Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Mạnh Tri Tường”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Dòng 116: Dòng 116:
* Mạnh Di Củ (孟貽矩)
* Mạnh Di Củ (孟貽矩)
* Yết vương Mạnh Di Nghiệp (孟貽鄴)
* Yết vương Mạnh Di Nghiệp (孟貽鄴)
* Hậu Chủ Mạnh Nhân Tán (孟仁贊), tức Mạnh Sưởng
* Hậu Chủ Mạnh Nhân Tán (孟仁贊), tức [[Mạnh Sưởng (Hậu Thục)|Mạnh Sưởng]]
* Quỳ Cung Hiếu vương Mạnh Nhân Nghị (孟仁毅)
* Quỳ Cung Hiếu vương Mạnh Nhân Nghị (孟仁毅)
* Nhã vương Mạnh Nhân Chí (孟仁贄, 928-971
* Nhã vương Mạnh Nhân Chí (孟仁贄, 928-971

Phiên bản lúc 06:23, ngày 24 tháng 7 năm 2017

Thục Cao Tổ
蜀高祖
Hoàng đế Trung Hoa
Hoàng đế Hậu Thục
Tại vị16 tháng 3, 934[1][2] - 7 tháng 9, 934
Đăng quangtự lập
Tiền nhiệmkiến quốc
Kế nhiệmThục Minh Hiếu Đế
Thông tin chung
Sinh10 tháng 3, 874[1][3]
Mất7 tháng 9, 934[1][4]
An tángHòa lăng (和陵)
Thê thiếpXem văn bản
Hậu duệXem văn bản
Niên hiệu
Minh Đức (明德) 27/5/934[1][4] - 2/2/938[1][5]
Thụy hiệu
Văn Vũ Thánh Đức Anh Liệt Minh Hiếu hoàng đế (文武聖德英烈明孝皇帝)
Miếu hiệu
Cao Tổ (高祖)
Thân phụMạnh Đạo (孟道)

Mạnh Tri Tường (tiếng Trung: 孟知祥; bính âm: Mèng Zhīxíang, 10 tháng 5 năm 874[1][3]– 7 tháng 9 năm 934[1][4]), tên tự Bảo Dận (保胤),[6] gọi theo miếu hiệu là Hậu Thục Cao Tổ (後蜀高祖), là vị quân chủ khai quốc của nước Hậu Thục thời Ngũ Đại Thập Quốc. Thoạt đầu, ông là một tướng lĩnh của triều Hậu Đường, kết hôn với họ hàng của Hậu Đường Trang Tông, và giữ chức Tây Xuyên[chú 1] tiết độ sứ. Đến thời Hậu Đường Minh Tông, ông nổi dậy cùng với Đông Xuyên[chú 2] tiết độ sứ Đổng Chương. Liên quân Mạnh-Đổng đẩy lui các cuộc tiến công của Hậu Đường, sau đó Mạnh Tri Tường đánh bại Đổng Chương và thôn tính lãnh địa của người này. Sau một thời gian xưng thần với Hậu Đường Minh Tông, ông lập quốc vào năm 934, đặt quốc hiệu là Thục.

Thân thế

Mạnh Tri Tường sinh năm 874, dưới triều đại của Đường Ý Tông. Ông là người Hình châu[chú 3], tổ tiên từng nhiều đời làm sĩ quan tại Hình châu, tổ phụ Mạnh Sát (孟察) và cha Mạnh Đạo (孟道) giữ chức quận giáo. Bá phụ Mạnh Phương Lập (孟方立) của ông được bổ nhiệm làm Chiêu Nghĩa[chú 4] tiết độ sứ vào cuối thời nhà Đường,[5] sau đó chuyển thủ phủ của quân từ Lộ châu (潞州) đến Hình châu vào năm 882, dẫn đến một cuộc binh biến khiến Chiêu Nghĩa quân bị tách làm hai vào năm 883.[7] Sau khi Mạnh Phương Lập tự sát vào năm 889, đệ là Mạnh Thiên (孟遷)- tụng phụ của Mạnh Tri Tường- kế nhiệm, người này sau đó đầu hàng Hà Đông[chú 5] tiết độ sứ Lý Khắc Dụng vào năm 890.[8]

Lý Khắc Dụng sau đó bổ nhiệm Mạnh Thiên làm Chiêu Nghĩa lưu hậu vào năm 899.[9] Tuy nhiên, khi Chiêu Nghĩa quân bị Tuyên Vũ[chú 6] tiết độ sứ Chu Toàn Trung tiến công, Mạnh Thiên quyết định dâng quân hàng Chu Toàn Trung.[10] Tuy nhiên, Mạnh Đạo vẫn tiếp tục phụng sự Lý Khắc Dụng. Lý Khắc Dụng thấy Mạnh Tri Tường tài năng tráng kiện, cuối cùng gả một nhi nữ của kì đệ Lý Khắc Nhượng (李克讓) cho Mạnh Tri Tường làm thê.[3][6] (Muội của Mạnh Tri Tường sau đó kết hôn với Lý Khắc Ninh (李克寧)- đệ của Lý Khắc Dụng.[6]) Mạnh Tri Tường sau đó trở thành Tả giáo luyện sứ trong quân đội Hà Đông.[6]

