Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Danh sách bài viết tốt

Bài viết tốt 1

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/1

Bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi của họa sĩ Santa Maria Gloriosa dei Frari được trưng tại nhà thờ Santa Maria Gloriosa dei Frari.
Maria, còn được gọi là Đức Mẹ hay bà Mary, là một phụ nữ người Do Thái quê ở Nazareth, thuộc xứ Galilea, sống trong khoảng những năm cuối thế kỷ 1 TCN đến đầu thế kỷ 1 CN. Theo Tân Ước và kinh Qur'an bà là mẹ của Giê-su. Các Kitô hữu coi Giêsu con trai bà là "Đấng Kitô" (nghĩa là Người được xức dầu), Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể, trong khi người Hồi giáo coi Giêsu là Đấng Messiah, là vị tiên tri quan trọng nhất của Thiên Chúa gửi đến cho dân tộc Israel và là tiên tri cao trọng thứ hai sau tiên tri Muhammad.

Trong Phúc Âm MatthewPhúc Âm Luca, Maria được mô tả là một trinh nữ (tiếng Hy Lạp: παρθένος, parthénos. Theo truyền thống, các tín đồ Kitô hữu tin rằng bà mang thai và sinh ra Giêsu là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Người Hồi giáo tin rằng bà được thụ thai theo lời phán của Thiên Chúa. Việc mang thai này xảy ra khi bà - lúc đó còn là một thiếu nữ khoảng 14 tuổi (theo Cựu ước) - đã đính hôn với Giuse, và ông bà đang trong thời gian chờ hoàn thiện nghi thức kết hôn theo tập tục của người Do Thái. Sau khi biết mình có thai, bà và Giuse cùng chuyển đến vùng Bethlehem, tại đây bà đã hạ sinh Giêsu.

Bài viết tốt 2

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/2

Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt ngày 21 tháng 7 năm 2015.
Giuse Ngô Quang Kiệt là một giám mục Công giáo người Việt, từng đảm trách nhiều vai trò quan trọng đối với cộng đồng Công giáo tại Việt Nam. Ngô Quang Kiệt từng đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong chức vị giám mục từ năm 1999 đến khi nghỉ hưu năm 2010 như giám mục chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng, giám quản Tông Tòa, sau đó trở thành tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông cũng từng đảm nhiều nhiều vai trò khác như như phó tổng thư ký và sau đó là tổng thư ký của hội đồng này. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Chạnh lòng thương".

Giuse Ngô Quang Kiệt có quê gốc ở Lạng Sơn, sau khi sinh ra vài năm thì cùng gia đình di cư vào Nam. Sau quá trình tu tập kéo dài hơn 25 năm từ năm 1964 đến năm 1991, ông được phong chức linh mục, là linh mục thuộc Giáo phận Long Xuyên. Linh mục Kiệt sau đó được cho đi du học tại Pháp và sau khi hoàn thành khóa học, trở về Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức Chưởng ấn Tòa giám mục Long Xuyên.

Ngày 3 tháng 6 năm 1999, Tòa Thánh ra tuyên cáo bổ nhiệm linh mục Giuse Ngô Quang Kiệt làm giám mục chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng. Lễ tấn phong cho tân giám mục diễn ra sau đó vào ngày 29 tháng 6 do Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần làm chủ phong. Tháng 4 năm 2003, Tòa Thánh bổ nhiệm ông kiêm thêm nhiệm vụ làm giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Hà Nội và đến tháng 10 cùng năm lại tiếp tục chọn Giám mục Kiệt kiêm nhiệm thêm chức giám quản Giáo phận Thanh Hóa.

Bài viết tốt 3

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/3

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928 – 2002) là một hồng y người Việt Nam thuộc Giáo hội Công giáo Rôma. Ông từng đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình và là vị giáo sĩ Công giáo Việt Nam từng giữ vị trí cao nhất trong Giáo hội Công giáo Rôma. Ông được xem là một biểu tượng của người Công giáo Việt Nam, là nhân vật có sức ảnh hưởng nhất trong thời gian gần đây của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Dù gặp nhiều khó khăn với chính quyền Việt Nam, Hồng y Thuận không tỏ ra thù ghét. Chính thái độ này, ông đã được nhiều người tôn kính. Ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, ông còn nói thông thạo tám ngôn ngữ khác: Pháp, Anh, Ý, Ðức, Latinh, NgaTrung Quốc, Tây Ban Nha.

Hồng y Thuận sinh năm 1928 tại Huế trong một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời. Sau quá trình tu học, ông được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 1953. Tháng 4 năm 1967, linh mục Nguyễn Văn Thuận được Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang. Ông là vị giám mục người Việt đầu tiên quản lý giáo phận này. Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Tòa Thánh bổ nhiệm Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, chức vị Tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông tạm hoãn về Sài Gòn, đến ngày 7 tháng 5 mới về để nhận nhiệm vụ mới. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, ông bị bắt, bị tù và cải tạo suốt 13 năm.

Bài viết tốt 4

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/4 Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1919 – 2009) là một hồng y người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông là vị hồng y thứ ba của Việt Nam, được vinh thăng sau hai vị Hồng y đầu tiên là Giuse Maria Trịnh Như Khuê và thứ hai là Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Ông cũng từng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam hai khoá liên tiếp từ năm 1995 đến năm 2001. Hồng y Tụng là người nhận chức vụ tổng giám mục cao tuổi nhất trong lịch sử giáo hội Công giáo tại Việt Nam khi đã 75–76 tuổi.

