Athena (thần thoại)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Athena
Nữ thần của trí tuệ, nghề thủ công mỹ nghệ, và chiến tranh.[1]
Thành viên của Mười hai vị thần trên đỉnh Olympus
Athena Giustiniani, được tìm thấy tại đền thờ Minerva Medica trên đồi Esquiline, phỏng theo bản gốc của Pheidias. Hiện được trưng bày tại Bảo tàng Vatican.
Nơi ngự trịNúi Olympus
Biểu tượngCú mèo, ô liu, rắn, Aegis, áo giáp, mũ trụ, giáo, Biểu tượng Gorgon
Thông tin cá nhân
Cha mẹTrong sử thi Iliad: Zeus
Trong Theogony: Zeus và Metis[a]
Anh chị emAeacus, Angelos, Aphrodite, Apollo, Ares, Artemis, Dionysus, Eileithyia, Enyo, Eris, Ersa, Hebe, Helen thành Troia, Hephaestus, Heracles, Hermes, Minos, Pandia, Persephone, Perseus, Rhadamanthus, các Graces, các Horae, các Litae, các Muse, các Moirai
Tương ứng
Tương ứng La MãMinerva
Tương ứng EtruscaMenrva
Tương ứng Ai CậpNeith
Tương ứng CeltSulis
Tương ứng CannanAnat[3]

Athena[b] hoặc Athene,[c] còn có hiệu là Pallas,[d] là một nữ thần Hy Lạp cổ đại gắn liền với trí tuệ, nghề thủ công mỹ nghệ và chiến tranh,[1] thời sau này bà được đồng hóa với nữ thần La Mã Minerva. Athena là vị thần bảo trợ cho nhiều thành bang khác nhau trên khắp Hy Lạp, trong đó tiêu biểu nhất là thành Athens mà có thể là nơi bắt nguồn cho tên gọi của bà.[4]. Các biểu tượng chính của bà bao gồm cú mèo, cây ô liu, rắn và biểu tượng đầu Gorgon. Trong nghệ thuật, bà thường được miêu tả với hình ảnh đầu đội mũ trụ và tay cầm giáo.

Bắt nguồn từ một nữ thần thủ hộ Aegean, Athena có mối liên hệ chặt chẽ với thành bang Athens, bà còn được gọi là PoliasPoliouchos (biến thể từ polis, có nghĩa là "thành bang"). Các đền thờ của bà thường nằm trên đỉnh khu thành phòng thủ acropolis ở trung tâm các thành phố, trong đó nổi tiếng nhất là Đền Parthenon trên đồi Acropolis tại Athens. Với tư cách là thần bảo trợ cho nghề thủ công và dệt, Athena còn được gọi là Ergane. Bên cạnh đó, Athena là một nữ thần chiến binh, được cho là người dẫn dắt các binh sĩ trong trận chiến. Lễ hội quan trọng nhất ở Athens là Panathenaia để tôn vinh Athena, được tổ chức trong tháng Hekatombaion (tương ứng với tháng bảy/tháng tám lịch Gregorius) vào thời gian hạ chí.

Theo thần thoại Hy Lạp, Athena được sinh ra từ trán của thần Zeus. Trong huyền thoại sáng lập Athens, Athena đã đánh bại Poseidon trong cuộc đua giành quyền bảo trợ thành bang này bằng cách tạo ra cây ô liu đầu tiên. Bà còn được gọi là Athena Parthenos, nghĩa là "Athena Đồng trinh". Trong một thần thoại Attica cổ, thần Hephaestus đã cố cưỡng hiếp bà nhưng bất thành, dẫn đến việc Gaia sinh ra Erichthonius, người được Athena nuôi dạy và trở thành một vị vua sáng lập Athens. Athena cũng là nữ thần bảo trợ cho các cuộc phiêu lưu anh hùng, bà đã trợ giúp các anh hùng như Perseus, Heracles, BellerophonJason vượt qua nhiều thử thách. Cùng với AphroditeHera, Athena là một trong ba nữ thần tham gia vụ tranh cãi khơi mào cuộc chiến thành Troia. Bà xuất hiện nhiều lần trong sử thi Iliad với vai trò người hỗ trợ phe Achaea và là người giúp đỡ Odysseus trong thiên sử thi cùng tên. Trong các tác phẩm sau này của nhà thơ La Mã Ovid, Athena đã thi dệt vải với nàng Arachne người trần, dẫn đến việc biến Arachne thành con nhện đầu tiên; Ovid cũng sáng tác câu chuyện Athena biến Medusa thành quỷ đầu rắn Gorgon sau khi bắt gặp nàng bị Poseidon cưỡng hiếp trong đền thờ của bà.

Kể từ thời Phục hưng, Athena đã trở thành một biểu tượng toàn cầu của trí tuệ, nghệ thuật và cổ điển học. Các nghệ sĩ và nhà phúng dụ phương Tây thường coi Athena là biểu tượng của tự dodân chủ.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Akropolis (1846) bởi Leo von Klenze. Tên của Athena có lẽ bắt nguồn từ tên thành bang Athens.[4][5]

Athena gắn liền với thành phố Athens.[4][6] Tên của thành phố trong tiếng Hy Lạp cổ đại là Ἀθῆναι (Latinh hóa: Athȇnai), dạng số nhiều của Ἀθήνη (Athḗnē).[5] Từ thời cổ đại, các học giả đã tranh cãi liệu Athena được đặt theo tên của Athens hay Athens được đặt theo tên của Athena;[4] tuy nhiên, hiện nay các nhà nghiên cứu hầu như nhất trí rằng tên của nữ thần lấy từ tên thành phố,[4][6] vì hậu tố -ene thường xuất hiện trong các địa danh chứ ít khi xuất hiện ở tên người.[4] Người Hy Lạp xưa có tập quán đặt tên nữ thần phù hộ thành bang của họ theo tên của chính thành bang đó.[5] Một vài ví dụ là nữ thần Mykene bảo hộ Mycenae,[5] thần Thebe bảo hộ Thebai.[5] Theo nhà ngôn học Hà Lan Robert S. P. Beekes (2009), danh xưng Athenai có lẽ là một từ mượn Tiền-Hy Lạp bởi từ này chứa hình vị *-ān-.[7]

Trong tác phẩm đối thoại Cratylus, triết gia Hy Lạp cổ đại Platon (428–347 TCN) đưa ra một số cách giải nghĩa tên gọi Athena dựa trên thiển ý của mình ông hoặc của dân gian đồn đại. Plato tin rằng tên của Athena có nguồn gốc từ Ἀθεονόα, Atheonóa tiếng Hy Lạp — mà người Hy Lạp sau này lý giải là kết hợp của từ 'tâm trí' (νοῦς, noũs) và 'thần' (θεός, theós). Nhà hùng biện thế kỷ thứ 2 CN Aelius Aristides giải nghĩa tên Athena là 'bầu trời', 'không khí', 'đất' và 'mặt trăng'.[8]

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Một mảnh bích họa từ Mycenae, k. cuối thế kỷ 13 TCN, mô tả một nữ thần chiến binh, rất có thể là Athena, đeo mũ ngà lợn rừng và nắm chặt griffin.[9]

Athena ban đầu là một nữ thần cung điện của người Aegean, với vai trò cai quản các nghề thủ công gia dụng và bảo vệ nhà vua.[10][11][12][13] Dòng chữ khắc tiếng Hy Lạp Mycenae 𐀀𐀲𐀙𐀡𐀴𐀛𐀊 a-ta-na po-ti-ni-ja /Athana potnia/ được tìm thấy tại Knossos, trên một phiến đá cổ tự Linear B thời Hậu Minoan II;[14][15][9] di chỉ là kho lưu trữ Linear B cổ nhất từng tìm được.[14] Mặc dù Athana potnia thường được dịch là "Bà Athena", nó cũng có thể có nghĩa là "Potnia của Athana", hoặc 'Quý nhân thành Athens'.[9][16] Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các dòng chữ khắc Knossos với với thành Athens chưa được khẳng định chắc chắn.[17] Có một chuỗi ký tự a-ta-no-dju-wa-ja xuất hiện trong các phiến đá chữ Linear A chưa giải mã được viết bằng thứ ngôn ngữ Minoan chưa được phân loại.[18] Dòng chữ này có thể liên quan tới các cụm từ Linear B tiếng Mycenae a-ta-na po-ti-ni-jadi-u-ja hoặc di-wi-ja (Diwia, "thuộc về Zeus" hoặc một nữ thần trùng tên),[14] nên có thể được dịch thành "Athena, con của Zeus" hoặc "Athena thần thánh". Điều này khớp với hình tượng Athena là con gái của thần Zeus (Διός θυγάτηρ; cfr. Dyeus) trong thần thoại và sử thi Hy Lạp.[19] Tuy nhiên, dòng chữ khắc trên dường như rất giống với cụm "a-ta-nū-tī wa-ya", được Jan Best đánh số SY Za 1.[19] Best dịch phần a-ta-nū-tī là "Ta đã ban cho" (tiếng Anh: "I have given").[19]