Phụng sự Tấn

Năm 907, Chu Toàn Trung soán vị Đường Ai Đế, trở thành Hậu Lương Thái Tổ. Lý Khắc Dụng và một vài quân phiệt khác gồm Hoài Nam[chú 7] tiết độ sứ Dương Ác, Phượng Tường[chú 8] tiết độ sứ Lý Mậu Trinh, và Tây Xuyên tiết độ sứ Vương Kiến, từ chối công nhận Chu Toàn Trung là tông chủ, Lý Khắc Dụng mang tước Tấn vương và lãnh địa ông ta cai quản được gọi là Tấn quốc. Năm 908, Lý Khắc Dụng qua đời và nhi tử Lý Tồn Úc kế tập trước Tấn vương.[11]

Mạnh Tri Tường tiếp tục giữ chức Giáo luyện sứ. Trong một sự kiện vào khoảng năm 912, khi Lý Tồn Úc tức giận trước việc Lý Nghiêm (李嚴)- một người mới hàng phục- từ chối lời đề nghị làm thầy cho trưởng tử Lý Kế Ngập (李繼岌), Lý Tồn Úc định xử trảm Lý Nghiêm. Tuy nhiên, Mạnh Tri Tường can thiệp, nói rằng: "Cường địch chưa diệt, sao Đại vương có thể vì một cơn giận mà giết kẻ sĩ hướng nghĩa chứ", Lý Tồn Úc do vậy tha cho Lý Nghiêm.[12]

Khoảng năm 919, Lý Tồn Úc muốn bổ nhiệm Mạnh Tri Tường làm Trung môn sứ của Thiên Hùng quân[chú 9] mới chiếm được. Tuy nhiên, do trước đó từng có một số Trung môn sứ bị xử tử do phạm lỗi, Mạnh Tri Tường sợ hãi và từ chối. Khi Lý Tồn Úc hỏi ông muốn ai thay thế, ông tiến cử Giáo luyện sứ Quách Sùng Thao (郭崇韜), Lý Tồn Úc sau đó bổ nhiệm Quách Sùng Thao làm Trung môn phó sứ.[13] Từ khi Mạnh Tri Tường tiến cử, Quách bắt đầu thăng tiến trong sự nghiệp, sau này trở nên cảm kích Mạnh Tri Tường.[6] Sau đó, Mạnh Tri Tường sợ gặp họa nên xưng tật từ vị, nhưng Lý Tồn Úc lại bổ nhiệm Mạnh Tri Tường làm Hà Đông mã bộ đô ngu hậu.[13] Vào một thời điểm, Lý Tồn Úc ban một trong các thiếp của ông ta là Lý thị, cho Mạnh Tri Tường, bà hạ sinh tam tử Mạnh Nhân Tán cho Mạnh Tri Tường vào năm 919.[5]

Thời Hậu Đường Trang Tông

Năm 923, Lý Tồn Úc xưng làm hoàng đế Hậu Đường, tức Hậu Đường Trang Tông, tại Hưng Đường[chú 10]. Hậu Đường Trang Tông lập Thái Nguyên làm tây đô và bổ nhiệm Mạnh Tri Tường làm Thái Nguyên doãn, Tây kinh phó lưu thủ.[14] (Chính thất của Mạnh Tri Tường do là họ hàng của Hoàng đế nên được phong làm Quỳnh Hoa trưởng công chúa vào thời điểm này hoặc vào năm 925.)[15] Không lâu sau, Hậu Đường Trang Tông tiêu diệt Hậu Lương, định đô tại Lạc Dương.[14]

Năm 925, Hậu Đường Trang Tông lên kế hoạch tiêu diệt nước Tiền Thục, ông ta bổ nhiệm Ngụy vương Lý Kế Ngập làm Tây Xuyên tứ diện hành doanh đô thống, Quách Sùng Thao làm Đông bắc diện hành doanh đô chiêu thảo chế trí đẳng sứ, song việc quân sự đều giao phó cho Quách Sùng Thao. Trước khi rời khỏi Lạc Dương, Quách Sùng Thao vẫn nhớ ân cũ, tuyên bố rằng nếu chiếm được Tây Xuyên sẽ tiến cử ông làm thống lĩnh ở đó.[16] Cũng trong năm đó, Lý Kế Ngập và Quách Sùng Thao chiếm được kinh thành Thành Đô của Tiền Thục, Hậu Đường Trang Tông triệu Bắc đô lưu thủ sự Mạnh Tri Tường đến Lạc Dương và bổ nhiệm ông làm Tây Xuyên tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, sẵn sàng cử ông đến Tây Xuyên.[17]

Lúc này, xích mích giữa Hậu Đường Trang Tông và Quách Sùng Thao bắt đầu nổi lên, Hậu Đường Trang Tông và Lưu hoàng hậu nghi ngờ rằng Quách Sùng Thao không giao lại hết số của cải mà ông ta tịch thu được từ Tiền Thục. Cũng xuất hiện tin đồn rằng Quách Sùng Thao sẽ nổi dậy và chiếm cứ đất Thục. Sau khi Mạnh Tri Tường đến Lạc Dương, được Hậu Đường Trang Tông hậu đãi, khi Mạnh Tri Tường đi, Hậu Đường Trang Tông nói với ông: "Nghe thấy Quách Sùng Thao có chí khác, Khanh đến nơi thì giết hắn cho Trẫm". Mạnh Tri Tường đáp lại: "Sùng Thao là bề tôi lâu năm có công lao với quốc gia, có lẽ hắn không có như vậy. Sĩ thần đến Thục sẽ xem xét, nếu hắn không có ý khác thì sẽ khiển hắn trở về.", Hậu Đường Trang Tông khi đó đồng ý.[17]

