Cao Nhạc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cao Nhạc
高岳
Thanh Hà vương
Tên chữHồng Lược
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
512
Quê quán
Lạc Dương
Mất555
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Cao Phiên
Hậu duệ
Cao Mại
Tước hiệuThanh Hà vương
Gia tộchọ Cao Bột Hải
Nghề nghiệpchính khách

Thanh Hà vương Cao Nhạc (chữ Hán: 高岳, 511 - 555), tự Hồng Lược, tướng lĩnh nhà Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Bắc Tề, hoàng thân nhà Bắc Tề.

Xuất thân[sửa | sửa mã nguồn]

Ông là em họ của Cao Hoan, quyền thần nhà Đông Ngụy. Cha là Phiên, tự Phi Tước, được nhà Đông Ngụy truy tặng Thái úy, thụy là Hiếu Tuyên công. Nhạc mồ côi cha từ sớm, nhà nghèo nên chưa được mọi người biết đến. Khi trưởng thành, tính tình của ông đôn hậu, thẳng thắn, vẻ ngoài sáng láng, thầm trầm mà có khí phách.

Ban đầu nhà Nhạc ở Lạc Ấp (tức Lạc Dương), mỗi khi Cao Hoan có việc đến Lạc Ấp, đều nghỉ lại ở nhà Nhạc. Mẹ Nhạc là Sơn thị, nửa đêm thức dậy, thấy phòng Hoan có ánh sáng, ngầm đến xem xét, thì nhận ra không có đèn, lấy làm lạ, bèn đến chỗ thầy bói mà hỏi. Được 1 quẻ Đại Hữu thuộc Càn, giảng rằng: "May mắn, Dịch nói: phi long tại thiên, gặp được bậc đại nhân vậy. Đây là phi long cửu ngũ đại nhân, quý không thể nói hết." Sơn thị quay về nói lại với Cao Hoan. Về sau Cao Hoan khởi binh ở Tín Đô, Sơn thị nghe tin, mừng lắm, nói với Nhạc rằng: "Điềm ánh sáng đỏ, nay đã ứng nghiệm rồi. Mày nên đi theo ông ấy, cùng mưu tính việc lớn." Nhạc bèn đến Tín Đô. Cao Hoan gặp ông thì rất vui mừng.

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Phụng sự Cao Hoan[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Trung Hưng đầu tiên (531), Nhạc nhận chức Tán kỵ thường thị, Trấn đông tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, lĩnh Vũ vệ tướng quân. Giao chiến với họ Nhĩ Chu ở Hàn Lăng, Cao Hoan nắm trung quân, Cao Ngang nắm tả quân, Nhạc nắm hữu quân. Trung quân gặp bất lợi, Nhĩ Chu Triệu thừa thế xua quân tiến đánh, Nhạc dựng cờ hô to, đón đánh trận địa của Triệu, Cao Hoan mới lui về an toàn, sau đó hăng hái xông lên, đại phá quân địch. Nhạc nhờ công được phong làm Vệ tướng quân, Hữu quang lộc đại phu, vẫn lĩnh Vũ vệ.

Năm Thái Xương đầu tiên (532), ông làm Xa kỵ tướng quân, Tả quang lộc đại phu, lĩnh Tả hữu vệ, phong tước Thanh Hà quận công, thực ấp 2000 hộ. Sơn thị được phong Quận quân, thụ chức nữ thị trung, vào hầu Hoàng hậu. Khi ấy Nhĩ Chu Triệu vẫn đang chiếm cứ Tịnh Châu, Cao Hoan tiến hành chinh thảo, lệnh cho Nhạc ở lại trấn thủ kinh sư, dời sang làm Phiêu kỵ đại tướng quân, Nghi đồng tam tư.

Năm Thiên Bình thứ 2 (535) nhà Đông Ngụy, ông làm Thị trung, 6 châu quân sự đô đốc, gia chức Khai phủ. Nhạc vời gọi những bậc danh hiền thời ấy, dùng làm liêu thuộc, được mọi người khen ngợi. Ông được ban chức Đô giám điển thư, lại được làm Thị trung, Sứ trì tiết, 6 châu đại đô đốc, Ký Châu Đại trung chính. Không lâu sau ông được làm Kinh kỳ đại đô đốc, coi việc quân từ 6 châu đến Kinh kỳ. Khi ấy Cao Hoan làm việc ở Tấn Dương, Nhạc cùng bọn Tôn Đằng ở kinh sư phụ chính, người thời bấy giờ gọi Nhạc và bọn Tôn Đằng, Cao Long Chi, Tư Mã Tử Như là "tứ quý".