Một bức bích họa Mycenea khắc họa hai người phụ nữ dang tay về phía một nhân vật trung tâm được bao phủ bởi một chiếc khiên khổng lồ hình số tám; hình ảnh này có thể mô tả nữ thần chiến binh và chiếc palladion (khiên) của bà, hoặc mô tả biểu tượng palladion đại diện cho bà.[20][21] Trong "Bức bích họa Đám rước" tại Knossos, hai hàng nhân vật nâng bình dường như đang trình diện trước một nhân vật trung tâm, có lẽ là thực thể tiền thân Minoan của Athena.[22] Học giả Martin Persson Nilsson hồi đầu thế kỷ XX cho rằng các bức tượng nữ thần rắn của người Minoan chính là dạng tiền thân của nữ thần Athena.[10][11]

Nilsson và nhiều người khác cũng cho rằng, ban đầu Athena hoặc là một con cú hoặc một nữ thần chim nói chung.[23] Trong quyển III Odyssey, bà hóa thân thành đại bàng biển.[23] Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng hình ảnh Athena dần được lược bỏ dạng đầu cú rồi sau đó bỏ đi đôi cánh. Jane Ellen Harrison nhận xét: "Athena khi xuất hiện trong nghệ thuật đã hoàn toàn thoát khỏi hình dạng động vật, các hình dạng tiền thân của bà như rắn và chim chỉ còn là các biểu trưng, tuy trong nhiều bức tranh bình gốm hình nhân màu đen, bà vẫn được mô tả với đôi cánh."[24]

Con dấu hình trụ Akkad (k. 2334–2154 TCN) mô tả Inanna, nữ thần chiến tranh, mặc giáp và cầm vũ khí, đứng trên lưng sư tử.[25]

Phần lớn các học giả đồng tình rằng tục thờ phụng Athena đã giữ lại một số khía cạnh của các nữ thần Tiền Ấn-Âu.[26][27] Tục thờ phụng Athena cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những nữ thần chiến binh Cận Đông như Ishtar/ InnanaLưỡng HàAnat của người Ugarit,[9] cả hai đều được mô tả với đặc điểm tay cầm vũ khí.[11] Nhà cổ điển học Charles Penglase lưu ý rằng Athena tương đồng với Inanna trong hình tượng "nữ thần chiến binh dũng mãnh"[28] và cả hai nữ thần đều gắn liền với sự sáng tạo.[28] Sự ra đời của Athena từ trán thần Zeus có thể bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại Sumer về việc Inanna đi xuống và trở về từ cõi âm.[29][30]

Plato ghi lại rằng người dân Sais ở Ai Cập thờ phụng một nữ thần tên là Neith[e] mà ông cho là rất giống với Athena.[31] Neith là nữ thần chiến tranh, săn bắn và nghề dệt của Ai Cập cổ đại. Tục thờ phụng bà bắt đầu từ thời kỳ Tiền triều đại của Ai Cập. Trong thần thoại Hy Lạp, Athena đã đến thăm nhiều địa điểm ở Bắc Phi, bao gồm sông Triton ở Libya và đồng bằng Phlegraean.[f] Dựa trên những điểm tương đồng này, nhà Trung Hoa học Martin Bernal đã đề xuất giả thuyết "Athena da đen", cho rằng tục thờ Neith được truyền bá từ Ai Cập sang Hy Lạp, cùng với "một số lượng khổng lồ các đặc tính văn minh và văn hóa trong thiên niên kỷ thứ ba và thứ hai".[32][33] Giả thuyết "Athena da đen" từng gây tranh cãi vào gần cuối thế kỷ 20,[34][35] nhưng hiện đã bị phần lớn học giả ngày nay bác bỏ.[36][37]

Giáo phái và bảo trợ[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo phái Toàn Hy Lạp và Athens[sửa | sửa mã nguồn]

Đồng xu bạc Athens có hình Athena
Một chiếc áo peplos mới được dệt và mặc cho tượng Athena trong nghi lễ (Bảo tàng Anh)

Với danh hiệu Athena Polias, Athena được tôn là nữ thần và người bảo hộ thành Athens.[11][38][39] Ở Athens, lễ hội Plynteria hay "Lễ tẩy trần", được tổ chức hàng năm vào cuối tháng Thargelion[40] và kéo dài trong năm ngày. Trong thời gian này, các nữ tư tế của Athena, hay các plyntrídes, thực hiện một nghi lễ tẩy rửa bên trong Erechtheion, thánh địa dành cho Athena và Poseidon.[41] Tại đây tượng thần Athena được cởi bỏ trang phục và gột rửa sạch sẽ.[41] Athena cũng được thờ cúng tại các lễ hội như Chalceia với danh hiệu Athena Ergane,[42][39] thần bảo trợ các nghề thủ công, đặc biệt là dệt vải.[42][39] Bà cũng là người bảo trợ cho nghề kim hoàn nghề rèn giáp và vũ khí.[42] Vào cuối thế kỷ thứ 5 TCN, Athena đã trở thành nữ thần của triết học.[43]

Athena Promachos, bà được tin là người dẫn dắt đoàn quân xông pha chiến trận.[44][45] Athena đại diện cho khía cạnh kỷ luật và chiến lược của chiến tranh, trái ngược với người anh em Ares, vị thần bảo trợ cho bạo lực, đẫm máu và tàn sát— "khía cạnh dã man của chiến tranh".[46][47] Athena được cho rằng chỉ ủng hộ những người chiến đấu vì chính nghĩa[46] và xem chiến tranh chỉ là công cụ để giải quyết mâu thuẫn.[46] Người Hy Lạp coi Athena cao quý hơn nhiều so với Ares.[46][47] Vai trò này của Athena được tôn vinh trong các lễ Panathenaea và Pamboeotia,[48] cả hai đều có những màn phô diễn sức mạnh thể thao và quân sự.[48] Là người bảo trợ cho các chiến binh và anh hùng, Athena được cho là ưu ái những người biết sử dụng trí tuệ và mưu kế hơn là chỉ biết dùng bạo lực.[49]

Đền Parthenon trên đồi Acropolis tại Athens, thờ phụng Athena Parthenos.[50]

Là một thánh nữ chiến binh, Athena còn có danh hiệu Parthenos (Παρθένος "đồng trinh"),[44][51][52] bởi vì bà là một nữ thần đồng trinh trọn đời giống như ArtemisHestia.[53][54][44][52][55] Ngôi đền nổi tiếng nhất của Athena, đền Parthenon trên đồi Acropolis, lấy tên từ tính ngữ này.[55] Theo Karl Kerényi, một học giả về thần thoại Hy Lạp, khía cạnh đồng trinh luôn là một đặc tính quan trọng và nhất quán của Athena qua các thời đại.[55]

Mặt lật lại của đồng xu bạc tetradrachm Pergamon đúc bởi Attalus I, mô tả Athena ngồi trên ngai (k. 200 TCN)

Các giáo phái địa phương[sửa | sửa mã nguồn]

Athena không chỉ là nữ thần bảo trợ của riêng Athens mà còn của nhiều thành bang khác, bao gồm Argos, Sparta, Gortyn, LindosLarisa.[45] Các giáo phái địa phương của Athena đều là các nhánh con của giáo phái toàn Hy Lạp[45] và thường tổ chức nhiều nghi lễ trưởng thành của thanh niên Hy Lạp, chẳng hạn như lễ thành niên ở thiếu niên hoặc hoặc lễ cập kê ở thiếu nữ.[45] Các giáo phái này đóng vai trò là nơi kết nối xã hội quan trọng, thậm chí còn vượt ra ngoài phần Hy Lạp đất liền.[45] Athena thường được đồng nhất với Aphaea, một nữ thần bản địa của đảo Aegina có nguồn gốc Crete và gắn với nữ thần Artemisnymph Britomartis.[56] Tại Arcadia, bà được đồng hóa với nữ thần cổ đại Alea và được thờ phụng với danh hiệu Athena Alea.[57] Các thánh địa của Athena Alea nằm ở các thị trấn Mantineia và Tegea của Lakonia. Đền thờ Athena Alea ở Tegea là một trung tâm tôn giáo quan trọng của Hy Lạp cổ đại.[g] Nhà địa lý học Pausanias cho rằng giáo phái Athena Alea được sáng lập bởi vua Aleus của Arcadia.[58]

Athena có một ngôi đền lớn trên acropolis của Sparta,[59][39] với danh hiệu PoliouchosKhalkíoikos ("Thuộc về Nhà Đồng thau", Latinh hóa thành Chalcioecus).[59][39] Tính ngữ này có thể xuất phát từ đặc điểm các bức tượng tại đây làm bằng đồng,[59] hoặc là tường của ngôi đền làm bằng đồng[59], hoặc là do Athena là thần bảo trợ cho thợ kim hoàn.[59] Giáo phái Athena ở Sparta dùng chuông làm từ đất nung và đồng trong các nghi lễ.[59] Một ngôi đền thờ Athena Polias được xây tại Priene theo phong cách Ionic vào thế kỷ thứ 4 TCN, được thiết kế bởi Pytheos xứ Priene,[60][61] người cũng thiết kế lăng mộ của Mausolus tại Halicarnassus.[61] Ngôi đền được cung tiến bởi Alexander Đại đế,[62] điều này được ghi lại trong một bản khắc hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Anh.[60]

Thần thoại[sửa | sửa mã nguồn]

Ra đời[sửa | sửa mã nguồn]

Athena được "sinh ra" từ trán của Zeus sau khi ông ta đã nuốt chửng Metis, trong khi Metis đang bám vào áo của nữ thần sinh nở Eileithyia bên phải; bình gốm hình nhân đen, 550–525 TCN. Bảo tàng Louvre.