Tuy nhiên, Lưu hoàng hậu lại tin rằng Quách Sùng Thao sẽ nổi dậy và giết chết hoàng nhi Lý Kế Ngập của bà ta. Do không thể thuyết phục được Hậu Đường Trang Tông, bà ta liền ban một "giáo", giao cho Y giáp khố sứ Mã Ngạn Khuê (馬彥珪) đưa cho Lý Kế Ngập, ra lệnh giết chết Quách Sùng Thao. Khi Mạnh Tri Tường đến Thạch Hào, Mã Ngạn Khuê bắt kịp, đang đêm gõ cửa tuyên chiếu, sau đó nhanh chóng tiến đến Thành Đô. Mạnh Tri Tường biết tai họa sắp xảy ra, do đó cũng quyết định tăng tốc đến Thành Đô. Mã Ngạn Khuê đến Thành Đô vào mùa xuân năm 926, Lý Kế Ngập theo lời mẫu hậu mà sát hại Quách Sùng Thao cùng các nhi tử của ông ta. Điều này khiến toàn Thành Đô trở nên rối loạn, Mạnh Tri Tường sau khi đến nơi liền úy lạo binh sĩ và dân chúng trong thành.[17] Không lâu sau, Lý Kế Ngập để Mạnh Tri Tường trấn thủ thành, còn bản thân đem quân trở về Lạc Dương.

Việc sát hại gần như đồng thời Quách Sùng Thao và một đại tướng khác là Chu Hữu Khiêm (朱友謙) khiến cho tướng sĩ và người dân trên toàn đế chế sửng sốt, một số cuộc binh biến nổ ra. Bộ tướng cũ của Quách Sùng Thao là Lý Thiệu Sâm (李紹琛) cũng nổi dậy, tự xưng là Tây Xuyên tiết độ sứ, chuẩn bị tiến công Thành Đô. Tuy nhiên, Mạnh Tri Tường và Đông Xuyên tiết độ sứ Đổng ChươngNhâm Hoàn (任圜) cùng phối hợp nhanh chóng đánh bại Lý Thiệu Sâm. Tuy nhiên, sau thất bại của Lý Thiệu Sâm, đất Thục vẫn còn nhiều rối loạn, cũng như tình trạng cướp bóc. Mạnh Tri Tường ổn định tình hình bằng cách lựa chọn các quan lại trung thực và tiến hành giảm thuế, khiến người dân bắt đầu thuận theo sự cai quản của ông.[17] Vào mùa hè năm 926, Hậu Đường Trang Tông bị loạn binh sát hại, Lý Tự Nguyên nhanh chóng tiến quân về Lạc Dương, xưng là hoàng đế, tức Hậu Đường Minh Tông.[18]

Lập căn cứ ban đầu

Tháng 6 ÂL, Hậu Đường Minh Tông ban cho Mạnh Tri Tường chức Thị trung. Tuy nhiên, Mạnh Tri Tường bắt đầu có mưu đồ cát cứ đất Thục, trong kho có 20 vạn áo giáp, lập nên 16 doanh, gồm 16.000 người, đóng ở trong ngoài nha thành. Lúc trước, Quách Sùng Thao phân kị binh Tiền Thục thành lục doanh Tả hữu kiêu vệ, gồm 3.000 lính; bộ binh phân thành 20 doanh Tả hữu ninh viễn, gồm 24.000 lính. Sau đó, Mạnh Tri Tường tăng thêm lục doanh Tả hữu xung sơn gồm 6.000 người, đóng ở trong ngoài la thành; ông cũng lập 20 doanh Tả hữu nghĩa ninh gồm 16.000 lính, phân tới các châu huyện; thiết lập tứ doanh Tả hữu lao thành, gồm 4.000 người phân ra đóng tại Thành Đô.[18]

Trong khi đó, Nhâm Hoàn trở thành một tể tướng, kiêm tam ty, ông ta cho rằng Tây Xuyên giàu có sung túc, quyết định khiểm Diêm-thiết phán quan/Thái bộc khanh Triệu Quý Lương (趙季良)- cựu bằng hữu của Mạnh Tri Tường- đến Tây Xuyên để đem tiền thuế và tài sản của chính quyền Tiền Thục đến Lạc Dương. Khi Triệu Quý Lương đến Thành Đô vào mùa đông năm 926, người Thục đều muốn kháng lệnh, song Mạnh Tri Tường cho phép Triệu Quý Lương dùng thuyền chở khố vật đến Lạc Dương, song từ chối nộp tiền thuế.[18] Ông cũng giữ Triệu Quý Lương ở lại Thành Đô giữ chức tiết độ phó sứ.[6]

Lúc này, Xu mật sứ An Trọng Hối (安重誨) bắt đầu nghi ngờ Mạnh Tri Tường (do chính thất có họ hàng với Hậu Đường Trang Tông), và Đổng Xương (là một song các tướng được Hậu Đường Trang Tông ưu ái) cát cứ nơi hiểm yếu. Khách tỉnh sứ-Tứ châu phòng ngự sứ Lý Nghiêm thỉnh xin được làm Tây Xuyên giám quân, cho rằng ông ta có thể chế ngự được Mạnh Tri Tường, do vậy An Trọng Hối bổ nhiệm Lý Nghiêm làm Tây Xuyên đô giám, bổ nhiệm Văn tư sứ Chu Hoằng Chiêu (硃弘昭) làm Đông Xuyên phó sứ.[18]

