Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết tiêu biểu/6

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bốn hoạt động chính trong Trận chiến vịnh Leyte.

Trận chiến vịnh Leyte, còn gọi là Hải chiến vịnh Leyte, trước đây còn có tên là "Trận biển Philippine lần thứ hai", được xem là trận hải chiến lớn nhất của Thế Chiến II cũng như là một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử.

Trận đánh xảy ra tại các vùng biển Philippine gần các đảo Leyte, Samar và Luzon từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 10 năm 1944 giữa hải quân và không lực hải quân Đồng Minh cùng Đế quốc Nhật Bản. Ngày 20 tháng 10 năm 1944, quân Mỹ bắt đầu tấn công đảo Leyte như một phần của chiến lược cô lập Nhật Bản khỏi các nước họ đã chiếm đóng tại Đông Nam Á, đặc biệt là dầu mỏ vốn là nguồn tiếp liệu sống còn của nền quân sự và công nghiệp Nhật. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã huy động hầu như tất cả các tàu chiến còn lại của họ nhằm đánh bại lực lượng tấn công đổ bộ Đồng Minh, nhưng đã bị Đệ Tam hạm độiĐệ Thất hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ đẩy lui. Hải quân Nhật đã không thể đạt được mục đích đề ra, bị thiệt hại nặng, và từ đó không thể tham chiến với một lực lượng tương đương. Đa số các tàu chiến lớn còn sống sót, do thiếu hụt nhiên liệu, hầu như phải ở lại căn cứ của chúng cho đến hết chiến tranh tại Thái Bình Dương.

Trận chiến vịnh Leyte bao gồm bốn trận hải chiến chính là: trận chiến biển Sibuyan, trận chiến eo biển Surigao, trận chiến ngoài khơi mũi Engaño và trận chiến ngoài khơi Samar cùng các hoạt động khác.

Trận chiến vịnh Leyte cũng được ghi nhận là trận đánh đầu tiên mà máy bay Nhật thực hiện các cuộc tấn công tự sát kiểu kamikaze (Thần Phong) một cách có tổ chức. Và một điểm đáng chú ý khác là lực lượng Nhật Bản trong trận này có số máy bay còn ít hơn so với số tàu bè của lực lượng Đồng Minh, một minh chứng rõ ràng cho sự chênh lệch về lực lượng của đôi bên đến thời điểm này của cuộc chiến.