Côn nhị khúc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Côn (vũ khí))
Côn nhị khúc
Côn nhị khúc

Côn nhị khúc hay côn hai đoạn hay là lưỡng tiết côn hoặc song tiết côn hay nhị đoản côn (âm romaji tiếng Nhật là nunchaku) là một dạng đoản côn có hai khúc được nối với nhau bởi một đoạn dây mềm. Sử dụng thịnh hành trong võ phái Karate Nhật Bản và hiện nay, do tính chất tiện lợi của nó, côn nhị khúc đã được nhiều môn sinh của các võ phái khác nhau ưa chuộng trong luyện tập và chiến đấu....

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các võ phái cổ truyền Trung Hoa, chắc chắn côn nhị khúc cũng có nhưng không thịnh hành, thường các môn đồ tập côn tam khúc hoặc roi xích với nhiều đốt nối với nhau (thất tiết tiên hoặc cửu tiết tiên).

Tương truyền tại Vương Quốc Lưu Cầu nay là tỉnh Okinawa Nhật Bản khi tiểu vương quốc này bị người Nhật (Samurai) đô hộ, sự cai trị tàn khốc với sưu cao thuế nặng của người Nhật khiến dân bản địa liên tục nổi dậy phản kháng. Các võ quan Nhật tại các làng mạc đã nghiêm cấm không cho dân chúng được sử dụng dụng cụ bằng kim loại trong sản xuất sinh hoạt, chỉ trừ một con dao sắt được sử dụng hạn chế với sự kiểm soát của kẻ cai trị, loại bỏ tất cả những gì có thể trở thành vũ khí sát thương nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của người dân bản địa. Việc tập luyện dưới hầm những chiêu thức tự vệ đã định hình những kỹ thuật chiến đấu Karate đầu tiên, và các dụng cụ sản xuất bằng gỗ, tre, trúc đã được người dân ở đây chế tạo thành các vũ khí để hợp pháp hóa sử dụng khi mang trong người vượt thoát khỏi mọi sự kiểm duyệt: trường côn (bo) vốn xuất xứ từ một cây sào; song quải (tonfa) một dạng dùi cui có cán chĩa ngang hình chữ L; chĩa ba (sai) để xóc rơm rạ; tiểu đoản côn là khúc côn gỗ ngắn như cây bút có thể để gọn trong lòng bàn tay; liềm (kama) ban đầu là dụng cụ cắt lúa, và côn nhị khúc (nunchaku) xuất xứ từ hai thanh tre hay gỗ buộc dây ở đầu dùng cuộn bó lúa khi đập lúa (néo đập lúa).

Tại Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Thời điểm trước năm 2012, theo pháp lệnh số 16/2011UBTVQH12 thì côn nhị khúc là vũ khí thô sơ, bị cấm tàng trữ, vận chuyển và sử dụng. Nên người chơi côn nhị khúc không hoạt động công khai mà thường hoạt động với hình thức dạy kín hoặc tự tập luyện thông qua các clip hướng dẫn trên internet. Thời điểm này số lượng người chơi côn ít nên hệ thống đòn thế chưa thật sự đa dạng. Từ ngày 1/1/2012, pháp lệnh số 16/2011UBTVQH12 được sửa đổi, ban hành và có hiệu lực. Trong đó, danh sách vũ khí thô sơ đã loại bỏ "côn", điều đó đồng nghĩa với các loại côn như trường côn, đoản côn, côn nhị khúc, côn tam khúc đã được hợp pháp hóa việc sở hữu và sử dụng một cách công khai. Từ đây, các CLB Côn Nhị Khúc tự phát hoặc có đăng ký bắt đầu hình thành và phát triển, bên cạnh đó những người chơi côn nhị khúc tự do cũng bắt đầu tập luyện công khai, tạo nên một trào lưu côn nhị khúc mạnh mẽ chưa từng có ở Việt Nam. Với sự tìm tòi, ham học hỏi cùng với sự sáng tạo vô bờ bến của người chơi côn nhị khúc, hệ thống chiêu thức côn nhị khúc đã phát triển đến mức không ai dám nhận mình đã biết hết các kĩ thuật côn nhị khúc. Cùng với hệ thống chiêu thức đa dạng, người chơi côn nhị khúc cũng đã phát triển những động tác hình thể để những đòn đánh ngày càng đẹp mắt. Nhưng đến tháng 07/2018 thì côn được liệt vào hàng các loại vũ khí thô sơ bị cấm. Cụ thể như sau: “Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu”- Trong luật có quy định. Trong các võ phái cổ truyền Việt Nam, có một dụng cụ cũng xuất xứ từ chiếc kẹp lúa và cấu tạo có hai thành một dài một ngắn được gọi là thanh mẹ thanh con. Vũ khí này được gọi tên là thiết lĩnh với lối đánh rất gọn, có nguồn gốc từ xa xưa và hiện nay nhiều Võ Bình Định|võ phái xuất phát từ Bình Định vẫn sử dụng.