Mạnh Tri Tường biết tin Lý Nghiêm đến làm giám quân thì tức giận, trong khi bề ngoài nghênh đón Lý Nghiêm, ông lại khiển một lượng lớn binh sĩ hộ tống Lý Nghiêm đến Thành Đô, mục đích là nhằm hăm dọa Lý Nghiêm. Tuy nhiên, Lý Nghiêm không chú ý đến điều này, tiếp tục tiến đến Thành Đô. Khi Lý Nghiêm đến Thành Đô, thoạt đầu Mạnh Tri Tường hậu đãi với ông ta, song đến mùa xuân năm 927, ông công khai trách mắng Lý Nghiêm rằng người này khi trước tán thành chiến dịch chống Tiền Thục, khiến cho cả Tiền Thục và Hậu Đường diệt vong (tức Hậu Đường Trang Tông); và nay "Thiên hạ" đều bỏ chức giám quân, chỉ có mình Lý Nghiêm đến giám đội quân của ông; Lý Nghiêm sợ hãi cầu xin được thương xót, song vẫn bị Mạnh Tri Tường xử trảm. Khi hay tin Lý Nghiêm bị giết, Chu Hoằng Chiêu chạy trốn về Lạc Dương vì lo rằng mình sẽ rơi vào tình thế tương tự. Sau đó, Mạnh Tri Tường thượng biểu cho Hậu Đường Minh Tông, nói rằng Lý Nghiêm có mưu đồ đoạt lấy quân đội Tây Xuyên.[18]

Trong thời gian này, Mạnh Tri Tường cử người đi hộ tống Quỳnh Hoa trưởng công chúa và Mạnh Nhân Tán đến Tây Xuyên. Khi họ đến Phượng Tường, Phượng Tường tiết độ sứ Lý Tòng Nghiễm giữ họ lại.[18] Tuy nhiên, do muốn dùng ân huệ để khiến Mạnh Tri Tường quay lại trung thành, Hậu Đường Minh Tông lệnh để họ tiếp tục đến Thành Đô, cho Khách tỉnh sứ Lý Nhân Củ (李仁矩) hộ tống.[15][18]

Tháng 12 ÂL 927, Mạnh Tri Tường bắt 20 vạn dân đinh tu sửa tường thành Thành Đô.[19]

Trong khi đó, Mạnh Tri Tường và Đổng Chương tranh chấp với nhau về nguồn lợi từ các mỏ muối mà cả hai quân kiểm soát. Nhằm giành được lợi thế thương mại với Mạnh Tri Tường, Đổng Chương giảm giá muối Đông Xuyên, do đó thu hút các thương nhân đến Đông Xuyên mua muối, đem sang Tây Xuyên bán, giá muối Tây Xuyên vì thế cùng giảm. Năm 928, Mạnh Tri Tường cho thiết lập các trạm thu thuế trên ranh giới giữa Tây Xuyên và Đông Xuyên, đánh thuế rất nặng. Kết quả là các thương nhân không còn đến Đông Xuyên để mua muối.[19]

Tháng 6 ÂL, Hậu Đường Minh Tông hạ chiếu lệnh cho Tây Xuyên góp binh cho chiến dịch chống Kinh Nam[chú 11] tiết độ sứ Cao Quý Hưng, nhằm đoạt lại ba châu mà trước đó Hậu Đường Minh Tông giao cho Cao Quý Hưng: Quỳ châu (夔州), Vạn châu (萬州), và Trung châu (忠州), nay đều thuộc Trùng Khánh. Mạnh Tri Tường khiển Tả túc biên chí huy sứ Mao Trọng Uy (毛重威) đem 3.000 tiến đến. Sau khi quân triều đình Hậu Đường tái chiếm được ba châu, Mạnh Tri Tường lại tấu xin được phép thu binh về; Hậu Đường Minh Tông từ chối. Sau đó, Mạnh Tri Tường ngầm sai người đến chỗ Mao Trọng Uy và thuyết phục ông ta đem binh lính trở về Thành Đô. Mao Trọng Uy làm theo, và đến khi Hậu Đường Minh Tông mệnh xử tội Mao Trọng Uy, Mạnh Tri Tường thỉnh miễn tội. Ngoài ra, Mạnh Tri Tường cũng bắt đầu từ chối tuân theo lệnh của triều đình là tiếp tế lương thực cho Ninh Giang quân[chú 12] mới được thành lập, tuyên bố cần dùng chúng cho binh lính Tây Xuyên.[19]

Cùng Đổng Chương chống Hậu Lương

Theo sách lược của An Trọng Hối, triều đình Hậu Đường dùng người thân tín của mình để quản lý một phần đất Thục: bổ nhiệm Hạ Lỗ Kỳ (夏魯奇) làm Vũ Tín[chú 13] tiết độ sứ,[19][20] Lý Nhân Củ được bổ nhiệm là tiết độ sứ của Bảo Ninh quân[chú 14] mới được thành lập từ những lãnh thổ tách ra từ Đông Xuyên, Tây Xuyên và Sơn Nam Tây đạo[chú 15],[19][21] và bổ nhiệm Vũ Kiền Dụ (武虔裕) làm Miên châu[chú 16] thứ sử, Miên châu vốn nằm ở trung tâm của Đông Xuyên.[19] (Trước đó, khi Vũ Tín tiết độ sứ Lý Thiệu Văn (李紹文) qua đời vào năm 927, triều đình Hậu Đường chấp thuận tiến cử của Mạnh Tri Tường mà bổ nhiệm Tây Xuyên tiết độ phó sứ- Nội ngoại mã bộ quân đô chỉ huy sứ Lý Kính Chu (李敬周) làm Vũ Tín lưu hậu.)[18] Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng An Trọng Hối chuẩn bị lập một quân nữa từ Miên châu và Long châu[chú 17]-tách ra từ Đông Xuyên.[19]