Trong các vị thần trên đỉnh Olympus, Athena là đứa con được yêu thích của thần Zeus, được sinh ra từ trán của ông trong hình dạng trưởng thành và đầy đủ khí giới.[63][64][65].

Có nhiều dị bản về sự ra đời của bà.[66][67][68] Câu chuyện này được đề cập sớm nhất trong Quyển V Iliad, khi Ares chỉ trích Zeus quá thiên vị Athena do "autos egeinao" (nghĩa đen là "ngài đã sinh ra cô ta").[69][70]

Theo dị bản của Hesiod kể trong Theogony (Thần phả), Zeus kết hôn với Metis - nữ thần "thông thái nhất trong các vị thần và người phàm".[71][72][70][73] Tuy nhiên, sau khi Metis mang thai, Zeus lo sợ đứa trẻ chưa chào đời sau này sẽ lật đổ ông bởi vì lời tiên tri của GaiaOuranos rằng Metis sẽ sinh ra những đứa con khôn ngoan vượt qua cha mình.[71][72][70][73] Để ngăn chặn điều đó, Zeus lừa nuốt Metis vào bụng.[71][74][70][73] Một dị bản trong Bibliotheca của ngụy-Apollodorus, được viết vào thế kỷ thứ 2 CN, cho rằng Metis bị ép buộc chứ không phải là vợ của Zeus.[75][76] Theo đó, Metis đã biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau để thoát khỏi Zeus,[75][76] nhưng cuối cùng vẫn bị ông ta bắt được, cưỡng hiếp và nuốt chửng.[75][76]

Sau khi nuốt chửng Metis, Zeus lần lượt lấy thêm sáu người khác cho đến người vợ thứ bảy hiện tại là Hera.[73] Sau đó, Zeus trải qua một cơn đau đầu kinh khủng.[77][70][73] Ông đau đớn đến mức ra lệnh cho một người (Prometheus, Hephaestus, Hermes, Ares hoặc Palaemon, tùy nguồn văn liệu) bổ đầu ông ra bằng cái labrys - rìu Minoan hai đầu.[78][70][79][76] Athena nhảy ra khỏi đầu của Zeus trong hình hài trưởng thành và vũ trang đầy đủ.[78][70][65][80] "Bài thánh ca Homer đầu tiên cho Athena" dòng 9–16 nói rằng Athena xuất thế khiến chư thần kinh diễm,[81] đến nỗi thần mặt trời Helios khựng cỗ xe mặt trời lại giữa không trung.[81] Pindar trong bài thơ "Khúc Olympus thứ bảy" kể rằng bà "đã thét vang một tiếng oai hùng" và rằng "cả Bầu trời và Đất mẹ đều rung chuyển trước nữ thần."[82][81]

Hesiod kể rằng Hera khó chịu với Zeus vì đã tự mình sinh ra một đứa con đến nỗi bà đã tự thụ thai và sinh ra Hephaestus,[73] nhưng trong Imagines 2. 27 (bản dịch tiếng Anh của Fairbanks), nhà hùng biện người Hy Lạp Philostratus Già ở thế kỷ thứ 3 CN viết rằng Hera "hân hoan" trước sự ra đời của Athena "như thể Athena là con ruột của bà."

Nhà biện hộ Cơ đốc giáo Justino Tử đạo ở thế kỷ thứ hai sau Công nguyên trong một phép so sánh đã nói rằng: "Họ bảo Athena là con gái của thần Zeus không thông qua giao hợp, mà là khi vị thần muốn tạo ra một thế giới thông qua một ý niệm (logos), ý nghĩ đầu tiên của ông ta là Athena.[83] "Theo một dị bản từ một bản chú giải Iliad (không tìm thấy ở đâu khác), khi Zeus nuốt Metis, bà đã mang thai Athena với thần khổng lồ Brontes.[84] Tác phẩm Etymologicum Magnum[85] lại cho rằng Athena là con gái của Daktyl Itonos.[86] Các mảnh ghép được Eusebius xứ Caesarea cho là của nhà sử học bán truyền thuyết người Phoenicia Sanchuniathon viết trước khi cuộc chiến thành Troia xảy ra, chép rằng Athena là con gái của Cronus, một vị vua xứ Byblos đã đến thăm "thế giới khả sinh" và ban vùng Attica cho Athena.[87][88]

Pallas Athena[sửa | sửa mã nguồn]

Chi tiết trên bức bích họa La Mã từ Pompeii tả cảnh Ajax kéo lê Cassandra khỏi palladion khi thành Troia thất thủ, sự việc khiến Athena nổi giận với quân Hy Lạp.[89]

Tính ngữ Pallas có thể có nguồn gốc từ πάλλω, có nghĩa là "vung [vũ khí]", hoặc nhiều khả năng hơn là từ παλλακίς và các từ liên quan, có nghĩa là "thiếu niên, thiếu nữ".[90] Về điều này, Walter Burkert cho rằng "bà là Pallas của Athens, Pallas Athenaie, giống như Hera của Argos là Here Argeie."[4] Sau này, khi ý nghĩa ban đầu của cái tên bị lãng quên, người Hy Lạp đã sáng tác ra thần thoại để giải thích nguồn gốc của nó, chẳng hạn như những ghi chép của triết gia phái Hưởng lạc PhilodemusBibliotheca của Ngụy-Apollodorus, cho rằng Pallas ban đầu là một thực thể riêng biệt mà Athena đã giết chết trong trận chiến.[91]

Trong một dị bản, Pallas là con gái của thần biển Triton;[92] bà và Athena là hai người bạn thời thơ ấu, nhưng Athena đã vô tình ngộ sát Pallas trong một trận đấu giao hữu.[93] Đau khổ về điều mình làm, Athena lấy tên Pallas để vinh danh người bạn đã khuất.[93] Trong một dị bản khác, Pallas là một thần khổng lồ;[78] Athena đã giết Pallas trong cuộc chiến giữa các vị thần Olympus và các thần khổng lồ, và lột da hắn ta làm áo choàng.[78][11][94][95] Trong một dị bản khác, Pallas là cha của Athena,[78][11] hắn ta định tấn công chính con gái mình[96] nên Athena đã giết và lột da hắn làm chiến tích.[97]

Tương truyền, bức tượng thần Athena ngự tại thành Troia được gọi là Palladion,[98] do chính tay Athena tạc theo hình mẫu người bạn đã khuất Pallas.[98] Thần tượng này là bùa hộ mệnh của thành Troia;[98] mọi người tin rằng miễn là tượng còn đứng trong thành, Troia sẽ không bao giờ thất thủ.[98] Khi quân Hy Lạp chiếm được Troia, con gái của PriamCassandra đã ôm lấy palladion để được bảo vệ,[98] nhưng Ajax Nhỏ đã gỡ nàng ra khỏi thần tượng và kéo lê nàng đi một cách thô bạo đến chỗ giam cầm.[98] Sự xúc phạm này khiến Athena phẫn nộ.[89] Mặc dù Agamemnon cố gắng xoa dịu cơn giận của bà bằng những vật tế lễ, Athena tạo ra một cơn bão tại Mũi Kaphereos, tiêu diệt gần như toàn bộ hạm đội Hy Lạp và đánh tan tác những con tàu còn sót lại ra khắp biển Aegean.[99]

Thần bảo trợ thành Athens[sửa | sửa mã nguồn]

Tranh chấp giữa Minerva vàd Neptune, bởi René-Antoine Houasse (k. 1689 hoặc 1706)

Trong truyền thuyết được kể lại bởi Ngụy-Apollodorus,[85] Athena đã cạnh tranh với Poseidon để trở thành vị thần bảo trợ của thành Athens. [100] Mỗi người sẽ tặng cho người Athen một món quà[100]Cecrops, vua của Athens, sẽ chọn ra món quà quý hơn.[100] Poseidon gõ cây đinh baxuống đất và một dòng nước mặn phun lên,[100] giúp Athens thông với biển và phát triển giao thương hàng hải.[101] Athens ở thời kỳ đỉnh cao là một cường quốc biển đáng gớm, đã đánh bại hạm đội Ba Tư trong trận Salamis [101] —nhưng nước mặn lại không thể uống được.[101] Theo dị bản trong truyện Georgics của Vergil,[85] Poseidon đã tặng cho người Athens con ngựa đầu tiên.[100] Athena tặng cho người Athens cây ô liu thuần hóa đầu tiên.[100][52] Ô liu mang lại gỗ, dầu và lương thực,[101] trở thành biểu tượng của sự phồn thịnh giàu có.[52][102] Cecrops nhận món quà này[100] và tuyên bố Athena là nữ thần bảo trợ của Athens.[100] Robert Graves cho rằng huyền thoại này mang tính chính trị,[101] phản ánh mâu thuẫn giữa các tín ngưỡng mẫu hệ và phụ hệ.[101]