Phạm Đình Tụng trong một gia đình Công giáo làm nghề nông tại Ninh Bình. Bắt đầu con đường tu học từ năm 1925, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn do chiến sự và tu học tại nhiều nơi, cuối cùng, phó tế Phạm Đình Tụng được thụ phong chức linh mục tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội tháng 6 năm 1949. Sau khi được truyền chức linh mục, linh mục Tụng được bổ nhiệm làm phó xứ rồi nhanh chóng trở thành chính xứ giáo xứ Hàm Long, Hà Nội.

Tháng 4 năm 1963, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phạm Đình Tụng làm giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh. Tân giám mục được cử hành nghi thức truyền chức sau đó ngày 15 tháng 8 bởi chủ phong là Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa".

Bài viết tốt 5

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/5

Tân giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị trong ngày lễ tấn phong.
Aloisiô Nguyễn Hùng Vị (sinh ngày 15 tháng 8 năm 1952) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông hiện là giám mục chính tòa thứ bảy của Giáo phận Kon Tum và chủ tịch Uỷ ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhiệm kỳ 2019–2022. Khẩu hiệu giám mục của ông là: "Tình thương trong sự thật".

Ông quê ở Hà Nội, là người con trong gia đình có 7 anh chị em. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam. Tuy nhiên, khi vào đến Gò Vấp, thì gia đình ông lại quyết định đi ngược ra miền trung và ở tại Thành phố Nha Trang. Năm 1963 ông bắt đầu tu tập và đến năm 1990 thì lãnh chức linh mục. Ông trải qua một số chức vụ tại Giáo phận Kon Tum rồi đi du học và nhận bằng Cử nhân phụng vụ. Ngày 7 tháng 10 năm 2015, Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ông trở thành giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum – kế vị giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã tại vị từ năm 2003, người đã 77 tuổi, quá tuổi về hưu theo giáo luật.

Bài viết tốt 6

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/6

Hồng y Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ngày 23 tháng 5 năm 2010.
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (sinh ngày 1 tháng 4 năm 1938) là một hồng y, giám mục Công giáo người Việt. Ông hiện đảm nhận tước vị Hồng y đẳng Linh mục Nhà thờ San Tommaso Apostolo (Thánh Tôma Tông đồ). Ông từng đảm nhiệm vai trò tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Namgiám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt. Khẩu hiệu giám mục là: "Ngài phải lớn lên" (Ga 3,30). Ông có thể nói được các thứ tiếng như: tiếng Anh, tiếng PhápLatinh bên cạnh tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt.

Hồng y Nguyễn Văn Nhơn sinh trưởng tại Đà Lạt trong một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời. Sau quá trình tu học kéo dài gần 20 năm, tháng 12 năm 1967, ông được truyền chức linh mục tại Đà Lạt. Trong thời kỳ linh mục, ông từng đảm nhiệm các chức vụ khác nhau như Giám đốc Ðại chủng viện Minh Hòa Đà Lạt, chính xứ Nhà thờ chính tòa Đà Lạt và linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt.

Ngày 11 tháng 10 năm 1991, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm giám mục phó Giáo phận Đà Lạt và lễ tấn phong đã được cử hành sau đó vào ngày 3 tháng 12 cùng năm. Sau khoảng thời gian ba năm làm giám mục phó, ông kế nhiệm chức giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt năm 1994, sau khi vị tiền nhiệm Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm được thuyên chuyển làm giám mục Giáo phận Thanh Hóa.

Bài viết tốt 7

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/7

Chân dung cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc.
Phaolô Bùi Văn Đọc (11 tháng 11 năm 1944 – 7 tháng 3 năm 2018) là một giám mục Giáo hội Công giáo Roma người Việt Nam. Ông nguyên là tổng giám mục của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh từ 2014 đến 2018, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013–2016 cũng là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam trong 5 nhiệm kỳ 2001–2018 (trừ giai đoạn 2013–2016 làm Chủ tịch Hội đồng). Khẩu hiệu giám mục của ông là "Chúa là nguồn vui của con". Ông có thể nói tiếng Anh, PhápLatinh.

Bùi Văn Đọc sinh tại Đà Lạt. Trong quá trình tu tập, từ năm 1956, Bùi Văn Đọc học tại nhiều chủng viện Công giáo khác nhau: Tiểu chủng viện Sài Gòn, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn và tại Đại học Truyền giáo Urbaniana, Roma. Năm 1970, ông trở về Việt Nam và được thụ phong linh mục ngày 17 tháng 12. Trong thời kỳ linh mục, ông đảm trách nhiều chức vụ khác nhau như giáo sư các tiểu chủng viện khác nhau tại Việt Nam, đồng thời từng đảm nhận vai trò Giám đốc Đại chủng viện Minh Hòa, Đà Lạt. Từ năm 1995, ông kiêm thêm nhiệm vụ Tổng đại diện Giáo phận Đà Lạt.

Cuối tháng 3 năm 1999, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phaolô Bùi Văn Đọc làm Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho. Lễ tấn phong giám mục được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa Đà Lạt ngày 20 tháng 5 cùng năm do Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm chủ phong.

Bài viết tốt 8

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/8

Gioan Baotixita Bùi Tuần kỷ niệm 41 năm tấn phong giám mục vào ngày 30 tháng 4 năm 2016.
Gioan Baotixita Bùi Tuần là một giám mục Công giáo người Việt. Ông từng đảm nhiệm chức giám mục phó rồi giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên từ năm 1975 đến năm 2003.