Các diễn biến này khiến Mạnh Tri Tường và Đổng Chương sợ hãi trước mục đích của triều đình, và bất chấp tranh chấp khi xưa, họ bắt đầu đàm phán về liên minh, đồng ý để nhi tử của Đổng Chương kết hôn với nhi nữ của Mạnh Tri Tường; họ cũng bắt đầu lên kế hoạch kháng cự trong trường hợp bị triều đình tiến công.[19] Sau đó, họ cùng thượng ngôn bày tỏ sự e sợ của mình và phản đối việc triều đình thành lập các đơn vị đồn trú, Hậu Đường Minh Tông ra chiếu thư ủy dụ. Sau đó, triều đình Hậu Đường ban chức Trung thư lệnh cho Mạnh Tri Tường.[22]

Vào mùa thu năm 930, khi An Trọng Hối khiển Tuân Hàm Nghệ (荀咸乂) đến tăng viện cho Lãng châu- thủ phủ của Bảo Ninh quân, Đổng Xương công khai tuyên bố nổi dậy, ông ta cùng Mạnh Tri Tường hội binh chuẩn bị tiến công các quân Bảo Ninh, Vũ Tín, Chiêu Vũ[chú 18]- những quân trung thành với triều đình. Theo đề xuất của Triệu Quý Lương, họ đề ra kế sách là nhanh chóng chiếm Bảo Ninh và Vũ Tín, sau đó trấn thủ Kiếm Môn Quan để ngăn không cho quân triều đình nhập Thục.[22]

Hậu Đường Minh Tông cho Thiên Hùng tiết độ sứ Thạch Kính Đường làm Đông Xuyên hành doanh đô chiêu thảo sứ, Hạ Lỗ Kỳ làm phó, tước bỏ quan tước của Mạnh Tri Tường và Đổng Xương. Tuy nhiên, trước khi quân của Thạch Kính Đường có thể nhập Thục, liên quân Tây Xuyên/Đông Xuyên dưới quyền thống lĩnh của Đổng Chương nhanh chóng chiếm được Lãng châu và giết chết Lý Nhân Củ. Trong khi đó, Mạnh Tri Tường cho Đô chỉ huy sứ Lý Nhân Hãn (李仁罕) làm Hành doanh đô bộ thự, và Hán châu thứ sử Triệu Đình Ẩn (趙廷隱) làm phó, Giản châu thứ sử Trương Nghiệp (張業) làm Tiên phong chỉ huy sứ, đem 3 vạn binh công Toại châu- thủ phủ của Vũ Tín quân. Tuy nhiên, Đổng Chương cho rằng một mình quân Đông Xuyên có thể trấn thủ được Kiếm Môn Quan, do vậy từ chối đề nghị tiếp viện của Mạnh Tri Tường.[22]

Vào mùa đông năm 930, tướng triều đình là Vương Hoằng Chí (王弘贄) đi vòng qua Kiếm Môn Quan và sau đó tập kích, chiếm được cửa ải này, lại chiếm Kiếm châu[chú 19], khiến cả Đổng Chương và Mạnh Tri Tưởng sửng sốt. Tuy nhiên, Vương Hoằng Chí không nhận được tiếp viện, ông ta quyết định bỏ Kiếm châu để tập trung trấn thủ Kiếm Môn Quan. Quân Tây Xuyên dưới quyền Triệu Đình Ẩn và Lý Triệu (李肇) sau đó đoạt lấy Kiếm châu và trấn thủ thành, làm dịu bớt tình hình. Trong khi đó, Mạnh Tri Tường khiển cựu tướng Tiền Thục là Trương Vũ (張武) làm Hiệp lộ hành doanh chiêu thu thảo phạt sứ, đem thủy quân chiếm Vũ Thái quân[chú 20] do triều đình kiểm soát.[22]

Đến lúc này, Hậu Đường Minh Tông bắt đầu tiêu tan tham vọng đánh bại Đông Xuyên và Tây Xuyên, ông ta không còn hoàn toàn tin tưởng vào sự phán đoán và lòng trung thành của An Trọng Hối. Để thử xem Mạnh Tri Tường có muốn chấm dứt kháng cự hay không, Hậu Đường Minh Tông phóng thích khoảng 1.500 lính Tây Xuyên bị bắt ở Quỳ châu. Tháng 1 ÂL năm 931, Mạnh Tri Tường phụng biểu tạ Hoàng đế, song không chấm dứt các chiến dịch quân sự, và không lâu sau, Lý Nhân Hãn chiếm được Toại châu, Hạ Lỗ Kỳ tự sát. Mạnh Tri Tường chém đầu Hạ Lỗ Kỳ rồi bêu lên cây để báo cho quân triều đình biết rằng Toại châu thất thủ, sau đó thu táng Hạ Lỗ Kỳ.[22]