Ngụy-Apollodorus[85] ghi lại một truyền thuyết cổ xưa, kể rằng Hephaestus từng cố cưỡng hiếp Athena nhưng bà đã chống cự được và đẩy ông ta ra. Hephaetus xuất tinh và tinh dịch bắn lên đùi bà.[103] Athena kinh tởm lau sạch tinh dịch bằng một búi len rồi ném xuống đất, [103] khiến đất mẹ Gaia mang thai và sinh ra Erichthonius.[103] Athena đã nhận nuôi Erichthonius.[103] Nhà thần thoại học La Mã Hyginus[85] ghi lại một câu chuyện tương tự, trong đó Hephaestus xin phép Zeus cho cưới Athena vì ông ta đã bổ rìu vào trán Zeus để Athena ra đời.[103] Zeus đồng ý và Hephaestus với Athena làm đám cưới,[103] nhưng trong đêm tân hôn Athena biến mất, khiến Hephaetus xuất tinh trên sàn nhà, thụ tinh cho Gaia sinh ra Erichthonius.[103]

Nhà địa lý học Pausanias[85] ghi lại rằng Athena đã đặt đứa trẻ sơ sinh Erichthonius vào một chiếc rương nhỏ[104] (cista) và giao cho ba người con gái của Cecrops: Herse, Pandrosos và Aglauros chăm sóc.[104] Bà cảnh báo ba chị em không được mở chiếc rương ra,[104] nhưng không cho họ biết lý do hoặc cái gì trong rương.[104] Một trong ba chị em[104] đã mở rương ra.[104] Các nguồn khác nhau ghi lại hoặc họ thấy đứa trẻ là một con rắn, hoặc đứa trẻ được bảo vệ bởi một hay hai con rắn, hoặc đứa trẻ có chân rắn.[105] Trong câu chuyện của Pausanias, hai trong số các chị em đã phát điên khi nhìn thấy thứ bên trong chiếc rương và chết vì nhảy từ đỉnh Acropolis xuống,[106] nhưng có một bức họa bình gốm Attica mô tả cảnh họ đang bị con rắn đuổi đến rìa của vách đá.[106]

Erichthonius là một trong những anh hùng sáng lập quan trọng nhất của Athens[50] và truyền thuyết về những người con gái của Cecrops là một huyền thoại liên quan đến các nghi lễ của lễ hội Arrhephoria.[50] Pausanias ghi lại rằng, trong lễ Arrhephoria, hai cô gái trẻ được gọi là Arrhephoroi, sống gần đền thờ Athena Polias, sẽ được đại tư tế của Athena trao cho những đồ vật bí mật.[107] Họ phải mang theo chúng đi xuống đường ngầm dưới lòng đất,[107] để chúng lại cuối lối đi và lấy một bộ đồ vật bí mật khác[107] lên trở lại ngôi đền.[107] Nghi lễ được thực hiện trong đêm khuya[107] và không ai kể cả đại tư tế biết những đồ vật đó là gì.[107] Con rắn trong câu chuyện có thể là con rắn nằm cuộn dưới chân Athena trong thần tượng Athena Parthenos nổi tiếng ở Parthenon.[108] Nhiều bức tượng còn sót lại của Athena cũng có hình ảnh con rắn này.[108]

Herodotus ghi lại rằng có một con rắn sống trong một kẽ đá ở phía bắc của đỉnh Acropolis Athens[108] và người Athen cúng lễ cho nó một chiếc bánh mật ong mỗi tháng.[108] Vào đêm trước cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ hai của người Ba Tư vào năm 480 TCN, con rắn đã không ăn bánh[108] nên người Athens diễn giải đó như dấu hiệu cho thấy chính Athena đã bỏ rơi họ.[108] Một dị bản khác về thần thoại các thiếu nữ Athens cũng được kể trong Metamorphoses của nhà thơ La Mã Ovid (43 TCN – 17 CN); trong đó Hermes phải lòng Herse. Herse, Aglaulus, và Pandrosus đến đền thờ để cúng tế cho Athena. Hermes nhờ Aglaulus giúp trong việc chinh phục Herse, đổi lại, Aglaulus đòi tiền làm phần thưởng. Hermes đưa cho nàng số tiền mà các chị em đã dâng lên Athena. Để trừng phạt lòng tham của Aglaulus, Athena sai nữ thần Envy làm cho Aglaulus ghen tị với Herse. Khi Hermes đến tán tỉnh Herse, Aglaulus đã cản đường ông thay vì giúp đỡ như đã hứa, khiến thần tức giận biến nàng thành đá.[109]

Thần bảo trợ chiến binh và anh hùng[sửa | sửa mã nguồn]

Tranh đĩa gốm hình nhân đỏ Attica, k. 480-470 TCN, mô tả Athena đang nhìn con rồng Colchis nhả Jason ra.[110]

Theo Bibliotheca của Ngụy-Apollodorus, Athena đã khuyên bảo và hỗ trợ vua Argus đóng con tàu Argo chở nhóm Jason và các tráng sĩ bắt đầu hành trình phiêu lưu.[111][112] Ngụy-Apollodorus cũng ghi lại rằng Athena đã chỉ dẫn anh hùng Perseus thực hiện thử thách chặt đầu Medusa.[113] Bà và thần đưa tin Hermes hiện lên trước Perseus khi chàng bắt đầu hành trình và tặng chàng những công cụ cần thiết để giết Gorgon.[114][115] Athena đưa cho Perseus một chiếc khiên bằng đồng đánh bóng để xem được hình ảnh phản chiếu của Medusa thay vì nhìn trực tiếp vào mắt nàng, tránh bị hóa đá.[114][116] Hermes đưa cho chàng một lưỡi hái adamant để cắt đầu Medusa.[114][117] Khi Perseus vung lưỡi hái, Athena đã đánh lạc hướng Medusa quay đi chỗ khác, giúp Perseus thực hiện thành công nhiệm vụ.[114][116] Theo Khúc ca Olympus thứ mười ba của Pindar, Athena đã giúp người anh hùng Bellerophon thuần hóa ngựa thần có cánh Pegasus bằng cách cho chàng một cái hàm.[118][119]

Trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, Athena là vị thần thường xuyên trợ giúp người anh hùng Heracles.[120] Bà xuất hiện trong hai tấm metop (tấm giữa trong cấu trúc cột Doric) tại Đền thờ Thần Zeus ở Olympia, mô tả Mười hai kỳ công của Heracles.[121] Trong tấm đầu tiên, bà quan sát Heracles giết sư tử Nemea,[120] và trong tấm thứ mười, bà giúp ông chống đỡ bầu trời.[122] Bà được coi là người "đồng minh nghiêm khắc" của Heracles,[123] nhưng đồng thời cũng "hiền từ công nhận những thành quả của ông."[123] Những tác phẩm nghệ thuật về cái chết của Heracles thường có hình ảnh Athena đánh cỗ xe chở ông lên đỉnh Olympus để giúp ông hóa thần.[122]

Trong vở bi kịch Orestes của Aeschylus, Athena đã can thiệp để cứu Orestes, con trai của AgamemnonClytemnestra, khỏi cơn thịnh nộ của Erinyes và chủ tọa phiên tòa xét xử chàng vì tội giết mẹ.[124] Khi một nửa bồi thẩm đoàn bỏ phiếu trắng án và nửa còn lại bỏ phiếu kết tội, Athena bỏ phiếu quyết định tha bổng cho Orestes[124] và tuyên bố rằng kể từ đó, nếu bồi thẩm đoàn bỏ phiếu hòa thì bị cáo sẽ được trắng án.[125]

