. ^ Goldberg, Matt (ngày 15 tháng 12 năm 2010). “First Poster from Christopher Nolan's INCEPTION Starring Leonardo DiCaprio”. Collider.com. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  87. ^ Lesnic, Silas (ngày 5 tháng 4 năm 2010). “Start Your Dream Weaving”. UGO Networks. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  88. ^ a b Gallagher, Brian (ngày 10 tháng 5 năm 2010). “Official Full-Length Inception Trailer Is Here!”. MovieWeb. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2011.
  89. ^ Thill, Scott (ngày 1 tháng 6 năm 2010). “Mysterious Dream-Share Manual Is a Viral Mind-Wipe”. Wired. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2010.
  90. ^ Newman, Nick (ngày 7 tháng 6 năm 2010). “New Inception Viral Poster”. The Film Stage. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2010.
  91. ^ DiOrio, Carl (ngày 9 tháng 7 năm 2010). 'Inception' is no dream for marketers”. The Hollywood Reporter. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2011.
  92. ^ Owen, Matt (ngày 21 tháng 7 năm 2010). “Inception: multichannel marketing that works like a dream”. eConsultancy. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2011.
  93. ^ “Mind Heist”. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
  94. ^ 'Inception' Trailer Composer Zack Hemsey Profiled”. Slash Film. ngày 7 tháng 4 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2011.
  95. ^ “GHOSTBUSTERS Trailer Re-Cut to INCEPTION Score”. Collider.com. ngày 7 tháng 1 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  96. ^ “50s Inception Trailer Profiled”. CollegeHumor. ngày 5 tháng 10 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2011.
  97. ^ “A Capella Inception Trailer”. CollegeHumor. ngày 13 tháng 9 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2011.
  98. ^ Raup, Jordan (ngày 7 tháng 6 năm 2010). “Behind The Scenes Inception Featurette Now Available In HD”. The Film Stage. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2010.
  99. ^ “PHOTOS – Inception: découvrez le DVD en images”. Première. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  100. ^ Redwine, Ivana (ngày 7 tháng 12 năm 2010). “New DVD Releases – ngày 7 tháng 12 năm 2010”. About.com. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2011.
  101. ^ Barton, Joe (ngày 6 tháng 12 năm 2010). “New on DVD: Week of December 7”. Moviefone. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  102. ^ INCEPTION Limited Edition Blu-ray Briefcase Gift Set Lưu trữ 2014-01-08 tại Wayback Machine. Collider dẫn Warner Bros. Truy cập 11 tháng 8 năm 2014.
  103. ^ Jensen, Jeff (ngày 30 tháng 11 năm 2010). “Christopher Nolan on his 'last' Batman movie, an 'Inception' videogame, and that spinning top”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2010.
  104. ^ “Nolan Says 'Dark Knight Rises' is His Last Batman; Talks 'Inception' Ending, Sequel & Videogame”. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
  105. ^ Han, Angie. “Sequel Bits: Tom Hardy Signed for Potential 'Inception' Follow-up, Bill Murray on 'Ghostbusters 3,' 'G.I. Joe 2′ Updates”. /Film. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
  106. ^ “Inception (2010)”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2011.
  107. ^ Plumb, Alastair (ngày 9 tháng 7 năm 2010). Inception World Premiere Report”. Empire. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  108. ^ Finke, Nikki (ngày 17 tháng 7 năm 2010). 'Inception' Dreams Up $21.4M Friday And Possible $52M Weekend; No Magic For 'Sorcerer's Apprentice' With $5.4M/$16.5M”. Deadline.com. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
  109. ^ a b Gray, Brandon (ngày 19 tháng 7 năm 2010). “Weekend Report: 'Inception' Incites Intense Interest”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  110. ^ Gray, Brandon (ngày 26 tháng 7 năm 2010). 'Inception' Maintains Grip, 'Salt' Savors Second Place”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  111. ^ Gray, Brandon (ngày 2 tháng 8 năm 2010). 'Inception' Keeps Dream Alive”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  112. ^ Gray, Brandon (ngày 9 tháng 8 năm 2010). “Weekend Report: 'Other Guys' Arrest Audiences, 'Step Up' Gets Served, 'Inception' Lingers”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2011.
  113. ^ “Inception”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2010.
  114. ^ “2010 DOMESTIC GROSSES”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  115. ^ “2010 WORLDWIDE GROSSES”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2010.
  116. ^ “All Time Worldwide Box Office Grosses”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2011.
  117. ^ “Christopher Nolan”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  118. ^ “Leonardo DiCaprio”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2010.
  119. ^ “Inception”. Rotten Tomatoes. Flixster. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2010.
  120. ^ “Inception”. Metacritic. CBS. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2010.