Năm 1954, ông sang Hồng Kông tu học đến ngày 2 tháng 7 năm 1955 thì chịu chức linh mục. Cuối năm 1955, ông về Việt Nam sau đó tiếp tục sang Roma, Thụy Sĩ và Đức và nhận được bằng tiến sĩ Triết học. Năm 1964, ông lại trở về Nam Việt Nam làm giáo sư nhiều chủng viện tại miền này. Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Tòa Thánh chọn linh mục Gioan Baotixita Bùi Tuần làm giám mục phó Giáo phận Long Xuyên. Lễ tấn phong diễn ra trưa 30 tháng 4 cùng năm, do Giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên Micae Nguyễn Khắc Ngữ chủ phong. Ông cũng là vị giám mục Việt Nam duy nhất tấn phong vào ngày lịch sử này. Ông trở thành giám mục chính tòa của Giáo phận Long Xuyên sau khi Giám mục Ngữ nghỉ hưu vào năm 1997, lúc đó Giám mục Tuần đã 69 tuổi. Ông tại vị đến năm 2003 thì về hưu, trao giáo phận lại cho Giám mục phó Giuse Trần Xuân Tiếu.

Ngoài công việc một giám mục, ông còn là một người rất yêu thích thơ văn. Giám mục Bùi Tuần thường gặp gỡ các nhà văn, ông đã xuất bản nhiều tựa sách mà nổi bật nhất là bộ Thao thức phát hành vào năm 2007. Giám mục Bùi Tuần đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lậpHuân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Bài viết tốt 9

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/9 Nicôla Huỳnh Văn Nghi (1927 – 2015) là một giám mục Công giáo người Việt, từng giữ chức giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn, rồi giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiếtgiám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng thư ký Giáo tỉnh Sài Gòn nhiệm kỳ IV và V (1989–1995), Phó Chủ tịch I, nhiệm kỳ VI và VII (1995–2001) và Thủ quỹ, nhiệm kỳ VII (1998–2001).

Ông thụ phong linh mục năm 1953 rồi tấn phong giám mục năm 1974 với chức vụ ban đầu là giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn. Năm 1975, ông được bổ nhiệm làm giám mục giám quản Giáo phận Phan Thiết vừa thành lập để đón giám mục tiên khởi Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Tuy nhiên, vì một số lý do, Giám mục Hòa không đến được đây và sau đó Tòa Thánh bổ nhiệm ông làm giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang, Giám mục Huỳnh Văn Nghi tiếp tục làm Giám quản tại đây đến năm 1979 thì được bổ nhiệm chính thức làm giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiết. Do Giám mục Hòa chưa cai quản giáo phận Phan Thiết một ngày nào nên có thể coi ông là giám mục tiên khởi (trên luật định) còn Giám mục Nghi là giám mục tiên khởi (trên thực tế) của giáo phận này.

Bài viết tốt 10

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/10

Hồng y Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trước cửa Nhà thờ Lớn Hà Nội vào ngày 23 tháng 8 năm 2008.
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (sinh 1934) là một hồng y người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma và hiện đảm nhận vai trò Hồng y đẳng Linh Mục nhà thờ San Giustino. Ông từng đảm trách vai trò Tổng giám mục chính tòa Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và thành viên Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích và Bộ Truyền giáo Tòa Thánh. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, ông có thể sử dụng tiếng Anhtiếng Pháp.

Phạm Minh Mẫn sinh tại Hòa Thành, Cà Mau, thuộc Giáo phận Cần Thơ. Từ năm 10 tuổi, cậu bé Mẫn đi theo con đường tu học của mình và theo học nhiều chủng viện cho đến năm 1965 thì được thụ phong linh mục. Sau khi được thụ phong, linh mục Mẫn đảm nhiệm vai trò giáo sư cũng như Giám đốc Tiểu chủng viện Cái Răng, Cần Thơ. Năm 1968, Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang cử ông đi du học tại Hoa Kỳ và đậu Tiến sĩ về giáo dục năm 1971. Trở về Việt Nam, linh mục Mẫn tiếp tục làm giáo sư Tiểu chủng viện Cái Răng. Từ năm 1974, ông là Giám đốc Tiểu chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ và đến năm 1976 thì ông phụ trách việc đào tạo linh mục của Giáo phận Cần Thơ. Năm 1988, ông được bổ nhiệm làm giám đốc tiên khởi của Đại chủng viện Thánh Quý – Cần Thơ.

Bài viết tốt 11

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/11

Chân dung Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo.
Giuse Đinh Đức Đạo (sinh 1945) là một giám mục Công giáo người Việt, hiện là giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc (từ tháng 5 năm 2016). Trước đây, ông từng là giám mục phụ tá (2013–2015) và giám mục phó (2015–2016) của giáo phận này. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo đảm nhận vai trò viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam và từng là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (nhiệm kì 2013–2016, 2016–2019).

Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo sinh tại Nam Định, từ sớm đã vào Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu, sau đó vào Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn trong vòng một năm thì đi du học tại Roma. Năm 1971, ông được truyền chức linh mục tại Sài Gòn. Sau khi được truyền chức, linh mục Đạo tiếp tục sang du học Roma và ở tại đây cho đến năm 2009. Trong gần 50 năm tại Roma, linh mục Đạo giữ nhiều chức vụ như: phó giám đốc rồi giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M.), giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI, giám đốc Văn phòng phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại; tại Bộ Truyền giáo, ông là thành viên tư vấn Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn... Trong thời gian này, ông còn được phong tước đức ông. Trở về Việt Nam năm 2009, ông kiêm nhiệm thêm chức Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Bài viết tốt 12

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/12

Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên trong thánh lễ thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh năm 2019.
Giuse Vũ Văn Thiên (sinh ngày 26 tháng 10 năm 1960) là một giám mục Công giáo người Việt. Ông hiện là tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội kiêm giám quản Tông Tòa Giáo phận Hải Phòng (trước đó, ông là giám mục chính tòa của giáo phận này từ 2003 đến 2018). Trên cương vị Tổng giám mục Hà Nội, ông cũng là Tổng giám mục trưởng Giáo tỉnh Hà Nội.

Tổng giám mục Vũ Văn Thiên sinh tại Hải Dương, từ nhỏ gia đình đã có ước muốn cho ông theo con đường tu trì. Vì thế, cậu bé Thiên lần lượt được gia đình cho đi làm giúp lễ và sinh sống tại nhà xứ. Trải qua khoảng thời gian dài tu học, năm 1988, Giuse Vũ Văn Thiên được truyền chức linh mục, trở thành thành viên linh mục đoàn Giáo phận Hải Phòng. Trong thời kỳ làm linh mục, ông được cử đi du học, sau đó trở về làm giáo sư đại chủng viện.

Năm 2002, Tòa Thánh chọn linh mục trẻ tuổi Giuse Vũ Văn Thiên làm giám mục Hải Phòng, giám mục đầu tiên xuất thân từ giáo phận này. Lễ tấn phong sau đó diễn ra vào ngày 2 tháng 1 năm 2003. Trong thời kỳ đảm nhận vai trò giám mục Hải Phòng, giám mục Thiên đã có những đóng góp vào quá trình phát triển của giáo phận, đặc biệt là các công trình tôn giáo. Năm 2018, Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên làm Tổng giám mục Hà Nội và giám quản Tông Tòa Hải Phòng.

Bài viết tốt 13

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/13

Tân giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường năm 2018.
Giuse Nguyễn Đức Cường (sinh ngày 14 tháng 10 năm 1953) là một giám mục người Việt, hiện đảm trách vai trò giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa và Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019–2022. Trước khi được bổ nhiệm làm giám mục, ông là một linh mục thuộc Giáo phận Đà Lạt.

Giám mục Nguyễn Đức Cường sinh tại Thanh Hóa, sau đó gia đình di cư vào Nam đến vùng đất thuộc Giáo phận Đà Lạt. Quá trình tu học của ông kéo dài 23 năm, qua các giai đoạn Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, Đại Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt, Đại học Công giáo Đà Lạt và Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Năm 1992, ông được thụ phong linh mục bởi Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Quay trở về Đà Lạt, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau cho đến khi trờ thành linh mục Giáo hạt Madagui. Ở phương diện quốc gia, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó Trưởng Ban Giáo lý Giáo tỉnh Sài Gòn, Thành viên Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trưởng Ban Giáo lý Giáo tỉnh Sài Gòn, Phó Ban Giáo lý toàn quốc.

Bài viết tốt 14

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/14

Chân dung cố Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (8 tháng 1 năm 1931 – 5 tháng 10 năm 2017) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông nguyên là giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình, đảm nhận chức vụ này trong gần 20 năm, từ năm 1990 đến năm 2009. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Chân lý trong tình thương".

Ngoài việc quan tâm đến đời sống tôn giáo, giám mục Sang còn viết, xuất bản nhiều đầu sách khác nhau về văn thơ với bút danh Bạch Lạp, Tông Đồ, Người Quan Sát. Ông cũng từng được ngỏ ý mời vào hội nhà văn.

Giám mục Nguyễn Văn Sang quê ở Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, có chí hướng tu trì từ nhỏ. Sau quá trình tu học, năm 1954, chủng sinh Sang cùng với đại chủng viện di cư vào Nam, sau đó từ bỏ ý định, trở lại Hà Nội tu học và thụ phong linh mục năm 1958. Sau quá trình công tác mục vụ, năm 1979, linh mục Sang được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội, tổng quản miền Hà Nội.

Năm 1981, Tòa Thánh chọn linh mục Nguyễn Văn Sang làm Giám mục Phụ tá Hà Nội. Sau cái chết của Hồng y, Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn, giám mục Nguyễn Văn Sang được bổ nhiệm làm Giám quản rồi Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình năm 1990.

Bài viết tốt 15

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/15

Giám mục Giuse Võ Đức Minh năm 2011.
Giuse Võ Đức Minh (sinh 1944) là một giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông hiện đảm trách vai trò giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang và là giám mục thứ tư đảm trách chức vụ này. Ngoài ra, ông từng là Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam bốn nhiệm kỳ liên tiếp 2007–2010, 2010–2013, 2013–2016 và 2016–2019.

Võ Đức Minh sinh năm 1944 tại Quảng Bình trong một gia đình Công giáo. Từ thuở nhỏ, gia đình đã cho ông đi theo con đường tu học. Quá trình tu học kéo dài 15 năm kết thúc bằng việc phó tế Võ Đức Minh được truyền chức linh mục tại Thụy Sĩ năm 1971. Sau khi trở thành linh mục, giám mục Giáo phận Đà Lạt cho linh mục Minh tiếp tục theo học về Kinh Thánh tại Học viện Kinh Thánh Giáo hoàng tại Roma và tốt nghiệp tại đây năm 1974. Trong thời gian theo học này, linh mục Minh tham gia hỗ trợ mục vụ, đảm nhiệm nhiều vai trò của các giáo xứ ở Canada, Thụy Sĩ và Đức.