Trong Odyssey, sự khôn ngoan và mưu mẹo của Odysseus nhanh chóng chiếm được cảm tình của Athena.[126] Tuy nhiên, trong phần đầu sử thi, bà chủ yếu chỉ gián tiếp hỗ trợ bằng cách gieo vào đầu chàng các ý tưởng trong chuyến hành trình từ thành Troy về nhà. Nhà thần thoại học Walter Friedrich Otto gọi bà là "nữ thần gần gũi", người luôn hướng dẫn và dìu dắt các anh hùng.[127][113] Cho đến khi Odysseus tắm rửa trên bờ biển đảo Phaeacia, nơi Nausicaa đang giặt quần áo, Athena mới đích thân xuất hiện để giúp đỡ trực tiếp.[128] Bà hiện lên trong giấc mơ của Nausicaa để báo cho công chúa giải cứu Odysseus; bà cũng trợ giúp chàng tẩu thoát về Ithaca.[129] Khi Odysseus đến nơi, Athena cải trang thành người chăn gia súc[130] và báo với chàng rằng vợ chàng, nàng Penelope, đã tái hôn vì cho rằng chàng đã chết,[130] nhưng Odysseus đã tìm cách trả lời khôn khéo để thoát khỏi tình huống này.[131] Bị ấn tượng bởi quyết tâm và sự khôn ngoan của chàng, bà tiết lộ thân phận của mình và hướng dẫn chàng những điều cần thiết để giành lại vương quốc của mình.[132] Bà cải trang cho chàng thành một người ăn xin lớn tuổi để qua mặt hết tất cả mọi người,[133][134] giúp chàng đánh bại những kẻ đến cầu hôn.[133] Athena cũng hiện lên trước con trai của Odysseus là Telemachus,[135] khiến Telemachus đi tìm gặp các đồng đội cũ của Odysseus để hỏi thăm về cha mình[136] và nghe được những câu chuyện về chuyến phiêu lưu của Odysseus.[136] Sự thúc đẩy của Athena giúp Telemachos trở nên trưởng thành và mạnh mẽ, nối gót cha mình.[137] Bà cũng là người đứng ra giải hòa các mâu thuẫn giữa các dòng họ của những người đến cầu hôn trên đảo Ithaca. Bà đã chỉ dẫn Laertes phóng ngọn giáo giết chết Eupeithes, cha đẻ của Antinous.

Các truyền thuyết trừng phạt[sửa | sửa mã nguồn]

Mô tả Medusa thời Hy Lạp cổ điển, thế kỷ 4 TCN

Biểu tượng đầu rắn Gorgoneion có thể có bắt nguồn từ một biểu tượng trừ tà thời cổ đại.[138] Trong một câu chuyện thần thoại sau này được sáng tạo để giải thích về nguồn gốc của biểu tượng,[139] Medusa là một trong ba chị em Gorgon, nhưng khác với hai chị gái, nàng có hình dạng xinh đẹp và không bất tử. Medusa tu hành trong đền thờ Athena ở Athens.[140] Vì ham muốn sắc đẹp của Medusa, Poseidon cưỡng hiếp nàng trong đền thờ,[140] bất chấp lời thề trinh tiết của nữ tư tế.[140] Khi phát hiện đền thờ của mình bị xúc phạm, Athena đã biến Medusa thành một con quái vật gớm ghiếc với mái tóc rắn bò lúc nhúc và có đôi mắt có thể làm người phàm hóa đá chỉ bằng một ánh nhìn.[141]

Trong Khúc ca Pythia thứ mười hai, Pindar kể lại câu chuyện Athena đã phát minh ra aulos, một loại sáo phát ra những lời than thở của hai chị em Gorgon sau khi Medusa bị Perseus chặt đầu.[142] Theo Pindar, Athena đã tặng aulos cho người phàm như một món quà.[142] Sau đó, tác giả hài kịch Melanippides xứ Melos (k. 480-430 TCN) đã đưa câu chuyện này vào vở kịch Marsyas của mình,[142] trong đó Athena đã nhìn vào gương khi đang thổi aulos và thấy đôi má phồng lên trông rất ngớ ngẩn, bà ném cái aulos đi và nguyền rủa ai nhặt được sẽ phải chết oan uổng.[142] Nhân mã Marsyas đã nhặt được aulos, và sau này bị Apollo giết vì tội ngạo mạn.[142] Từ đó, phiên bản này của câu chuyện trở thành chính thống[142] và nhà điêu khắc người Athens Myron dựa vào đó đã sáng tác một loạt tượng đồng được đặt trước mặt phía tây của Parthenon vào khoảng năm 440 TCN.[142]

Một câu chuyện thần thoại được nhà thơ Hy Lạp cổ đại đầu thế kỷ 3 TCN là Callimachus kể lại trong bài Thánh ca thứ năm bắt đầu với cảnh Athena tắm suối trên núi Helicon vào buổi trưa cùng với người bạn đồng hành thân thiết, tiên nữ Chariclo.[143] Tiresias, con trai của Chariclo, tình cờ đi săn tại ngọn núi đó và đến suối tìm nước uống.[143] Chàng vô tình nhìn thấy Athena khỏa thân, vì vậy bà làm mù đôi mắt chàng vì đã trông thấy những gì người phàm không được phép thấy.[143] Chariclo ra mặt cầu xin Athena thương xót cho con trai mình.[143] Athena trả lời rằng bà không thể khôi phục đôi mắt của Tiresias,[143] vì vậy, bà bù đắp bằng cách ban cho chàng khả năng nghe hiểu ngôn ngữ chim chóc và có thể từ đó đoán trước được tương lai.[144]

MinervaArachne của René-Antoine Houasse (1706)

Truyện ngụ ngôn về Arachne nằm trong tập Metamorphoses của Ovid (8 CN) (vi.5–54 và 129–145),[145] đây gần như là nguồn duy nhất nhắc đến truyền thuyết này.[146] Câu chuyện này dường như không mấy phổ biến trước khi được Ovid cải biên và kể lại,[146] nó chỉ được nhắc đến thoáng qua một lần trong Georgics của Virgil (29 TCN) (iv, 246) và không nhắc đến tên Arachne.[147] Theo Ovid, Arachne (có nghĩa là con nhện trong tiếng Hy Lạp cổ đại[148]) là con gái của một thợ nhuộm màu tía Tyrus nổi tiếng ở Hypaipa của Lydia, và là học trò của Athena.[149] Nàng tự phụ về tay nghề dệt vải của mình tới mức nàng tuyên bố rằng tài năng của mình còn vượt trội hơn cả Athena.[149] Athena cho Arachne một cơ hội để chuộc lỗi bằng cách giả dạng một bà già và cảnh báo Arachne không được xúc phạm các vị thần.[145] Arachne chế giễu bà và muốn tổ chức một cuộc thi tài dệt vải để có thể chứng tỏ khả năng của mình.[150]

Athena dệt cảnh bà chiến thắng Poseidon trong cuộc thi giành quyền bảo trợ thành Athens.[150] Tấm thảm của Athena cũng có cả 12 vị thần Olympus và cảnh họ đánh bại những kẻ thách thức quyền uy của thần.[151] Tấm thảm của Arachne có 21 cảnh xoay quanh sự trụy lạc của các vị thần,[150] bao gồm việc Zeus quyến rũ rồi bỏ mặc Leda, Europa và Danaë.[152] Nó phản ánh những hành động bất công và bất tín của thần linh đối với người phàm.[151] Tuy công nhận tác phẩm của Arachne đẹp hoàn hảo,[150] nhưng Athena nổi trận lôi đình trước nội dung báng bổ thánh thần của nó.[150] Trong cơn thịnh nộ, Athena cầm con thoi rạch nát tấm thảm và khung cửi của Arachne,[150] rồi lấy cây trượng đập vào mặt Arachne bốn lần.[150] Arachne uất ức treo cổ tự vẫn,[150] cuối cùng Athena thương hại và cho nàng sống lại thành một con nhện để nàng được kéo sợi và dệt mãi mãi.[150]

Cuộc chiến thành Troia[sửa | sửa mã nguồn]

Tranh khảm Hy Lạp cổ từ Antioch, thế kỷ 2 CN, AD, mô tả cảnh Phán xét của Paris

Truyền thuyết Phán xét của Paris được nhắc đến vắn tắt trong Iliad,[153] nhưng được kể lại kỹ hơn trong bản rút gọn của sử thi Cypria đã bị thất lạc.[154] Câu chuyện kể rằng tất cả các nam thần và nữ thần cùng nhiều người phàm trần được mời đến tham dự hôn lễ của PeleusThetis (cha mẹ của Achilles).[153] Chỉ có nữ thần của sự bất hòa Eris là không được mời.[154] Để trả thù, bà ta đến đám cưới và ném vào giữa bàn tiệc một quả táo vàng có khắc chữ καλλίστῃ (kallistēi, "dành cho người đẹp nhất").[155] Aphrodite, Hera và Athena đều tự cho mình là người đẹp nhất và do đó là chủ nhân xứng đáng của quả táo.[155]

Các nữ thần đến nhờ Zeus phân xử. Vì không muốn làm mất lòng ai nên Zeus để Paris, một hoàng tử thành Troy quyết định.[155] Các nữ thần tìm đến Paris, khi đó còn đang chăn cừu trên núi Ida.[155] Trong các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa còn sót lại về câu chuyện Sự phán xét của Paris, chỉ có Aphrodite đôi khi được mô tả khỏa thân, còn Athena và Hera luôn mặc quần áo đầy đủ.[156] Tuy nhiên, kể từ thời Phục hưng, các bức tranh phương Tây thường miêu tả cả ba nữ thần hoàn toàn khỏa thân.[156]