Cấu tạo[sửa | sửa mã nguồn]

Côn nhị khúc sơ khai là hai thanh tre, gỗ có tiết diện hình tròn hoặc hình chữ nhật, dài bằng nhau và nối với nhau bằng một đoạn dây chắc chắn. Từ dụng cụ sơ khai ban đầu, côn nhị khúc ngày nay có kiểu dáng rất đa dạng với rất nhiều biến thể của hình dạng hai thanh côn: hình tròn, hình nửa tròn, hình lục giác, hình bát giác, hình chữ nhật nhưng thịnh hành nhất là thân côn được tạo các cạnh hình lục giác hoặc bát giác để gia tăng đặc tính sát thương cho vũ khí nhưng vẫn thuận tiện khi sử dụng, không quá sắc cạnh nhưng cũng không quá trơn nhẵn. Hai khúc này thường được làm với chu vi phần đuôi côn (nơi nối dây), nhỏ hơn một chút so với phần đầu côn (nơi cầm trong tay người tập) để khi sử dụng thuận tiện hơn do lực ly tâm không khiến đôi côn tuột văng ra khỏi tay người tập trong những chiêu thức loan côn, múa côn. Chiều dài của mỗi đoạn côn, tùy theo sở thích cá nhân và cấu tạo cơ thể người sử dụng, nhưng thường tối ưu là bằng độ dài cẳng tay người sử dụng tính từ cùi chỏ đến giữa lòng bàn tay (khoảng 25–35 cm). Đường kính thân côn phần đầu (to nhất) khoảng 2,5 đến 3,5 cm; phần đuôi nơi nối dây khoảng 2 đến 3 cm.

Chất liệu làm hai thanh côn cũng đa dạng hơn, kim loại (để không bị quá nặng thường làm bằng hai ống kim loại), tre, gỗ, nhưng thịnh hành nhất là côn làm bằng kim loại. Đoạn dây nối hai thanh côn có thể làm bằng dây dù chắc hoặc làm bằng xích sắt mềm bằng cách đục lỗ thẳng xuyên tâm trên bề mặt của đuôi côn, luồn dây xuống cố định vào một hoặc hai lỗ xuyên ngang thân phía đầu côn. Theo kinh nghiệm của nhiều người đã từng sử dụng côn nhị khúc, việc luồn dây xuống qua hai lỗ khiến trọng tâm của côn vững vàng hơn và kiểm soát côn dễ hơn là chỉ luồn dây xuống một lỗ xuyên ngang. Khi kéo hai thanh côn thẳng ra, chiều dài đoạn dây còn lại sau khi đã nối côn tối ưu là bằng 1/2 cho đến dài nhất là bằng chu vi của cổ tay người tập. Dây quá ngắn thì đôi côn không linh động, dây quá dài thì tuy lực đánh mạnh hơn, linh hoạt hơn nhưng việc kiểm soát côn rất khó khăn

Về mặt hình thức, côn nhị khúc gồm có năm loại chính.

Loại thứ nhất là loại thông dụng nhất, gồm có 2 thân côn có kích cỡ giống nhau (tròn hoặc bát giác) được nối với nhau bởi 1 sợ dây dù, hoặc dây xích.