Năm Nguyên Tượng thứ 2 (539), vì mẹ bệnh nên ông rời chức. Nhạc không cởi thắt lưng, hết sức chăm sóc mẹ. Khi bà mất, ông khóc thương thảm thiết, Cao Hoan rất lo lắng, mỗi ngày đều sai người đến khuyên giải. Sau đó, ông quay lại nhận chức cũ. Năm sau, ông được kiêm chức Lĩnh quân tướng quân.

Đầu những năm Hưng Hòa (539542), Cao Trừng vào triều, Nhạc ra làm Sứ trì tiết, đô đốc, Ký Châu thứ sử,Thị trung, Phiêu kỵ, Khai phủ nghi đồng như cũ. Năm thứ 3 (541), ông chuyển ra làm Thanh Châu thứ sử. Nhạc cầm quyền lâu ngày, khiến cho trong triều ngoài cõi đều kính sợ. Khi ông ra ngoài làm việc, trăm họ nghe phong thanh thì tránh xa.

Năm Vũ Định đầu tiên (543), ông làm Tấn Châu thứ sử, Tây Nam đạo đại đô đốc, được tiếng là hiểu việc vùng biên cương. Khi ấy, Nhạc có bệnh, Cao Hoan lệnh cho ông quay về Tịnh Châu chữa trị, khỏi bệnh, quay lại nhận chức.

Phụng sự Cao Trừng[sửa | sửa mã nguồn]

Khi Cao Hoan mất, Hầu Cảnh làm phản, Cao Trừng triệu Nhạc về Tịnh Châu, cùng tính kế đánh dẹp. Lương Vũ đế thừa cơ phái Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh đến Hàn Sơn, ngăn nước Tứ Thủy, rót vào Bành Thành, giúp sức cho Hầu Cảnh. Nhạc làm tổng soái các cánh quân đến đánh, cùng bọn Hành đài Mộ Dung Thiệu Tông đại phá quân Lương, bắt sống Tiêu Uyên Minh và bọn Đại tướng Hồ Quý Tôn, cùng mấy vạn người. Hầu Cảnh đưa quân đến Qua Dương, cùng bọn Lưu Phong giằng co. Nhạc đưa quân quay về đuổi đánh, Cảnh đại bại, 1 ngựa chạy thoát. Năm thứ 6 (548), ông nhờ công được phong làm Thị trung, Thái úy, còn lại như cũ; được ban tước Tân Xương huyện tử.

Sau đó, Nhạc lại được bái làm Sứ trì tiết, Hà Nam tổng quản, đại đô đốc, thống lĩnh bọn Mộ Dung Thiệu Tông, Lưu Phong đi đánh Vương Tư Chính ở Trường Xã. Tư Chính đóng chặt cửa thành cố thủ, bọn Nhạc ngăn nước sông Vị rót vào thành. Khi đánh thành, Thiệu Tông chết đuối, Lưu Phong trúng tên mà chết, lại thêm viện binh Tây Ngụy đến cứu Tư Chính, Nhạc trong ngoài chống giữ, rất có mưu lược. Thành không còn gì nguyên vẹn. Cao Trừng thân chinh đến nơi, được vài ngày thì hành bị hạ, bắt được Tư Chính. Ông nhờ công được ban tước Chân Định huyện nam, Trừng lấy đó làm công mình, nên chỉ ban thưởng thế thôi!

Phụng sự Cao Dương[sửa | sửa mã nguồn]

Cao Trừng bị giết, Cao Dương ra Tấn Dương nắm quyền, lệnh cho Nhạc giữ quan chức cũ, kiêm Thượng thư tả bộc xạ, trấn thủ Kinh sư. Đầu những năm Thiên Bảo (550559) nhà Bắc Tề, ông được tiến phong làm Thanh Hà quận vương, Sứ trì tiết, Phiêu kỵ đại tướng quân, Khai phủ nghi đồng tam tư, Tông sư, Kinh Châu mục. Năm thứ 5 (554), được gia chức Thái Bảo.

Năm ấy, Lương Nguyên đế bị quân Tây Ngụy vây bức, sai sứ cấp báo, cầu viện binh. Mùa đông, triều đình ban chiếu cho Nhạc làm Tây nam đạo Đại hành đài, thống lĩnh bọn Tư đồ Phan Nhạc đi cứu Giang Lăng. Tháng giêng năm thứ 6 (555), quân Tề đến Nghĩa Dương, Kinh Châu đã rơi vào tay quân Tây Ngụy, ông nhân đó cướp bóc từ nam Trường Giang đến Dĩnh Châu, thứ sử Lục Pháp Hòa dâng châu đầu hàng. Nhạc trước đưa bọn Lục Pháp Hòa về kinh sư, sau sai Mộ Dung Nghiễm giữ Dĩnh Thành. Triều đình biết Giang Lăng đã mất, ban chiếu cho ông trở về.