Trở về Việt Nam tháng 5 năm 1974, Võ Đức Minh trở thành giáo sư đại chủng viện, dạy Kinh Thánhthần học. Trong suốt thời gian làm linh mục, ông từng đảm nhận các vai trò như Thư ký Tòa giám mục Đà Lạt, chính xứ Nhà thờ chính tòa Đà Lạt và Tổng đại diện Giáo phận.

Bài viết tốt 16

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/16

Chân dung cố Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo.
Phaolô Bùi Chu Tạo (1909–2001) là một giám mục Công giáo người Việt Nam, từng đảm nhận vai trò giám mục chính tòa tiên khởi của Giáo phận Phát Diệm trong suốt gần 40 năm, từ năm 1960 đến năm 1998. Trước đó, ông là linh mục giám quản Tông Tòa trong 3 năm trước khi được chọn làm Giám mục, đảm nhận vị trí giám quản Tông Tòa của Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm. Ông được tấn phong giám mục năm 1959 với khẩu hiệu: "Yêu thương chân thành không giả dối".

Bùi Chu Tạo sinh năm 1909 tại Ninh Bình với tên thật là Bùi Tạo trong một gia đình nông dân. Có mong muốn tu trì từ nhỏ, cậu bé Tạo được gia đình đồng ý cho theo con đường này. Trải qua thời gian dài tu học tại các chủng viện khác nhau, Bùi Chu Tạo được phong chức linh mục năm 1937.

Sau khi được truyền chức linh mục, Bùi Chu Tạo đảm nhận vai trò Giáo sư chủng viện, sau đó dưỡng bệnh từ năm 1951 đến năm 1954. Sau 1954, giáo dân cũng như linh mục suy giảm đáng kể do di cư vào Nam, kể cả đại diện Tông Tòa Bùi Chu là Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ cũng theo giáo dân di cư. Vì vậy, Tòa Thánh chọn linh mục Bùi Chu Tạo làm Giám quản Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm vào cuối năm 1956.

Bài viết tốt 17

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/17 Tôma Nguyễn Văn Tân (1940–2013) là một giám mục người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông từng đảm trách vai trò giám mục chính tòa Giáo phận Vĩnh Long từ năm 2001 đến khi qua đời. Trước đó, ông đảm nhận vai trò giám mục phó Giáo phận Vĩnh Long từ năm 2000. Khẩu hiệu Giám mục của Tôma Nguyễn Văn Tân là "Hành trình trong Đức Ái".

Nguyễn Văn Tân sinh ra ở Trà Vinh trong một gia đình nông dân. Con đường tu trì bắt đầu từ năm 13 tuổi, khi cậu bé Tân vào Tiểu chủng viện Vĩnh Long, sau đó học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt và được thụ phong linh mục năm 1969. Sau khi được truyền chức, Nguyễn Văn Tân làm Giáo sư Tiểu chủng viện Vĩnh Long trong thời gian ngắn và đến Rôma tu học tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và trở về nước năm 1974. Trong thời gian tại Việt Nam, ông lần lượt thực hiện việc mục vụ trong Giáo phận Vĩnh Long: giáo sư môn Thần học Luân lý, phụ trách nhà thờ chủng viện, phụ trách các lớp tiền chủng viện của Giáo phận Vĩnh Long.

Năm 2000, Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Tôma Nguyễn Văn Tân làm giám mục phó giáo phận Vĩnh Long, thay thế Giám mục phó Raphael Nguyễn Văn Diệp về hưu. Tháng 7 năm 2001, Giám mục chính tòa Nguyễn Văn Mầu từ chức, giám mục Tân kế vị chức giám mục chính tòa giáo phận Vĩnh Long.

Bài viết tốt 18

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/18 Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (1929–2003) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma người Việt Nam. Ông từng giữ chức giám mục chính tòaGiáo phận Thanh HóaGiáo phận Đà Lạt. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Chân lý trong Bác ái".

Nguyễn Sơn Lâm sinh tại Thanh Hóa, từ nhỏ đã có chí hướng tu trì. Gia đình quyết định cho cậu theo con đường tu học từ năm 11 tuổi. Trải qua 17 năm tu học, chủng sinh Lâm được truyền chức linh mục năm 1957. Tân linh mục được phân công thực hiện công việc mục vụ trong khoảng thời gian ngắn tại Tổng giáo phận Sài Gòn trước khi gia nhập Tu hội Xuân Bích, du học PhápRoma. Trong thời gian tu học, ông tốt nghiệp với hai văn bằng Cử nhân Thần học và Tiến sĩ Triết học. Trở về Việt Nam năm 1964, ông làm Giáo sư tại Đại chủng viện Vĩnh Long trước khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc Đại chủng viện Xuân Bích Huế từ năm 1966.

Tháng 1 năm 1975, Tòa Thánh loan tin chọn linh mục Nguyễn Sơn Lâm làm giám mục chính tòa Đà Lạt. Lễ Tấn phong cho Tân giám mục cử hành sau đó vào tháng 3 cùng năm tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Trở về nhận nhiệm sở trong giai đoạn biến cố mùa xuân năm 1975, giám mục Lâm ra nhiều thư chung cũng như tĩnh tâm động viên giáo sĩ, giáo dân và bày tỏ về nhiều vấn đề của thời đại như tự do tôn giáo, cách sống đạo trong hoàn cảnh mới, việc tôn giáo đồng hành cùng dân tộc và xã hội.