Còn bốn loại khác đó là:

-        Loại thứ 2: TỬ MẪU CÔN (So-setsu-kon Nunchaku)

Loại côn này được cấu tạo bởi hai thân côn: 1 thanh ngắn và 1 thanh dài. Mỗi thân côn có thể tròn hay có cạnh. Với loại côn này, người sử dụng thường dùng 1 đầu để đỡ còn đầu kia để tấn công hay phản công: nếu địch ở gần thì tấn công bằng thanh ngắn còn địch ở xa thì tấn công bằng thanh dài.

Loại côn này giống với môn vũ khí Thiết Lĩnh của võ thuật Việt Nam.

Về thiết lĩnh: Trong các binh khí họ nhà côn, côn nhị khúc là món đặc trưng của người Nhật, côn tam khúc lại là món đặc trưng của người Hoa. Không thua kém láng giềng, người Việt ta cũng có loại côn đặc trưng, gọi là thiết lĩnh (người Hoa gọi là mẫu tử côn). Thiết lĩnh căn bản là giống như một cây gậy bình thường nhưng được gắn thêm một đoản khúc nối bằng dây xích hoặc dây thừng. Tương truyền món vũ khí này được phát triển từ một dụng cụ nông nghiệp gọi là néo, chuyên dùng để đập lúa. Thiết lĩnh sử dụng như côn bình thường, ngoài ra có thể dùng phần đoản khúc vào nhiều mục đích khác. Phần này tạo sự linh hoạt, dùng để câu móc vũ khí đối thủ, thậm chí áp chế được cả thương. Trên chiến trường, phần đoàn khúc rất thích hợp để đánh giật chân đối thủ hoặc chân ngựa. Đặc biệt, người sử dụng có thể nắm phần đoản khúc rồi huơ vòng phần gậy để đả thương nhiều đối thủ, phá vòng vây.

-        Loại thứ 3: Tam khúc côn (San-setsu-kon nunchaku)

Đây là loại côn gồm có 3 thanh gỗ, chia làm ba loại:

Loại 1: Một thanh gỗ dài và hai thanh gỗ bằng  nhau  ngắn hơn. Tất cả nối với nhau bằng các đoạn dây. Các thanh gỗ có thể tròn, bát giác hay khối chữ nhật.

Loại 2: Loại côn này có các thanh gỗ có kích cỡ như nhau và nối với nhau bởi những đoạn dây. Loại côn này rất lợi hại vì nó có thể tấn công địch thủ ở xa. Ngoài ra, tam khúc côn còn có thể đỡ và đánh cùng một lúc.

Loại thứ 3: Hổ vĩ côn, là dạng côn gồm 3 đoạn nối vào nhau tương tự như côn tam khúc, nhưng ba đoạn có chiều dài không đều nhau nối theo thứ tự từ dài đến ngắn. Song hổ vĩ côn thường sử dụng cả đôi. Nếu sử dụng đơn được gọi tên là hổ vĩ côn, Bài song hổ vĩ côn được Lão Võ Sư Trần Công sáng tạo nên và trở thành thế võ đặc dị của Sơn Đông Không Động Việt Nam. Sau khi truyền cho đệ tử nhưng vì không thấm nhuần được hết những tinh hoa trong song hỗ vĩ côn nên người đồ đệ này đã đổi tên thành song hổ vĩ tiên và thành lập môn phái khác không dám dùng tên cũ "song hổ vĩ côn".

Nguồn thông tin khác tại wikipedia cho hay, hổ vĩ côn cũng có nguồn gốc từ Trung Hoa:

Trong võ thuật Trung Hoa, côn được sử dụng rất phổ thông. Thiếu Lâm tự nổi danh về côn pháp với nguyên tắc "kẻ xuất gia từ bi bác ái, thà dụng côn bất dụng thương". Bởi tuy côn có khả năng gây thương tích cho đối thủ nhưng ít khi gây chết người như đao hay thương, do đó phù hợp hơn với tăng ni phật tử,ngoài ra Cái Bang còn có một bộ côn pháp trấn phái là Đả Cẩu Côn Pháp gồm 36 chiêu biến hóa khôn lường, kỳ ảo. Nhiều loại côn từ các võ phái Trung Quốc lan truyền đến các nước vùng Á Đông khác như côn tam khúc, trường côn, đoản côn, song hổ vĩ côn.

