Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết tiêu biểu/4

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Những hình ảnh về Chiến dịch Na Uy.

Chiến dịch Na Uy là tên gọi được phe Đồng minh – AnhPháp – đặt cho cuộc đối đầu trực tiếp trên bộ đầu tiên giữa họ và quân đội Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến này diễn ra ở Na Uy từ ngày 9 tháng 4 cho đến ngày 10 tháng 6 năm 1940, khiến Na Uy trở thành quốc gia có thời gian chống lại cuộc xâm lăng trên bộ của Đức dài nhất trong cả cuộc chiến - nếu không tính Liên Xô. Chiến dịch kết thúc với sự chiếm đóng hoàn toàn lãnh thổ Na Uy của Đức Quốc xã.

Nguyên nhân chính của Đức trong việc chiếm lấy Na Uy là sự phụ thuộc của Đức Quốc xã vào nguồn quặng sắt ở Thụy Điển được vận chuyển đường biển qua cảng Narvik thuộc Na Uy. Bằng cách kiểm soát các cảng biển của Na Uy, Đức Quốc xã đã có được nguồn cung cấp quặng sắt cần thiết cho nền sản xuất trong chiến tranh cho dù có cuộc phong tỏa đường biển của Anh quốc. Thêm vào đó, điều này còn giúp cho Đức và Đồng minh không phải đương đầu với nhau trong cuộc chiến tranh hầm hào quy mô lớn mà cả hai bên đều sợ hãi. Đến khi trận hải chiến ở Đại Tây Dương leo thang, các căn cứ không quân ở Na Uy, như trạm hàng không Sola tại Stavanger, giữ một tầm quan trọng đặc biệt, cho phép các máy bay trinh sát Đức có thể hoạt động tầm xa trên Bắc Đại Tây Dương cũng như tạo điều kiện cho các tàu ngầm và tàu nổi của Đức vượt qua hàng rào phong tỏa của Đồng minh trên biển Bắc để tấn công các đội tàu hướng về đảo Anh và sau này là Liên Xô.