Bài viết tốt 19

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/19

Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên vào ngày 22 tháng 8 năm 2013.
Stêphanô Tri Bửu Thiên (sinh 1950) là một giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông hiện là giám mục chính tòa của Giáo phận Cần Thơ và đảm nhiệm vai trò này từ năm 2010. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Ðến với muôn dân". Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Tri Bửu Thiên giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Thánh Nhạc trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2004 đến năm 2010. Hiện nay, ông phụ trách Uỷ ban Đối thoại Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Giám mục Tri Bửu Thiên sinh ra tại Sóc Trăng, từ thuở thiếu thời đã đi theo con đường tu học trong các Chủng viện Công giáo. Sau khoảng thời gian dài tu học cũng như gián đoạn, năm 1987, ông được truyền chức linh mục. Sau khi lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau như quản giáo họ Xuân Hòa, giáo sư chủng viện, ông được cử đi du học Roma và tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân Lý. Trở về Việt Nam, ông tiếp tục công việc giảng dạy tại đại chủng viện.

Tháng 11 năm 2002, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Stêphanô Tri Bửu Thiên làm giám mục phó Cần Thơ. Lễ tấn phong diễn ra sau đó vào tháng 2 năm 2003. Ông kế vị chức giám mục Cần Thơ vào tháng 10 năm 2010, sau khi Giám mục Lê Phong Thuận từ trần. Giám mục Tri Bửu Thiên được ghi nhận về phong cách sống cũng như hành xử bình dân đối với mọi người. Trăn trở của ông trong vai trò giám mục là loan truyền Kinh Thánh trong đời sống giáo dân và đào tạo hàng giáo sĩ. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn.

Bài viết tốt 20

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/20

Chân dung cố Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868–1949) là giám mục người Việt Nam đầu tiên của Giáo hội Công giáo Rôma, được cử hành nghi thức tấn phong giám mục vào năm 1933. Ông đảm nhiệm chức vụ đại diện Tông Tòa Hạt đại diện Tông Tòa Phát Diệm trong khoảng thời gian 8 năm, từ năm 1935 đến năm 1943.

Giám mục Nguyễn Bá Tòng sinh tại Gò Công. Bắt đầu từ năm 10 tuổi, ông theo học các cấp học tại các chủng viện Công giáo khác nhau và hoàn thành việc tu học, được phong chức linh mục 18 năm sau đó vào năm 1896. Trở thành linh mục, ông đảm nhận các vai trò khác nhau như Thư ký Tòa giám mục, linh mục chính xứ Tân Định và Bà Rịa.

Tòa Thánh loan tin bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixta Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phó đại diện Tông Tòa Địa phận Phát Diệm. Với việc bổ nhiệm này, ông trở thành giám mục Công giáo Việt Nam đầu tiên. Nghi thức tấn phong tổ chức tại Roma do Giáo hoàng Piô XI chủ sự. Ông đảm nhiệm vai trò đại diện Tông Tòa địa phận từ năm 1935 đến năm 1943 khi hồi hưu. Sau đó, giám mục Tổng quản lý địa phận trong cương vị giám quản hơn một năm từ năm 1944 đến năm 1945 khi giám mục kế vị Gioan Maria Phan Đình Phùng đột ngột qua đời.

Bài viết tốt 21

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/21 Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (1909–1990) là một giám mục người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông từng đảm nhận chức vụ giám mục phó, giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ trong khoảng thời gian 25 năm, kéo dài từ năm 1965 đến năm 1990. Trong Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam, ông từng đảm nhận vai trò Tổng Thư ký trong suốt 10 năm, từ năm 1966 đến năm 1976. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Hãy nâng tâm hồn lên".

Nguyễn Ngọc Quang tên thật là Nguyễn Văn Sử (Sở), sinh tại Bà Rịa trong một gia đình 10 người con, trong đó 3 người đi theo con đường tu trì. Năm 11 tuổi, ông bắt đầu con đường tu trì của mình bằng việc nhập học Tiểu chủng viện Sài Gòn. Sau 15 năm tu học, ông được truyền chức linh mục vào tháng 9 năm 1935.

Sau thời gian ngắn thực hiện các công việc mục vụ Công giáo, năm 1938, tân giám mục Ngô Đình Thục nhậm chức tại Địa phận Vĩnh Long và quyết định cho linh mục Quang đi du học tại Pháp. Đầu năm 1939, linh mục Quang đặt chân đến Pháp. Trong thời gian du học, ông nhiều lần phải di tản và gián đoạn việc học do ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu. Tại Pháp, ông từng đóng vai trò trung gian hòa giải bất đồng giữa các phong trào cộng sản và dẫn đầu đoàn linh mục chào đón Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đến quốc gia này để đàm phán.

Bài viết tốt 22

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/22

Giám mục Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh trong lễ tấn phong Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường năm 2018.
Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh (sinh 1955) là một giám mục người Việt của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông hiện giữ chức giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt và Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019–2022. Trước khi trở thành giám mục chính tòa Đà Lạt, ông từng đảm nhận vai trò giám mục phó giáo phận này từ năm 2017 đến năm 2019.