Cái chết[sửa | sửa mã nguồn]

Nhạc có công trận ở Hàn Sơn, Trường Xã, lại thu hàng Dĩnh Châu, uy danh rất lớn. Ông tính tình xa xỉ, ưa thích tửu sắc, thường bày tiệc múa hát, các vương đều không theo kịp. Ban đầu, Bình Tần vương Cao Quy Ngạn mồ côi từ nhỏ, được Cao Hoan gởi nuôi trong nhà của Nhạc, vì bị đối xử lạnh nhạt, nên ngầm oán hận trong lòng, mà không dám nói ra. Về sau, Quy Ngạn được sủng ái, làm Lĩnh quân tướng quân, ông lại cho rằng mình có ơn với hắn ta, nên không đề phòng gì. Nhạc ở phía nam kinh thành xây dựng phủ trạch, xin mở con ngõ sau. Quy Ngạn tâu với Văn Tuyên đế Cao Dương rằng: "Thanh Hà xây phủ trạch, phỏng theo hoàng cung, làm ra con ngõ dài, chỉ là không có cửa khuyết mà thôi." Cao Dương nghe vậy thì ghét lắm, dần xa lánh Nhạc.

Về sau Cao Dương thu nạp ca kỹ Tiết thị (thường gọi là Tiết Muội) vào cung, mà Nhạc từng gọi chị em họ Tiết đến mua vui. Tiết Thư cậy em được ủng ái, xin cho cha làm Tư đồ, Cao Dương cả giận đem cô ta ra cưa chết, rồi lại trách Nhạc "gian dâm dân nữ". Ông đáp: "Thần vốn muốn lấy các cô ấy, hiềm rằng bọn họ tính tình khinh bạc không thể dùng được, chứ không hề gian dâm." Cao Dương nghe xong càng giận.

Theo Bắc Tề thư, tháng 11 năm thứ Thiên Bảo 6 (555), Cao Dương sai Quy Ngạn đến nhà trách mắng Nhạc. Nhạc lo sợ không biết làm sao, được vài ngày thì hoăng, nên mọi người đều cho là ông bị ban rượu độc mà chết, khi ấy được 44 tuổi. Triều đình ban chiếu cho Đại Hồng Lô giám hộ tang sự, tặng Sứ trì tiết, đô đốc Ký, Định, Thương, Doanh, Triệu, U, Tể, 7 châu chư quân sự, Thái tể, Thái phó, Định Châu thứ sử, Giả hoàng việt, ban cho xe màn, 2000 tấm lụa, thụy là Chiêu Vũ.

Nhạc chết rồi, Cao Dương vẫn chưa hết giận. Bấy giờ Tiết tần (Tiết Muội được phong làm Tần) đang có mang, đợi cô ta sinh xong, Cao Dương đem chém, bày đầu trong bữa tiệc ở Đông Sơn (đông Nghiệp Thành), những người dự tiệc trông thấy đều kinh hãi. Cao Dương còn đem tro cốt của Tiết tần chế thành cây đàn tỳ bà, ôm đàn, rơi nước mắt mà nói: "Người đẹp khó gặp lại!" (Nguyên văn: giai nhân nan tái đắc)

Sau khi mất[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khi theo Cao Hoan ra trận, Nhạc có quân đội riêng, có tiếng là tinh nhuệ, tích trữ rất nhiều binh khí sắc bén và hơn ngàn bộ giáp. Cuối thời Cao Trừng, ông cho rằng 4 biển vô sự, dâng biểu xin giao nạp. Cao Trừng không nhận. Cao Dương lên nắm quyền, Nhạc lại xin nạp, cũng không được nhận. Đến khi hoăng, trong di biểu tạ ơn lại xin nạp, tang lễ xong xuôi, triều đình mới thu nạp. Trong những năm Hoàng Kiến (560 - 561), ông được đưa vào thờ trong miếu của Cao Trừng.

Về sau Cao Quy Ngạn bị kết tội mưu phản, Vũ Thành đế Cao Trạm xét lại việc cũ, đem cả nhà Cao Quy Ngạn hơn trăm người thưởng cho gia đình Nhạc làm nô bộc. Sau đó lại truy niệm chiến công của ông, truy tặng Thái Sư, Thái bảo, còn lại như cũ.

Con là Mại kế tự. Bắc Tề diệt vong, Mại theo lệ vào nước Chu. Nhà Tùy thay ngôi nhà Bắc Chu, Mại mất trong những năm Khai Hoàng (581 - 600).

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]