Cả ba nữ thần đều hoàn mĩ khiến Paris không thể quyết định được ai là người đẹp nhất, vì vậy họ đã cố gắng mua chuộc chàng.[155] Hera hứa cho chàng quyền lực bao trùm toàn bộ châu Áchâu Âu;[155] Athena hứa cho chàng danh tiếng và vinh quang chiến trận,[155] còn Aphrodite hứa sẽ để chàng cưới người phụ nữ đẹp nhất trần gian.[157] Người này là Helen, vợ của Vua Menelaus xứ Sparta.[157] Cuối cùng, Paris đã xiêu lòng và chọn Aphrodite, trao cho nữ thần quả táo vàng.[157] Hai nữ thần còn lại nổi giận và đứng về phía người Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh thành Troia.[157]

Trong Quyển V – VI của Iliad, Athena hỗ trợ Diomedes, một trong những chiến binh Hy Lạp xuất sắc nhất.[158] Nhiều đoạn trong Iliad cũng đề cập đến Athena trước đây từng bảo trợ cho Tydeus, cha của Diomedes.[159][160] Khi những người phụ nữ thành Troy đến đền thờ Athena trên Acropolis để cầu xin bà bảo vệ họ khỏi tay Diomedes, Athena đã phớt lờ họ.[89]

Trong Quyển XXII của Iliad, trong khi Achilles đang đuổi theo Hector quanh các bức tường thành Troy, Athena hiện lên trước Hector trong hình dạng người anh trai Deiphobus[161] và hứa hẹn hỗ trợ Hector chiến đấu với Achilles.[161] Sau đó, Hector phóng ngọn giáo về phía Achilles nhưng bị trượt, chàng chờ Deiphobus đưa cho mình một cây khác[162] nhưng Athena biến mất, để lại Hector đối mặt với Achilles một mình mà không còn vũ khí trong tay.[162] Trong vở bi kịch Ajax của Sophocles, bà trừng phạt đối thủ của Odysseus là Ajax Lớn, khiến chàng phát cuồng và tàn sát đàn gia súc của người Achaea vì tưởng rằng mình đang tàn sát chính người Achaea.[163] Ngay cả Odysseus cũng cảm thấy thương hại thay cho Ajax.[164] Athena nói, "Cười vào mặt kẻ thù của ngươi - còn có nụ cười nào say sưa hơn thế nữa?" (dòng 78–9).[164] Ajax sau đó tự sát vì hổ thẹn.[164]

Trong nghệ thuật cổ điển[sửa | sửa mã nguồn]

Athena là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong nghệ thuật Hy Lạp cổ điển, kể cả trên tiền xu và đồ gốm,[165][166] đặc biệt là trong các tác phẩm nghệ thuật đến từ Athens.[165] Thời cổ điển, Athena thường được khắc họa trong dáng đứng thẳng, vận áo chiton dài,[167] mặc giáp[166][167][6], đội mũ trụ Corinth mỏ chim ưng,[168] với biểu tượng đầu gorgon (gorgoneion) khảm trên khiên ngực[139] hoặc áo choàng.[166] Khi trong hình tượng Athena Promachos, bà được thể hiện vung ngọn giáo trong tay.[165][6] Các cảnh tượng thường được khắc họa của Athena bao gồm cảnh bà ra đời từ trán thần Zeus, trận chiến với các thần khổng lồ, sự ra đời của Erichthonius và Phán xét của Paris.[165]

Mô tả nổi tiếng nhất về Athena thời cổ điển là bức thần tượng Athena Parthenos bằng vàng và ngà voi cao 11.5m,[169] từng đặt tại Parthenon nhưng hiện nay không còn nữa, được điêu khắc bởi Phidias thành Athens.[167][165] Các bản sao cho thấy bức tượng mô tả Athena cầm chiếc khiên bằng tay trái và nữ thần chiến thắng Nike có cánh đứng ở bên phải.[165]

Athena Than khóc hay Athena Suy tưởng là một bức phù điêu nổi tiếng có niên đại khoảng 470-460 trước Công nguyên[168][165] đại diện cho hình tượng Athena Polias.[168] Athena Polias cũng được thể hiện trong một bức phù điêu Tân-Attica hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Virginia,[168] mô tả bà đang giữ một con cú ển tay,[h] đội mũ trụ Corinth và dựng khiên tựa vào bức tượng bên cạnh.[168]

Nữ thần La Mã Minerva giữ lại hầu hết các biểu tượng và đặc trưng Hy Lạp của Athena,[170] nhưng đồng thời được xếp vào bộ ba vị thần La Mã tối cao Capitoline Triad (bao gồm Minerva, JupiterJuno).[170]

Văn hóa hậu cổ điển[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ thuật và tượng trưng[sửa | sửa mã nguồn]

Tượng Pallas Athena trước Tòa nhà Quốc hội Áo. Trong suốt lịch sử phương Tây, Athena được coi như một biểu tượng của tự do và dân chủ.[171]

Các tác giả Cơ đốc giáo thời đầu, chẳng hạn như Clement thành AlexandriaFirmicus, đã phỉ báng Athena là đại diện cho những gì ghê tởm nhất của ngoại giáo;[172] bà bị lên án là "vô luân và vô đạo đức".[173] Tuy nhiên, trong suốt thời Trung cổ, nhiều đặc trưng của Athena đã được gán cho Đức mẹ Đồng trinh Maria.[173] Trong các bức chân dung thế kỷ thứ tư, Maria thường được miêu tả đeo biểu tượng Gorgoneion.[173] Một số người thậm chí còn xem Maria là một thánh nữ chiến binh, như hình tượng Athena Parthenos;[173] một giai thoại kể lại rằng Maria đã từng xuất hiện trên các bức tường của Constantinople trong cuộc bao vây của người Avars, với ngọn giáo trên tay và thúc giục mọi người chiến đấu.[174] Suốt thời Trung cổ, Athena là một một biểu tượng được sử dụng rộng rãi trong Cơ đốc giáo, bà cũng xuất hiện trên gia huy của một số gia đình quý tộc.[175]

Đến thời kỳ Phục hưng, Athena trở thành đại diện cho nghệ thuật và sáng tạo bởi bàn tay khối óc con người;[176] những tích thần thoại cổ về Athena là chủ đề ưa thích trong hội họa Ý thời kỳ Phục hưng.[176] Trong bức tranh Pallas và Nhân mã của Sandro Botticelli, có thể được vẽ vào khoảng những năm 1480, Athena là hiện thân của tiết hạnh, đối lập với nhân mã đại diện cho dục vọng.[177] Bức tranh Chiến thắng của Đức hạnh (1502) của Andrea Mantegna sử dụng Athena như hóa thân của nền học vấn Graeco-La Mã đang xua đuổi những hủ tục trung cổ ra khỏi khu vườn của học thuật hiện đại.[178] Athena cũng là hình tượng nhân hóa của trí tuệ trong bức tranh Chiến thắng của trí tuệ hay Minerva chiến thắng sự ngu muội (1591) của Bartholomeus Spranger.[170]

Trong suốt thế kỷ XVI và XVII, Athena được sử dụng như một biểu tượng cho những nhà cầm quyền nữ giới.[179] Trong cuốn sách Sự hiển lộ của Minerva chân chính (1582), Thomas Blennerhassett miêu tảElizabeth I của Anh như một "tân Minerva" và "vị nữ thần vĩ đại nhất trên đời".[180] Một loạt bức tranh của Peter Paul Rubens thể hiện Athena là người bảo trợ và hướng đạo của Marie de 'Medici;[181] thậm chí còn thể hiện Marie de 'Medici trong hình tượng của Athena như hóa thân phàm trần của chính nữ thần.[181] Nhà điêu khắc người Đức Jean-Pierre-Antoine Tassaert sau này đã miêu tả Catherine II của Nga với hình tượng Athena trong một bức tượng bán thân cẩm thạch năm 1774.[170] Trong cuộc Cách mạng Pháp, tượng của nhiều vị thần ngoại giáo đã bị phá bỏ trên khắp nước Pháp, ngoại trừ tượng của Athena.[181] Không những thế, Athena còn được chuyển hóa thành hiện thân của tự do và nền cộng hòa,[181] một bức tượng nữ thần được đặt ở trung tâm của Quảng trường Cách mạng tại Paris.[181] Trong những năm sau Cách mạng, các tác phẩm nghệ thuật về Athena đã phát triển mạnh mẽ.[182]

Các mô tả nghệ thuật về Athena đã ảnh hưởng đến các biểu tượng tự do và dân chủ của phương Tây, bao gồm cả Tượng Nữ thần Tự doBritannia.[183] Một bức tượng Athena được đặt ngay trước mặt Tòa nhà Quốc hội Áo ở Vienna.[183] Một bản sao nguyên cỡ của Parthenon đã được xây dựng tại Nashville, Tennessee từ năm 1897.[184] Năm 1990, những người phụ trách đã dựng thêm một bản sao mạ vàng cao 12,5m của tượng Athena Parthenos làm từ bê tông và sợi thủy tinh.[184] Huy hiệu chính thức của bang California, Hoa Kỳ có hình ảnh Athena ngồi bên cạnh một con gấu xám nâu.[185] Athena thi thoảng cũng xuất hiện trên tiền xu hiện đại, ví dụ như đồng xu $50 kỷ niệm Panama-Thái Bình Dương năm 1915.[186]

