Bước tới nội dung

Bằng lăng sẻ

Đây là một bài viết cơ bản. Nhấn vào đây để biết thêm thông tin.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Bằng lăng xẻ)
Lagerstroemia indica
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Myrtales
Họ (familia)Lythraceae
Chi (genus)Lagerstroemia
Loài (species)L. indica
Danh pháp hai phần
Lagerstroemia indica
L., 1759

Bằng lăng sẻ hay còn gọi tử vi, bá tử kinh, bách nhật hồng (danh pháp khoa học: Lagerstroemia indica) là loài cây có nguồn gốc Đông Á đã được nhà thực vật học người Pháp André Michaux đưa vào Hoa Kỳ khoảng năm 1790 tại Charleston, Nam Carolina. Ngày nay nó là loài cây bụi có hoa làm cảnh rất phổ biến được gieo trồng tại miền trung Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, cây bị gọi nhầm thành Tường vi là một loài hồng leo.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Loài này có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Bán đảo Triều TiênTiểu lục địa Ấn Độ.

Những cây tử vi được trồng trên dải phân cách

Ở Việt Nam, không rõ cây được di thực lúc nào, bằng con đường nào, nhưng hiện nay nó được trồng phổ biến khắp các tỉnh thành trên nhiều không gian xanh khác nhau: sân vườn biệt thự, khuôn viên công sở, trường học, công viên, dải phân cách đường bộ.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]
Cận cảnh một bông hoa tử vi

Tại Trung Quốc loài hoa này được gọi là Tử vi (紫薇), tên gọi này đã xuất hiện từ rất lâu trong văn học trung đại Trung Quốc.[1]

Nhiều người Việt Nam thường gọi nhầm Tử vi thành Tường vi. Nhiều bài báo đưa hình ảnh và danh pháp khoa học của cây Tử vi nhưng lại gọi là Tường vi. Ngay cả khi dịch bài thơ Tử vi hoa của Bạch Cư Dị, hai chữ Tử vi (紫薇) ở tiêu đề được Ngô Văn Phú dịch là Tử vi nhưng ở câu cuối của bài thơ cũng với hai chữ đó (Tử vi hoa đối tử vi lang) thì ông lại dịch là Tường vi (Hoa tường vi lại ngắm chàng tường vi)[2]. Tử vi và Tường vi (薔薇) là hai loài hoa không có mối quan hệ họ hàng thân thuộc. Đại Nam nhất thống chí đã phân biệt rõ ràng hai loài.

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tử vi là cây thân gỗ dạng cây bụi cao từ 3 - 5m. Thân cành hình trụ hoặc 4 cạnh, vỏ nhẵn màu nâu xám. Lá mọc đối, đôi khi so le. dài 3 – 7 cm, rộng 2,5 – 4 cm, có cuống ngắn, hình trái xoan ngược. gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên xanh và sẫm bóng, mặt dưới nhạt; nhẵn hoặc ít có lông.[3]

Cụm hoa mọc thành chùy ở đầu cành, dài 4 – 20 cm, trục hoa có cạnh và 4 cánh mỏng; hoa nhiều màu như trắng, hồng, hoa cà, tímđỏ yên chi; đài hoa hình chuông, nhẵn, có ống 5–6 mm, cánh hoa có móng dài, phiến nhăn nheo. Quả nang, hình cầu, cao 1 - 1,2 cm, nằm trong đài tồn tại, hạt có cánh. Hoa nở từ tháng 6 đến tháng 8.[3]

Làm cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Cây có dáng nhỏ, gọn, cành nhánh thon mảnh, mang nhiều lá nhỏ đồng thời cho hoa mọc thành chùm tỏa khắp tán cây, tạo cho ngoại hình của cây đẹp, trông rất duyên dáng, nên được nhiều người ưa chuộng. Cây có cành nhánh dẻo, dễ uốn nắn tạo dáng, khả năng đâm chồi mạnh, nên có thể trồng trong chậu để làm cây bonsai. Có thể nhân giống bằng hạt hoặc cành. Cây không kén đất, thích ẩm, nhưng không chịu úng, thích ánh sáng toàn phần, nhưng ít chịu hạn, những lúc khô hạn kéo dài lá cây thường bị khô cháy.

Hiện nay nhiều giống lai đã được phát triển giữa Lagerstroemia indicaLagerstroemia faueri.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ [1] Nguyên tác "Tử vi hoa" của Bạch Cư Dị đời Đường
  2. ^ [2] Dịch thơ "Tử vi hoa" của Bạch Cư Dị
  3. ^ a b Tử vi, trang 797, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập III, Viện Dược Liệu, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2011
  • Flora, The Gardeners Bible, ABC Publishing, Ultimo, NSW, Australia, 2005