  121. ^ Stewart, Andrew (ngày 18 tháng 7 năm 2010). 'Inception' tops weekend box office”. Variety. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2010.
  122. ^ Schager, Nick (ngày 14 tháng 7 năm 2010). “Inception”. Slant Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  123. ^ Faraci, Devin (ngày 19 tháng 7 năm 2010). “Never Wake Up: The Meaning and Secret of Inception”. Chud.com. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2011.
  124. ^ Lancashire, David (ngày 6 tháng 10 năm 2010). “Cobb is Dead”. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2011.[liên kết hỏng]
  125. ^ Thomas, Kristin (ngày 12 tháng 8 năm 2010). “Revisiting Inception”. Observations on Film Art (blog). Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2011.
  126. ^ Travers, Peter (ngày 12 tháng 7 năm 2010). Inception. Rolling Stone. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2010.
  127. ^ Vejvoda, Jim (ngày 6 tháng 7 năm 2010). Inception Para la gran mayoria de los criticos Inception es una de las mejores peliculas de la historia del cine. Review”. IGN. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2010.
  128. ^ Roark, David (ngày 12 tháng 7 năm 2010). Inception. Relevant Magazine. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2010.
  129. ^ Pierce, Nev (ngày 7 tháng 6 năm 2010). Inception. Empire. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2010.
  130. ^ Schwarzbaum, Lisa (ngày 12 tháng 7 năm 2010). Inception. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010.
  131. ^ Lumenick, Lou (ngày 14 tháng 7 năm 2010). “Dream team!”. New York Post. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2010.
  132. ^ Ebert, Roger (ngày 14 tháng 7 năm 2010). Inception. Chicago Sun-Times. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2010.
  133. ^ Roeper, Richard. Inception Review”. Chicago Sun-Times. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  134. ^ Kermode, Mark (ngày 24 tháng 12 năm 2010). Kermode Uncut: My Top Five Films of the Year. BBC. Sự kiện xảy ra vào lúc 5:05. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2011.
  135. ^ Phillips, Michael (ngày 15 tháng 7 năm 2010). 15 tháng 7 năm 2010/entertainment/sc-mov-0713-inception-20100715_1_dream-christopher-nolan-idea “Inception Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Chicago Tribune. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  136. ^ Corliss, Richard (ngày 14 tháng 7 năm 2010). Inception: Whose Mind Is It, Anyway?”. Time. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  137. ^ Turan, Kenneth (ngày 16 tháng 7 năm 2010). Inception. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2010.
  138. ^ Puig, Claudia (ngày 15 tháng 7 năm 2010). 15 tháng 7 năm 2010-inception15_ST_N.htm “You definitely won't sleep through complex thriller Inception Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). USA Today. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2010.
  139. ^ Edelstein, David (ngày 11 tháng 7 năm 2010). “Dream a Little Dream”. New York. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010.
  140. ^ Reed, Rex (ngày 13 tháng 7 năm 2010). “Can Someone Please Explain Inception to Me?”. The New York Observer. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  141. ^ Scott, A. O. (ngày 15 tháng 7 năm 2010). “This Time the Dream's on Me”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2010.
  142. ^ Brown, Damon (ngày 11 tháng 8 năm 2010). “Was 'Inception' inspired by Donald Duck?”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2011.
  143. ^ Gornstein, Leslie (ngày 4 tháng 8 năm 2010). “Did Inception Really Rip Off Scrooge McDuck?”. E! Online. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2011.
  144. ^ Sean, O'Neal (ngày 4 tháng 8 năm 2010). “The "Inception ripped-off Scrooge McDuck" theory that will briefly amuse you”. The A.V. Club. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2011.
  145. ^ Robey, Tim (ngày 21 tháng 4 năm 2014). “10 most overrated films of all time”. telegraph.co.uk. Telegraph Media Group. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2014.
  146. ^ Zeitchik, Steven (ngày 30 tháng 12 năm 2010). 'Inception' wins informal poll as most overrated movie of 2010 (Part 2)”. latimes.com. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2014.
  147. ^ “Radio 1 Movies Blog”. BBC. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2013.
  148. ^ “The 75 Best Editied Films”. CineMontage. Summer 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2013.
  149. ^ “50 Most Rewatchable Movies”. Total Film. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2013.
  150. ^ “The 301 Greatest Movies Of All Time”. Empire. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2014.
  151. ^ “Home Page – Best of 2010”. CriticsTop10. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2011.
  152. ^ “2011 BAFTA Awards Nominees”. Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2011.
  153. ^ “68th Annual Golden Globe Awards Nominations”. Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  154. ^ “2011 Nebula Award winners”. Tor.com. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2011.
  155. ^ “2011 Hugo Award winners”. Hugo Awards. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2011.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]