An Trọng Hối trước đó xung phong ra tiền tuyến để giám sát, Thạch Kính Đường lo sợ bị An Trọng Hối tước đoạt binh quyền nên thỉnh cầu Hậu Đường Minh Tông triệu An Trọng Hối về kinh, Hoàng đế chấp thuận. Tuy nhiên, trước cả khi biểu đến được kinh thành, Thạch Kính Đường quyết định triệt thoái khỏi Kiếm Môn Quan và trở về Lạc Dương. Khi quân Đông Xuyên và Tây Xuyên truy kích quân của Thạch Kính Đường và tiến đến Lợi châu, Chiêu Vũ tiết độ sứ Lý Ngạn Kỳ (李彥琦) bỏ thành chạy trốn, Mạnh Tri Tường bổ nhiệm Triệu Đình Ẩn làm Chiêu Vũ lưu hậu. Triệu Đình Ẩn sau đó chủ trương dùng mưu kế bắt Đổng Chương và đoạt lấy đội quân của ông ta, song Mạnh Tri Tường ngăn lại. Sau khi Lý Nhân Hãn chiếm được Vũ Tín, Mạnh Tri Tường tiếp tục khiển Lý Nhân Hãn tiến công Ninh Giang quân. Ninh Giang tiết độ sứ An Sùng Nguyễn (安崇阮) cũng từ bỏ Quỳ châu, Lý Nhân Hãn chiếm được Ninh Giang. Khi Triệu Đình Ẩn chủ trương tiến công Sơn Nam Tây đạo, Mạnh Tri Tường cho rằng binh lính mệt mỏi nên từ chối.[22]

Trước cả khi An Trọng Hối đến được Lạc Dương, ông ta đã bị Hậu Đường Minh Tông phái đi giữ chức Hộ Quốc[chú 21] tiết độ sứ, sau đó giết chết. Sau khi An Trọng Hối bị giết, Hậu Đường Minh Tông đổ cho An Trọng Hối tội gây xung đột với Đổng Xương, Mạnh Tri Tường và Ngô Việt vương Tiền Lưu, thể hiện thiện chí hòa giải bằng việc khiển Tây Xuyên tiến tấu quan Tô Nguyện (蘇願) và Đông Xuyên quân tướng Lưu Trừng (劉澄)- những người đang bị giữ tại Lạc Dương, trở về quân của họ để thông báo về cái chết của An Trọng Hối và ý định hòa bình của triều đình.[22]

Tiêu diệt Đổng Xương

Sau khi Tô Nguyện đến Thành Đô vào tháng 11 ÂL năm 931, truyền đạt thông điệp của Hậu Đường Minh Tông và đảm bảo các cháu nội ngoại của Mạnh Tri Tường vẫn an toàn, Mạnh Tri Tường muốn quy phục triều đình, và cũng cố thuyết phục Đổng Chương cũng làm vậy. Đổng Chương tức giận từ chối, nói rằng các thành viên gia đình ông ta trước đó bị triều đình xử tử; sau đó Đổng Chương lại trở nên thù địch với Mạnh Tri Tường. Mạnh Tri Tường không muốn thỏa thuận giữa mình và Đổng Chương bị phá vỡ, do vậy lúc đầu không cử sứ giả đến triều đình, tiếp tục thuyết phục Đổng Chương hai lần nữa, song không có kết quả. Lần thuyết phục cuối cùng là vào mùa xuân năm 932, sứ giả của Mạnh Tri Tường là Lý Hạo (李昊), sau khi trở về Thành Đô, nói rằng có vẻ như Đổng Chương đang chuẩn bị tiến công và Tây Xuyên nên chuẩn bị. (Tháng 1 ÂL, thê của Mạnh Tri Tường là Phúc Khánh trưởng công chúa qua đời.)[22]

Vào mùa hè năm 932, Đổng Chương phát động tiến công, quân Đông Xuyên thoạt đầu giành được một số chiến thắng trước quân Tây Xuyên. Để làm suy giảm sĩ khí của binh lính Tây Xuyên, Đổng Chương hịch thư cho Triệu Quý Lương, Triệu Đình Ẩn, và Lý Triệu, giả bộ những người này thông đồng với ông ta. Mạnh Tri Tường không để tâm đến việc này, để Triệu Quý Lương trấn thủ Thành Đô, còn ông cùng với Triệu Đình Ẩn đem 8.000 quân đi giao chiến với Đổng Chương. Trong khi đó, sau khi chiếm được Hán châu[chú 22], Đổng Chương tiến đến Thành Đô. Quân của Mạnh Tri Tường giao chiến với quân của Đổng Chương, song thoạt đầu quân Đổng Chương chiếm ưu thế; đến khi Triệu Đình Ẩn đem quân dự bị giao chiến với quân Đông Xuyên, quân Đông Xuyên bị tiêu diệt, Đổng Chương chạy về Tử châu, sau bị thuộc hạ sát hại và dâng thủ cấp và thành cho Mạnh Tri Tường.[22]

Làm chủ đất Thục

Sau đó, Triệu Đình Ẩn và Lý Nhân Hãn đều muốn cai quản Đông Xuyên, cuộc tranh chấp đe dọa khiến cho quân Tây Xuyên bị sụp đổ. Để giải quyết tình hình, Mạnh Tri Tường tự mình kiêm quản Đông Xuyên, đưa Lý Nhân Hãn trở về Vũ Tín và cho Triệu Đình Ẩn cai quản Bảo Ninh. Đương thời, ngoài Đông Xuyên và Tây Xuyên, Mạnh Tri Tường còn chiếm được các quân Vũ Tín, Bảo Ninh, Chiêu Vũ, Ninh Giang và Vũ Thái. Tuy nhiên, khi các thuộc hạ, đừng đầu là Triệu Quý Lương, thỉnh cầu ông xưng vương, ông quyết định từ chối.[22]