-        Loại thứ 4: Tứ khúc côn (Yon-setsu-kon nunchaku)

Loại côn này gồm có 4 thanh gỗ: 2 thanh ngắn cách quãng 2 thanh dài. Tất cả nối liền nhau bởi các đoạn dây. Các thanh gỗ được thiết kế tròn hay có cạnh. Loại này có thể sử dụng chống lại đối phương có binh khí.

-        Loại thứ 5: Bán nguyệt côn hay Âm dương côn (Han-kei nunchaku)

Sở dĩ gọi là Bán nguyệt côn hay Âm dương côn là vì loại côn này được cấu tạo bởi 2 thanh gỗ có hình bán nguyệt và khi 2 thân gập lại thì tạo nên hình tròn của mặt trời. Loại côn này rất tiện lợi trong việc mang theo người.

Tập luyện[sửa | sửa mã nguồn]

Biểu diễn côn nhị khúc

Người sử dụng thường cầm sát tay vào thân côn phía đầu, hoặc cách đầu côn khoảng 1–2 cm, đôi khi có thể cầm vào giữa thân côn. Cần phải phối hợp, vận động cơ thể: cổ tay, vai, hông, chân (tương tự như Boxing) để tạo ra lực đánh tối đa có thể. Các động tác tập luyện phong phú giúp cho người tập làm chủ đôi côn thành thạo. Do khi cầm một thanh côn và tấn công bằng thanh còn lại, sau khi chạm mục tiêu nhận phản lực thanh côn sẽ bật mạnh về sau, nên để không bị "phản tác dụng" khi sử dụng cần phải đánh côn điểm va chạm ở phần đuôi côn từ 5–7 cm. Khổ luyện là một vấn đề, nhưng mà luyện tập căn khoảng cách côn và chạm vào đối thủ, cho thân thể mình phản ứng nhanh nhạy, người và côn phải hoà hợp như một. Phải cảm nhận được sự chuyển động của không khí khi côn đánh vào mục tiêu.

Lực đánh của côn nhị khúc rất mạnh ở phía đầu côn do được hỗ trợ bởi lực ly tâm và phản lực trong nhiều đòn thế mà người sử dụng cầm một thanh côn và đánh văng thanh còn lại vào các mục tiêu hiểm trên người đối phương như đầu, mặt, gáy, tay, chân. Tuy nhiên, ngoài những dạng thức dùng côn nhị khúc được tập luyện và sử dụng trong thực chiến rất đa dạng: có thể một tay cầm vào phía đầu một thanh côn, một tay cầm phía đuôi thanh còn lại, giữ thẳng 2 thân côn và tấn công bằng đầu thanh côn phía trên vào các yếu điểm như huyệt đạo, hoặc đỡ, gạt, đập; có thể cầm chập cả hai thanh côn và đánh, đâm, đỡ gạt; có thể hai tay cầm hai thanh côn và dùng đoạn dây ở giữa để xiết cổ, khóa tay, chặn chân đối phương v.v. Tuy nhiên, dù bằng bất cứ hình thức nào, để sử dụng thành thạo côn nhị khúc rất cần khổ luyện bằng các kỹ thuật loan (quay) côn, thu côn, và tập đánh côn trực tiếp lên các dụng cụ cứng như trụ cây, bao cát.

Phân loại và định danh kỹ thuật côn nhị khúc[sửa | sửa mã nguồn]