Giám mục Mạnh sinh tại Cần Thơ trong một gia đình Công giáo lâu đời và có nhiều người theo con đường tu trì. Sau quá trình tu học từ thuở thiếu thời qua nhiều chủng viện Công giáo, ông được truyền chức linh mục vào tháng 5 năm 1994. Sau khi được truyền chức, ông đảm nhận vai trò linh mục phó xứ Tân Hóa trong thời gian chín năm trước khi đi Roma để du học và tốt nghiệp với văn bằng Tiến sĩ Giáo luật. Trở về Việt Nam, ông được cử làm Đại diện Tư pháp Giáo phận Đà Lạt.

Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh làm giám mục phó Giáo phận Đà Lạt vào đầu tháng 4 năm 2017. Lễ tấn phong được cử hành ngày 31 tháng 5 cùng năm. Hơn một năm sau đó, giữa tháng 9 năm 2019, Tòa Thánh chấp nhận đơn từ nhiệm vì lý do tuổi tác của giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt Antôn Vũ Huy Chương, giám mục Nguyễn Văn Mạnh kế nhiệm làm giám mục chính tòa.

Bài viết tốt 23

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/23

Chân dung cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa.
Phaolô Nguyễn Văn Hòa (1931–2017) là một giám mục người Việt của Giáo hội Công giáo Rôma, đồng thời là một nhạc sĩ nhạc Công giáo. Ông từng giữ các vị trí giám mục chính tòa Giáo phận Phan ThiếtGiáo phận Nha Trang từ năm 1975 đến năm 2009. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông từng đảm trách vai trò Phó Chủ tịch các khóa VI và VII (1995–2001) và Chủ tịch trong các khóa VIII và IX (2001–2007). Khẩu hiệu giám mục của ông là: "Trong Tinh thần và Chân lý".

Nguyễn Văn Hòa sinh tại Hà Nam, từ nhỏ đã đi theo con đường tu trì. Năm 1954, ông di cư vào miền Nam và tiếp tục việc học tại các chủng viện Công giáo tại Việt Nam, sau đó được cử đi học tại Roma, tốt nghiệp hai văn bằng Tiến sĩ Thần học và Cử nhân Thánh Nhạc. Ông chính thức gia nhập địa phận Đà Lạt năm 1958.

Cuối năm 1959, Nguyễn Văn Hòa được phong chức linh mục và trở về Việt Nam năm 1963. Ông được bổ nhiệm đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong Giáo phận Đà Lạt. Thời gian này, ông sáng tác nhạc thánh ca, trong đó các bài thuộc sách Bộ lễ Sêraphim được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Ông tình nguyện gia nhập tân Giáo phận Ban Mê Thuột năm 1968 và đảm nhận vai trò Thư ký Tòa giám mục, Tuyên úy dòng Nữ Vương Hòa Bình.

Bài viết tốt 24

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/24

Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng trong thánh lễ Giáng Sinh năm 2019.
Giuse Nguyễn Năng (sinh 1953) là một giám mục người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông hiện đảm nhận vai trò tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019–2022. Ông cũng từng đảm nhận vai trò Phó chủ tịch nhiệm kì trước đó (2016–2019). Khẩu hiệu giám mục của ông là "Hiệp Thông – Phục Vụ".

Giám mục Năng sinh năm 1953 tại Ninh Bình, sau đó năm 1954 di cư cùng gia đình vào Đồng Nai. Sau quá trình tu học dài hạn kéo dài từ năm 1963 đến năm 1978, vì hoàn cảnh thời thế, ông tạm ngừng việc tu học và đến phụ giúp Tu hội Tông Đồ Nhỏ tại Bạch Lâm, Thống Nhất, Đồng Nai và hỗ trợ mục vụ tại xứ Thuận Hòa, Biên Hòa trong vòng một năm trước khi truyền chức linh mục tháng 6 năm 1990.

Giai đoạn đầu đời linh mục, linh mục Nguyễn Năng được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ Thuận Hoà, sau đó được cử đi du học Roma năm 1998. Bốn năm du học kết thúc, linh mục Năng trở về với bằng Tiến sĩ Thần học Tín lý. Từ năm 2003, ông đặc trách chủng sinh Giáo phận Xuân Lộc và từ năm 2006 là Giám đốc Đại chủng viện Xuân Lộc.

Bài viết tốt 25

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/25 Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (1932–2014) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam Ông từng đảm nhận nhiệm vụ giám mục tại Giáo phận Phan Thiết trong hai giai đoạn là giám mục phó (2001–2005) và giám mục chính tòa (2005–2009). Khẩu hiệu giám mục của ông là "Tin Mừng cho người nghèo khó". Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông giữ vai trò Chủ tịch Uỷ ban Bác Ái Xã Hội – Caritas trong hai nhiệm kỳ, kéo dài từ năm 2001 đến năm 2007.

Sinh tại Nghệ An năm 1932 trong gia đình Công giáo, ngay từ năm 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thanh Hoan đã bước chân vào con đường tu trì. Sau quá trình di cư và tu học ở nhiều chủng viện Công giáo khác nhau, chủng sinh Hoan được phong chức linh mục tháng 4 năm 1965 tại Sài Gòn.

Với tính bác ái Công giáo nổi trội, tân linh mục được bổ nhiệm giữ chức linh mục phó kiêm phụ trách Hội Thừa sai Paris tại Đông Hà, Quảng Trị. Sau khoảng thời gian ngắn, do sự ác liệt của vùng giới tuyến trong Chiến tranh Việt Nam, linh mục Hoan đưa những người ông cưu mang và đông đảo giáo dân đến sinh sống tại Hàm Tuy (nay là Bình Thuận). Tại nơi đây, ông được bổ nhiệm chính xứ Bồ Câu Trắng do chính ông thành lập và đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, cải thiện đời sống của người dân không phân biệt tôn giáo.

