Chè khúc bạch
Chè khúc bạch là một món chè giải khát khá phổ biến của Việt Nam. Về cơ bản món ăn này là một dạng rau câu, nhưng được biến tấu nhiều về thành phần nguyên liệu, đa dạng hơn và được ăn chung với nhau, với cách ăn khác với rau câu thường. Cái tên "chè khúc bạch" có nguồn gốc từ Hán Việt, mô tả hình dạng thành phẩm của những viên thạch màu trắng được cắt thành khúc nhỏ vừa ăn.[1]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Chè khúc bạch được xem là có nguồn gốc từ một món ăn của người Hoa Sài Gòn với tên gọi đậu phụ hạnh nhân, đây là món tráng miệng chuyên dùng ở các tiệc cưới, sinh nhật,... Chè khúc bạch là món ăn được cải tiến từ đậu phụ hạnh nhân, chúng được làm cho béo và thơm hơn.[2]
Thành phần
[sửa | sửa mã nguồn]Thành phần chính là những miếng "khúc bạch" được ướp lạnh và có vị dẻo thơm, chúng được làm từ sữa tươi không đường, kem tươi, gelatin, đường cát trắng.[2][3] Nước chè được nấu chủ yếu từ đường phèn.[3] Sau đó, món thêm nước hoa quả như vải hộp[2] và hạt hạnh nhân.[3] Những viên khúc bạch được cắt hình ô cờ lượn sóng, ngậy nhưng hơi cứng và thơm mùi phô mai. Chè khúc bạch thường được ăn cùng với các loại trái cây như nhãn,[3] kiwi, táo, vải, thanh long, mít,[2] hạt é,...Các biến thể ngoài sữa của món gồm có hương vị trà xanh, khoai môn, cà phê.[3]
Thương mại
[sửa | sửa mã nguồn]Vào khoảng 2013, chè khúc bạch tạo ra trào lưu ăn vặt mới của giới trẻ,[4] thay cho trà chanh chém gió là một trào lưu đã có từ các năm trước.[3] Các quán ăn quán uống đã đưa món vào menu của họ. Một người buôn bán tên Thu Trang ở phố Bùi Thị Xuân tại Hà Nội bán trung bình 200 đến 300 cốc chè khúc bạch mỗi ngày, với giá từ 20-25.000 VND.[3] Đường Châu Văn Liêm, Quận 5, Tp.HCM tập trung nhiều điểm bán chè khúc bạch, trong đó nhiều hàng quán đã chuyển các món thường ngày của họ sang chè khúc bạch.[2] Chè khúc bạch cũng được tiếp thị trên mạng internet và được giao đến tận nơi.[3]
Một vụ bê bối ngành sản xuất và cung ứng gelatin bùng nổ sau đó gây ảnh hưởng đến thương mại chè khúc bạch. Gelatin, loại phụ gia làm đông "khúc bạch" của món làm từ collagen lấy trong da lợn, xương gia súc,... bị phát hiện thiếu vệ sinh. Do đó, món ăn bị xem là gây nguy hại sức khỏe người dùng.[3][4] Về sau, những người thợ làm chè khúc bạch sử dụng nguyên liệu tự nhiên và an toàn hơn làm đông thạch khúc bạch là rau câu, thay cho gelatin. Tỉ lệ sử dụng là một gói bột rau câu 10 gram dùng do 200 gram đường và nửa lít nước.[5] Tuy vậy, rau câu bị đánh giá làm mất đi sự đặc trưng của món chè khúc bạch, vì gelatin làm cho khúc bạch dẻo, dai, mềm; còn rau câu lại làm cho khúc bạch giòn, cứng.[6]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thu Nguyệt (ngày 26 tháng 6 năm 2021). “Chè vải khúc bạch - món chè gây thương nhớ”. báo Thanh niên. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.
- ^ a b c d e Như Bình (ngày 2 tháng 6 năm 2013). “Ra ngõ gặp... chè khúc bạch”. báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.
- ^ a b c d e f g h i Bảo Thy (ngày 24 tháng 6 năm 2013). “Nhiều nghi ngại về món chè khúc bạch”. báo Nhân dân. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.
- ^ a b “Xem những hình ảnh này, còn dám ăn chè khúc bạch?”. VTC. ngày 12 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.
- ^ N.B (ngày 21 tháng 6 năm 2021). “Chè khúc bạch - xua sạch nắng hè”. báo Bạc Liêu. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.
- ^ Hoa Anh (ngày 25 tháng 8 năm 2020). “Bí quyết nấu chè khúc bạch”. Vnexpress. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tuệ Anh (ngày 11 tháng 4 năm 2019). “Công thức chè khúc bạch mát rượi ngày hè”. baovephapluat.vn. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023.