Quan điểm thời hiện đại[sửa | sửa mã nguồn]

Bàn thờ Neopagan Hy Lạp giáo thời hiện đại thờ Athena và Apollo

Một trong những món đồ Sigmund Freud quý trọng nhất là một bức tượng đồng nhỏ hình Athena đặt trên bàn làm việc.[189] Freud từng mô tả Athena là "một người phụ nữ bất khả xâm phạm và đẩy lùi mọi ham muốn tình dục - vì bà đeo trên mình bộ phận sinh dục đáng sợ của Người mẹ" ("Bộ phận sinh dục đáng sợ của Người mẹ" để chỉ cái đầu Medusa mà Athena khảm trên khiên).[190] Quan điểm nữ quyền về Athena bị chia rẽ mạnh mẽ;[190] một số nhà nữ quyền coi bà là biểu tượng của sự trao quyền cho phụ nữ,[190] trong khi nhiều người khác coi bà là "kẻ duy trì chế độ phụ quyền thực sự... người sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy và nâng đỡ nam giới hơn là những người cùng giới tính."[190] Trong Đạo Phù thủy thời nay, Athena được tôn vinh như một hóa thân của Nữ thần[191] và một số người tin rằng bà có thể ban tặng "Năng lực của loài cú" ("khả năng viết và giao tiếp rõ ràng") cho các tín đồ.[191] Với tư cách là một trong mười hai vị thần trên đỉnh Olympus, Athena là một vị thần chính trong Hy Lạp giáo hiện đại,[192] một tôn giáo Tân Pagan nhằm hồi sinh và phục dựng tôn giáo Hy Lạp cổ đại trong thế giới hiện đại.[193]

Athena được coi là vị thần bảo trợ chính đáng của các trường đại học: Tại Trường Bryn MawrPennsylvania, một bức tượng Athena (bản sao của bức tượng đồng nguyên bản trong thư viện nghệ thuật và khảo cổ học) được đặt tại Đại sảnh đường.[194] Theo truyền thống, vào thời gian thi cử, nhiều học sinh đến dâng lễ vật cho nữ thần để cầu may mắn,[194] hoặc để xám hối vì đã vô tình vi phạm bất kỳ truyền thống nào của trường.[194] Pallas Athena là nữ thần bảo trợ của hội huynh đệ Phi Delta Theta quốc tế.[195] Con cú của bà cũng là biểu tượng của tình huynh đệ.[195]

Phả hệ[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Trong nhiều dị bản, cha của Athena còn được cho là Pallas, Brontes, hoặc Dactyl.[2]
  2. ^ /əˈθnə/; Attica: Ἀθηνᾶ, Athēnâ, hoặc Ἀθηναία, Athēnaía; Sử thi: Ἀθηναίη, Athēnaíē; Doric: Ἀθάνα, Athā́nā
  3. ^ /əˈθn/; Ionic: Ἀθήνη, Athḗnē
  4. ^ /ˈpæləs/; Παλλάς Pallás
  5. ^ "Người dân thờ phụng một vị mẫu thần; được gọi theo tiếng Ai Cập là Neith, được họ thờ phụng như người Hy Lạp thờ Athena; họ yêu văn hóa Athens, và có nhiều mối liên hệ với nơi đó." (Timaeus 21e.)
  6. ^ Theo Eumenides v. 292 f. Cf. của Aeschylus, bà là con gái của Neilos: xem, e. g. Clement thành Alexandria Protr. 2.28.2; Cicero, De Natura Deorum 3.59.
  7. ^ "Thánh địa này là nơi linh thiêng đối với người Peloponnesos từ thời cổ đại, và được bảo vệ nghiêm ngặt" (Pausanias, Description of Greece iii.5.6)
  8. ^ Ý nghĩa biểu tượng cho trí tuệ của loài cú đến từ mối liên hệ với Athena.
  9. ^ Theo Iliad của Homer1.570–579, 14.338, Odyssey 8.312, Hephaestus là con của Hera vàZeus, xem Gantz, p. 74.
  10. ^ Theo Thần phả của Hesiod, 927–929, Hephaestus do Hera tự mình sinh ra, xem Gantz, p. 74.
  11. ^ Theo Thần phả của Hesiod 183–200, Aphrodite được sinh ra từ dương vật bị đứt lìa của Uranus, xem Gantz, pp. 99–100.
  12. ^ Theo Iliad của Homer, Aphrodite là con gái của Zeus (3.374, 20.105; Odyssey 8.308, 320) and Dione (Iliad 5.370–71), xem Gantz, pp. 99–100.