1. Phân loại theo mục đích sử dụng: Các kỹ thuật côn nhị khúc được chia làm 3 nhóm:

  • Nhóm kỹ thuật dùng để tấn công: Được sử dụng với mục đích tấn công đối phương.
  • Nhóm kỹ thuật dùng để phát động: Sau khi thực hiện xong một hoặc một tổ hợp kỹ thuật tấn công, côn thủ cần nhanh chóng thực hiện một hoặc một vài kỹ thuật phát động nhằm đưa côn về vị trí thuận lợi nhất để chuẩn bị cho đòn tấn công tiếp theo hoặc để về thế thủ.
  • Nhóm kỹ thuật dùng để phòng thủ: Được sử dụng với mục đích phòng thủ, Tuy nhiên cần chú ý, kỹ thuật côn nhị khúc dùng để phòng thủ rất hạn chế (chỉ có gạt côn và khóa - siết côn), chủ yếu "lấy tấn công để phòng thủ", khi đó các kỹ thuật tấn công để phòng thủ vẫn nằm trong nhóm kỹ thuật tấn công.
  • Nhóm kỹ thuật chỉ để biểu diễn: Chỉ được sử dụng trong biểu diễn (biểu diễn nghệ thuật hoặc "nghệ thuật hóa" võ thuật) như các kỹ thuật loan côn, tung côn, một số kỹ thuật chuyền côn, ... Các kỹ thuật trong nhóm này được coi là "kỹ thuật phụ" vì không có tác dụng trong chiến đấu.

2. Các loại kỹ thuật theo cách thức thực hiện:

  • Vụt côn (quật côn): côn thủ cầm chắc một thân côn và vụt mạnh thân côn còn lại vào mục tiêu. Loại kỹ thuật này được dùng với mục đích tấn công đối phương và cũng là loại kỹ thuật tấn công chủ yếu của côn nhị khúc.
  • Vung côn: Côn thủ cầm chắc một đầu thân côn, vung thân côn còn lại theo đường ngắn nhất về vị trí thuận lợi nhất để chuẩn bị cho đòn tấn công tiếp theo hoặc để về thế thủ. Kỹ thuật này được dùng với mục đích phát động (chuẩn bị tấn công).
    • Lưu ý: Cần phân biệt vụt côn và vung côn: Vụt côn để tấn công do đó luôn luôn phát lực mạnh và đánh thẳng cánh tay để phạm vi tấn công là xa nhất; trong khi đó vung côn để phát động nên không yêu cầu phát lực mạnh, tùy tình hình cụ thể có thể vung nhanh hay chậm song luôn đưa côn theo đường ngắn và thuận tiện nhất để rút ngắn thời gian phát động.
  • Ngoáy côn: Côn thủ cầm chắc một đầu thân côn và làm cho thân côn còn lại xoay liên tục. Kỹ thuật này vừa có thể dùng tấn công, vừa có thể dùng phát động, song chủ yếu để phát động, sử dụng tấn công chủ yếu mang tính chất hù dọa đối phương bởi tính sát thương không cao.
  • Chuyền côn: Côn thủ chuyền côn từ tay nọ sang tay kia, chỉ áp dụng với trường hợp sử dụng đơn côn. Kỹ thuật này dùng để phát động.
  • Gạt côn: Côn thủ cầm chắc 2 đầu thân côn và kéo căng dây nối, dùng phần dây nối để đỡ và gạt vũ khí của đối phương (thường chỉ áp khi đối phương sử dụng trường côn). Kỹ thuật này dùng để phòng thủ.
    • Lưu ý: Các loại kỹ thuật vụt côn, vung côn, ngoáy côn, chuyền côn, gạt côn là 5 loại kỹ thuật cơ bản của côn nhị khúc, phục vụ cho chiến đấu. Với côn thủ chỉ cần thành thạo 5 loại kỹ thuật này là xem như thành thạo côn nhị khúc. Các kỹ thuật phụ gồm siết - khóa côn, phi côn, loan côn, tung côn, thu côn hoặc là rất ít dùng, hoặc là chỉ để biểu diễn (không có tác dụng chiến đấu).
  • Siết - khóa côn: Côn thủ cầm chắc 2 thân côn, dùng dây nối để siết cổ đối phương hoặc để khóa vũ khí của đối phương.
  • Phi côn: Côn thủ buông tay khỏi côn và phi côn vào mục tiêu để tấn công, rất ít sử dụng, nếu sử dụng thì côn phải được chế tác lại (ví dụ như gắn thêm lưỡi dao ở đầu thân côn) để đảm bảo khả năng sát thương.
  • Loan côn: Côn thủ làm cho côn cả 2 thân côn quay quanh tay (loại kỹ thuật này gồm loan côn qua ngón và loan côn qua bàn tay). Loại kỹ thuật này chỉ để biểu diễn.
  • Tung côn: Côn thủ buông tay khỏi côn và tung côn lên trời và rồi bắt côn khi côn rơi xuống, chỉ để biểu diễn.
  • Thu côn: Côn thủ thu gọn côn để có thể cầm côn một cách cố định trên tay, loại kỹ thuật này chỉ để biểu diễn.