Khi biết tin Đổng Chương và Mạnh Tri Tường xảy ra xung đột, triều đình Hậu Đường hy vọng sẽ tận dụng được thời cơ, song do Mạnh Tri Tường nhanh chóng đánh bại Đổng Chương, Xu mật sứ Phạm Diên Quang (范延光) nói với Hậu Đường Minh Tông rằng mặc dù Mạnh Tri Tường cát cứ đất Thục, song ông vẫn sẽ cần sự phê chuẩn của Hậu Đường do các binh sĩ của ông phần lớn là người Trung Nguyên. Hậu Đường Minh Tông do vậy vẫn tỏ ra đối đãi với Mạnh Tri Tường như cựu bằng hữu, khiển Cung phụng quan Lý Tồn Côi (李存瓌) đến Thành Đô, nói với Mạnh Tri Tường rằng thân thích của ông vẫn được an toàn, thúc giục ông phục hồi đại tiết quân thần.[22] Sau khi Lý Tồn Côi đến Thành Đô, Mạnh Tri Tường rới nước mắt vái lạy, thụ chiếu. Sau đó, ông lại trở thành một chư hầu của Hậu Đường trên danh nghĩa, song theo ghi chép thì ông càng kiêu ngạo với triều đình hơn trước.[2] Ông cũng cáo về việc tang của Phúc Khánh trưởng công chúa, bà được Hậu Đường Minh Tông truy sách là Tấn quốc Ung Thuận trưởng công chúa.[15]

Không lâu sau, Mạnh Tri Tường lệnh cho Lý Hạo thảo biểu nhân danh 5 lưu hậu của 5 quân phụ thuộc, thỉnh triều đình phong Mạnh Tri Tường làm Thục vương, thỉnh được mặc chế. Lý Hạo chỉ ra rằng Mạnh Tri Tường nên "tự" thỉnh cầu, thay vì thể hiện rằng phải được thuộc hạ đồng ý. Theo đề xuất của Lý Hạo, Mạnh Tri Tường bảo Lý Hạo thảo biểu nhân danh ông, thỉnh giao quyền bổ nhiệm các thứ sử và quan lại cấp thấp cho ông, và thỉnh bổ nhiệm 5 lưu hậu là thuộc hạ của ông làm tiết độ sứ. Mạnh Tri Tường cũng thỉnh triều đình đưa thê tử của các binh sĩ Trung Nguyên đến Thục để đoàn tụ gia đình. Vào mùa đông năm 932, Hậu Đường Minh Tông lại khiển Lý Tồn Côi đến Thành Đô truyền chỉ, theo đó phần lớn thỉnh cầu của Mạnh Tri Tường, còn ban cho ông thêm quyền bổ nhiệm các tiết độ sứ. Tuy nhiên, Hậu Đường Minh Tông từ chối cho đưa thê tử của các binh sĩ đến Thục, song cũng không lệnh cho các binh sĩ này phải trở về Lạc Dương. Tiếp đó, Mạnh Tri Tường "mặc chế" bổ nhiệm 5 lưu hậu dưới quyền làm tiết độ sứ.[2]

Ngày Quý Hợi tháng 2 năm 933, Hậu Đường Minh Tông chính thức cho Mạnh Tri Tường kiêm Đông Xuyên tiết độ sứ, phong tước Thục vương, khiển Công bộ thượng thư Lô Văn Kỉ (盧文紀) và Lễ bộ lang trung Lã Kỳ (呂琦) làm sách lễ sứ cho Thục vương, ban cho Mạnh Tri Tường triều phục nhất phẩm. Mạnh Tri Tường tự cho làm cửu lưu miện, cửu chương y, xa phục, tinh kỳ, đều phỏng theo nghi lễ của bậc vương giả.[2]

Cũng trong năm đó, Hậu Đường Minh Tông qua đời, kế vị là Lý Tòng Hậu, tức Hậu Đường Mẫn Đế. Khi Mạnh Tri Tường biết tin, ông nói với liêu tá: Tống vương ấu nhược, người cai quản chính sự đều là lũ tư sử tiểu nhân, cứ chờ chúng gây loạn. Sau đó, các tướng lại thúc giục Mạnh Tri Tường xưng đế, và đến ngày Kỷ Tỵ (28) tháng 1 nhuận năm Giáp Ngọ (16 tháng 3 năm năm 934), Mạnh Tri Tường xưng đế tại Thành Đô.[2]

Hoàng đế Hậu Thục

Sau khi Mạnh Tri Tường tức vị, Hậu Đường rơi vào cảnh rối loạn, Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ Trương Kiền Chiêu (張虔釗) và Vũ Định[chú 23] tiết độ sứ Tôn Hán Thiều (孫漢韶) quay sang quy phục Hậu Thục, lãnh thổ Hậu Thục nay mở rộng đến khu vực phía nam Tần Lĩnh.[4]

Ngày 27 tháng 5 năm 934, Thục tiến hành tại xá, cải nguyên Minh Đức.[4]

Trong khi đó, Mạnh Tri Tường được chép lại là bị đột quỵ từ một năm trước đó, bệnh tình này càng trở nên nặng. Ngày Giáp Tý tháng 7 ÂL năm 934, ông lập Mạnh Nhân Tán làm Thái tử, giám quốc. Ngoài ra, ông cũng hạ chiếu lệnh triệu Tư không/Đồng bình chương sự Triệu Quý Lương, Vũ Tín tiết độ sứ Lý Nhân Hãn, Bảo Ninh tiết độ sứ Triệu Đình Ẩn, Xu mật sứ Vương Xử Hồi (王處回), Phủng thánh khống hạc đô chỉ huy sứ Trương Công Đạc (張公鐸), Phụng loan túc vệ chỉ huy phó sứ Hầu Hoàng Thực (侯弘實) đến thụ khiển chiếu phụ chính. Đêm hôm đó, ông qua đời, song triều đình Tiền Thục giữ bí mật chưa phát tang ngay, Mạnh Nhân Tán kế vị.[4]