Dẫn nguồn[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Inc, Merriam-Webster (1995). Merriam-Webster's Encyclopedia of Literature. Merriam-Webster. tr. 81. ISBN 9780877790426.
  2. ^ Kerényi 1951, tr. 121–122.
  3. ^ L. Day 1999, tr. 39.
  4. ^ a b c d e f g Burkert 1985, tr. 139.
  5. ^ a b c d e Ruck & Staples 1994, tr. 24.
  6. ^ a b c d Powell 2012, tr. 230.
  7. ^ Beekes 2009, tr. 29.
  8. ^ Johrens 1981, tr. 438–452.
  9. ^ a b c d Hurwit 1999, tr. 14.
  10. ^ a b Nilsson 1967, tr. 347, 433.
  11. ^ a b c d e f Burkert 1985, tr. 140.
  12. ^ Puhvel 1987, tr. 133.
  13. ^ Kinsley 1989, tr. 141–142.
  14. ^ a b c Ventris & Chadwick 1973, tr. 126.
  15. ^ Chadwick 1976, tr. 88–89.
  16. ^ Palaima 2004, tr. 444.
  17. ^ Burkert 1985, tr. 44.
  18. ^ Chữ khắc KO Za 1, dòng 1.
  19. ^ a b c Best 1989, tr. 30.
  20. ^ Mylonas 1966, tr. 159.
  21. ^ Hurwit 1999, tr. 13–14.
  22. ^ Fururmark 1978, tr. 672.
  23. ^ a b Nilsson 1950, tr. 496.
  24. ^ Harrison 1922:306. Cfr. ibid., p. 307, fig. 84: “Detail of a cup in the Faina collection”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 11 năm 2004. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2007..
  25. ^ Wolkstein & Kramer 1983, tr. 92, 193.
  26. ^ Puhvel 1987, tr. 133–134.
  27. ^ Mallory & Adams 2006, tr. 433.
  28. ^ a b Penglase 1994, tr. 235.
  29. ^ Deacy 2008, tr. 20–21, 41.
  30. ^ Penglase 1994, tr. 233–325.
  31. ^ Cf. also Herodotus, Histories 2:170–175.
  32. ^ Bernal 1987, tr. 21, 51 ff.
  33. ^ Fritze 2009, tr. 221–229.
  34. ^ Berlinerblau 1999, tr. 93ff.
  35. ^ Fritze 2009, tr. 221–255.
  36. ^ Jasanoff & Nussbaum 1996, tr. 194.
  37. ^ Fritze 2009, tr. 250–255.
  38. ^ Herrington 1955, tr. 11–15.
  39. ^ a b c d e Hurwit 1999, tr. 15.
  40. ^ Simon 1983, tr. 46.
  41. ^ a b Simon 1983, tr. 46–49.
  42. ^ a b c Herrington 1955, tr. 1–11.
  43. ^ Burkert 1985, tr. 305–337.
  44. ^ a b c Herrington 1955, tr. 11–14.
  45. ^ a b c d e Schmitt 2000, tr. 1059–1073.
  46. ^ a b c d Darmon 1992, tr. 114–115.
  47. ^ a b Hansen 2004, tr. 123–124.
  48. ^ a b Robertson 1992, tr. 90–109.
  49. ^ Hurwit 1999, tr. 18.
  50. ^ a b c Burkert 1985, tr. 143.
  51. ^ Goldhill 1986, tr. 121.
  52. ^ a b c d Garland 2008, tr. 217.
  53. ^ Hansen 2004, tr. 123.
  54. ^ Goldhill 1986, tr. 31.
  55. ^ a b c Kerényi 1952.
  56. ^ Pilafidis-Williams 1998.
  57. ^ Jost 1996, tr. 134–135.
  58. ^ Pausanias, Description of Greece viii.4.8.
  59. ^ a b c d e f Deacy 2008, tr. 127.
  60. ^ a b Burn 2004, tr. 10.
  61. ^ a b Burn 2004, tr. 11.
  62. ^ Burn 2004, tr. 10–11.
  63. ^ Kerényi 1951, tr. 118–120.
  64. ^ Deacy 2008, tr. 17–32.
  65. ^ a b Penglase 1994, tr. 230–231.
  66. ^ Kerényi 1951, tr. 118–122.
  67. ^ Deacy 2008, tr. 17–19.
  68. ^ Hansen 2004, tr. 121–123.
  69. ^ Iliad Quyển V, dòng 880
  70. ^ a b c d e f g Deacy 2008, tr. 18.
  71. ^ a b c Hesiod, Theogony 885-900, 929e-929t
  72. ^ a b Kerényi 1951, tr. 118–119.
  73. ^ a b c d e f Hansen 2004, tr. 121–122.
  74. ^ Kerényi 1951, tr. 119.
  75. ^ a b c Pseudo-Apollodorus, Bibliotheca 1.3.6
  76. ^ a b c d Hansen 2004, tr. 122–123.
  77. ^ Kerényi 1951, tr. 119–120.
  78. ^ a b c d e Kerényi 1951, tr. 120.
  79. ^ Penglase 1994, tr. 231.
  80. ^ Hansen 2004, tr. 122–124.
  81. ^ a b c Penglase 1994, tr. 233.
  82. ^ Pindar, "Seventh Olympian Ode" lines 37–38
  83. ^ Justin, Apology 64.5, quoted in Robert McQueen Grant, Gods and the One God, vol. 1:155, who observes that it is Porphyry "who similarly identifies Athena with 'forethought'".
  84. ^ Gantz, p. 51; Yasumura, p. 89; scholia bT to Iliad 8.39.
  85. ^ a b c d e f Kerényi 1951, tr. 281.
  86. ^ Kerényi 1951, tr. 122.
  87. ^ Oldenburg 1969, tr. 86.
  88. ^ I. P., Cory biên tập (1832). “The Theology of the Phœnicians from Sanchoniatho”. Ancient Fragments. Cory biên dịch. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010 – qua Sacred-texts.com.
  89. ^ a b c Deacy 2008, tr. 68–69.
  90. ^ Chantraine, s.v.; the New Pauly says the etymology is simply unknown
  91. ^ New Pauly s.v. Pallas
  92. ^ Graves 1960, tr. 50–55.
  93. ^ a b Graves 1960, tr. 50.
  94. ^ Deacy 2008, tr. 51.
  95. ^ Powell 2012, tr. 231.
  96. ^ Kerényi 1951, tr. 120-121.
  97. ^ Kerényi 1951, tr. 121.
  98. ^ a b c d e f Deacy 2008, tr. 68.
  99. ^ Deacy 2008, tr. 71.
  100. ^ a b c d e f g h Kerényi 1951, tr. 124.
  101. ^ a b c d e f Graves 1960, tr. 62.
  102. ^ Kinsley 1989, tr. 143.
  103. ^ a b c d e f g Kerényi 1951, tr. 123.
  104. ^ a b c d e f Kerényi 1951, tr. 125.
  105. ^ Kerényi 1951, tr. 125–126.
  106. ^ a b Kerényi 1951, tr. 126.
  107. ^ a b c d e f Deacy 2008, tr. 89.
  108. ^ a b c d e f Deacy 2008, tr. 88.
  109. ^ Ovid, Metamorphoses, X. Aglaura, Book II, 708–751; XI.
  110. ^ Deacy 2008, tr. 62.
  111. ^ Pseudo-Apollodorus, Bibliotheca 1.9.16
  112. ^ Hansen 2004, tr. 124.
  113. ^ a b Burkert 1985, tr. 141.
  114. ^ a b c d Deacy 2008, tr. 61.
  115. ^ Pseudo-Apollodorus, Bibliotheca 2.37, 38, 39
  116. ^ a b Pseudo-Apollodorus, Bibliotheca 2.41
  117. ^ Pseudo-Apollodorus, Bibliotheca 2.39
  118. ^ Deacy 2008, tr. 48.
  119. ^ Pindar, Olympian Ode 13.75-78
  120. ^ a b Deacy 2008, tr. 64–65.
  121. ^ Pollitt 1999, tr. 48–50.
  122. ^ a b Deacy 2008, tr. 65.
  123. ^ a b Pollitt 1999, tr. 50.
  124. ^ a b Roman & Roman 2010, tr. 161.
  125. ^ Roman & Roman 2010, tr. 161–162.
  126. ^ Jenkyns 2016, tr. 19.
  127. ^ W.F.Otto,Die Gotter Griechenlands(55-77).
  128. ^ de Jong 2001, tr. 152.
  129. ^ de Jong 2001, tr. 152–153.
  130. ^ a b Trahman 1952, tr. 31–35.
  131. ^ Trahman 1952, tr. 35.
  132. ^ Trahman 1952, tr. 35–43.
  133. ^ a b Trahman 1952, tr. 35–42.
  134. ^ Burkert 1985, tr. 142.
  135. ^ Murrin 2007, tr. 499.
  136. ^ a b Murrin 2007, tr. 499–500.
  137. ^ Murrin 2007, tr. 499–514.
  138. ^ Phinney 1971, tr. 445–447.
  139. ^ a b Phinney 1971, tr. 445–463.
  140. ^ a b c Seelig 2002, tr. 895.
  141. ^ Seelig 2002, tr. 895-911.
  142. ^ a b c d e f g Poehlmann 2017, tr. 330.
  143. ^ a b c d e Hansen 2004, tr. 125.
  144. ^ Edmunds 1990, tr. 373.
  145. ^ a b Powell 2012, tr. 233–234.
  146. ^ a b Roman & Roman 2010, tr. 78.
  147. ^ Norton 2013, tr. 166.
  148. ^ ἀράχνη, ἀράχνης. Liddell, Henry George; Scott, Robert; A Greek–English Lexicon at the Perseus Project
  149. ^ a b Powell 2012, tr. 233.
  150. ^ a b c d e f g h i Powell 2012, tr. 234.
  151. ^ a b Roman & Roman 2010, tr. 92.
  152. ^ Leach 1974, tr. 102–142.
  153. ^ a b Walcot 1977, tr. 31.
  154. ^ a b Walcot 1977, tr. 31–32.
  155. ^ a b c d e f g Walcot 1977, tr. 32.
  156. ^ a b Bull 2005, tr. 346–347.
  157. ^ a b c d Walcot 1977, tr. 32–33.
  158. ^ Burgess 2001, tr. 84.
  159. ^ Iliad 4.390, 5.115-120, 10.284-94
  160. ^ Burgess 2001, tr. 84–85.
  161. ^ a b Deacy 2008, tr. 69.
  162. ^ a b Deacy 2008, tr. 69–70.
  163. ^ Deacy 2008, tr. 59–60.
  164. ^ a b c Deacy 2008, tr. 60.
  165. ^ a b c d e f g h i Aghion, Barbillon & Lissarrague 1996, tr. 193.
  166. ^ a b c Hansen 2004, tr. 126.
  167. ^ a b c Palagia & Pollitt 1996, tr. 28-32.
  168. ^ a b c d e f Palagia & Pollitt 1996, tr. 32.
  169. ^ “Athena Parthenos by Phidias”. World History Encyclopedia. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2019.
  170. ^ a b c d Aghion, Barbillon & Lissarrague 1996, tr. 194.
  171. ^ Deacy 2008, tr. 145–149.
  172. ^ Deacy 2008, tr. 141–144.
  173. ^ a b c d Deacy 2008, tr. 144.
  174. ^ Deacy 2008, tr. 144–145.
  175. ^ Deacy 2008, tr. 146–148.
  176. ^ a b Deacy 2008, tr. 145–146.
  177. ^ Randolph 2002, tr. 221.
  178. ^ a b Brown 2007, tr. 1.
  179. ^ Deacy 2008, tr. 147-148.
  180. ^ Deacy 2008, tr. 147.
  181. ^ a b c d e f Deacy 2008, tr. 148.
  182. ^ Deacy 2008, tr. 148–149.
  183. ^ a b Deacy 2008, tr. 149.
  184. ^ a b Garland 2008, tr. 330.
  185. ^ “Symbols of the Seal of California”. LearnCalifornia.org. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
  186. ^ Swiatek & Breen 1981, tr. 201–202.
  187. ^ Deacy 2008, tr. 145.
  188. ^ Aghion, Barbillon & Lissarrague 1996, tr. 193–194.
  189. ^ Deacy 2008, tr. 153.
  190. ^ a b c d Deacy 2008, tr. 154.
  191. ^ a b Gallagher 2005, tr. 109.
  192. ^ Alexander 2007, tr. 31–32.
  193. ^ Alexander 2007, tr. 11–20.
  194. ^ a b c Friedman 2005, tr. 121.
  195. ^ a b “Phi Delta Theta International - Symbols”. phideltatheta.org. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2008.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn cổ đại[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn hiện đại[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Mười hai vị thần trên đỉnh Olympus
Zeus | Hera | Poseidon | Hestia | Demeter | Aphrodite | Athena | Apollo | Artemis | Ares | Hephaistos | Hermes