Chính Hữu
Chính Hữu (15 tháng 12 năm 1926[1] - 27 tháng 11 năm 2007[2]), tên thật là Trần Đình Đắc, là một nhà thơ Việt Nam, nguyên Đại tá, Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật lần hai (năm 2000).
Tiểu sử hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]
Ông sinh tại Vinh (Nghệ An). Nguyên quán của ông là huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông học tú tài (triết học) ở Hà Nội trước cách mạng tháng Tám. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ Đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Ông còn làm chính trị viên đại hội (chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954). Ông làm thơ từ năm 1947 và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Tập thơ Đầu súng trăng treo (1966) là tác phẩm chính của ông. Bài thơ "Đồng chí" được in vào tháng 2-1948. Thơ ông không nhiều nhưng lại có nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Ông đã sáng tác bài thơ "Đồng chí" mà sau này đã được phổ nhạc cho bài hát "Tình đồng chí". Bài hát đã khơi dậy những xúc động mãnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ.
Ông mất 00 giờ 27 phút ngày 27 tháng 11 năm 2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị -Thành phố Hà Nội.
Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]
- Đầu súng trăng treo (tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1966)
- Thơ Chính Hữu (tập thơ, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1997)
- Tuyển tập Chính Hữu (Nhà xuất bản Văn học, 1998)
Ngoài bài thơ Đồng chí được nhạc sĩ Minh Quốc phổ nhạc, một số bài thơ khác của ông cũng là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ khác sáng tác các bài hát nổi tiếng như bài "Ngọn đèn đứng gác" (nhạc sĩ Hoàng Hiệp), "Bắc cầu" (nhạc sĩ Quốc Anh), "Có những ngày vui sao" (nhạc sĩ Huy Du) [3].
Một số trích đoạn nổi tiếng:
- Bài Ngày về:
- Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
- Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
- Bao giờ trở lại ?
- Phố phường gạch ngói ngang đường
- Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
- Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
- Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
- Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
- Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
- Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
- Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
- Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
- Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
- Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
- Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
- Trở về,trở về, chiếm lại quê hương
- Nguy nga sao cái buổi lên đường
- Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc
- A ha ! Nhà xiêu mái sập
- Xác oan cừu ngập lối chân đi
- Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
- Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
- Mịt mù khói ngợp
- Cờ máu huy hoàng
- Phất nắng
- Ôi bài chiến thắng reo vang
- Bài Đồng chí:
- Quê hương anh nước mặn đồng chua
- Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
- Anh với tôi đôi người xa lạ
- Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
- Súng bên súng, đầu sát bên đầu
- Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
- Đồng chí
- Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
- Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
- Áo anh rách vai
- Quần tôi có vài mảnh vá
- Miệng cười buốt giá
- Chân không giày
- Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
- Đêm nay rừng hoang sương muối
- Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
- Đầu súng trăng treo.
- Ý nghĩa nhan đề “Đồng chí” – Chính Hữu (1948) - Đồng chí là cách gọi khái quát về tình đồng đội gắn bó keo sơn, thiêng liêng và nghĩa tình. - Đồng chí là những con người cùng chung lý tưởng, chí hướng, cùng làm một đơn vị, cơ quan. - Từ khái niệm trên cùng sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân, cùng chung lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, những người lính từ những phương trời xa lạ tập hợp và tình đồng chí đến với họ là một điều tất yếu. - Đó là chủ đề của bài thơ, nên tác giả đặt tên cho bài thơ là “Đồng chí”.