Gia đình

Thê thiếp
  • Lý hoàng hậu, (873-932), nhi nữ của Lý Khắc Nhượng (李克讓)- đệ của Lý Khắc Dụng, sau trở thành dưỡng nữ của Lý Khắc Dụng, là nghĩa tỉ của Hậu Đường Trang Tông, sau được phong Quỳnh Hoa trưởng công chúa, Hậu Đường Minh Tông cải phong là Phúc Khánh trưởng công chúa, sau khi qua đời được truy sách là Tấn quốc Ung Thuận trưởng công chúa
  • Lý quý phi (? - 965), là thiếp của Lý Tồn Úc trước khi đăng cơ, sinh Mạnh Sưởng, sau là Thái hậu
Tử
  • Mạnh Di Phạm (孟貽範)
  • Mạnh Di Ung (孟貽邕)
  • Mạnh Di Củ (孟貽矩)
  • Yết vương Mạnh Di Nghiệp (孟貽鄴)
  • Hậu Chủ Mạnh Nhân Tán (孟仁贊), tức Mạnh Sưởng
  • Quỳ Cung Hiếu vương Mạnh Nhân Nghị (孟仁毅)
  • Nhã vương Mạnh Nhân Chí (孟仁贄, 928-971
  • Bành vương Mạnh Nhân Dụ (孟仁裕, 927-970)
  • Gia vương Mạnh Nhân Thao (孟仁操, ?-986)
Nữ
  • Sùng Hoa công chúa Mạnh Cửu Trụ (孟久柱), trượng phu là Y Diên Sinh (伊延瓌), sinh Y Thẩm Trưng (伊審徵)
  • Ngọc Thanh công chúa Mạnh Diên Ý (孟延意), trượng phu có khả năng là Đổng Quang Tự (董光嗣)- nhi tử của Đổng Chương.

Chú thích

  1. ^ 西川, trị sở nay thuộc Thành Đô, Tứ Xuyên
  2. ^ 東川, trị sở nay thuộc Miên Dương, Tứ Xuyên
  3. ^ 邢州, nay thuộc Hình Đài, Hà Bắc
  4. ^ 昭義, trị sở nay thuộc Trường Trị, Sơn Tây
  5. ^ 河東, trị sở nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây
  6. ^ 宣武, trị sở nay thuộc Khai Phong, Hà Nam
  7. ^ 淮南, trị sở nay thuộc Dương Châu, Giang Tô
  8. ^ 鳳翔, trị sở nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây
  9. ^ 天雄, trị sở nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc
  10. ^ 興唐, tức thủ phủ của Ngụy Bác
  11. ^ 荊南, trị sở nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc
  12. ^ 寧江, trị sở tại Quỳ châu
  13. ^ 武信, trị sở nay thuộc Toại Ninh, Tứ Xuyên
  14. ^ 保寧, trị sở nay thuộc Lãng Trung, Tứ Xuyên
  15. ^ 山南西道, trị sở nay thuộc Hán Trung, Thiểm Tây
  16. ^ 綿州, nay thuộc Miên Dương, Tứ Xuyên
  17. ^ 龍州, nay thuộc Miên Dương, Tứ Xuyên
  18. ^ 昭武, trị sở nay thuộc Quảng Nguyên, Tứ Xuyên
  19. ^ 劍州, nay thuộc Quảng Nguyên, Tứ Xuyên
  20. ^ 武泰, trị sở nay thuộc Trùng Khánh
  21. ^ 護國, trị sở nay thuộc Vận Thành, Sơn Tây
  22. ^ 漢州, nay thuộc Đức Dương, Tứ Xuyên
  23. ^ 武定, trị sở nay thuộc Hán Trung, Thiểm Tây

Tham khảo

  1. ^ a b c d e f g Viện nghiên cứu Trung ương (Đài Loan) Chuyển hoán lịch Trung-Tây 2000 năm.
  2. ^ a b c d e Tư trị thông giám, quyển 278.
  3. ^ a b c Thập Quốc Xuân Thu, quyển 48.
  4. ^ a b c d e f Tư trị thông giám, quyển 279.
  5. ^ a b c Cựu Ngũ Đại sử, quyển 136.
  6. ^ a b c d e f Tân Ngũ Đại sử, quyển 64.
  7. ^ Tư trị thông giám, quyển 255.
  8. ^ Tư trị thông giám, quyển 258.
  9. ^ Tư trị thông giám, quyển 261.
  10. ^ Tư trị thông giám, quyển 262.
  11. ^ Tư trị thông giám, quyển 266.
  12. ^ Tư trị thông giám, quyển 268.
  13. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 270.
  14. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 272.
  15. ^ a b c Thập Quốc Xuân Thu, quyển 50.
  16. ^ Tư trị thông giám, quyển 273.
  17. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 274.
  18. ^ a b c d e f g h Tư trị thông giám, quyển 275.
  19. ^ a b c d e f g h Tư trị thông giám, quyển 276.
  20. ^ Cựu Ngũ Đại sử, quyển 70.
  21. ^ Tân Đường thư, quyển 40.
  22. ^ a b c d e f g h i j k Tư trị thông giám, quyển 277.