Forcipiger longirostris

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Cá bướm mũi dài)
Forcipiger longirostris
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Acanthuriformes
Họ (familia)Chaetodontidae
Chi (genus)Forcipiger
Loài (species)F. longirostris
Danh pháp hai phần
Forcipiger longirostris
(Broussonet, 1782)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Chaetodon longirostris Broussonet, 1782
  • Forcipiger inornatus Randall, 1961
  • Forcipiger cyrano Randall, 1961

Forcipiger longirostris, trong tiếng Việt được gọi là cá bướm mõm dài,[2] là một loài cá biển thuộc chi Forcipiger trong Họ Cá bướm. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1782.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh longirostris được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Latinh: longus ("dài") và rostris ("mõm"), hàm ý đề cập đến phần mõm rất dài và mảnh của loài cá này.[3]

Phạm vi phân bố và môi trường sống[sửa | sửa mã nguồn]

F. longirostris xuất hiện rộng rãi ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ Socotra dọc theo bờ biển Đông Phi, F. longirostris được phân bố trải dài về phía đông đến hầu hết các đảo quốc thuộc châu Đại Dương (bao gồm cả quần đảo Hawaii), xa nhất ở phía nam là đến Úc, Nouvelle-Calédoniequần đảo Australes, giới hạn phía bắc đến quần đảo Ryukyuquần đảo Ogasawara (Nhật Bản).[1]

Việt Nam, F. longirostris được ghi nhận tại cù lao Chàm (Quảng Nam);[4] bờ biển Ninh Thuận;[5] đảo đá ngoài khơi Bình Thuận;[6] quần đảo Hoàng Sa[7]quần đảo Trường Sa.[8] F. longirostris được xếp vào danh sách Loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU) ở Việt Nam.[2]

F. longirostris sống tập trung trên sườn dốc của các rạn viền bờ ở độ sâu lên đến ít nhất là 200 m.[1]

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

Tranh minh họa F. longirostris

F. longirostris có chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận là 22 cm.[9] Loài cá bướm này đặc biệt có phần mõm rất dài, dài hơn đáng kể so với Forcipiger flavissimus. Miệng gần như khép lại hoàn toàn, không hở như F. flavissimus. Thân có màu vàng tươi. Nửa trên của đầu và vùng gáy có màu đen, nửa dưới đầu và vùng ngực màu xám trắng. Ngực có nhiều chấm đen li ti, một đặc điểm không thấy ở F. flavissimus. Đốm đen lớn ở cuối vây hậu môn, gần sát gốc vây đuôi. Vây đuôi và vây ngực gần như trong suốt. Vây lưng và vây hậu môn có viền màu xanh lam óng.[10]

Ngoài ra, một đặc điểm ít được để ý đến là mắt của F. longirostris nằm hoàn toàn trong vùng màu đen của đầu, còn F. flavissimus có màu bạc ở nửa dưới mắt. Forcipiger wanai có màu nâu phớt vàng ở thân, dễ dàng phân biệt với hai loài kể trên.[11]

Cả ba loài kể trên đều có thể xuất hiện kiểu hình màu nâu đen bao phủ khắp cơ thể do hắc tố được sản sinh quá mức. Ở F. longirostris, kiểu hình bạch thể cũng có thể xuất hiện ở chúng. Tuy nhiên, những cá thể này không thể duy trì màu trắng/đen trong điều kiện nuôi nhốt mà sẽ trở lại màu vàng trong vòng vài ngày đến vài tuần.[11] Hai danh pháp F. inornatusF. cyrano được Randall mô tả dựa trên kiểu hình "đen" của F. longirostris.[12]

Số gai ở vây lưng: 11; Số tia vây ở vây lưng: 24–27; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 17–20; Số tia vây ở vây ngực: 14–15; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số vảy đường bên: 66–75.[10]

Sinh thái học[sửa | sửa mã nguồn]