3. Định dạnh các kỹ thuật cụ thể:

  • Vụt côn: Vụt côn thẳng (bổ côn), vụt côn chéo/ngang từ ngoài vào trong, vụt côn chéo/ngang từ trong ra ngoài, bắn côn thẳng (vụt côn thẳng khi thân côn tự do kẹp trong nách), bắn côn chéo (vụt côn chéo khi thân côn tự do kẹp trong nách), vụt côn vòng cầu.
  • Vung côn: Các kỹ thuật vung côn không có tên kỹ thuật cụ thể.
  • Ngoáy côn: Ngoáy côn số 0 (chữ O), ngoáy côn alpha (số 8 nằm ngang), ngoáy côn số 8, ...
  • Chuyền côn: Chuyền côn thẳng vai - nách, chuyền côn thẳng nách - vai, chuyền côn chéo cổ - nách, chuyền côn chéo nách - cổ, chuyền côn thẳng cổ - lưng, chuyền côn cổ - cổ, chuyền côn chéo cánh tay - lưng, chuyền côn chéo lưng - cánh tay, ... Các kỹ thuật chuyền côn đều có đối xứng phải - trái.
    • Lưu ý: Cách đọc kỹ thuật chuyền côn: Chuyền côn + thẳng/chéo (tư thế của côn ngay khi tay nhận côn nắm được côn) + vị trí xủa tay chuyền côn - vị trí của tay nhận côn (ngay khi tay nhận côn nắm được côn).
  • Các loại kỹ thuật khóa - siết côn, gạt côn, phi côn chỉ có một kiểu thực hiện duy nhất, nên tên kỹ thuật trùng với tên loại kỹ thuật.
  • Các loại kỹ thuật phụ như loan côn, tung côn, thu côn hiện không quy ước tên cụ thể việc đọc tên tùy môn phái, võ đường và huấn luyện viên.

Nguyên tắc sử dụng côn nhị khúc[sửa | sửa mã nguồn]

1. Nguyên tắc nhất thể:

  • Ý nghĩa: Đây là nguyên tắc về cách điều khiển côn nhị khúc và cũng là nguyên tắc quan trọng nhất, chi phối các nguyên tắc khác. Nếu không nắm được nguyên tắc này, côn thủ rất khó khăn để điều khiển côn nhị khúc và rất dễ sai kỹ thuật.
  • Nội dung: Trong quá trình sử dụng côn nhị khúc, côn được xem là một phần của cơ thể, là "sự nối dài" của cánh tay, để điều khiển côn nhị khúc cần tập trung vào điều khiển cơ thể mà trực tiếp là điều khiển tay sử dụng côn. Khi kỹ thuật tay đúng thì sớm hay muộn kỹ thuật côn sẽ đúng.
    • Lưu ý: Để có kỹ thuật côn đúng cần đảm bảo 2 yếu tố: Một là kỹ thuật tay đúng và hai là kỹ năng tay thuần thục. Kỹ năng tay được thể hiện bởi sự liền mạch, liên tục giữa các cử động của tay trong quá trình thực hiện kỹ thuật côn. Khi tập một kỹ thuật côn mới, kỹ thuật tay đúng nhưng kỹ thuật côn có thể chưa đúng vì kỹ năng tay chưa thuần thục, khi đó côn thủ phải kiên trì luyện tập đúng kỹ thuật tay, sớm hay muộn sẽ hình thành kỹ năng.