Bài viết tốt 26

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/26

Chân dung Giám mục Phêrô Huỳnh Văn Hai.
Phêrô Huỳnh Văn Hai (sinh 1954) là một giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông hiện đảm nhận chức vụ giám mục Chính toà Giáo phận Vĩnh Long và Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019–2022. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Hãy ra khơi và thả lưới".

Huỳnh Văn Hai sinh tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre trong một gia đình làm nghề chài lưới. Năm 1966, chủng sinh Hai bắt đầu con đường tu trì và theo đuổi con đường tu học tại các chủng viện đến năm 1978. Vì hoàn cảnh đất nước, chủng sinh Hai về sống tại gia đình. Năm 1991, ông quay lại tiếp tục học tại Chủng viện và lần lượt được phong chức phó tếlinh mục trong hai năm 1993 và 1994.

Sau khi thụ phong linh mục, Huỳnh Văn Hai được cử đi du học tại Paris, tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Triết học. Năm 2004, ông hồi hương, được phân công đảm nhận vai trò giáo sư của nhiều chủng viện Công giáo. Năm 2011, linh mục Hai được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ.

Ngày 7 tháng 10 năm 2015, Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm linh mục Phêrô Huỳnh Văn Hai làm giám mục Chính toà Giáo phận Vĩnh Long. Với việc bổ nhiệm này, Giám mục Hai trở thành vị kế nhiệm cố Giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân, người qua đời đột ngột và khiến giáo phận Vĩnh Long lâm vào tình cảnh trống tòa trong hai năm. Buổi lễ truyền chức giám mục cho Huỳnh Văn Hai được tổ chức vào ngày 11 tháng 12 năm 2015 tại Nhà thờ chính tòa Vĩnh Long.

Bài viết tốt 27

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/27

Chân dung cố Giám mục Giuse Trần Văn Thiện.
Giuse Trần Văn Thiện (1 tháng 10 năm 1908 – 4 tháng 2 năm 1989) là một giám mục người Việt Nam thuộc Giáo hội Công giáo Rôma. Ông nguyên là giám mục tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn trong khoảng thời gian kéo dài 29 năm, từ năm 1960 đến năm 1989. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Phần rỗi trong Thánh Giá".

Giám mục Trần Văn Thiện sinh ra trong một gia đình đạo đức. Sau quá trình tu học tại các chủng viện Công giáo, ông được truyền chức linh mục năm 1935, với tư cách là một linh mục thuộc Hạt đại diện Tông Tòa Vĩnh Long kể từ năm 1938. Bốn năm sau khi được truyền chức, ông được cử đi du học tại Pháp. Sau gần một thập niên du học ngoại quốc, linh mục Thiện hồi hương và được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại chủng viện Á Thánh Minh.

Sau gần 10 năm đảm nhận công tác mục vụ, linh mục Trần Văn Thiện từ chức giám đốc chủng viện vì mong muốn được sống và thi hành các công việc mục vụ với các giáo dân. Ông được phân công phụ trách họ đạo Bãi Xan, tỉnh Vĩnh Bình. Chỉ sau hai năm quay về với việc mục vụ giáo xứ, linh mục Thiện được chọn làm người kiến thiết nền móng phát triển và sau đó đảm nhận vai trò viện trưởng tiên khởi Viện Đại học Đà Lạt.

Bài viết tốt 28

Cổng thông tin:Giáo hội Công giáo Rôma/Bài viết tốt/28

Chân dung Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân.
Gioan Đỗ Văn Ngân (sinh ngày 7 tháng 6 năm 1953) là một giám mục Công giáo người Việt Nam. Ông hiện giữ chức giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc và Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Tựa vào lòng Chúa Giêsu".

Giám mục Ngân sinh tại Ninh Bình và mồ côi cha từ nhỏ. Sau quá trình đào tạo tại một chủng việnGiáo hoàng Học viện, ông được thụ phong linh mục vào năm 1992. Sau khi được truyền chức, tân linh mục đảm nhận vai trò linh mục phó xứ Ninh Phát trong vòng hai năm và sau đó trở thành linh mục chính xứ này trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2005. Về mục vụ giáo xứ, linh mục Ngân cũng từng đảm nhiệm vai trò linh mục quản nhiệm giáo xứ Suối Tre.

Năm 2006, linh mục Đỗ Văn Ngân được cử đi du học tại thủ đô Manila của Philippines và tốt nghiệp với văn bằng Cao học Triết học. Về Việt Nam, ông được chọn làm Phó Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc và sau đó là tổng đại diện Giáo phận Xuân Lộc. Năm 2017, giáo hoàng bổ nhiệm ông làm giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Lễ tấn phong diễn ra vào ngày 1 tháng 6 cùng năm.

Bài viết tốt 29

Bài viết tốt 30

Bài viết tốt 31

Bài viết tốt 32

Bài viết tốt 33

Bài viết tốt 34

Bài viết tốt 35

Bài viết tốt 36

Bài viết tốt 37

Bài viết tốt 38

Bài viết tốt 39

Bài viết tốt 40

Bài viết tốt 41

Bài viết tốt 42

Bài viết tốt 43

Bài viết tốt 44

Bài viết tốt 45

Bài viết tốt 46

Bài viết tốt 47

Bài viết tốt 48

Bài viết tốt 49

Bài viết tốt 50