Thức ăn của F. longirostris chủ yếu là các loài động vật giáp xác nhỏ. Chúng thường sống thành đôi, đặc biệt là vào thời điểm sinh sản, nhưng cũng có thể sống đơn độc.[9][13]

Trong lúc cạnh tranh cùng loài, F. longirostris, cũng như F. flavissimus, đều phát ra âm thanh nhờ vào các hoạt động ở cơ sọ và cơ ngực.[14]

Thương mại[sửa | sửa mã nguồn]

Trái với loài chị em của nó, F. longirostris hầu như không được xuất khẩu trong hoạt động buôn bán cá cảnh do loài này ít được nhìn thấy trong tự nhiên hơn so với F. flavissimus.[10][13]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Myers, R.; Pratchett, M. (2010). Forcipiger longirostris. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T165667A6085300. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T165667A6085300.en. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2022.
  2. ^ a b “Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển” (PDF). 2008. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2022.
  3. ^ Scharpf, Christopher; Lazara, Kenneth J. (2021). “Order Acanthuriformes (part 1): Families Lobotidae, Pomacanthidae, Drepaneidae and Chaetodontidae”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2022.
  4. ^ Nguyễn Văn Long; Mai Xuân Đạt (2020). “Đặc trưng nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” (PDF). Vietnam Journal of Marine Science and Technology. 20 (1): 105–120. doi:10.15625/1859-3097/13553. ISSN 1859-3097.
  5. ^ Mai Xuân Đạt; Nguyễn Văn Long; Phan Thị Kim Hồng (2020). “Cá rạn san hô ở vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận” (PDF). Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển. 20 (4A): 125–139. doi:10.15625/1859-3097/15656. ISSN 1859-3097.
  6. ^ Mai Xuân Đạt (2019). “Cá rạn san hô trong các bãi ngầm và đảo đá ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển. 19 (4A): 259–271. doi:10.15625/1859-3097/19/4A/14590. ISSN 1859-3097.[liên kết hỏng]
  7. ^ Astakhov, D. A.; Savinkin, O. V.; Ponomarev, S. A.; Phuong, Lai Duy; Thu, Dao Duy (2016). “Preliminary annotated list of species of the family Chaetodontidae (Actinopterygii) from Ly Son Islands (South China Sea, Central Vietnam)” (PDF). Journal of Ichthyology. 56 (1): 154–158. doi:10.1134/S003294521601001X. ISSN 1555-6425.
  8. ^ Nguyễn Hữu Phụng (2002). “Thành phần cá rạn san hô biển Việt Nam” (PDF). Tuyển tập Báo cáo Khoa học Hội nghị Khoa học "Biển Đông-2002": 275–308.
  9. ^ a b Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Forcipiger longirostris trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2023.
  10. ^ a b c John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1998). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 232. ISBN 978-0824818951.
  11. ^ a b Lemon, T. Y. K (31 tháng 12 năm 2015). “The Long-nosed butterflies part 2: Forcipiger”. Reefs.com. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2022.
  12. ^ Randall, John E.; Caldwell, David K. (1970). “Clarification of the Species of the Butterflyfish Genus Forcipiger”. Copeia. 1970 (4): 727–731. doi:10.2307/1442314. ISSN 0045-8511.
  13. ^ a b R. Pyle (2001). “Chaetodontidae”. Trong K. E. Carpenter; V. H. Niem (biên tập). The living marine resources of the Western Central Pacific. Volume 5. Bony Fishes Part 3 (Menidae to Pomacentridae) (PDF). FAO Species Identification Guide for Fishery Purposes. FAO. tr. 3260. ISBN 978-9251045879.
  14. ^ Boyle, Kelly S.; Tricas, Timothy C. (2011). “Sound production in the longnose butterflyfishes (genus Forcipiger): cranial kinematics, muscle activity and honest signals”. Journal of Experimental Biology. 214 (22): 3829–3842. doi:10.1242/jeb.062554. ISSN 0022-0949. PMID 22031748.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]