2. Nguyên tắc hòa hợp hình thể:

  • Ý nghĩa: Đây là nguyên tắc quan trọng, là sự mở rộng của nguyên tắc nhất thể. Nếu không nắm được nguyên tắc này, côn thủ dễ bị chấn thương và không thể tạo ra một bài côn pháp hoàn chỉnh.
  • Nội dung: Bởi ta coi côn là một phần của cơ thể (nguyên tắc nhất thể) nên sự chuyển động của côn phải hòa hợp với toàn bộ cơ thể. Nói cách khác thân pháp, bộ pháp, tấn pháp, nhãn pháp phải phù hợp với kỹ thuật côn nhị khúc nhất định và ngược lại, kỹ thuật côn nhị khúc phải phù hợp với cơ thể ở tư thế nhất định.
    • Ví dụ: Khi sử dụng kỹ thuật vụt chéo từ ngoài vào trong bằng tay phải:
      • Về thân pháp: Vai và hông phải xoay phải để truyền lực cho côn, do đó 2 bàn chân cũng phải xoay từ trái sang phải để không bị vặn mình.
      • Về bộ pháp: Nếu muốn tấn công đối phương ở trước mặt hoặc thì chân phải bước thẳng lên trước (chân trái không thể tiến thẳng), muốn tấn công đối phương ở bên trái thì chân trái bước tiến sang trái, muốn phản đòn tấn công của đối phương thì chân trái bước lùi về sau (chân phải không thể lùi thẳng).
      • Về tấn pháp: Trọng tâm thân người dồn từ phải sang trái, do đó chân trụ của thế tấn chuyển từ chân phải sang chân trái.
      • Về nhãn pháp: Mắt nhìn về mục tiêu tấn công (không nhìn xuống đất hoặc nhìn côn).
  • Lưu ý: Đối với người chơi côn nhị khúc nghệ thuật, chỉ múa côn biểu diễn thuần túy, không mang tính võ thuật thì không cần tuân thủ nguyên tắc này, bởi nghệ thuật thì tự do.

3. Nguyên tắc cương - nhu:

  • Ý nghĩa: Đây là nguyên tắc quan trọng, cũng là sự mở rộng của nguyên tắc nhất thể, giúp xác định thời điểm vận lực. Nếu không nắm được nguyên tắc này, côn thủ rất nhanh cạn kiệt thể lực, căng cứng cơ (cương quá mức) hoặc mềm yếu, thiếu dứt khoát (nhu quá mức).
  • Nội dung: Bởi ta coi côn là một phần của cơ thể (nguyên tắc nhất thể) nên trương lực cơ của cơ thể phải phù hợp với kỹ thuật côn, cụ thể: Tấn công bắt buộc mạnh, phát động ưu tiên nhanh.
    • Khi tấn công bắt buộc phải vận lực (cương), nếu đòn tấn công không mạnh, không uy lực thì côn thể sẽ tự đưa mình vào thế nguy hiểm.
    • Khi phát động (chuẩn bị tấn công) thì ưu tiên nhanh để rút ngắn thời gian phát động và ưu tiên không vận lực (nhu), song vẫn cần duy trì trương lực cơ vừa đủ. Vận lực khi phát động khiến côn khó kiểm soát nên có thể không giúp phát động nhanh hơn, mặt khác lại khiến côn thủ nhanh cạn kiệt thể lực. Nói "ưu tiên" bởi việc phát động nhanh hay chậm, vận lực hay không căn cứ phải tình huống cụ thể. Ví dụ khi cạn kiệt thể lực lại không cần tấn công ngay thì có thể phát động chậm để duy trì thể lực, ngược lại trong tình huống chiến đấu cấp bách, nếu việc vận lực không ảnh hưởng đến kiểm soát côn thì có thể vận lực để phát động nhanh tối đa.
  • Lưu ý: Đối với người chơi côn nhị khúc nghệ thuật, chỉ múa côn biểu diễn thuần túy, không mang tính võ thuật thì không cần tuân thủ nguyên tắc này, bởi nghệ thuật thì tự do.

4. Ngoài ra, tùy tình huống chiến đấu cụ thể mà côn thủ cần lưu ý đến một số nguyên tắc chiến đấu. Đấu với mỗi loại vũ khí khác nhau (dao, trường côn, baton, tonfa, ...) sẽ có nguyên tắc chiến đấu khác nhau. Côn thủ cũng cần lưu ý một số nguyên tắc vật lý học như lực ly tâm (cánh tay đòn), phản lực, ... 

[1] [2]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Côn nhị khúc - nguồn gốc và sức mạnh”. Võ Cổ Truyền.vn. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2022.
  2. ^ “Huấn luyện viên côn nhị khúc Phạm Tuấn Thành”. vtv.vn. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2020.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]